Menu Close

Lũ lụt miền Trung (kỳ 1)

Chúng tôi đến Lệ Thủy, Quảng Bình lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật ngày 16 tháng 10 năm 2016, lúc này nước lũ đã rút đi có nơi 1.5 mét, có nơi 2 mét, nghĩa là “đã qua cơn đại hồng thủy”. Tuy nhiên, đường đi vào trung tâm huyện Lệ Thủy, đặc biệt là vào thị trấn Kiến Giang hầu như vẫn còn mênh mông nước, chỉ có một phương tiện duy nhất để vào bên trong là đò máy. Nhà đò lúc này cũng tranh thủ làm ăn, hét giá một chuyến đò chạy dọc nhánh sông nhỏ của Kiến Giang với giá 200 ngàn đồng, đoạn đường ước chừng 3km. Thói quen làm ăn cơ hội của rất nhiều người biết kiếm tiền trong lúc đồng loại gặp tai họa chăng?!

Ảnh Xóm nhiep anh

Nước vây bốn bề

Vào đến thị trấn Kiến Giang, nước vẫn còn ngập sâu từ 1 mét đến 2 mét, không khí dọn lụt có thể nói là “tưng bừng”. Phải nói là tưng bừng bởi người dân mừng vì nước lũ đã rút, sau hai ngày đêm bó mình trên các căn gác chật hẹp, nhìn dòng nước chảy xiết từ từ cuốn phăng tài sản, trâu bò, heo gà, bàn ghế, tủ giường, lúa gạo bị ướt, nhịn đói và rét run, bây giờ nước rút, thấy được cái cửa, cái ngõ thì chắc hẳn phải mừng vì biết mình còn sống!

Cậu bé ở Lệ Thủy thả lưới trước sân nhà
Cậu bé ở Lệ Thủy thả lưới trước sân nhà
Không thể rách hơn
Không thể rách hơn

Tiếng tát nước dội bùn từ đầu làng cho đến cuối xóm; bùn non dày có nơi lên đến nửa mét, xe cộ, áo quần, mùng mền, bàn ghế bám đầy bùn non. Trong khi đó hầu như không có thứ gì để ăn, nước uống cũng bắt đầu cạn dần. Ghé vào nhà một phụ nữ đang tát bùn non trước sân hỏi thăm, chị này giới thiệu tên Hà, chị cho biết: “Nhà em không còn gì nữa. Bị trôi gần như không còn gì, nước chảy dữ quá!”.

“Lúc nước dâng là 8 giờ tối, nhưng đến 10 giờ tối thì nước đã ngập trong nhà gần một mét, cả nhà có cố gắng dọn dẹp đồ đạc nhưng không sao kịp được, chỉ kịp đưa cái ti vi, cái nồi cơm điện và bếp gas lên gác, còn lại thì kê lên cao nhưng rồi cũng ướt sạch”.

“May là ông xã em không bị gì, bởi vì nhà có con bò, sợ nó uống nước chết nên ông dắt lên trên đường lộ gởi ở nhà người quen, khi đi thì nước chỉ tới đầu gối nhưng khi về thì nước đã lên quá hai mét, có nơi ba mét, cánh đồng Lệ Thủy thành một biển nước mênh mông, sóng to gió lớn. Ổng và người ở dưới đường cái chèo thuyền, ổng nói là mấy lần suýt lật thuyền vì sóng lớn quá, nước chảy xiết”.

“Áo quần, sách vở của các cháu có bị ướt không chị?” – Tôi hỏi.

“Dạ ướt không còn gì nữa, nói chung là may mắn mình còn sống, chứ có nhiều người bị nước cuốn chết, tội nghiệp lắm, ba ngày nay đói meo anh ạ. Vì đâu có cái gì để ăn. Thấy nước lên quá thì cứ ngồi trên gác để chờ, có gì thì gỡ ngói lên mà kêu cứu. Nhưng giờ nghĩ lại thấy kinh khủng quá vì có kêu cứu lúc đó cũng chẳng có ai mà cứu, trời tối đen như mực, nước chảy bốn bề, mưa gió kinh hoàng. Gió là sóng đập ầm ầm, ở trong đất liền mà giống như ngoài biển không chừng!”.

“Người ta có thông báo cho mình biết là xả đập thủy điện không vậy chị?”.

“Có thông báo gì đâu, nhiều nhà đang ăn cơm tối, cũng có nhà đi ngủ rồi; ở quê đây nhà nông thì ngủ sớm, trừ một số nhà làm dịch vụ, buôn bán thì ăn cơm muộn hơn. Có nhà đang ngủ gặp nước vào bắt đầu hoảng lên, mở cửa ra dắt bò thì bị nước chảy trôi mất đồ đạc. Nước chảy khủng khiếp lắm, em chưa bao giờ gặp nước lũ chảy như thế này. Phải nói là lũ chứ không phải lụt như hồi xưa đâu, chảy như thác!”.

