Menu Close

Viết một truyện hài

Lò mò gạt thẻ, xách túi ra đến ngoài cửa hãng thì trời cũng vừa xẩm tối. Ðiện thoại có tin nhắn. Mở tin ra đọc thì đúng là “hung tin”. Là ông chủ tòa soạn báo nơi tôi vẫn  gửi truyện viết, vừa để thỏa mãn niềm đam mê vừa để kiếm thêm dăm ba đồng nộp cho mụ vợ. Trong tin nhắn ông ấy viết: “Truyện ngắn cậu gửi đợt vừa rồi chắc không đăng được. Bây giờ xu hướng mới người ta thích truyện hài. Hài mà khiến người ta cười rung rốn được thì tốt. Cậu viết lại đi. Từ giờ có gửi thì chỉ gửi truyện hài thôi nhé”. Hỡi ôi, nhận được nhiệm vụ viết truyện hài mà lòng tôi lại thấy bi hết mức.

Nói về nguồn gốc của cái chuyện viết lách thì là như vầy. Hồi còn ở Việt Nam, tôi từng làm việc cho một tờ báo. Lương ba cọc ba đồng, sống chủ yếu nhờ…vợ. Thế rồi ông bà già vợ bảo lãnh cả nhà qua Mỹ. Trước đêm lên đường, mụ vợ mới thủ thỉ vào tai nhưng giọng mang đầy tính chất dọa nạt, cưỡng bức:

“Qua đến Mỹ rồi thì tập trung vào làm kinh tế, kiếm tiền đi nhé. Ðừng có suốt ngày ẩm ương viết lách, thơ thẩn vớ vẩn nữa. Tôi để cho anh viết lách thời gian qua chẳng qua là vì đợi giấy tờ xuất cảnh. Giờ xong rồi thì lo mà đi cày cho khỏe nghe chưa?”.

Thế là tạm biệt cố hương, tạm biết anh em chiến hữu vẫn miệt mài ủng hộ mình trên…bàn nhậu, tôi cắp hòm theo nàng qua trời Tây.

Ôi cái ngày ở Việt Nam giờ chỉ còn là quá khứ của một thời vàng son. Còn đâu những ngày tháng lượn lờ rong ruổi làm việc còn sướng hơn cả đi chơi. Những buổi sáng ngồi trong quán cà phê tán phét đến mỏi mồm. Cho đến trưa thì anh em vào quán, vừa gọi vài món vừa cà kê dê ngỗng chuyện văn chương thế giới. Ðến gần chiều mới tạt qua tòa soạn, ngồi vào máy tính cặm cạch gõ, mặt đăm chiêu tưởng như đang thai nghén một tác phẩm văn chương lỗi lạc, hòng cứu rỗi cả một thời đại loạn lạc đau thương. Ðể đến đúng 5 giờ chiều thì đã sẵn sàng xách xe ra ngoài bờ hồ hóng gió, tìm tiếp cảm hứng. Và bao giờ thì các anh em cũng đã sẵn sàng ở đó chờ mình. Ðể những ý tưởng, dự án văn chương lớn lao cứ tung tóe văng ra theo những cái khoa chân, múa tay, đôi khi kèm theo cả nước miếng của tất cả các thành viên trong bàn nhậu, cho đến tận khuya lơ khuya lắc chân nam đá chân chiêu về nhà. Khi mụ vợ cáu kỉnh mặt gàu gợn còn hơn cả gã công an giao thông đứng chặn trước cửa, thì cái dự án văn chương thuộc hàng khủng, mang tầm cỡ quốc gia, có khi đến tầm quốc tế chứ chẳng đùa lại líu lo trên đầu lưỡi. Mụ vợ gắt nhặng lên một hồi rồi mệt, mỏi mồm quá cũng phải thôi. Còn ta thì cứ kệ mụ mà vật ngay xuống giường rồi ngáy rền hơn sấm động.

viet-mot-truyen-hai
Thắm Nguyễn

Ấy là những ngày sung sướng khi còn ở cố hương. Mụ vợ mình cũng dễ thương và dễ dãi trên mức tuyệt vời. Các anh đừng vội phán xét tôi là gã nhà văn quèn, lười biếng ưa nhậu nhẹt. Chẳng cứ gì nhà văn, nhà thơ có cái thói làm việc kiểu đó mà “Lòng vả cũng như lòng sung. Một trăm con lợn cùng chung một cỗ lòng”. Một trăm gã đàn ông ở Việt Nam, thì đến 99 gã “sống và làm việc” như rứa cả. Một gã còn lại thì được xếp vào hạng “dở hơi, bơi ngửa”, không “chuẩn men”. Nếu có  khác chăng thì chỉ là ở vị trí quán nhậu mà thôi. Vì những anh nhàng nhàng thu nhập như chúng tôi thì làm việc ngoài vỉa hè, lề phố. Còn mấy gã chức cao, quyền lớn thì làm việc trong những nhà hàng sang trọng đắt tiền, ngồi trong phòng víp có cả mấy em váy ngắn chân dài gắp thịt, chùi mỏ.

“Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”. Qua đến Mỹ tôi cày “mửa mật”, đi làm từ sáng sớm về đến nhà lúc nhá nhem. Tôi than khổ thì vợ tôi “âu yếm” bảo rằng:

“Anh có phước mà không biết mình đang hưởng phước. Có công ăn việc làm ổn định như thế nhiều người mơ cũng không được đâu nha.”

Nói rồi mụ lại hăm dọa tiếp:

“Có thấy mấy người thất nghiệp, vô gia cư kia không? Trời lạnh, tuyết rơi thế này chẳng biết có chỗ nào để ngủ không nhỉ.”. Nói xong rồi mụ còn làm vẻ mặt đau khổ đáng thương.

Tôi biết lần nào than khổ mụ vợ cũng ca bản nhạc này. Tôi cũng chẳng ngán phải vất vưởng lang thang, “đi mây về gió” như mấy gã homeless. Chỉ có điều, nghĩ đến cảnh đã vỗ ngực ra oai đi định cư Mỹ với mấy anh bạn rồi, bây giờ lại lang thang bốc mùi thì dù gì, trái tim của một nhà văn như tôi làm sao chịu đựng nổi.

Qua đến Mỹ thì cái gì cũng đổi thay, mà cái thứ đổi thay nhiều nhất là vợ tôi. Khi xưa mụ dễ thương, nhũn nhặn, chiều chồng bao nhiêu thì bây giờ mụ khó khăn, độc đoán, tham lam chừng ấy. Thân phận của tôi bây giờ còn hèn mọn hơn cả con chó đốm trong nhà. Thực ra thì tôi cũng chẳng phải là chăm chỉ gì cho cam. Chẳng qua vì ở nhà tù túng quá. Mụ vợ tôi thì lại xồ xề, dung nhan xập xệ hơn dạo ở Việt Nam thì phải. Chẳng biết có phải vì ngày còn ở nhà, tôi la cà rong chơi miết. Tối về đến nhà thì men cũng đang lên mà thấy vợ lúc nào cũng xinh đẹp dịu dàng. Cũng có thể, không chừng ngày ấy tôi nghe vợ chửi mà cứ ngỡ vợ đang ca.

Uống bia ở Mỹ là một điều xa xỉ với tôi. Cả tuần đi làm không nói làm gì. Cuối tuần thì còn phải chở vợ đi suốt.

“Anh mà uống rồi chở tôi đi, police bắt được thì rục tù”.

Ðời tôi sợ nhất là ở tù. Thế là thôi khỏi uống. Vậy thì thú vui lành mạnh duy nhất là đi cày. Vừa không sợ đói rét, tù tội lại vừa khiến vợ cười tươi như hoa mỗi lần nhận check. Ấy thế là tôi cày miệt mài, cày như điên.

Một ngày cuối tuần, khi còn đang mơ màng trong giấc mộng, mụ vợ tôi mới rú lên như vừa thua bạc, sấn sổ chạy đến bên giường dựng tôi dậy:

“Gì đây, gì đây. Anh lại ngứa nghề à? Cái gì đây?”

Mắt mụ trợn ngược nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống.

“Gì mà sáng sớm ra đã ầm lên vậy?”, tôi ngơ ngác, giọng vẫn còn ngái ngủ.

Mụ vợ giận dữ gí sát tờ báo vào mặt tôi rồi rên rỉ:

“Trời ơi, tôi đã bảo là đừng có viết lách gì nữa mà sao không nghe hả trời?”

“Hả, viết gì?” tôi vẫn còn ngơ ngác.

“Thì đây nè, truyện của anh, rồi cả hình của anh người ta đăng lên báo nữa đây nè.”

Tôi vồ lấy tờ báo ngấu nghiến đọc. Ðúng là truyện của tôi rồi, lại còn có cả hình của tôi nữa. Tôi sướng điên, cười ha hả rồi nhảy tưng tưng trên giường.

“Tôi cấm nhé. Cấm có viết lách gì nữa. Tôi không muốn anh lại suốt ngày cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ nữa nhé. Anh mà bỏ việc để viết lại thì đừng có trách. Anh mà không đi cày thì lấy đâu ra tiền cho… tôi xài. Mà anh viết lúc nào  tôi không hay ?”.

“Lúc em đang ngủ”, tôi đáp lòng vẫn còn đang sung sướng lâng lâng. “Em yên tâm anh không bỏ việc đâu mà lo. Mới lại truyện được đăng thế này người ta trả tiền nhuận bút đấy.”

Nghe tôi nói không bỏ việc rồi lại nghe đến tiền nhuận bút thì mắt vợ tôi sáng lên còn hơn cả đèn pha

“Ừ thế thì cứ tiếp tục viết lúc em đang ngủ nhé”, vợ tôi lập tức đổi giọng dịu dàng lại còn làm cử chỉ âu yếm, lãng mạn hôn cái chụt vào má tôi.

