Menu Close

Tranh cãi vì ‘nước mắm chứa asen vượt ngưỡng’

(NGUỒN BBC) – Hôm 18/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố trên website của họ: “Chỉ có 25 trong tổng số 150 mẫu nước mắm được lấy thử nghiệm (tương ứng 16,67%) đạt theo TCVN 5107:2003, 104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín) – một loại á kim cực độc.”

2-sai-lam-khi-dung-nuoc-mam-de-bien-mon-an-thanh-thuoc-doc-2-1456889985533

“Vinastas kiến nghị các cơ quan Chính phủ và cơ quan quản lý cấp nghiên cứu sớm có quy định cụ thể về bản chất các loại nước mắm đang sản xuất và lưu thông trên thị trường trong nước; cần tăng cường kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn.”

“Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng về bản chất của sản phẩm nước mắm như: phương pháp chế biến, nguồn gốc xuất xứ, thành phần, dung lượng,” website này viết.

Hôm 20/10, báo Việt Nam đưa tin đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng việc Vinastas công bố thông tin nước mắm chứa asen vượt ngưỡng là “vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm khắc”.

BBC đã tìm cách liên lạc với Vinastas nhưng chưa được phản hồi.

Trả lời BBC, ông Vũ Thế Thành, Thạc sĩ Quản trị chất lượng, giảng viên an toàn thực phẩm Vasep (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam), nói: “Nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống cho tôi biết là ở các chợ xuất hiện các tờ rơi in danh sách các doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn asen do Vinastas công bố. Có nhiều siêu thị tạm không nhận hàng của các doanh nghiệp này.”

“Tôi không chắc chắn ai đứng đằng sau vụ này vì không có bằng chứng.” “Nhưng tôi có thể đưa vài con số và sự kiện để độc giả suy đoán:

Việt Nam sản xuất 200 triệu lít nước mắm mỗi năm, trong đó 75% là nước mắm công nghiệp. Chỉ riêng công ty Masan chiếm 65% thị phần toàn ngành nước mắm.”

“Và cũng chính công ty này, trong thông cáo báo chí ngày 11/10, kiến nghị cơ quan hữu trách thanh tra toàn diện, chú trọng việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, đặc biệt là thạch tín trong nước mắm.”

Đề cập về khái niệm nước mắm công nghiệp và truyền thống, chuyên gia cho biết thêm: “Chỉ khoảng hơn chục năm trở lại đây, một số doanh nghiệp mua nước mắm thiệt về pha loãng, pha loãng tới mức nào là tùy mỗi doanh nghiệp.”

“Sau đó, họ cho thêm hóa chất tạo màu, tạo vị, tạo hương, tạo độ sánh, chất bảo quản… Từ đó, dân trong ngành mới phân biệt ra là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, chứ người tiêu dùng thì vẫn không biết gì cả.”

“Gần đây, các chuyên gia kỹ thuật viết bài, trả lời báo chí thì người tiêu dùng mới biết asen trong cá và trong nước mắm hầu hết là asen hữu cơ không độc hại. Và họ cũng mới biết nước mắm công nghiệp là nước mắm pha loãng, loãng quá thì lượng asen phải thấp, thấp hơn nhiều so với loại nước mắm truyền thống.”

Nan giải

Cũng theo ông Thành, “tiêu chuẩn Việt Nam xem nước mắm là loại nước chấm làm từ cá và muối lên men, có thể thêm phụ gia vào.”

“Nước mắm công nghiệp lấy nước mắm truyền thống, rồi pha loãng, thì cũng là “nước mắm” chứ còn gì nữa.”

“Quy định cho phép thêm phụ gia, hóa chất vào thì họ thêm vào. Đâu có gì sai pháp luật.”

“Làm nước mắm kiểu này thì họ lời vô số kể, dư tiền quảng cáo, làm PR, marketing”.

Ông Thành cho hay: “Những nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu không có quy định về asen trong nước chấm làm từ cá.”

“Nhưng thị trường trong nước là vấn đề nan giải. Nếu cơ quan hữu trách không lên tiếng chính thức rằng asen trong nước mắm không độc hại, và quảng bá sâu rộng đến nông thôn thì tôi e rằng, nước mắm truyền thống sẽ mai một.”

“Thực phẩm truyền thống trải qua bao đời vẫn tồn tại, thì ắt phải có cái tinh túy riêng của nó. Nước mắm truyền thống cũng vậy. Để nó mai một thì đau quá.”

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết khoảng gần 2.800 doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nước mắm truyền thống.

(NGUỒN BBC)