Menu Close

Nghệ thuật của những người rảnh rỗi

Quá trưa, anh N từ công ty trở về nhà. Vừa tắm anh vừa lẩm bẩm.

“Nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc mà thời gian làm việc của con người đã rút ngắn lại. Bây giờ một tuần được nghỉ đến ba ngày, ngày đi làm cũng chỉ trong vòng một buổi sáng là xong. Ðúng là thời đại của sự dư thừa thời gian, của xã hội giải trí. Con người ngày xưa chắc cũng từng mong muốn mình được sống trong thế giới như thế này…”

Tắm táp xong xuôi, anh nhâm nhi ly nước mát rồi mở thư ra xem. Ðây là lá thư của người đang làm ăn với công ty anh gửi đến.

“Những bức tranh tôi vẽ trong thời gian rỗi rảnh gom góp cũng đã khá nhiều. Nếu được anh đến giám thưởng giùm cho thì tôi rất lấy làm hân hạnh…”

Ðọc xong lá thư, anh N quyết định rời khỏi nhà. Thứ nhất là để làm đối tượng vui lòng mà cũng để giết thời gian buổi chiều dài dằng dặc vì anh chẳng có việc gì khác để làm.

Khi đến nhà ông ta, anh N thấy trong nhà đầy tranh. Có thể nói là một hình thức triển lãm cá nhân ở nhà vậy. Ngoài anh ra cũng có thêm mấy người khách nữa được mời đến. Sau khi cất tiếng chào chủ nhân xong xuôi, anh N mới hỏi.

“Tất cả đây là tác phẩm của ông à?”

“Ðúng vậy. Tôi vẽ theo nhiều phong cách khác nhau. Bức tranh này là tác phẩm mới nhất đấy”

“Tuyệt vời quá. Mặc dù là tác phẩm trừu tượng nhưng ông đã thành công khi đưa vào đó bầu không khí tự tình. Ðúng là thần diệu”

Anh N mở lời khen. Anh đã nghiên cứu hội họa để dành cho những trường hợp như thế này nên những lời này không phải lạc đề. Nếu tán hươu tán vượn sẽ làm tổn thương cảm xúc của chủ nhà. Lễ nghi là chuyện rất khó chứ có phải đùa đâu. Chủ nhà rất vui mừng.

“Ðược anh khen ngợi khiến tôi cảm thấy không gì vui hơn thế. Nghệ thuật chính là thể hiện ra quan điểm riêng của mình. Ðó là ý muốn được thể hiện. Nếu có những người như anh công nhận thì tôi thật lấy làm mãn nguyện và thấy mình sống có ý nghĩa”

“Thế giới trở nên như thế này thật là một khuynh hướng rất hay. Nếu như không có nghệ thuật thì thời gian rảnh rỗi do tiến bộ của khoa học kỹ thuật mang lại con người biết làm gì đây? Bây giờ ai cũng tham gia sáng tác về văn chương, thi ca và mỹ thuật. Ðúng là một xã hội văn hóa cao cấp. Con người ngày xưa chắc cũng không dự tưởng được là thời kỳ phục hưng thứ hai lại đến sớm như vậy…”

“Sao nào? Nếu anh đã thích thú như vậy thì mua một bức đi nhé. Nó sẽ làm cuộc sống của anh trở nên thi vị hơn”

“À, thì….”

Anh N thấy khó xử. Không thể cải chính lời nói lấy lòng lúc nãy, còn nếu bỏ tiền ra mua thứ này thì thật lãng phí. Nhưng thật may mắn làm sao. Ðúng lúc đó có ai đó vỗ vai anh. Quay người lại anh N nhận ra đó chính là người bạn cũ thời phổ thông. Anh ta nói.

“Trời, lâu quá không gặp. Thế nào? Ðến nhà tôi chơi một chuyến đi. Tôi sẽ cho anh thấy tác phẩm tuyệt vời của mình”

“Nếu vậy thì nhất định tôi phải xem mới được…”

Anh N đáp lời với vẻ cường điệu. Ðể thoát được tình cảnh phải mua tranh thì chỉ có cách bám vào lời của người bạn cũ. Sau khi tạm biệt chủ nhân, anh N rời khỏi căn nhà triển lãm cá nhân đó.

Ðến nhà người bạn, anh N cất tiếng hỏi.

“Tác phẩm của anh thuộc lĩnh vực gì vậy?”

“Nghệ thuật video. Tôi kết hợp những đoạn phim quay được với nghệ thuật âm thanh. Vì lĩnh vực này còn mới mẻ nên tôi có thể thử nghiệm mạo hiểm đủ kiểu. Chẳng hạn tính tiên phong, tính thực tiễn rồi tính động, tính tổng hợp… Nói chung là anh cứ xem qua cái đã…”

Và cái nghệ thuật video đó bắt đầu được trình chiếu trên màn hình. Anh ta đã chụp đủ mọi thứ, trộn thêm mấy mẩu tin tức thu lại từ tivi thành một mớ hổ lốn rồi chèn thêm đủ loại âm nhạc vào. Các khung hình cứ lướt qua với những thanh âm chan chát như muốn làm người xem đinh tai nhức óc vậy.

“Sao nào? Thấy ghê gớm chưa?”

Người bạn tự mãn. Tuy nhiên anh N không hề nghĩ như thế một chút nào. Từ đầu đến cuối anh hoàn toàn không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao cả. Tuy vậy, không thể nói như thế với tác phẩm nghệ thuật được.