Thì đấy, đấy là nguồn cơn đưa tôi trở lại với văn chương. Tôi sung sướng, say sưa viết gửi truyện hàng tuần và được đăng đều đều. Cuộc sống ở Mỹ cho tôi nguồn cảm hứng dồi dào tưởng chừng như vô tận. Người ta vẫn bảo “nhà văn nói láo, nhà báo ba hoa”, ngày tôi còn ở Việt Nam thì có thể đúng như vậy, vì chỉ một cái tin vịt thôi, xào đi xào lại, thêm mắm bớt muối vào là đủ dùng thậm chí đến vài số báo. Nhưng văn ở Mỹ của tôi thì khác hẳn. Truyện tôi viết là những câu chuyện trong đời thực. Là những điều hàng ngày tôi phải nếm trải. Là cuộc sống cơm áo đời thường: vụn vặt nhưng lại mang tính văn chương nhiều hơn cả những dự án tôi và các anh bạn đồng nghiệp từng “ấp ủ”  nhiều năm trời. Ấy là những nỗi cơ cực của một người Việt những ngày đầu trên đất Mỹ. Là những bon chen của đồng nghiệp cùng “máu đỏ da vàng” nhưng thậm chí còn tàn khốc hơn cả những kẻ dị chủng. Văn chương đã là cứu cánh của tôi để vượt qua cuộc chiến cơm áo sinh tồn, của những lời vợ cằn nhằn, cáu bẳn.

o O o

Tôi trở về nhà với bộ mặt buồn hơn khi đi đưa đám. Trông thấy vẻ rầu rĩ của tôi, mụ vợ hỏi:

“Sắp tới không được làm overtime nữa à?”.

“Vẫn”, tôi đáp cụt ngủn.

“Sao mà mặt mũi ra vậy?”. Rồi không đợi tôi trả lời mụ nhảy bổ đến bên tôi:

“Hay là phải lòng, phải dồi con nào rồi. Tôi biết ngay mà. Người ta vẫn bảo chồng là thứ bán chẳng ai mua, cho không ai lấy nhưng cứ hở ra là mất cắp. Nói mau con nào?”

“Phải lòng cái con khỉ. Toàn ghen tuông vớ vẩn”.

“ Vậy sao mà đờ đẫn như mất hồn thế kia?”

“Sắp tới chắc nghỉ viết rồi”, tôi thở dài não nuột.

“Nghỉ viết là sao?”

“Thì nghỉ viết truyện chứ sao. Người ta không nhận truyện tôi viết nữa rồi”

“Sao lại thế? Chẳng phải anh vẫn viết và người ta vẫn đăng rồi trả tiền đều đều ấy sao. Hay người ta kiếm được người viết giỏi hơn anh rồi?”.

Thế này đời tôi có bất hạnh không hả trời, vợ với chả con thế đấy. Chồng sắp mất việc đến nơi còn không tiếc lời vùi dập.

“Không phải. Mà bây giờ người ta muốn tôi viết truyện hài”.

“Ôi trời, tưởng anh bị mất việc chứ. Hài hay bi thì cũng có khác gì. Anh là nhà văn, kiểu gì anh chẳng viết được”, vợ tôi cười khẩy rồi thở hắt ra, vui mừng vì không bị mất đi một tấm check.

“Khác chứ sao lại không. Bi là khóc, hài là cười. Cô có thấy người ta bảo khóc với cười là một không?”, tôi giận dữ đáp trả lại vợ.

“Vậy chẳng phải ở đời người ta vẫn cười cười khóc khóc, khóc khóc cười cười ấy sao? Giống như mấy cô hoa hậu ấy, chẳng vừa cười vừa khóc khi người ta úp vương miện lên đầu là gì?”, vợ tôi ngang ngạnh.

“Trao vương miện chứ không phải là úp”, tôi rên lên trong tuyệt vọng. “Nói tóm lại là tôi không viết được truyện hài. Nghỉ viết, thế thôi”.

“Thôi là thôi thế nào. Không viết được thì phải cố rặn ra mà viết.”

“Trời ạ, văn chương nghệ thuật chứ có phải đi đẻ đâu mà cố rặn. Mà dù có muốn rặn thì cũng phải có gì trong ruột thì mới rặn ra được chứ”, tôi vò đầu đau khổ.

“Chẳng cần biết có hay không nhưng phải rặn, thế thôi. Tôi không muốn mất đi một tấm check, rõ chưa?”, mụ vợ nói như ra lệnh rồi nguẩy mông bước đi.

o O o

Thế đấy, cuộc đời tôi giờ đây chỉ đầy rẫy những đau thương. Ở hãng, dù chỉ làm cu li thôi cũng phải giành nhau đến mẻ đầu sứt trán mới giữ được job với đồng nghiệp. Về đến nhà thì gặp phải mụ vợ ghen tuông chỉ biết có đến tiền. Vậy mà giờ bắt tôi phải viết truyện hài để chọc cười thiên hạ. Hỡi ôi, thử hỏi tôi biết viết làm sao?

MM