Với một ý nghĩ rất cổ lỗ tôi vẫn cho rằng trẻ em ngày nay, thế hệ người Việt sống ở hải ngoại không có được cái thú ăn quà vặt và nghe tiếng rao hàng ở quê nhà như tôi thời thơ ấu. Cách đây vài năm, cháu ngoại tôi có dịp về thăm Việt Nam, một buổi trưa nó hỏi mẹ:
– Bà này bị lỗi gì mà ai bắt bả, trưa nào bà cũng đi quanh xóm kêu lớn để xin lỗi mọi người vậy, Má?
Mẹ nó lắng nghe mới biết đó là tiếng rao hàng lanh lảnh trưa trưa trong xóm: “Ai ăn cherry?” Con bé không rành tiếng Việt, nghe như tiếng xin lỗi “I am sorry! I am sorry!”
Cái thời xưa, chuyện mua bán, theo cung và cầu, đã có những dịch vụ đưa đến tận nhà, không phải đi xa, trước hết ngay cả những món hàng như gạo, vải mà ngày nay chúng ta phải cất công đến cửa hàng, thì cái thời thô sơ đó, ở các làng mạc và các tỉnh nhỏ những người buôn bán vải vóc hay gạo thóc đưa đến tận nhà qua những lời rao mời hàng. Sinh ra trong một gia đình công chức, tôi còn nhớ mẹ tôi thường đong gạo từ những cô hàng xáo (1) và mua những thước vải màu những bà bán vải, thường mang bên mình một “tay nải” nặng mớ vải đủ loại và tay cầm cây thước gỗ dài, đi từ nhà này sang nhà khác. Rồi có nải chuối, con gà, mớ rau, trái bí… cũng phải mang đi rao bán. Ngay có những món hàng nặng nề cũng có người mang đi mời từng nhà. Thỉnh thoảng bạn thấy một người mang hai cây tre, hay đã làm thành sản phẩm như chiếc giường hay chiếc thang, là những món hàng ở thôn quê mang lên phố. Người nông dân cần tiền, ra vườn đẵn hai cây tre tốt, mang đi bán để lấy tiền đong gạo. Kiểu mua bán thô sơ này không cần mở cửa hàng, mà cũng chẳng cần biết đến chuyện thuế má. Ngày còn nhỏ tôi đã thấy nhiều nông dân vác hai cây tre, đi suốt ngày mà không ai mua, gần tối chiều mệt mỏi, đói khát, ông ghé một nhà nào đó, bán rẻ gần như cho không. Từ làng lên thành phố đã hằng chục cây số rồi, lại phải đi quanh trong thành phố, thật quá vất vả.
Còn thức ăn thì từ sáng sớm đến lúc tối khuya, dù mưa hay nắng, mùa hạ nắng gắt hay mùa đông lạnh giá đều có thức ăn rao bán tận cửa nhà. Tôi không có thời thơ ấu ở Hà Nội hay miền Bắc, nhưng tôi còn nhớ mãi tiếng gõ “sực tắc” của xe mì ông già người Tàu, trong phim “Kiếp Hoa” do hai cô đào Kim Chung, Kim Xuân đóng được chiếu ở Saigon vào thời điểm sau 1954. Xe mì Tàu không có tiếng rao, nhưng có tiếng gõ “nhịp ba” bằng hai thanh gỗ của đứa bé theo phụ nghề, âm thanh đi rất xa, kêu gọi bao tử của những ai muốn ăn bát mì nóng mang đến tận cửa nhà.
Nhưng xe mì là chuyện của người lớn. Bọn trẻ chúng tôi thường bâu quanh xe bán kẹo kéo, mà tôi nhớ người bán phải là một ông Bắc Kỳ, không Bắc Kỳ sao lại có câu rao:“Có tiền mà để làm gì? Không mua kẹo kéo Bắc Kỳ mà ăn?”Thứ kẹo mềm và giòn này là một tảng lớn bao bọc trong mình nó đậu phụng rang, nhưng nghệ thuật của người bán dùng vải bọc lót tay, kéo ra thành những đoạn dài mà vẫn còn bọc được những hạt đậu phụng ở trong. Với một cái ngắt tay nhanh tuỳ theo đoạn kẹo dài ngắn theo số tiền của “người đối diện”, khúc kẹo kéo được bọc vào một mảnh giấy báo trao cho người mua. Ông bán hàng còn dụ bọn khách hàng nhỏ tuổi bằng trò chơi quây số may rủi, nhưng cuối cùng thanh kẹo kéo dài ngắn cũng chẳng cách biệt bao nhiêu, nhưng cũng đã đem lại chút vui mừng hay thất vọng nho nhỏ chốc lát của một thời thơ ấu.
Tôi cũng nghe những người bạn di cư nói về tiếng rao “hàn xôi phá sang” của ông Tàu già bán lạc rang mà cũng không hiểu mấy tiếng rao nửa Việt nửa Tàu này nghĩa là gì? Rồi món mía hấp, sương sáo, bánh cuốn, cốm bắp, món chè “lục tào xá” và xe kẹo kéo…
Ở quê nhà, trên đường phố, nắng hay mưa, đêm hay ngày, lúc nào cũng vang lên tiếng rao quen thuộc của những gánh hàng rong. Ðiểm tâm thì có gánh bún, gánh xôi, gánh cháo, bánh mì nóng hay ông già đẩy cái xe cọc cạch bán mì, phở hay cháo huyết. Buổi trưa có gánh đậu hủ đường gừng thơm ngát, cậu bé bán kem, kẹo đậu phụng, cốm gạo hay cốm bắp gánh trong hai cái lu lớn của ông già bán cốm. Ở miền Trung còn có những gánh chè bày những chén chè nhỏ đủ loại úp trên mấy cái mẹt tre, gánh bánh bèo, bánh nậm, bánh lá, bánh bột lọc hay gánh bánh canh Nam Phổ… cho những người cần ăn bữa lỡ lúc xế chiều. Buổi tối lại những món ăn rao mời, nghe tiếng rõ ràng trong đêm vắng: bánh mì nóng, món chè đêm, thúng hột vịt lộn hay gánh phở lắc lư theo ngọn đèn dầu tù mù ngang trước nhà. Ðêm khuya, nghe tiếng ông rao phở kéo dài tiếng “phở” hay cô hàng hột vịt lộn ngân nga tiếng “lộn” nghe xa xa, mờ nhạt rồi tắt hẳn!