Nhà em còn gì đâu, con lại đang đau!
Nhà em còn gì đâu, con lại đang đau!
Làm quen với lũ
Làm quen với lũ

Thiệt hại khôn kể

Tôi đang loay hoay không biết tính sao đây khi nhà đò lúc nãy đã đi rồi, nước ngoài sân vẫn còn chảy xiết mà muốn thăm các nhà khác thì phải lội nước ướt đến ngang lưng. Như vậy thì máy móc coi như khỏi dùng được vì cách gì khi đeo cũng thấm nước vào cho dù là vác nó lên vai khi lội… May có một cô bé ước chừng 15 hay 16 tuổi gì đó bơi một chiếc ghe nhôm đến hỏi tôi: “Chú ơi, chú đi thăm nhà trong xóm hả? Cháu đưa chú đi, cháu miễn phí cũng được, chú yên tâm đi!”.

“Ủa, cháu chèo đò hả?”.

“Dạ mấy ngày nay cháu chèo đò thuê trong xóm thôi, cứ mỗi chuyến cháu lấy hai ngàn đồng, nhưng chú là nhà báo, cháu ưu tiên miễn phí!”.

Nhìn cô bé mặt vẫn còn con nít và khi nó nói giá tiền thì toát lên vẻ nhẹ nhàng, không coi nặng, kiểu như là thành quả mấy ngày lụt nó kiếm được vậy, tự dưng tôi thấy cay cay mũi. Tôi hỏi: “Cháu chở có được không? Sao chèo đò mà không mặc áo phao? Rồi áo phao của khách đâu?”.

“Dạ không, cháu không có áo phao, cháu biết bơi, chú yên tâm đi, cháu chèo đò giỏi lắm! Cháu hứa là không có chuyện gì đâu!”.

Chị Hà đế thêm vào: “Nó con gái em đó, anh cứ đi, nó chở cho, mấy ngày nay nó chở nhà em đi tới đi lui, nó bơi ghe giỏi lắm, hơn bố nó nữa!”.

Không còn cách nào khác, ghe thì nhiều chiếc nằm đó nhưng nghiệt nỗi ai cũng lo tát nước dội bùn, mặt mày hốc hác, bận rộn quay mòng mòng nên chỉ còn nước nhờ cô bé này. Khổ nỗi tôi cũng không biết bơi ghe, mà để cho một đứa bằng tuổi con cái mình, lại là con gái bơi ghe, lèo lái chở mình đi thì thú thực chẳng có gì ngại hơn.

Cô bé bơi rất giỏi, nhưng đến đoạn cua ngã ba, nơi rẽ vào xóm khác đường chật hơn thì tôi thấy ghe hơi lắc lư. Tôi nín thở chuẩn bị tinh thần ôm máy nhảy xuống nước bơi (vì cô bé thì bơi giỏi nên không sao). Thuyền cứ lắc lư liên tục. Tôi ngoái lại đằng sau, hóa ra con bé nó đã bước xuống nước, nước sâu ngang bụng nó, nó lội bộ và đẩy thuyền chở tôi trên đó.

Tôi la nó: “Cháu lên thuyền đi chứ làm gì vậy, nước bẩn, ngấm vào người mai mốt nổi ghẻ đó chứ không giỡn đâu!”.

“Dạ đoạn này cạn, hẹp khó lái quá chú ơi, đẩy cho chắc ăn!”.

“Thôi để chú xuống đẩy với cháu!”

“Dạ không, vì cháu rành đường, chú mà lội xuống, không biết chỗ nó sụp hố một phát thì lút đầu đó chú, chỗ này có mấy cái hố. Để cháu đưa chú vào nhà bà Vấn, bà này bị thần kinh, có anh con trai hơn cháu vài tuổi cũng ngơ ngơ, nhà nghèo lắm, trôi sạch đồ rồi. Chú coi viết bài để bà con họ đọc, có người nào thương tình thì cho bà vài đồng”.

“Cháu học lớp mấy?”

“Lớp 10 ạ, lúc nãy cháu nói chú rồi mà! Chú quên nhanh thế!”.

“À… Chú nhớ ra rồi!” – Thực ra tôi làm sao quên được, con bé mới vừa nói với tôi xong. Nhưng nghe cách nói chuyện cũng như tính tình lì lợm, can trường (dám hù tôi nếu bước ra khỏi thuyền thì không cho đi nữa, cứ ngồi yên!) và suy nghĩ rất người lớn của nó, nhà nó cũng bị trôi như mọi nhà khác mà nó lại nghĩ đến chuyện lấy thuyền chở nhà báo đến nhà khác khó khăn hơn để viết bài, giúp đỡ, thì không dưng tôi thấy mình còn nhỏ hơn con bé này nhiều quá mặc dù nó chỉ bằng tuổi con tôi.

