Menu Close

“Đổi biển”

Trên bến sông, đoạn cuối Thu Bồn, nơi làng chài Bình Minh bám nước
Trên bến sông, đoạn cuối Thu Bồn, nơi làng chài Bình Minh bám nước

Mưa xối xả, mưa như trút nước vào đêm qua, chắc bão sắp về mặc dù ông nhà nước dự báo bão sẽ chuyển hướng kéo qua Trung Quốc. Bà Yên ngồi trước cửa lo lắng khi tàu đánh cá của con trai bà vẫn chưa kịp cập bờ. Sáng ra trời hửng nắng, mọi người trên thuyền dưới bến í ới gọi nhau đón cá về. Đó là những thuyền đánh bắt gần bờ liều mình xuất phát từ đêm qua.

Đề tồn tại

Bên tách cà phê cóc buổi sáng, Biển Bình Minh ở Duy Xuyên Quảng Nam như một bức tranh phong cảnh được vẽ nên từ bọt sóng, biển xanh cùng những giọt mồ hôi, nước mắt và đôi khi là tiền bạc và máu của người dân nơi đây.

Là một làng chài ven biển, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng chài lưới. Nhà có đàn ông thì đi biển, có chút vốn, chút liều thì vay thêm tiền đóng chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Sở trường của dân chài Quảng Nam chính là câu mực trên vùng biển Hoàng Sa, có khác với dân chài Lý Sơn chủ yếu đánh cá ngừ, cá thu. Và cũng có một cái khác, rất khác giữa làng chài Bình Minh và làng chài Lý Sơn là làng chài Bình Minh chấp nhận bỏ tiền để mua mạng sống khi đi biển. Như lời của một ngư dân yêu cầu giấu tên, đang ngồi uống chè xanh với bà Yên:

– Chúng tôi nể phục anh em Lý Sơn nhưng chúng tôi không thể làm như họ được!.

– Vậy khác thế nào vậy bác? – Tôi hỏi.

– Khác ở chỗ chúng tôi chấp nhận bỏ tiền mua giấy thông hành của Trung Quốc, cụ thể là hải cảnh Trung Quốc để được đánh bắt, anh em Lý Sơn thì không.

– Sao phải mua vậy bác và mình phải trả họ bao nhiêu?

Kiếm thêm chút cá ven bờ
Kiếm thêm chút cá ven bờ

– Vì không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi đi câu mực, một tàu chở từ mười đến hai mươi thuyền viên, ra đến nơi thì neo thuyền ở một tọa độ nào đó để tối đến thì thả thúng rái để anh em mỗi người mỗi thúng, một bộ lưỡi câu, một cái đèn nhử mực và một bộ đàm. Cứ như vậy, mà lênh đênh trên biển câu mực cho đến sáng mai thì thuyền sẽ liên lạc với anh em qua bộ đàm để đến đón từng người. Cô cứ tưởng tượng một người lênh đênh trên thúng rái giữa đêm tối, tàu Trung Quốc nó không cần đâm, húc gì cả mà chỉ cần chạy lướt qua để sóng mạnh, lật thúng thì coi như bỏ mạng. Ðã có nhiều người bị họ chơi như vậy nhưng may sao có anh em khác ở gần đó tới cứu. Chính vì vậy, chúng tôi buộc phải mua giấy thông hành, mỗi năm phải tốn hai ngàn đô la Mỹ cho một người đi câu mực chứ đâu có ít. Hải cảnh Trung Quốc nó bán, mình phải âm thầm mua để giữ mạng sống.

– Mua vậy, bác có thấy tiếc tiền vì nó vô lý hoặc cảm thấy áy náy gì đó không?

