Menu Close

Lũ đầu mùa

Con lụt đầu tiên trong năm, nước xăm xắp đầu ngõ, đám con nít đã dô hò chặt chuối đóng bè xuôi ra tận cửa sông. Cách đây chừng một tháng, cha tôi nhờ mua dầu rái về sơn trát lại chiếc ghe; đan, lận, sửa chữa lại những nan tre bị hỏng. Nước lụt mang phù sa về bồi đắp ruộng đồng. Vài ba năm không lụt coi như đất đai hết chất màu. Nhưng lụt lớn quá thì thiệt hại khôn lường.

Hơn nửa năm không có đợt mưa lớn nào. Những tháng hè nắng hạn cháy khô cánh đồng lúa, vào cuối mùa gặt trời có mưa lác đác nhưng mưa chỉ đủ làm ướt rơm rạ dăm ba ngày, còn thì nắng đổ lửa.

Lưới cá lũ đầu mùa trên đường
Lưới cá lũ đầu mùa trên đường

Ðã cuối Tháng Chín, mấy cơn bão đi qua. Hồi Tháng Tám, bão đánh tốc mái nhà, vỡ cả hàng ngói. Nước trút như thác nhưng chỉ mưa gió một ngày một đêm là dứt. Hơn 10 năm nay, vào mùa mưa lũ, việc gieo trồng, sản xuất lúa vụ ba bị bỏ hoang. Mà bỏ cũng phải thôi. Ngập lụt thì mất sạch.

Tuần trước dọn vườn trồng một vạt rau. Giống rau tối kỵ ngập úng. Mọi việc chưa đâu vào đâu thì tin dự báo thời tiết sắp có mưa to gió lớn và bão đang tiến vào địa phận tỉnh Quảng Nam.

Cả ngày hôm kia ngồi ru rú trong phòng nghe gió giật từng cơn. Mới qua 2 ngày mưa mà sau một đêm tối mày tối mặt vì mưa trút khắp hè sau, hiên trước. Mưa tầm tã suốt đêm. Nước tạt vào tận bàn viết. Gió lớn đập vỡ một cánh cửa, nhìn ra vườn, mấy cây đu đủ bị gãy đôi.

Sáng ra nước lênh láng. Nghe mấy đứa con nít gọi nhau ơi ới ngoài đường rủ nhau đi lội nước lụt mà nhớ cái thời cha mẹ mình cực khổ vật lộn với lụt lội. Hồi còn nhỏ mẹ vẫn dặn đừng dầm lũ, nước bạc ăn chân. Có ai sợ nước bạc ăn chân. Chỉ chưa biết sợ đời quăng quật mình giữa bão cuồng mưa lũ. Một thời trẻ dại sống hồn nhiên giữa lũy tre làng cứ mỗi khi nước lụt là thả ghe bơi quanh xóm rong chơi. Ngay cả giữa cảnh người người gọi nhau giữa bão bùng thác lũ, nước dâng cao, vào nhà ngập sâu cả mét, trâu bò heo gà thóc lúa bị lũ cuốn trôi vẫn không làm mất đi cái vui của những ngày sau lụt. Nước rút, mọi người thi nhau tạt nước dội bùn non, hỏi han nhau. Nhưng đó là những cây lụt lớn vào cuối Tháng Mười. Lũ đầu mùa bao giờ cũng đem lại niềm thích thú.

Sáng nay nước lên phải lo nhổ đậu, dọn rau. Lội bì bõm ngoài vườn suốt buổi sáng chợt nghe có người rao bán lạch.

Con lạch (lịch huyết) Lạch (còn gọi là lịch huyết) là loài thân trơn, mình dài, đầu nhọn sống trong các hang hốc nơi thượng nguồn các dòng sông, chủ yếu ở khu vực miền Trung. Con lạch trông giống con lươn nhưng ngắn hơn, nhỏ hơn, bình thường nó to bằng chiếc đũa và dài gấp rưỡi chiếc đũa. Người ta chỉ đánh bắt được lạch khi có nước lũ đầu mùa đổ về.
Con lạch (còn gọi là lịch huyết) là loài thân trơn, mình dài, đầu nhọn sống trong các hang hốc nơi thượng nguồn các dòng sông, chủ yếu ở khu vực miền Trung. Con lạch trông giống con lươn nhưng ngắn hơn, nhỏ hơn, bình thường nó to bằng chiếc đũa và dài gấp rưỡi chiếc đũa. Người ta chỉ đánh bắt được lạch khi có nước lũ đầu mùa đổ về.

Năm nào cũng vậy, vào đầu mùa mưa là nước ách (nước ếch). Ếch nhái, ễnh ương cứ uềnh oang. Tiếng kêu loài ễnh ương vang rền trong đêm mưa sao mà não nùng. Cánh đàn ông cầm đèn soi ếch vào tận bàn thờ. Ếch là một sinh vật dại khờ. Vậy nên mới đầu mùa mưa toàn họ nhà ếch đã nhanh chóng làm mồi cho bọn soi ếch. Không ăn được thịt ếch nên tôi không biết ếch ngon đến cỡ nào. Chỉ tội nghiệp những sinh vật hiền lành này. Nắng lâu, gặp những trận mưa, ếch lớn, ếch nhỏ trong hang hốc nhảy ra đón cơn mưa kêu vang. Sung sướng chưa được mấy hồi đã bị loài người bắt làm thịt.

