Menu Close

Phận đời chìm nổi

Nghệ nhân Trương Thanh Giản nói rằng “Tôi phải sợ nghề điêu khắc vì tôi quá yêu nghệ thuật này!” Gọi ông là nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà sáng tạo hay tay đào vàng thứ thiệt thì đều hợp với ông Trương Thanh Giản, một người con xứ Quảng, sống đậm (chữ của ông) ở Thăng Bình, Quảng Nam, với dáng người nhỏ thó, đậm chất lãng tử, từng theo thầy học nghề điêu khắc gần mười năm ở miền Nam, miền Trung, rồi bỏ hơn mười năm để sáng tạo điêu khắc, sau đó bị người ta mang tác phẩm của mình đi lừa thiên hạ thì quyết định bỏ nghề đi đào vàng. Và khi đào vàng, ông nổi danh là “đại ca của các đại ca mỏ vàng” mặc dù ông chỉ cao 1.6 mét, nặng chưa đầy 50kg. Trò chuyện với ông lần nào cũng thú vị, bởi cuộc đời ông là một kho tàng.

phan-doi-chim-noi3
Nghệ nhân Trương Thanh Giản bên bộ sưu tập Chăm của ông

Hỷ Long (HL): Thưa ông, ông có thể kể đôi điều về nghề điêu khắc?

Trương Thanh Giản(TTG): Nghề điêu khắc thì tôi học từ năm 15 tuổi, nhưng mày mò tự học, lấy đất sét đóng thành khối khô rồi lấy con dao xắt bèo cho vịt của bà mẹ ra mà xắn, cắt đủ các kiểu. Hồi đó mê lắm, kết quả là làm được mấy ông mặt nạ và mấy cái đầu lân xấu nhất làng, thua xa đám bạn nó tự đắp đất bùn mà thành. Bởi quan niệm về thẩm mỹ của tôi lúc đó rất khác so với nhóm bạn trong xóm. Ví dụ như tôi tạc gương mặt ông địa thì tôi phải cho hai cái má nổi trội nhất vì lúc đó tôi suy luận rằng ăn đến mức cái bụng to như thế này thì hai cái má phải phúng phính, nổi trội mới đẹp, mới hợp. Sau đi học điêu khắc, tôi nhận ra đó là tỉ lệ nhân thể học mà ngẫu nhiên mình có từ nhỏ. Mà tôi cũng không được học chính quy ở trường, chỉ đến nhà một giáo sư dạy điêu khắc để phụ nghề kiếm tiền nuôi mấy đứa em nhỏ. Vừa phụ vừa học, may là ông thầy ổng thương, ổng dạy tôi chuyên về điêu khắc tượng Chăm. Nói về điêu khắc tượng Chăm và phục chế tượng Chăm thì thầy tôi giỏi lắm! Nhờ vậy mà tôi tự tin trong nghề và cũng nhờ vậy mà tôi năm lần bảy lượt bỏ nghề.

HL: Vì sao lại bỏ nghề thưa ông?

TTG: Ðó là năm tôi cũng lớn tuổi rồi, làm nghề điêu khắc cũng tương đối cứng, làm được một số phiên bản tượng Chăm như Apsara, Visnu, Siva, Nadin… Ðương nhiên là các phiên bản này mang tính chất mô phỏng. Và thỉnh thoảng tôi tự sáng tác theo góc cảm nhận cá nhân. Và thỉnh thoảng làm tượng Chăm giống hệt, bằng đá lâu năm, hay còn gọi là giả cổ, đương nhiên là phải có ghi chú giả cổ, có tỉ lệ khác phiên bản gốc. Cái khó nhất là phiên bản gốc tượng Chăm cũng thiên hình vạn trạng do mỗi đời vua có một tỉ lệ riêng, do vậy mà người ta lợi dụng để làm ăn bất chính. Bức tượng Apsara của tôi lúc đó làm giả cổ và bán với giá 10 USD. Bẵng đi một thời gian dài, tôi vào nhà ông dượng, tức là chồng bà dì ruột ở Sài Gòn chơi, thì thấy ông dượng bày bức tượng giả cổ của tôi ở một vị trí rất đặc biệt, tôi hỏi thăm thì ổng bảo là mới sưu tầm được do một nhà sưu tập có uy tín bán cho với giá 2,000 USD, với ông, đây là một may mắn bởi đã mua được với giá rất hời. Tôi nhìn thật kỹ một lần nữa thì ra đúng một số ký hiệu tôi đã khắc dưới tượng để khẳng định nó là tượng giả cổ. Nhưng ở đây người ta đã tác động bằng hóa học để tuổi của bức tượng già đi vài trăm năm. Tôi kể thật với ông dượng, ông mang thêm mấy bức nữa ra thì có thêm hai bức nữa cũng là tượng giả cổ của tôi. Lần đó tôi về bỏ nghề bởi thấy mình tiếp tay cho tội ác. Nhất là khi một số nhà bảo tàng trưng bày toàn là tượng giả cổ của tôi mà ghi rằng đó là tượng thật. Thực ra thì tượng thật đã bị đánh tráo bằng tượng giả cổ. Tôi bỏ nghề, không đụng tới điêu khắc gần hai chục năm.

