Menu Close

Phú Quốc – Ngầm hỗn mang của sóng (kỳ 2)

Mùi của biển thổi về hướng tôi ngồi, một không gian tênh hênh gió và thanh âm của sóng. Café Phố Biển có con bé phục vụ bàn lúc nào cũng lệt phệt như zoombie xác chết, mắt thì lệt đệt lờ đờ…

phu-quoc6
Một góc ngồi lý tưởng để ngắm biển từ Càphê Phố Biển

Kỳ 2
Mặt sấp ngửa của đồng xu

Café Phố biển, đa số khách Việt  thích ngồi đồng vì quán mang vẻ bình dân, vài năm trước thì khách du lịch chiếm số đông. Dân đảo uống café với đá đập nhuyễn, không phải là đá viên. Café thì không uống nóng!

phu-quoc5
Mây mù sa mưa, tác giả selfie với hậu cảnh là dinh Cậu từ góc café quán

Tôi gọi ly nâu đá theo thói quen khi uống café ở Hànội. Gu thưởng thức café của hải đảo thì khó để so bì với một Hà nội thanh nhã, thứ phong vị  cafe ngoại lai rất hương vị.

Gã bạn Tư Huỳnh đập gói thuốc vào bàn tay cho chặt sợi, mở nắp bao và chụm tay quẹt lửa trong gió hệt tay miệt biển thứ thiệt. Những sợi khói Hero phập phà, hình ảnh gợi lại trong tôi là đám trẻ con và cái thú sưu tầm vỏ bao để sắp hình robot, ký ức của một thập niên 80 quá vãng. Ở cái miệt vườn  miền Tây Lục Tỉnh, dù có dán vô số những cái bích chương cảnh báo trong hàng quán về kinh doanh thuốc lá lậu là phạm pháp thì ở đây,  những Hero hay Jet nhập lậu bằng ghe từ biên giới Campuchia vẫn điềm nhiên đi về đều đặn, và giá còn rẻ hơn cả giá thuốc nhập lậu qua biên giới trên bộ.

Sau chiến tranh, nhà nước Việt Nam đã thâu tóm độc quyền sản xuất, phân phối, kinh doanh thuốc lá thông qua tổng công ty thuốc lá Vinataba mà dân nghiện vẫn quen phủi mồm sau từng đợt rít là “Việt Nam Tàn Bạo”! Cái di sản buôn thuốc lá lậu từ nguồn của 2 tập đoàn Philip Morris và BAT (British American Tobacco), chọc vào sân chơi phi chính thống phá vỡ thế độc quyền của nhà nước. Dù rằng, cả hai tập đoàn trên đã mở liên doanh với Vinataba sau nhiều năm thương thảo, cái thị trường chợ đen thuốc lá lậu ở biên giới Tây Nam vẫn là miếng mồi béo bở dưới danh mục General Trade hay Thương mại tổng hợp trong các tập đoàn kinh doanh – thứ mà người ta gọi là đinh đóng quan tài này (coffin nails).

phu-quoc4
Một thanh niên chạy bàn ở quán có món gỏi cá trích, giá 70,000ĐVN

“Chị Hạnh chắc không hút thuốc? Thằng Huỳnh tôi bôn ba khắp xứ, về Hải Phòng hút Virginia Gold, Nha Trang thì hút Ngựa trắng, trong này hút Hero. Buồn mồm hút vậy thôi, chứ chả mắc gì mà trung thành với cái thứ chết tiệt này?” Huỳnh nhẩn nha thả từng lọn khói chữ o sau câu nói.

Tôi không biết nhiều về Tư Huỳnh. Chỉ trong những lúc hưng phấn hay tư lự bên ly café buổi sáng, Huỳnh mới thật cởi mở hơn về mình. Tư Huỳnh vốn là con của một gia đình Bắc 54 sau 75 phải lên vùng kinh tế mới. Gia đình anh ta ở gần thị xã Gia Nghĩa, Daknong. Sau thời gian xốc vác với vài công trồng cà phê, chàng nông dân Huỳnh ôm mộng làm giàu nhanh trên thị trường hàng hóa nông sản cà phê. Quá nóng vội sử dụng các đòn bẩy tài chính, Tư Huỳnh đã có thời gian dài bất đắc chí. Không mang vẻ của một tay chơi xõa rượu với những tay anh chị bị truy nã hay mấy tay giang hồ bản địa, tôi hình dung về Tư Huỳnh với một mảng trầm của sự dày dạn, đầy vẻ “sói đời”.