Những cơn mưa lớn khiến nước sông tràn bờ, làm ngập đồng ruộng, bãi bồi. Khi con lụt đầu tiên đổ về sông Bà Rén là dân vạn chài ven sông gọi nhau đi thả rớ đáy. Cả vùng trắng xóa trong màu nước, các loài thủy sản từ thượng nguồn đổ dồn ra biển, nghề rớ đáy thu được đủ loại tôm cá tươi ngon, đặc biệt trong đó có loại lạch huyết màu đỏ thẫm.

Vốn lăn lộn với nghề sông đã thành quen nên khi nước lụt tràn về, người dân quê tôi không mấy người lo lắng. Ngược lại, có khi họ còn hồ hởi, vui mừng vì cá, lạch theo nước lũ tràn về, tha hồ mà đánh bắt.

Cha tôi vốn thèm món cháo lạch nhất trên đời. Nhớ lại hồi còn nhỏ, mỗi lần đầu mùa lũ, cha vẫn chờ mua những xô lạch đem về cho mẹ. Lạch huyết dùng để chế biến các món ăn rất bổ dưỡng, đặc biệt là bổ máu.

Giờ đây tôi phải làm món này cho cha. Tôi chưa biết phải nấu như thế nào. Còn nhớ hồi nhỏ nhìn những con lạch lúc nhúc từng dề, mấy đứa con trai tưởng như thấy phật tiên làm phép lạ, chúng hò reo la hét và nhào tới đưa tay vớt từng nắm lạch với một niềm hả hê.

Bị dòng nước lũ sục bùn đục ngầu, những con lạch huyết sống dưới đáy bùn trồi lên. Mùa mưa là mùa lạch tức trứng, chúng chui ra từ các hang hốc bơi tung tăng trong lòng sông để giao phối và bị cuốn xuôi theo dòng nước về nơi hạ nguồn. Những con nước chảy ào ào từ thượng nguồn trôi về xuôi cuốn theo từng đàn lạch bụng căng trứng, kết thành dề. Ngư dân vùng hạ lưu chỉ cần lấy lưới cào hoặc rớ đáy hoặc chĩa để bắt.

Nhìn những dề lạch nhơn nhớt trơn tuột trượt trên tay người bán và ai ai cũng trầm trồ tôi vui lây. Mua được một ký lạch suốt buổi trưa phải đi lùng khắp chợ mới tìm được ít măng khô. Ngày xưa hễ có lạch là cha tôi ra bụi tre chặt ngay một mụt măng. Lạch um măng với cha tôi là món hảo hạng mà trong đời cha chưa thấy thứ gì ngon hơn. Làng tôi làm gì còn măng với tre. Nơi cuối vườn ngày xưa có lũy tre bây giờ là con đường bê tông.

Thấy nhúm măng khô, cha tôi cười bảo cha răng rụng hết rồi, không nhai được măng, ông mua lạch về để tôi nấu cháo. Mà cháo lạch là gì với cha lại ngon đến thế. Chỉ biết những dề lạch theo nước lũ trôi sông hình thành tên con nước đầu mùa: NƯỚC LẠCH và cứ vậy hàng năm lạch trôi về được đánh bắt đem bán dạo khắp xóm dưới làng trên.

Tôi được chỉ dẫn rằng người ta không dùng nước sôi mà dùng tro bếp, nước chanh hoặc khế để làm sạch nhớt của lạch, cách này giúp làm chúng sạch, đánh bay mùi tanh, thịt không bị cứng. Lạch được luộc mềm, vớt ra, gỡ lấy thịt, ướp gia vị bắt lên chảo um. Khi nấu cháo sôi để nhỏ lửa liu riu cho cháo chín, thỉnh thoảng khuấy đều cháo, rồi cho lạch um chín vào nồi cháo đun nhừ. Cháo lạch phải ăn lúc còn bốc khói thơm lừng, kèm nhiều rau thơm, và tiêu, ớt.

Trẻ em và bè chuối mùa lũ
Trẻ em và bè chuối mùa lũ

Có năm quê tôi hứng đến 10 trận lụt, có năm không lụt trận nào. Thường mưa lớn lũ trên nguồn về thì có nước Ách, nước Lạch, rồi nước Cá. Những con lũ nhỏ đầu mùa, khác lạ là nước Lạch, vui nhất là nước Cá. Những con cá bụng mang đầy trứng, gặp lúc lũ lên, nước mưa trong khe suối, ao hồ tràn ra là lũ cá cái và cá đực ngược nước vượt lên tìm nơi đẻ trứng. Khi nước tràn qua đường, vào xóm, chảy ra đồng, lũ cá rô, cá diếc, cá tràu, cá ngạnh, cá chép… theo con nước hồn nhiên bơi tung tăng dạo chơi. Lũ cá ức nước không biết tai họa giăng khắp nơi. Bao nhiêu là lưới, lờ, đơm đó… tóm gọn chúng đem về chế biến đưa lên mâm cơm.

Với con người đây không chỉ là món quà do thiên nhiên ban tặng mà còn là niềm vui được đánh bắt, thưởng thức, tận hưởng hương vị mùa mưa lũ.

LTT