phan-doi-chim-noi1
Một bức tượng mất đầu đang được phục chế

HL: Thời gian sau bỏ nghề, nghe nói ông làm phu đào vàng, rồi lên đại ca? Thực sự mà nói thì một người nghệ sĩ nhỏ thó như ông mà lên đại ca của các đại ca của phu đào vàng nghe cũng rất lạ. Ông có thể giải thích?

TTG: Ðúng là bỏ nghề tạc tượng xong thì mình trống rỗng, chẳng biết làm gì, vì mình sống với nghề mà! Vậy là về quê, nghỉ ngơi đôi ba tháng cho tĩnh tâm xong là khăn gói lên đường đi giang hồ. Nghĩ rằng chẳng biết vào thành phố lại làm gì, thôi thì lên núi. Mà lên núi rồi mà không thử vào mỏ vàng thì làm sao mà chịu nổi. Chỉ vào cho biết chứ đâu có nghĩ là mình đi đào vàng! Vậy là chui vào khu đào vàng. Trên đó thì toàn dân anh chị, xăm trổ miễn bàn. Mình vào thì họ tưởng là mình định vào để gây độ, tạo mối làm ăn, cướp mất mỏ hoặc có ý đi đào trộm vàng, họ bắt mình vào nộp cho chúa mỏ. Mình cứ để họ bắt vào và yêu cầu được nói chuyện riêng với chúa mỏ. Nói chuyện một lúc thì chúa mỏ mời mình ở lại uống rượu. Sau đó mình làm thuê cho họ như bao nhiêu người khác. Tôi làm vàng lúc đó là không phải để đi khai thác vàng mà nuôi ý định buôn vàng cám từ mỏ ra thị trường bên ngoài. Nhưng rồi đùng một cái lũ kéo đến, trong đó có hai thợ đào vàng bị chết ba ngày sau thì trôi trên sông. Mà nước còn dữ lắm. Không ai dám vớt xác họ vào, chính tôi đã làm việc này nên giang hồ trong mỏ tôn tôi làm đại ca, kể cả các chủ mỏ cộm cán lúc đó.

phan-doi-chim-noi4
Nghệ nhân Trương Thanh Giản và vợ

HL: Ông có thể kể thêm về chuyện này?

TTG: Lúc đó nước chảy xiết, dâng lên tới ngọn cây, lạnh thấu xương. Thuyền thì không thể nào bơi ra. Anh em ngồi nhìn xác bạn bè vướng vào ngọn cây mà ứa nước mắt. Thử bơi ra vài sải tay thì lạnh rúm quay vào. Mà anh em trên đó thì toàn to con, tướng đứa nào cũng trâu bò. Cả đám bó tay. Tôi mới lên tiếng là tôi sẽ vớt xác hai ông bạn kia. Nghe tôi nói vậy, nhìn tướng tôi nhỏ con, gầy gò thì mọi người đều cười mỉm, thậm chí họ lo cho tôi. Nhưng tôi nói là làm, tôi bắt đầu tìm dây thừng để buộc vào gốc cây và cuộn tròn lại, ôm trong mình cả một cuộn to, sau đó vừa bơi ra giữa dòng vừa thả dây. Tôi cứ nương theo dòng nước bơi qua bên kia bờ, gần chỗ hai cái xác ông bạn, khoảng cách chừng 700 mét. Nước lạnh lắm. Trước đó tôi có uống nửa lít nước mắm để khỏi bị chuột rút. Nước mắm có cái hay là uống nó trước khi xuống nước lạnh thì khỏi bị chuột rút. Nhưng uống xong mà không xuống nước thì bị tăng huyết áp tức thời, có thể bị đột tử, tai biến… Tôi buộc được sợi dây thừng vào bên bờ kia thì bên này vỗ tay rầm trời. Tôi bắt đầu chặt cây làm bè để ra ngoài đó vớt hai anh em xấu số lên bè, sau đó buộc dây vào bè bảo đầu dây kéo vào và tôi thì bơi giữ thăng bằng cho bè. Lúc này mấy thanh niên ban đầu sợ sệt bỗng dưng nổi máu anh hùng, bơi ra đến 5 người cùng phụ với tôi đưa hai ông bạn xấu số vào bờ. Sau đó họ tôn tôi làm đại ca. Tôi hạnh phúc vì điều này, không phải hạnh phúc là mình có sức mạnh hay quyền lực gì mà hạnh phúc vì giữa cái nơi khỉ ho cò gáy, toàn giang hồ cộm cán lại coi trọng tình người như vậy. Và sau đó một năm thì tôi bỏ nghề vàng, về chuyển sang khắc bia mộ.

