Nhạc sĩ Y Vân có sống lại thì hổng biết ông sẽ vui hay buồn mỗi khi Sài Gòn bị mưa là nghe người ta lại nghêu ngao, “Sài Gòn ngập lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Chuyện Sài Gòn mưa rồi ngập, ngập vì mưa là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, cũ còn hơn cái mũ. Sau trận mưa hồi tuần trước, dân nghèo Sài Gòn hào hứng được chuyến “du lịch” sang… Biển Hồ bên Cao Miên miễn phí vì nghe nói nước mênh mông cũng chừng đó thôi. Theo Trung Tâm Chống Ngập TPHCM thì đây là một “cơn mưa cực đoan” (!?). Nhiều người dân không hiểu “mưa cực đoan”, “nắng… cực đoan” là mưa nắng gì, cũng như để tìm hiểu thêm công việc chống ngập tại Sài Gòn ra sao, Ga tui tìm đến bà Trần Thị Mưa Rơi, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Chống Ngập để tìm hiểu đôi điều.
Ga Làng (GL): – Thưa bà, việc ngập nước tại Sài Gòn hiện nay đã xảy ra thường xuyên, lý do tại sao?
Trần Thị Mưa Rơi (TTMR): – Tại mưa to.
GL: – Dạ, ai cũng biết tại mưa. Ý tôi là tại sao bị ngập.
TTMR: – Tại nước thoát không kịp, thoát thiếu đồng bộ, thoát sai quy trình.
GL: -Dạ, dạ… tôi biết nhưng … Ý tôi là tại sao hễ cứ mưa là nước không thoát và cả Sài Gòn bị ngập lụt nặng nề như vậy?
TTMR: – Anh biết rồi còn đi phỏng vấn chi vậy? Nắng mà ngập thì mới đáng nói chứ mưa thì phải ngập thôi, bố ai mà ngăn ngừa hay chống lại được thiên tai. Anh không thấy cả thế giới bị lụt lội đầy cả đấy.
GL: -Dạ, đây chỉ là mưa chứ không phải thiên tai, bị lũ lụt. Mưa là hiện tượng tự nhiên nhưng một thành phố lớn mà bị ngập mưa là do con người, là do chúng ta vì Sài Gòn trước kia đã từng có bao giờ bị ngập nặng như vậy. Ý tôi là việc quy hoạch, xây dựng bừa bãi hay điều gì đã dẫn đến hậu quả ngập nước như hiện nay và trung tâm của bà cùng những người đứng đầu thành phố, đứng đầu nước giải quyết ra sao?
TTMR: – Ðó là vấn đề quốc gia. Các cấp lãnh đạo trung ương và thành phố đã có các hội nghị và nghị quyết chống mưa. Ðây là công tác phức tạp và có diễn biến xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước nên chúng ra phải có kế hoạch lâu dài, cần hội nghị để đưa ra những nghị quyết phòng chống mưa thiết thực.

GL: – Thưa tôi chưa hiểu lắm ý bà. Chống mưa bằng hội nghị và nghị quyết là sao?
TTMR: – Là các đồng chí lãnh đạo sẽ bàn thảo rồi lên phương án tổ chức hội nghị để nghe báo cáo về các loại mưa cực đoan, tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp chống lại nguy cơ mưa gió cực đoan như vừa qua. Trung tâm chúng tôi có nhiệm vụ triển khai các nghị quyết này.
GL: -À! Bà lại một lần nữa vừa nhắc đến “mưa cực đoan”, thưa nó là mưa gì vậy thưa bà?
TTMR: – Mưa cực đoan là mưa dai dẳng, mưa dầm dề, mưa da diết, mưa gây ngập nước như vừa qua. Ðây là hiện tượng mưa bất bình thường, có thể đã có bàn tay con người. Ví dụ như bọn xấu dùng kỹ thuật tụ mây mà tôi từng đọc qua thì cũng có thể gây nên mưa to và lâu như vậy. Công an sẽ điều tra việc này, xem có thế lực phản động, cực đoan nào nhúng vào không.
GL: -Tụ mây làm mưa mang lý thuyết khoa học mà thôi thưa bà. Vậy các nhà khoa học, các kỹ sư công chánh, các nhà quy hoạch đô thị của ta có ý kiến và giải pháp gì không thưa bà?
TTMR: – Họ cũng sẽ tổ chức hội nghị khoa học và hội thảo các vấn đề như biến chuyển khí hậu toàn cầu có thể gây nên hiện tượng nhận chìm nhiều thành phố xuống biển sâu ra sao hay mặt tích cực của việc ngập lụt. Rất may là Sài Gòn chỉ bị ngập chứ không bị chìm như dự báo.
GL: – Về phía Trung Tâm Chống Ngập của bà có biện pháp thực sự, rõ ràng nào không. Hàng tỉ đô la đã đổ vào và hai năm trước trung tâm có tuyên bố là từ năm 2015 thì Sài Gòn sẽ hết ngập?
TTMR: – Chúng tôi đã làm đúng lời hứa, Sài Gòn đâu có ngập nếu không có mưa. Còn mưa to quá thì làm sao chúng tôi kiểm soát được? Tuy nhiên chúng tôi cũng có nhiều biện pháp phòng chống. Bên cạnh việc điều động các máy bơm nước tại các điểm chính, chúng tôi đã có phân phối cho người dân, xô thùng, chậu hứng nước để họ có thể múc nước, tạt nước ra ngoài. Các trạm cung cấp wifi cũng được lắp đặt trên nhiều tuyến đường để người dân có thể nối mạng xem các chương trình ca nhạc, hay thi hoa hậu nếu bị kẹt xe giữa mưa. Ở mặt nào đó thì người dân Sài Gòn cũng phấn khởi khi có điều kiện sống cùng thiên nhiên, sông nước, ghe xuồng như hiện nay.
GL: – Vâng, nghe nói dân ta hồn nhiên, hạnh phúc nhất nhì thế giới, kẹt xe mà vui như hội. Thưa còn có điều gì bà muốn nói thêm?
TTMR: -Chúng tôi đã cố gắng phấn đấu để việc phòng chống ngập được hiệu quả hơn và kết quả có phần khả quan hơn, khi từ hàng trăm điểm trong thành phố thường xuyên bị ngập lụt, nay chỉ còn một điểm duy nhất như hiện nay là một nỗ lực lớn, người dân cần nhìn đến.
GL: – Chỉ còn … một điểm, ý bà là …
TTMR: – Ðúng vậy! Nghĩa khi toàn bộ Sài Gòn đều ngập nước như nhau, thì chỉ còn duy nhất một điểm ngập, lượng nước sẽ phân phối trải đều khắp nơi, không gây khó khăn cho việc thoát nước thiếu đồng bộ như trước. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề nghị thành phố tạm ngưng xem xét việc thu thêm thuế đường thủy đồng thời với thuế đường bộ vì thông cảm dân chúng phải tốn tiền sửa xe ngập nước và hư hỏng rất nhiều.
GL (há mồm): – Thu thêm thuế….!!?
GL