“Cái đám đầu cơ đất Hà Nội giờ này lại tụ tập về đây, sau thời gian thả thính ở Ðà Nẵng, những tay chơi lớn nhất thì đã vạch lãnh địa trên bản đồ rồi,” Huỳnh thả khói Hero dầy hơn, vẻ chai sạn thế sự. Hắn như đếch quan tâm thời cuộc, có vứt hắn vào vòng xoáy Phú Quốc cũng chả làm hắn chóng mặt kiếm tiền hơn, tôi nghĩ.

phu-quoc2
Cá trích phi lê, nguyên liệu chánh của món gỏi cá

Phú Quốc là vùng đất không mang màu chân chất của xứ miệt vườn miền Tây Lục Tỉnh. “Gạo Rạch Giá, cá Hà Tiên, tiền Phú Quốc.” Không hiểu câu ngạn ngữ đậm chất đời này có từ bao giờ, từ thời hải tặc tụ tập ăn chơi, cờ bạc với các chiến lợi phẩm sau những phi vụ cướp biển hay từ những cơn sốt đất đặt cọc bán liền tay của những dân đầu cơ. Văn phòng hành chánh nằm trong khuôn viên Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc lúc nào cũng đặc ken người. Huỳnh gọi chỗ đó là “bahatôhô”, cái kiểu gọi bông đùa nửa châm chích về cái bách hóa tổng hợp nơi đủ loại giao dịch đất, từ đất trồng cây lâu năm, đất thổ cư, đất sơ đồ 14, sơ đồ 15 của địa chính xã, huyện, … Cái quá khứ về những tên gọi ghép của hai ký tự đầu các chữ ở những thời kỳ cuối bao cấp và thời đi kinh tế mới vẫn đeo đẳng trong trí nhớ Tư Huỳnh. Cái thời mà người ta lúc đầu chọc cười cách ghép các chữ như Hanoi/Saigon Beverage Company thành Habeco hay Sabeco, Liên hiệp Cơ Giới thành Licogi, Liên hiệp lắp máy thành Lilama, Than-Khoáng sản thành Vinacomin hay dược Lâm Ðồng thành Ladophar.

“Có lẽ nếu không ngồi café với Hạnh ở đây, Huỳnh sẽ ở cái Bahatôhô đấy phải không?” Tiếng lạo xạo của ly cà phê đầy đá nhuyễn chen lời tôi. Ngồi vài giờ với Tư Huỳnh, tôi có thể gẫu phím vài trang “bahatôhô” thời cuộc về cái  biển đảo này, “À Huỳnh nè, thuốc Ngựa Trắng là của khatoho- Khánh Hòa!”

phu-quoc3
Khay gỏi cá trích, bình dân nhưng khá ngon miệng

Tư Huỳnh đãi tôi món gỏi cá trích ở quán Cát Biển, một quán lề- lộ thiên  miệt biển ì ầm sóng.  Ngoài món gỏi cá sống đặc sản, cơm chiên ghẹ được xem là ẩm thực-phải thử khi đến Phú Quốc- Huỳnh thì chẳng thừa nhận nó là đặc sản hải đảo và chê nhạt thếch.

Những mẻ cá con vẩy bóng trắng, dễ đánh bắt quanh năm, được biến thành cá trích phi lê. Cái món dân dã khoái khẩu của ngư dân làng chài trở thành đặc trưng là gỏi cá trích Phú Quốc. Món gỏi cá sống với hành tây, ớt Thái, dừa bào, rau ngổ. Hỗn chất ớt tỏi và đậu phọng rang đâm nhuyễn bỏ vào một chén nước mắm Phú Quốc cay nồng, thơm lừng. Bánh tráng, rau sống cuốn với gỏi cá trích, tôi dù kén cá vì vị tanh; cũng trở nên dễ dãi hơn với gỏi cá đậm “hương vị biển đảo” này.