– Có chứ cô, làm sao mà không tiếc tiền khi chúng tôi đang nợ ngân hàng nhà nước? Làm sao mà không áy náy khi mọi người đều chịu đựng, đều quyết tâm chống lại kẻ xâm lược trong khi mình lại đi mua giấy thông hành của kẻ xâm lược để đánh bắt ngay trên vùng biển của cha ông để lại được chứ?! Nhưng cô phải thông cảm là tụi tôi còn nghĩ xa hơn như vậy nữa kia. Nghĩa là chúng tôi có trách nhiệm, bổn phận giữ biển đảo bằng cách hiện hữu, đánh bắt, thậm chí làm cột mốc sống. Nhưng khác với anh em Lý Sơn là họ đi cả một thuyền, có thể hỗ trợ nhau, đằng này các thuyền viên của tôi lẻ loi giữa biển cả. Họ đi làm cho mình là để kiếm tiền nuôi vợ con chứ không phải đi làm cột mốc sống. Ít nhất là họ phải an toàn trở về, tôi không thể đánh đổi mạng sống của họ với kiểu huyễn hoặc rằng mỗi ngư dân là một người lính bảo vệ tổ quốc. Cái đó ông quân đội, ông cảnh sát biển và ông đảng Cộng sản phải lo liệu. Không thể bắt chúng tôi làm thế. Lẽ ra các ông phải đặt ra câu hỏi rằng khi ngư dân bị Trung Quốc hành hạ thì các ông đang ở đâu? Ðã làm gì cho ngư dân Việt Nam? Và tại sao có cảnh sát biển, có biên phòng bảo vệ mà ngư dân Việt Nam phải mua vé thông hành của Trung Quốc ngay trên biển Việt Nam? Chứ riêng chúng tôi, chúng tôi không thể mang mạng sống ra để cãi lý với bọn đó được!

H3

– Có đổi biển mới tồn tại được chứ đằng nào ngư dân cũng chịu thiệt thòi. Nói xin lỗi chứ tàu cảnh sát biển Việt Nam thì nói cho to tiếng chứ ngư dân bị gì thì họ lặn đâu mất tiêu, dễ gì nhìn thấy họ. Có mấy tàu cứ neo đầu trong âu và trên sông để ăn nhậu suốt. Sắm ra cho có lực lượng cho vui vậy thôi. Lâu lâu cũng đến tàu của ngư dân Việt để xin con cá, xin con mực mà nhậu. Ốt dột lắm!

– Ngư dân mua biển nhiều không bác?

– Hầu hết dân câu mực đều phải mua biển, nếu không mua thì chẳng có ngư dân nào dám ra ngoài đó câu đâu. Mà mình lỡ vay tiền nhà nước để đóng tàu rồi, giờ bỏ bến thì nợ chồng nợ chất, đi đánh cá thì không phải sở trường của mình nên đành bỏ tiền ra mua biển, còn gọi là ‘đổi biển’ đó.

Câu chuyện với ngư dân yêu cầu giấu tên này còn dài lắm, và suốt câu chuyện, ông kể cho chúng tôi nghe tại sao bây giờ ngư dân ở đây chấp nhận mọi nỗi thống khổ để bỏ tiền ra đổi biển. Bởi vì bão ChengChu năm 2006 là kinh nghiệm xương máu của ngư dân Bình Minh. Lúc đó ngư dân đang đánh bắt, nghe tin bão đã tìm nơi trú ẩn. Nhưng sau đó trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Việt Nam dự báo là bão đã đổ bộ sang Trung Quốc, không ảnh hưởng đến Việt Nam. Mọi người yên tâm tiếp tục đánh bắt. Khi bão đến, trở tay không kịp, sau một chuyến đi, làng chài Bình Minh mất đi gần 50% đàn ông.

Cá về
Cá về

Chưa dừng ở đây, đài truyền hình Quảng Nam lúc đó mời một bà Phó Chủ tịch tỉnh và một bà bên Hội Phụ nữ lên truyền hình trực tiếp, lấy nước mắt khán giả và kêu gọi ủng hộ ngư dân Bình Minh. Số tiền người dân khắp nước gởi tặng lên đến hàng chục tỉ đồng, nếu chia đều cho những gia đình gặp nạn thì mỗi nhà được chừng 150 triệu đồng. Thế nhưng tiền về tới tay quý bà đó thì phanh lại ở đó, không đi tiếp, nó chỉ rỉ rả vài triệu đồng nhỏ giọt vào những gia đình quá khó khăn, có nhiều người mất tích sau bão… Mọi người vẫn chờ đợi, hy vọng lòng thương của mấy bà.