Xin mời xem tiếp kỳ 2:
Ba Đồn không điện không cơm

———————————

Anh Mặc Lâm (người chịu trách nhiệm khu vực ĐÔNG NAM Á của đài RFA),gởi những lời nhắn đến đồng bào có lòng hảo tâm muốn giúp kẻ hoạn nạn, nội dung như sau:

Cha Giuse Trần Chính Trực, nhà thờ giáo xứ Tân Hội, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình sáng nay đi cứu trợ lụt. Ngài không phân biệt là lương – giáo mà tìm đến từng ngõ ngách để giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn. Ngài vừa báo đã hết mì và đi mua nợ để tiếp tục trợ giúp những bà con đang bị cô lập trong cơn lũ.

Nếu quý vị nào chung tay giúp đỡ bà con, vui lòng liên lạc trực tiếp với Cha Trực, điện thoại: 0989678456

Xin chia sẻ tin tức này qua Facebook mong mọi người gọi trực tiếp cho Cha Trực xem thử giúp được gì cho Cha hay không. Ngài đang rất khó khăn và nói với tôi Ngài rất cần lương khô, mì tôm và nước sạch mà những thứ ấy phải mua bằng tiền. Xin mọi người góp một lời cho bạn bè khắp nơi cứu giúp người khốn khó. Xin gởi tin này đến mọi người.

Tài khoản của Cha Trực xin ghi lại:

Trần Chính Trực
Ngân hàng VietcomBank
Chi nhánh Vinh
Số tài khoản: 0101000747085

Tài khoản nước ngoài:

Trần Chính Trực
Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam
BIDV Chi nhán Quảng Bình
Swift Code: BIDV  VNVX
Gửi tiền Việt: # 53210000328259
Gửi USD: # 53210370029459

———————————

DANH SÁCH VÀ SỐ ĐIỆN THOẠI CỦA CÁC LINH MỤC Ở MỘT SỐ GIÁO XỨ VÙNG LŨ

Vùng xã Quảng Lộc trong đó có giáo xứ, Cồn Sẻ, linh mục quản xứ là Antôn Nguyễn Thanh Tịnh, số điện thoại: 0962586911, facebook:

Anthanh Linhgiang. Và giáo xứ Vĩnh Phước, do linh mục Tuệ quản xứ, số điện thoại: 0913893917.

– Vùng xã Quảng Hòa, có các giáo xứ sau: xứ Hòa Ninh, linh mục quản xứ Micae Hoàng Xuân Hường, 0915099365.

– Vùng Quảng Tiên, Quảng Trung, có xứ Liên Hòa, do linh mục Hồ Thái Bạch quản xứ, số điện thoại: 01688595803.

– Vùng xã Quảng Văn, có giáo xứ Cồn Nâm và Giáp Tam do linh mục Nguyễn Văn Phú quản, tel: 0984151278.

– Vùng xã Quảng Sơn, có giáo xứ Diên Trường, do linh mục Nguyễn Văn Hùng Quản, tel: 0915707589.

– Vùng xã Quảng Phương, Quảng Thanh và Quảng Phong, có giáo xứ Hướng Phương, và giáo xứ Phù Ninh, giáo xứ Tân Phong, do linh mục Lê Nam Cao quản, sđt: 0915017708.

– Vùng xã Phù Hóa, Cảnh Hóa, có xứ Phù Kinh, linh mục quản xứ: Phaolô Nguyễn Minh Sáng, số đt: 0932278877, face: Lèn Rồng. xứ Kinh Nhuận, linh mục quản xứ: Phêrô Trần Ngọc Hưởng, số đt: 0912555278.

– Vùng xã Mai Hóa, Tuyên Hóa, có xứ Minh Cầm, linh mục quản xứ Phêrô Lê Thanh Hồng, sđt: 0912484116.

– Vùng xã Thạch Hóa, có xứ Tân Hội, linh mục quản xứ Nguyễn Chính Trực, 0989678456.

– Vùng xẫ Kim Hóa, và Thanh Hóa, thuộc huyện Tuyên Hóa, có xứ Kim Lũ, linh mục Triều, số đt: 0973730115. xứ Đá Nện, linh mục Trương Văn Vút, sđt: 0949547169.

– Vùng xã Hưng Trạch, có giáo xứ Gia Hưng do linh mục Nguyễn Văn Hữu, 0913368456.

– Vùng xã Liên Trạch, có giáo xứ Yên Giang do linh mục Cao Dương Đông, sđt: 0984794103.

– Vùng xã Lâm Trạch và Phúc Trạch, có giáo xứ Tam Trang, linh mục Nguyễn Trung Năng, sđt: 0962842177. giáo xứ Troóc, do linh mục Trần Ngọc Du quản xứ, sđt: 0914750597. giáo xứ Chày, do linh mục Dương quản xứ.01236607459.

– Vùng xã Sơn Trạch?, có giáo xứ Hà Lời, do linh mục Nguyễn Văn Hảo quản xứ, sđt: 0918672463.

* Hoặc gửi về cho Ban Bác Ái Giáo Phận Vinh – Caritas Vinh, Tòa Giám mục Xã Đoài, Nghi Diên. Nghi Lộc Nghệ An, email: caritasvinh@gmail.com, tel: 0986118280.