“Phải là thứ rượu sim mới đúng điệu với món gỏi cá trích”, tôi hăm hở nhìn vào cái khay gỏi cá vuông vức vừa đặt xuống bàn. Tư Huỳnh cười khà bảo thứ rượu sim chín trái đấy chỉ để ngất ngưởng mấy lão ngư dân, còn mấy anh trẻ thì coi bia lùn Sài Gòn sang chảnh như là bia Tiger của Singapore chứ dân Hànội, Sàigòn không đánh giá cao Tiger.  Sang chảnh hơn thì có Sapporo của Nhật!

phu-quoc1
Đường đê chắn sóng cửa sông Dương Đông

Khu hẻm 118, còn có một tay đồng bóng cho thuê xe mà lúc nào cũng khấn vái cho khách thuê xe bị tai nạn để hắn chặt chém giá đền bù. Chi phí sửa chữa hư hỏng cao ngất ngưởng, từ việc bị xước xe, vỡ đèn, hay bể yếm xe. Chỉ tội nghiệp mấy “đồng chí Tây” cứ lớ ngớ thì bị nó chặt chém thẳng tay, còn mấy chú khách tàu khựa thì vẫn không bỏ tật mè nheo, kỳ kèo.  Giá cho thuê xe số là 120,000/ngày, xe tay ga là 150,000/ngày. “Cà vẹt xe” là từ đặc trưng miền Nam, dân  Bắc gọi đúng tên như trên giấy là “Giấy đăng ký xe” .

Cũng như Côn Ðảo, Phú Quốc, vì là một hòn đảo nên không nhiều “quái xế” chôm chỉa hành nghề. Xe máy không phải khóa cổ ngoài sân, ngoài vườn, không sợ bị mất cắp. Không giống như ở đất liền hay thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, nơi chiếc xe máy có thể bốc hơi trong vài chục giây lơ là.

phu-quoc
Thiếu nữ Phú Quốc rửa xế!

“Cái đám cho thuê xe này chủ yếu lấy xe từ các tiệm cầm đồ trong đất liền từ Long Xuyên chuyển ra, hoặc có thể là lấy từ ngay tiệm cầm đồ Phú Quốc. Lãi suất cầm đồ ở Phú Quốc thì 10,000 đồng/triệu/ngày là bình thường, trong khi ở đất liền chỉ rơi vào khoảng 2,000 đồng/triệu/ngày. Nếu cầm xe mà không có cà vẹt thì giá có thể còn cao hơn,” Tư Huỳnh rành rõi.


Ðoàn là tay chủ dịch vụ cho thuê xe máy, và gã luôn khoái thể hiện phong cách bằng kiểu khăn trùm đầu như  Andre Agassi. Tôi thoáng ngạc nhiên nghe Tư Huỳnh cỏn chuyện với Ðoàn bằng giọng Bắc. Huỳnh nheo mắt với tôi, dân Nam vẫn dùng từ Bắc đó thôi để có cái giọng trịch thượng “chú chú, anh anh, tôi tôi, đồng chí…”  Ðoàn vốn là dân Bắc di cư vào Sài Gòn, sa cơ lỡ vận ở Sài Gòn mà tạt vô Phú Quốc. Tư Huỳnh quen Ðoàn thông qua một tay ở phòng công chứng huyện Phú Quốc nhân dịp hỏi han về tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Huỳnh kể, “Hắn ta cũng gây hấn ầm ĩ trong khu này, có thể dịch vụ thuê xe bề ngoài chỉ là vỏ bọc, còn thực chất hẳn hắn buôn bán thứ khác!”

Nó cứ như một thứ ngôn ngữ chẳng thể bạch thoại. Sự nhờ nhờ của cái đèm đẹp đã chôn vùi cái đẹp ở đâu đó. Tư Huỳnh rồ tay ga chiếc yamaha nouvo, tửng giọng, “Ðúng là đời! Nó ba xạo nhưng vẫn ăn chay mới hợp cái gu Việt Nam.”

ÐMH

https://www.facebook.com/hanhphoto