Menu Close

Cái chết của Maria

Diana gọi cho tôi giọng hốt hoảng “May, mày biết tin gì chưa? Maria chết rồi”.

“Hả…sao…sao mà chết?”, tôi run rẩy lắp bắp.

“Thấy người ta bảo bị đột quỵ vì đau tim. Bà ấy chết trong căn apartment đến cả tuần trời mà không ai biết. Cho đến tận khi hàng xóm phàn nàn về mùi lạ bốc ra.”.

Tắt máy điện thoại, tôi ngồi sụp xuống ghế sofa bần thần. Maria…Maria…Ôi Maria tội nghiệp.

Maria vào hãng làm trước tôi độ một tuần. Ấn tượng của tôi về bà đó là một bà Mễ già khó tính ham đọc sách. Bất kể lúc nào ngơi tay làm việc là tôi lại thấy bà chăm chú vào cuốn sách mang theo, đọc say sưa tưởng như quên cả giờ giấc. Ngay cả những ngày mùa đông lạnh lẽo nhất thì bất cứ khi nào đến hãng, tôi cũng thấy Maria ở đó ung dung đọc sách từ bao giờ. Người giữ chìa khóa mở cửa hãng là Bob nói bà ấy còn đến sớm hơn cả ông. Ngày nào cũng ngồi trong xe chờ ông đến mở cửa với cuốn sách đang mở trước mặt.

Làm với nhau tới vài tháng trời nhưng Maria chưa từng có cuộc nói chuyện phiếm với bất cứ ai dài quá 5 phút. Bà thường chỉ chào hỏi xã giao một câu rồi quay về ngay với cuốn sách của mình. Tôi vẫn nghĩ Maria là một bà già bí ẩn. Nhưng rồi một ngày tôi nghe Diana kể chuyện về bà già ấy.

“Thật là một người đàn bà khó chịu. Chả trách bà ta sống một mình trong căn hộ nhỏ xíu, tồi tàn ở khu rẻ tiền dành cho phần đông người Mễ nhập cư. Tao chẳng ưa bà ta chút nào. Nghe đâu bà ta có hai đứa con gái nhưng chúng cũng sống ở tiểu bang khác, chẳng bao giờ về thăm bà ta từ lâu lắm rồi.”

“Ai kể mà bà biết? Tôi cứ tưởng chẳng ai biết chút thông tin cá nhân nào của bà ấy”, tôi tò mò.

“Thì một bà trước làm cùng với tao hôm qua tình cờ gặp lại trước cửa hãng, nhìn thấy Maria mới kể cho tao nghe chuyện. Bà ấy ở cùng khu với Maria. Hàng xóm quanh khu đó cũng chẳng ai ưa gì bà già khó tính”.

cai-chet-cua-maria
Thắm Nguyễn

Có đôi lúc tôi thấy tò mò về Maria. Những khi nhìn bà cắm cúi, nheo mắt chậm chạp đưa từng mũi hàn trên tấm board, hay khi thấy bà say sưa đọc sách. Tôi tự hỏi những câu hỏi riêng tư về người đàn bà này. Tại sao con gái không bao giờ đến thăm bà? Chồng bà ấy giờ đang sống cùng với người đàn bà khác hay đã chết rồi? Rồi tôi lại tưởng tượng ra cuộc sống của một người đàn bà sắp tới tuổi nghỉ hưu cô độc một mình sẽ ra sao? Maria nghĩ gì. Có khi nào bà ấy cảm thấy cô đơn và lo sợ cho tương lai, khi mà một mình đơn độc với tuổi già đang chờ rất gần, kề ngay trước mắt? Tôi lại tự hỏi người đàn ông đã từng cùng Maria đầu gối tay ấp, có với nhau tới hai mặt con ấy, vì lý do gì mà rời bỏ bà? Cả hai đứa con gái nữa. Hẳn Maria đã từng dành cho chúng những chăm sóc, lo lắng và cả tình yêu thương khi chúng còn trong những năm tháng ấu thơ. Sao chúng chẳng bao giờ trở về thăm mẹ? Hay bởi vì Maria thực sự là một người đàn bà khó chịu. Ðể tới mức chồng con không chịu đựng nổi mà phải dứt áo ra đi? Nghĩ như thế rồi tôi lại tự nhủ “không thể nào”. Bởi một người đàn bà sắp tới tuổi nghỉ hưu vẫn hàng ngày cần mẫn đến hãng làm việc không trễ một phút. Một người đàn bà yêu quý và nâng niu những quyển sách thì không thể nào là người đàn bà độc ác, xấu xa. Nghĩ như thế, tôi thấy thương cho Maria.

Diana lại phàn nàn về Maria. “Cái bà già ấy chậm như rùa. Tao hàn xong 3 tấm board rồi mà bà ấy vẫn còn mò mẫm với tấm đầu tiên”.

“Ở tuổi bà ấy mà vẫn còn ngồi hàn được là giỏi lắm rồi. Tôi chỉ sợ khi mình đến tuổi ấy chắc đã nghỉ nằm queo ở nhà”, tôi nói có ý bênh vực bà Mễ già.

“Không làm được thì nghỉ đi cho xong. Ðến hãng làm rề rề như thế chẳng công bằng cho những người làm việc vất vả như tao với mày. Tao không biết ông chủ nghĩ gì mà thuê bà ta về làm.”, Diana vẫn tiếp tục cằn nhằn.

“Thôi bà ơi, cũng có người làm thế này, người làm thế khác chứ. Vả lại, vẫn còn có đủ việc cho tất cả mọi người. Làm overtime đến chín, mười giờ đêm cũng đã hết việc đâu.”