“Tôi cảm động tự đáy lòng. Ðã thế còn kích động nữa chứ. Anh đã phân giải và tái hợp xướng lại những quang cảnh bình thường của cuộc sống con người, biến cái đẹp của sự tầm thường vô nghĩa thành một cảm giác sinh lý…”

Cái đẹp của sự tầm thường vô nghĩa mang ý là anh chẳng hiểu gì. Còn cảm giác sinh lý là ám chỉ anh bị nhức đầu và muốn ói. Anh N đã học được nghệ thuật khen ngợi cho nên mới có thể ứng biến đến mức như thế. Tuy nhiên người bạn cũ hiểu theo đúng nghĩa đen của câu từ nên vô cùng hớn hở.

“Cám ơn anh đã khen. Vậy để tôi cho anh xem thêm cái nữa. Anh cứ tự nhiên mà thưởng thức. Ðây có thể gọi là kiệt tác đấy”

Rồi không chờ anh N có đồng ý hay không, kiệt tác bắt đầu được trình chiếu. Tác phẩm này còn vô nghĩa hơn lúc nãy nữa. Nếu như theo phong cách nhẹ nhàng kiểu cổ điển thì đến nửa chừng ta có thể ngủ được. Tuy nhiên đây là tác phẩm mang tính tiên phong nên cứ hễ người xem buồn ngủ là những thanh âm kim loại chói tai lại vang lên khiến không sao mà ngủ được.

Cuối cùng thì cũng kết thúc. Anh N liếc nhìn đồng hồ.

“Chà, mải mê xem thế mà đã đến giờ này rồi à. Tôi phải về nhà thôi. Nhờ anh mà hôm nay tôi được thưởng thức những tác phẩm mạnh mẽ đến thế. Con người ngày xưa chắc không bao giờ dự tưởng được rằng đến một thời đại mọi người đều có thời gian rảnh mà hoạt động nghệ thuật như thế này đâu nhỉ…”

Anh N nói xong rồi vội vàng từ tạ.

Về đến nhà anh mệt mỏi rã rời. Nghệ thuật có lẽ là thứ tuyệt vời thật. Nhưng đó là đối với người làm ra tác phẩm thôi. Còn đối với người bị cưỡng ép xem, bị bắt thưởng thức cho dù có muốn hay không chỉ vì nghĩa lý và tình bạn thì đúng là không có cái khổ sở nào bằng.

Không thể nào ngăn cái nghĩa lý và tình bạn xen vào nghệ thuật được cả. Ðâu phải chỉ cần trả một món tiền là mình được miễn trừ đâu. Phải đi đến từng nhà, giết thời gian, chịu đựng nỗi thống khổ rồi phải đưa ra những lời tán tụng hợp lý nữa. Nếu như lâu lâu mới có một lần thì còn được đi. Ðằng này mỗi ngày đều như vậy cả. Nào là hội ngâm thơ, hội đàn samisen gì gì đủ thứ hết. Bởi vì người ta có thời gian rảnh rỗi nên phải tìm cách thỏa mãn cái ý muốn được biểu hiện mình. Những buổi chiều ngày bình thường với tất cả ngày nghỉ cứ phải đi vòng vòng loanh quanh những chỗ như thế cả.

“Chuyện gì vậy nhỉ? Giá như cứ như ngày xưa làm việc chăm chỉ đầu tắt mặt tối ở công ty đến khuya còn hay hơn. Chứ còn như giờ thì…”

Ăn cơm tối xong, anh N lẩm bẩm như thế. Trong lúc lẩm bẩm, anh N tóm tắt lại các ý kiến, hệ thống hóa lại các ý chính để làm thành quan điểm của mình. Anh bắt đầu dùng nó làm chất liệu viết văn. Vì ngày mai được nghỉ nên anh có thể chuyên tâm sáng tác. Anh say sưa viết, càng viết càng cảm thấy hưng phấn.

Sáng hôm sau, anh sử dụng máy chế sách và máy in gia đình để in thành những quyển sách nhỏ. Anh bỏ vào phong bì, viết tên những người quen rồi gửi vào thùng thư bưu điện.

Những người nhận được quyển sách đều lật nhanh ra xem, ai cũng cau mày nhăn mặt mà lẩm bẩm.

“Lại gửi cho mình những thứ  chán ngắt. Cậu ấy tuy là người tốt nhưng cứ sử dụng thời gian rảnh rỗi mà bày đặt bình luận xã hội. Bỏ đi cho người ta nhờ có phải hay hơn không? Phiền phức thiệt chứ…”

Nói xong định xé vứt đi nhưng rồi nghĩ lại.

“Nhưng mà cũng không nên làm thế. Lúc mình triển lãm điêu khắc, cậu ta lúc nào cũng đến làm mình vô cùng cảm động. Nếu đã là fan hâm mộ của mình rồi thì cũng không thể cư xử lạnh lùng quá được. Mặc dù dở tệ nhưng đối với cậu ta mà nói đây chính là quan điểm riêng. Chắc mình cũng phải viết thư trả lời với mấy câu phát biểu cảm tưởng đại khái chiếu lệ như văn chương thật là tuyệt vời thôi. Nhưng nếu thế thì phải đọc qua một lượt mới được. Tiêu tốn thời gian công sức vào những thứ ngớ ngẩn. Thiệt tình, chắc con người ngày xưa cũng không thể dự tưởng được một thời đại tệ hại như thế này đâu…”

Hòang Tường
Hòang Tường

HS

Hoàng Long dịch từ nguyên ngữ tiếng Nhật