Trong hồi ký Đường Tới Điện Biên Phủ [Nxb Quân đội Nhân dân 2001], qua ghi chép của Hữu Mai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chương 3 Giải phóng Biên giới cho biết chính ông lấy quyết định đánh Đông Khê thay vì Cao Bằng sau suy nghiệm “đánh thành là hạ sách” của Nguyễn Trãi. Phương châm trên thật ra không phải của Nguyễn Trãi mà của Tôn Tử. Trong Binh pháp, Tôn Tử bày ra ba đối sách: ‘‘Cao nhất là phá thế chiến lược đối phương. Thứ đến: Bằng ngoại giao phá thế liên hoàn giữa đối phương với các chư hầu và đồng minh. Đối sách thứ ba: Tấn công trên trận địa. Đánh thành là hạ sách.’’ [Sun Tzu, L’Art de la guerre, sir Basil H. Liddell Hart và Samuel B. Griffith tổng hợp, bản dịch Pháp văn của Francis Wang, Nxb Flammarion, Collection Champs Essai, 2008.]
Tuy vậy, tuy nhầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn chiến thắng trận Đường Biên Giới làm nên bước ngoặt trong chiến tranh Việt-Pháp. Kể từ đây về sau quân viễn chinh không còn có thể hy vọng chiến thắng một khi cánh cửa biên giới mở tung với quân trang, quân viện Bắc Kinh ồ ạt tràn sang. Trận Đường Biên Giới được các sử gia xem quyết định vì đã đảo ngược cán cân lực lượng. Cũng chính từ chiến dịch này bắt đầu hình thành huyền thoại thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên, hồ sơ về các cố vấn Trung Cộng đăng trong tổng tập hồi ký Ghi Chép Thực Về Việc Đoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc Viện Trợ Việt Nam Chống Pháp, [Nxb Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh 2002, do Dương Danh Dy cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Bắc Kinh dịch và hiệu đính], lại phơi bày một thực tế khác: chính các cố vấn trưởng Trần Canh (Chen Geng) rồi Vi Quốc Thanh (Wei Guoqing) đã lấy những quyết định quan trọng nhất trên cả hai mặt chiến lược và phương án, với đồng tình của Hồ Chí Minh. Hầu hết các “kiến nghị” này đều đi ngược với kế sách ban đầu của Võ Nguyên Giáp. “Người anh cả của quân đội” có thật sự là một thiên tài? Đối với Trần Canh và Vi Quốc Thanh, chưa từng là một câu hỏi.

Nhìn vào danh sách các đơn vị tham chiến: Phía Pháp bao gồm Binh đoàn Charton với 3 tiểu đoàn (1 Lê Dương, 1 Tabor Marốc, 1 tiểu đoàn phụ lực quân VN với 1 pháo đội 105 ly) và Binh đoàn Lepage với 2 tiểu đoàn Tabors Sơn Cước Marốc, 1 tiểu đoàn Tirailleurs Tán binh Bắc Phi tăng cường Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương (1er BEP), với Tiểu đoàn 3 Biệt kích Nhảy dù Thuộc địa (3e BCCP) thả dù về sau, cộng thêm Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 3 Lê Dương đóng tại các đồn Pò Mã, ải Chí Mã, Đồng Đăng, Nà Sầm, Bồ Cường, Thất Khê và Đông Khê, lực lượng Pháp là 9 tiểu đoàn tương đương 6,000 binh sĩ. Phía Việt Minh ngoài Đại đoàn 308 của Vương Thừa Vũ mà cố vấn Trần Canh cho biết quân số lên đến 20,000 bộ đội, tham gia chiến trận còn có 2 trung đoàn độc lập 174 của Đặng Văn Việt và 209 của Lê Trọng Tấn mà cấp số gần bằng một Lữ như Đặng Văn Việt tường thuật trong hồi ký Người Lính Già Đường Số 4, tức gần 5,000 bộ đội mỗi trung đoàn. Chưa tính các tiểu đoàn địa phương của Tỉnh-miền Cao Bằng-Lạng Sơn, cùng tiểu đoàn cảnh vệ Tổng bộ Việt Minh, Võ Nguyên Giáp đã tung vào trận Biên giới trên 30,000 lính. Chỉ riêng trận công đồn Đông Khê, hai trung đoàn độc lập 174 và 209 vây đánh công kiên hai đại đội Lê Dương trú phòng. Và trên cao điểm 615, hai trung đoàn của đại đoàn 308 tiến đánh một tiểu đoàn Nhảy dù Pháp. Như thế, nếu là một thiên tài quân sự, thì trước nhất Võ Nguyên Giáp là một thiên tài chuyên đánh biển người. Nhưng qua ghi chép của Trương Quảng Hoa, vai trò của đại tướng lại vô cùng mờ nhạt. Tin hay không tin là câu hỏi của từng người Việt, còn hồn ma cố đại tướng vẫn sẽ phải đối diện với những kiểm tra của lịch sử một khi các tài liệu mật của Quân đội Nhân dân được bạch hóa.