Ðùng một cái, ở tận trên huyện miền núi Quế Sơn, Trà My có người nhận được 150 triệu đồng tiền thiệt hại vì bão ChengChu, tiền trích ra từ quỹ ủng hộ ngư dân Bình Minh gặp nạn. Tìm hiểu ra thì các gia đình này không có ai bị chết trên biển hay làm nghề biển, cũng không bị tổn thất gì sau bão. Nhưng lại có người làm quan, có thân quen với các bà. Như vậy đủ rõ vì sao người dân không còn tin tưởng vào giới quan chức. Bởi mỗi khi nhân dân chết chóc, đau khổ, gặp thiên tai là một lần các ông, các bà quan chức có cơ hội để lên sóng, lên báo mà lấy nước mắt của đồng loại trắc ẩn, để rồi thêm một lần mặt trơn da láng nhờ vào những đồng tiền mồ hôi, nước mắt và chứa đầy bi tâm của đồng loại. Ðúng thôi, người dân không thể nào trông chờ vào nhà nước mà họ phải tự cứu lấy mình, chí ít trong lúc này họ phải tự cứu lấy cái gia đình bé mọn, nghèo khổ và chồng chất nợ nần của họ! Họ mua biển!

H12

Mùa cá đắng

Và cái khổ cứ quấn lấy người nghèo, chưa kịp vuốt mặt vì mọi khoản chi phí để được đánh bắt một cách không chết chóc thì ngư dân Bình Minh lại thêm một lần khổ sở vì không có nơi tiêu thụ và không còn máu lửa để ra khơi. Chưa có năm nào thuyền ở Bình Minh lại “lười nhác” ra khơi như năm nay. Một ngư dân tên Thông giải thích về chuyện này như sau:

– Năm nay nhiều thuyền bỏ đánh bắt. Vì từ lúc biển nhiễm độc tới giờ câu mực rất khó, mực chết nhiều, tận ngoài Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng, sản lượng mực rất thấp, trong khi giá mực hay cá gì cũng thấp tè, mà người ta không mua nữa. Hơn nữa mình cũng chẳng còn tha thiết đi đánh bắt vì độc tố chẳng biết chỗ nào có, chỗ nào không. Nếu đánh bắt trúng mực độc về bán cho bà con thì chẳng khác nào đi đầu độc. Ngư dân Bình Minh thấy chết đã quá đủ, giờ không muốn thấy thêm nữa đâu!.

'Đổi biển' ngoài khơi và ‘đổi đất’ trên bờ khi nhà cầm quyền thành phố Hội An mở rộng quy hoạch, làng chài Bình Minh ngày càng ‘co cụm’
‘Đổi biển’ ngoài khơi và ‘đổi đất’ trên bờ khi nhà cầm quyền thành phố Hội An mở rộng quy hoạch, làng chài Bình Minh ngày càng ‘co cụm’

– Vậy mình tính sao với mấy khoản nợ ngân hàng đây chú Thông?

– Cũng chưa biết tính mần răng đây! Thôi thì ráng mà chịu đựng, mai mốt trời yên biển lặng thì đi đánh lại chứ biết sao chừ. Ðời ngư dân nó đắng lắm!

Câu nói của ông Thông khiến tôi muốn ứa nước mắt. Bởi cũng là con người với nhau, cũng phải cày sâu cuốc bẫm trong cuộc đời này để tìm chút tiền mua gạo nuôi thân rồi nuôi con cái, người thân, cho con ăn học. Hơn nữa cũng nuôi ước mơ… Cuộc đời mà! Ai cũng có ước mơ, cũng muốn ngày mai tốt hơn hôm nay và lỡ ngày hôm nay tệ quá, đen quá thì hy vọng vào ngày mai vậy! Nhưng liệu cái ngày mai ấy có đến với các ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân miền Trung nói riêng hay không? Khi mà các nhà máy thép của giới trọc phú đang muốn nuốt trộng bờ biển miền Trung, khi mà biển đang ngày co cụm dần vì những cái tàu há mồm Trung Quốc và nhiều thứ khác?! Thật là buồn khi nhìn những chiếc thuyền nhấp nhô sóng, tựa như những đàn ngựa chiến già nua đang cố gặm cỏ qua chiều!

H11

UC