Những ngày vào Nam, có ai còn nhớ tiếng rao ngọt ngào như món ăn trong gánh hàng rong: “Ai ăn chè đậu xanh, nước dừa, đường cát hôn?” “Ai ăn vịt lộn không”, “Bắp luộc, bắp nướng đây!” “Bánh mì nóng giòn mới ra lò…”, “Bánh bò bánh tiêu”, “Bánh gai, bánh giò đê” “Báo mới đây…”
Có phải chăng con người Việt Nam khá dư dả, sung túc nên ngoài chuyện “cơm ngày ba bữa” còn có thể có tiền ăn chút quà rong? Sự thật là người dân Việt đều thích ăn quà giữa những bữa cơm, càng nghèo càng bình dân lại càng ăn quà, vì vậy hàng quà chỉ sống nhờ những xóm bình dân hơn là trong những khu phố sang trọng. Ít tiền thì củ khoai, khúc mía, trái cóc, miếng ổi…, dư dả thì bát phở, tô mì, tạo nên thứ văn hoá… ăn quà vặt.
Có bao nhiêu thức ăn, bao nhiêu món hàng được rao bán, thật khó mà lên một danh sách cho đầy đủ: từ cây kem cho đến bát phở. Nhưng không phải tất cả tiếng rao hàng đều ngọt ngào, mềm mại, âm thanh trầm bổng như của cô bán chè “…nước dừa, đường cát hôn?” hay “Ai ăn chè đậu ván!” mà có những buổi trưa bạn đang thiu thiu ngủ, có những tiếng rao như kêu thét lên“Tẩm quất! Tẩm quất!” cùng âm thanh của những miếng sắt nhỏ chạm vào nhau nghe loảng xoảng hay tiếng chuông leng keng của chiếc xe bán kem vừa đi qua.
Rồi những tiếng kêu lớn của người thợ hớt tóc dạo: “Tóc đây! Hớt tóc đây!”
Anh chàng mua đồ “lạc xon:” “Ðồng hồ, quạt máy, ra-dô cũ bán không?”
Chị mua lông gà vịt:”Ai lông gà lông vịt bán không?”, “Ve chai đây!” “Có giường nệm, bàn ghế bán không?”
Vào cái thời khốn nạn của đất nước “cái gì cũng bán, cái gì cũng mua”:
“Từ tượng đồng, mộ bia, lăng miếu,
Ðến xác thân em bé đứng đường.”
Quê hương với những tiếng rao hàng vẫn còn đó, nhưng ngày nay, vào thời đại văn minh, những tiếng rao hàng đã thay đổi bằng máy những ca khúc “bolero” qua băng casette rồi đến CD. Tội nghiệp cho những giọng ca nổi tiếng ngày nay đi vào lòng quần chúng, trên những xe kẹo kéo, bánh bò, và cả bánh giò, bánh chưng. Nhiều người bán hàng còn trang bị thêm các loại đèn nhấp nháy “hazar light”, “strobe lights” như đèn xe cảnh sát để gây thêm sự chú ý của người mua hàng. Nhiều người than phiền rằng về Việt Nam không ngủ được vì có quá nhiều tiếng động như tiếng còi xe, tiếng chó sủa, tiếng người cười nói ồn ào, pha lẫn và nhiều nhất là tiếng rao hàng, nhiều khi cho mãi tận đến khuya.
Ở trên quê hương chúng ta, những tiếng rao hàng phản ánh nếp sống của người dân nghèo khó, bình thường của những người buôn thúng, bán bưng, suốt một đời cực nhọc vì miếng cơm manh áo, nghỉ một ngày là đói một ngày. Có những gánh bún của bà mẹ đã nuôi nổi một đàn con khôn lớn, một mẹt hành, chanh, ớt cũng đủ tiền chợ trong ngày. Tôi không quên những xe bán kem, chiếc bình ga bán bong bóng hay xấp vé số của người lính miền Nam vừa ra khỏi nhà tù, nếm chút đắng cay đổi đời của cuộc sống để chờ đợi một tương lai sáng sủa hơn.
Còn người muốn ăn quà vặt, còn người muốn mua những món hàng nhỏ đưa đến tận nhà là còn có người bán, người rao hàng. Quê hương Việt Nam vẫn còn đó tiếng rao hàng, những âm thanh đầy kỷ niệm mang theo từ ngày bỏ quê hương.
Có bao giờ bạn trở lại, để khuya nay bất chợt nghe một tiếng rao đêm, vẫn âm thanh ấy không khác chi thuở nào, nhưng nghe như nỗi buồn xa xôi mang theo cả một thời ấu thơ đầy kỷ niệm. Và có nhiều phận người, suốt đời vẫn lam lũ, nhọc nhằn theo chuyện áo cơm.

HP
(1) Người mua lúa về xay xát đem gạo bán cho người, lấy công làm lời.