Được dịch với ngôn ngữ tuyên huấn, “Đồng Chí Trần Canh trong Viện Trợ Việt Nam Chống Pháp” là một chứng từ mà lúc sinh tiền Võ Nguyên Giáp đã không phản biện. Trần Vũ
Trương Quảng Hoa
Dương Danh Dy chuyển ngữ
Đồng Chí Trần Canh trong Viện Trợ Việt Nam Chống Pháp
Rất nhiều người đều biết công lao hiển hách của đồng chí Trần Canh trong chiến tranh cách mạng Trung Quốc. Nhưng rất ít ai biết đến đồng chí đã có những đóng góp lớn đối với cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam.
- Sang Việt Nam với cương vị đại diệnTrung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ðầu năm 1950, Hồ Chí Minh Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam bí mật thăm Bắc Kinh, tranh thủ sự ủng hộ cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam. Lúc đó, Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai đang ở thăm Moskva, Chủ tịch liền đi ngay sang Moskva, cùng Mao Trạch Ðông, Stalin trao đổi vấn đề trọng đại liên quan đến chiến tranh Việt Nam chống Pháp. Stalin nói, tình hình Trung Quốc và Việt Nam gần giống nhau, tiếp giáp lãnh thổ, nhiệm vụ viện trợ đấu tranh cách mạng của Việt Nam chủ yếu nên do Trung Quốc phụ trách.
Lúc bấy giờ Trung Quốc mới ra đời, vết thương chiến tranh đầy mình, kinh tế khó khăn chồng chất, nhưng để chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước, đảng anh em Việt Nam, và đập tan sự bao vây của các nước đế quốc đối với Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc quyết định chấp nhận yêu cầu của Hồ Chí Minh. Sau khi hai bên Trung Quốc – Việt Nam trao đổi cho rằng, để việc viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam tiến hành thuận lợi, trước tiên cần tổ chức một chiến dịch ở biên giới Trung – Việt, để khai thông tuyến giao thông vận tải giữa hai nước, mở ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh chống Pháp. Vì vậy, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tích cực thành lập đoàn cố vấn quân sự do Vi Quốc Thanh làm đoàn trưởng, vừa điện báo cho Trần Canh Phó tư lệnh quân khu Tây Nam, kiêm Tư lệnh quân khu Vân Nam, đi sang trước Việt Nam giúp tổ chức và chỉ huy chiến dịch biên giới.
Sau khi Trần Canh sang Việt Nam với cương vị là đại diện Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 18/6 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ thị rõ ràng nhiệm vụ của Trần Canh đi Việt Nam: “Ngoài bàn bạc và giải quyết một số vấn đề cụ thể với phía Việt Nam ra, nhiệm vụ chủ yếu nên căn cứ vào tình hình mọi mặt của Việt Nam, vạch ra một kế hoạch quân sự đại thể thiết thực khả thi, để căn cứ vào kế hoạch đó cung cấp các loại viện trợ…”. Sau đó không lâu, Trung ương lại yêu cầu rõ ràng Trần Canh: “Ở Việt Nam nên giúp các đồng chí ấy đánh mấy trận, mở ra một cục diện tương đối ”.