phan-doi-chim-noi2
Tượng Visnu bán thân – tượng giả cổ của nghệ nhân Trương Thanh Giản

HL: Sao ông không tiếp tục làm vàng vì đó là lúc kiếm được nhiều tiền?

TTG: Ðúng là lúc đó tiền vào như nước nhưng mình lại thấy ngán ngẩm. Vì rừng bắt đầu bị chặt phá, núi bị đào xới, nhất là  cán bộ kiểm lâm, họ cứ để cho lâm tặc, sa tặc, kim tặc đào xới núi rừng để hưởng thuế. Toàn là thuế ngầm thôi. Tôi dám nói là 70% núi rừng Việt Nam đến thời điểm bây giờ không còn gì. Trong đó, diện tích rừng chiếm 70% toàn diện tích quốc gia. Ông cứ tưởng tượng rồi đây việc gì sẽ xảy ra. Thôi thì quay về làm cái công việc nghĩa tử là nghĩa tận này. Nhà nào có tiền thì mình lấy đúng giá thị trường, nhà nào nghèo thì mình lấy ít tiền, thậm chí tặng không. Mà cũng hay là hầu như nhà nghèo nào cũng yêu cầu mình phải lấy tiền, chí ít là lấy tiền mua đá chứ họ không muốn nhận không vì sợ người đã khuất phải mang theo món nợ… (cười buồn).

phan-doi-chim-noi
Bộ đồng xu cổ và một số công cụ bằng đồng mà ông Giản nhặt được ở Phật viện Đồng Dương

HL: Ông làm nghề điêu khắc bia mộ đã lâu, ông có nhận xét gì về mộ nhà giàu với mộ nhà nghèo và mộ quan chức với thường dân?

TTG: Mộ nhà giàu và nhà nghèo thì dễ phân biệt vì một cái xây to, một cái xây nhỏ. Nhưng mộ quan chức và thường dân có tiền thì khó phân biệt hơn vì giới quan chức rất cầu kỳ, cũng một ngôi mộ to lớn tương đương mộ nhà giàu nhưng họ còn mua gỗ quý để làm quan tài, dùng đá tốt để ốp mộ và chi tiết phải sắc sảo… Nói chung là số tiền cao ngất, giá cao gấp ba, bốn lần mộ nhà giàu. Chỉ có mộ nhà quan chức mới lên tới tiền tỉ. Nhưng chết thì ông nào cũng thành tro bụi như nhau! Và khi làm nghề này, tôi thấy bình an bởi không ai có thể làm một cái bia giả. Một quan chức có thể giả dối trong cuộc đời về ngày tháng năm sinh để ngồi lâu trên ghế quyền lực nhưng khi chết xuống, tấm bia phải khai thật. Tôi gặp nhiều trường hợp như vậy lắm. Nó khác với việc điêu khắc tượng. Bởi điêu khắc tượng giả là đang ăn mày quá khứ, ăn cắp và cướp cạn quá khứ. Ngược lại, làm bia mộ là một cách để khai thật với tương lai về quá khứ của một ai đó sau khi mọi câu chuyện thị phi khép lại.

HL: Nghe nói ông sắp làm một cuộc triển lãm về bia mộ?

TTG: Ðúng vậy, tôi định làm chuyện này lâu rồi nhưng thấy tốn kém nên chưa làm. Nguyên tắc của tôi là không nhận tiền thuế của dân hoặc mồ hôi nước mắt của bạn bè để làm. Và triển lãm của tôi sẽ có những nhóm bia của từng thời đại, mô hình bia nhà giàu và nhà nghèo, quan chức và thứ dân. Ðặc biệt là những tấm bia mà khi sống thì mới nghỉ hưu nhưng chết xuống thì đã là ông già bảy lăm, tám chục tuổi. Ðiều này nó phản ánh nhiều vấn đề thuộc về thời đại, lịch sử… Cũng xin nói thêm là những tấm bia khai gian tuổi, tôi chỉ mô phỏng chứ không nêu tên thật. Vì điều đó mạo phạm người đã khuất.

HL: Xin cám ơn ông!

HL