Những khúc biến tấu này được viết dưới tên Châu Liêm (CL) trên tạp chí Phố Văn số 87 vào tháng 10 năm 2008. Sau số này tạp chí Phố Văn đình bản do khó khăn về tài chánh.
Hôm nay khi tiết trời vào thu ngồi đọc lại những trang viết ngày đó lòng bồi hồi xúc động xen lẫn nuối tiếc bâng khuâng. Trên số báo này CL ghi lại nhiều điều được xem như những khúc biến tấu (variations) của tháng mười. Thời gian tám năm qua đã có nhiều biến đổi ngậm ngùi: một số những nhân vật được nhắc đến đã vĩnh viễn ra đi như Hà Thượng Nhân, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Nguyên Nhi và cả hiền nội của kẻ này, một số hoàn cảnh đã đổi khác hoặc không còn -Những Người Từ Trăm Năm không về nữa, và cả người đứng trên cầu mùa thu năm nào cũng đi trên những lối khác… Tuy nhiên bên cạnh những biến dịch vẫn có cái bất biến như mùa thu và bài ca của lá, thơ tình Miền Nam, như Lễ Hội Oktoberfest vẫn còn diễn ra hàng năm tại Dallas này.
Kỳ rồi chúng ta đã có Khúc Biến Tấu 2. Kỳ này là Khúc Biến Tấu 3 .
Khúc biến tấu 3
Thơ tình miền Nam
& Hai bài thơ Trần Dạ Từ
Anh Trần Hoài Thư vừa mới gửi tặng CL cuốn sách Thơ Tình Miền Nam. Quyển sách đóng bìa cứng, dày tới ngoài 700 trang, là công trình biên soạn của hai anh Nguyễn Thanh Châu và Trần Hoài Thư. Cầm cuốn sách, lần giở từng trang, CL bồi hồi gặp lại một số khuôn mặt của một thời đã qua. Thời ấy, chiến tranh, hỏa châu thắp sáng từng đêm, như cơn lốc cuốn hết mọi mảnh đời, vậy mà anh em vẫn làm được thơ tình rất hay. Ðiều này cho thấy, mặt nào đó chế độ chúng ta chấp nhận tiếng nói trung thực của con người, và tình yêu cùng khát vọng sống vẫn tiếp tục vươn lên trong bom đạn, đổ vỡ.

Thơ Tình Miền Nam… có sự góp mặt của 150 nhà thơ với ít nhất vài trăm bài thơ tình. Trước hết, đây là điều Miền Bắc XHCN không hề có. Sau nữa, đọc thơ của các thi sĩ Miền Nam thời chiến tranh, ta thấy có những nét nổi bật, khác với sự êm ả, khuôn sáo của thời tiền chiến. Và phần nào đã vượt qua thơ tiền chiến. Ở đây, CL đã gặp lại nhiều khuôn mặt bạn bè: Nhớ Quách Thoại thời trước 54 ở Huế và sau này lang thang ở Sài Gòn với anh em trong Sáng Tạo, Ôi, Như Băng vì đâu mà lệ ứa… Nhớ Joseph Huỳnh Văn ở Tân Ðịnh sau năm 82 giữa một xã hội đói thơ và đói cơm. Nhớ Kim Tuấn ở Pleiku và Eo Gió, Sông Mao của năm 74. Nhớ Hoàng Anh Tuấn với bài Nghi Lễ cho Thy Liên. Nhớ Nguyễn Ðạt với Kỷ Niệm Dã Quỳ ở Ðơn Dương. Nhớ Nguyễn Phan Thịnh những buổi đọc thơ ở Quán Phượng Sài Gòn 1985 và sau này trong điệu A Go Go bập bùng lửa đỏ trên vùng tuyết băng Lawton, Oklahoma. Nhớ Nguyễn Tất Nhiên người từ trăm năm, về qua sông rộng…- Nhớ Song Hồ với Kim Kim, bây giờ tháng mấy rồi, Kim nhỉ. Nhớ Tạ Ký suốt một chặng đường dài từ Huế, Ðà Lạt rồi Sài Gòn. Nhớ Trần Lê Nguyễn đạp xe đi bán báo dạo những năm 80 ở hẻm cà phê Hồ Hoàng Ðài trên đường Tự Ðức. Nhớ Vũ Hữu Ðịnh với Phố Núi cao… Nhớ. Nhớ lắm. Những anh em nói trên đã ra đi gần hết, để lại một không gian trống.
Xin cảm ơn Trần Hoài Thư và Nguyễn Thanh Châu với Thơ Tình Miền Nam. Nhờ hai anh mà đời này còn được những vẻ đẹp và mai sau còn tiếng nói và hương lưu.
Hai bài thơ của Trần Dạ Từ
Nói về Thơ Tình Miền Nam không thể không nói đến Trần Dạ Từ và Nhã Ca, đôi cánh chim vẫn bay bên nhau tới bây giờ trên bầu trời văn học. Với CL, thơ của Nhã và Từ làm sống lại một thời ở Huế. Hôm nay, nhân nói về Thơ Tình Miền Nam, CL xin gởi đến bạn đọc hai bài thơ nổi tiếng của Trần Dạ Từ.
nụ hôn đầu
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh,
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa
ký ức về Huế
Một con đường bắt đầu từ mùa đông
Băng ngang vườn hoa nhỏ
Ăn thẳng vào trí nhớ
Nơi đi về của em
Từng ấy năm
Từng ấy năm bao nhiêu đêm
Bao nhiêu cành khô
Bao nhiêu lần thức dậy
Một hòn đá trên đỉnh núi ném xuống
Tiếng còi xe lửa đều đặn những buổi chiều
Và những toa tàu hiền lành, chậm chạp
Mang anh tới
Trong sương lam và khói
Dưới chân núi
Cơn mê sảng của em
Từng ấy năm
Từng ấy bao nhiêu đêm
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu lời nguyền rủa
Một khách sạn tồi tàn giữa khu phố sầm uất
Phòng số 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và hành lang
Với mùng nệm chăn gối bàn ghế
Và mắc áo
Tro bụi của chiến tranh
Nơi khua động của em
Từng ấy năm
Từng ấy năm bao nhiêu đêm
Bao nhiêu lo âu
Bao nhiêu lần trở lại
Một dòng sông bắt đầu từ giấc mộng
Cắt đôi thành phố
Chảy thẳng vào anh
Cùng tiếng chuông với bọt bèo mưa lũ
Nơi trôi nổi của em
Từng ấy năm
Từng ấy năm bao nhiêu đêm
Bao nhiêu chìm đắm
Bao nhiêu lần sống chết
Bao nhiêu anh và em.
Kỳ tới:
Nếu không có những cánh chim