Ngày 7/7/1950 Trần Canh dẫn đầu Tổ công tác gồm cán bộ quân sự, chính trị hậu cần rời Côn Minh lên đường sang Việt Nam. Ðúng lúc giữa hè oi bức, nóng như đổ lửa, có lúc mưa to dầm dề, hằng ngày đi trên đường núi và lội trong ruộng lúa ngập nước, làm cho Trần Canh bị thương nặng hai chân cảm thấy vô cùng khó khăn và vất vả. Ðồng chí viết trong nhật ký: “Sang Việt Nam vào mùa mưa… sáng dậy, mưa vẫn như trút nước”, “Thời tiết oi bức, núi cao đường mòn, bùn trơn khó đi, có ngựa cũng không cưỡi được. Xuống núi đến sông Thanh Thuỷ đã mệt nhoài ”, “Qua cầu, Ðảng Cộng sản Việt Nam cử người dựng lều đón tiếp, có các loại thức uống và hoa quả. Ðói khát, đến đây ăn như hùm như hổ. Nghỉ ngơi một lát, lập tức ra lệnh cho các đồng chí trong đoàn đại biểu triển khai hoạt động điều tra. Một đêm mưa to, răng đau dữ dội ”.
Trong hai mươi ngày đêm gian khổ đó Trần Canh lê đôi chân bị thương, chịu đựng từng cơn đau răng dữ dội, trên đường đi vẫn cười nói tự nhiên. Ðồng chí vừa đi vừa chăm chú điều tra nghiên cứu, nắm vững tình hình liên quan đến tác chiến, xem xét tỉ mỉ vấn đề tác chiến từ nay về sau của quân đội Việt Nam. Ngày 20/7, Trần Canh điện báo Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc và La Quý Ba (về sau làm đoàn trưởng đoàn cố vấn chính trị Trung Quốc, Ðại sứ Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam) đã có mặt tại Việt Nam và nói: “Theo tôi tìm hiểu dọc đường đi quân Pháp ở Việt Nam chưa có khả năng tấn công, bọn địch ở Lạng Sơn, Lào Cai v.v. còn khống chế binh lực cơ động tương đối với thuyết hiện thực, quân đội Việt Nam chưa giành được chủ động hoàn toàn, một bộ phận chủ lực quân đội Việt Nam, sau khi qua Quảng Tây, Vân Nam chỉnh huấn trang bị, tinh thần rất cao, nhưng cán bộ tiểu đoàn trở lên phần nhiều là phần tử tri thức mới, khả năng chỉ huy thực tế tương đối ít, phương châm tác chiến ở Bắc Bộ Việt Nam hiện nay nên tranh thủ tiêu diệt bộ đội cơ động của địch trong dã chiến, trước hết, nhổ một số cứ điểm cô lập tương đối nhỏ, giành thắng lợi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao và củng cố tinh thần bộ đội, tranh thủ chủ động hoàn toàn, từng bước chuyển sang tác chiến quy mô lớn; phía Việt Nam đã quyết định đánh Cao Bằng trước; tôi kiến nghị bao vây Cao Bằng, đánh chiếm trước cứ điểm cô lập ở vòng ngoài, rút kinh nghiệm, nếu địch ở Cao Bằng ra chi viện, tranh thủ tiêu diệt một bộ phận của chúng ở dã ngoại, tạo điều kiện có lợi cho đánh chiếm Cao Bằng, rồi đánh lấy Cao Bằng sau…”
Ý kiến của Trần Canh được Quân uỷ Trung Quốc tán thành. Ngày 26/7, Quân uỷ Trung ương điện trả lời Trần Canh: “Chúng tôi cho rằng ý kiến của đồng chí là đúng, quân đội Việt Nam nên đánh trận nhỏ trước, từng bước luyện tập, có thể đánh trận lớn hơn một chút. Sau đó mới có thể đánh trận tương đối lớn. Trước mắt chưa nên đánh Cao Bằng, đánh cứ điểm nhỏ trước, đồng thời tranh thủ vây thành chặn viện là thích hợp ”.
(còn tiếp)