Một ngày, khi tôi vừa đọc xong “Ðắc nhân tâm”, một quyển sách dạy người ta cách để kết bạn, sống vui vẻ với mọi người xung quanh. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ muốn thử xem những gì người ta viết trong cuốn sách ấy có đúng không. Thế là tôi thử áp dụng nó để “chinh phục” Maria. Trong sách nói rằng con người ta rất thích được khen ngợi. Nhưng để nói lời khen ngợi cũng là cả một nghệ thuật. Lời khen ấy phải xuất phát từ sự chân thành. Tôi sẽ khen Maria để khiến bà ta vui, nhưng biết khen gì bây giờ? Tôi chẳng thể khen một bà Mễ già tính tình khó chịu nổi tiếng cả hãng rằng bà thật là một người tuyệt vời. Khen về ngoại hình thì càng không thể. Nhưng nhất định, mỗi người dù có xấu đến mức nào thì cũng có một thứ gì đó đáng để khen ngợi. Sách cũng nói thế. Rồi tôi cũng tìm ra một thứ để khen Maria, đó là đôi chân mày của bà. Ðôi chân mày đầy đặn mượt mà màu nâu nhạt được khéo léo chăm tỉa gọn gàng là điểm nổi bật trên khuôn mặt Maria. Phải, đến bây giờ tôi mới nhận ra bà ấy có một đôi chân mày tự nhiên tuyệt đẹp mà tôi mới thấy lần đầu. “Tôi thích chân mày của bà lắm. Trông chúng thật đẹp.”

Maria ngỡ ngàng chừng vài giây khi nghe tôi nói vậy. Rồi bà nở một nụ cười thật tươi, nhìn vào mắt tôi bối rối nói lời cảm ơn. Hình như ngày hôm đó tôi đã giúp Maria có một ngày vui vẻ. Khuôn mặt bà dãn ra, tươi sáng và sinh động hơn hẳn mọi ngày. Khi bà nhìn vào mắt tôi, tôi lại nhận ra một đôi mắt màu nâu hạt dẻ cũng đẹp không kém, đôi mắt từng bị ẩn giấu phía sau cặp kính lão và những cái nhìn đăm chiêu thường ngày. Kể từ ngày đó, bà luôn khẽ mỉm cười chào tôi mỗi lần gặp mặt.

Hóa ra điều khiến con người ta hạnh phúc đôi khi cũng thật đơn giản. Một lời khen thật lòng, tình yêu thương đồng loại từ một trái tim chân thật chính là chìa khóa nhiệm màu có thể mở ra mọi cánh cửa. Ðể con người đủ chủng tộc, màu da có thể cùng chung sống trong hòa bình và bác ái. Luôn có đủ không khí để thở cho tất cả mọi người trên trái đất này. Vậy mà tại sao chúng ta cứ phải bon chen, giành giật để rồi làm tổn thương người khác và cả chính bản thân mình?

Hãng bắt đầu hết dần việc. Ðấy là điều vẫn diễn ra theo quy luật hàng năm, bởi hãng chúng tôi làm là hãng điện tử chuyên sản xuất những bảng đèn chiếu sáng trang trí. Ðơn đặt hàng thường đến ồ ạt vào những tháng cuối năm nhưng đến tháng hai của năm mới thì bắt đầu chậm lại. Ðây cũng là lúc hãng bắt đầu cắt giảm nhân viên.

Nếu trước kia Diana chỉ xì xầm với tôi về tốc độ làm việc của Maria thì bây giờ, tôi thấy bà ta vào phòng manager thường xuyên hơn. Ðôi khi còn cầm theo cả tấm board mà Maria vừa hàn chỉ chỏ đủ chỗ trước mặt manager. Qua tấm cửa kính, ai cũng hiểu là bà ta đang phàn nàn về Maria.

Rồi manager cũng gọi Maria vào phòng cho bà lay off. Tôi lén nhìn Maria qua ô cửa kính thấy bà buồn bã ngồi nghe manager nói, mà tôi biết chắc đó là vài lời an ủi cho phải lệ. Tôi thấy lưng bà như còng hẳn xuống. Maria đúng là đã già thật rồi. “Ốm tha, già thải”, ấy là quy luật tất yếu thôi. Tôi thấy thương cho Maria. Bởi tôi biết ở tuổi của bà, sẽ chẳng dễ dàng gì để đi kiếm việc mới. Maria rời phòng manager ủ rũ, mặt đỏ ửng như chực khóc. Sau đó là đến tôi được gọi vào. Tôi cũng bị cho lay off giống bà vì tôi là nhân viên mới. Hãng người ta phải giữ lại những người đã có kinh nghiệm lâu năm hơn và có hợp đồng chính thức. Lại phải đi kiếm việc mới rồi, tôi thở dài buồn rầu rời khỏi phòng. Rồi tôi nhớ đến Maria. Tôi muốn an ủi bà vài câu. Nói cho bà biết rằng tôi cũng bị lay off chứ không phải chỉ có mình bà. Nếu bà nghe tôi nói thế hẳn cũng bớt buồn tủi hơn. Nhưng tôi không thấy Maria, bà đã về từ lúc nào. Có thể đã về ngay sau khi rời khỏi phòng manager cũng nên.

Một tuần sau thì tôi nhận được điện thoại báo về cái chết của Maria.

Hãng có đơn đặt hàng mới thế là tôi được gọi về sau hơn 2 tháng bị lay off. Ðang trong lúc chưa tìm được việc. Tôi quay lại làm.

Ngày đầu tiên trở lại, tôi thấy buồn khi đi ngang qua bàn làm việc cũ của Maria. Chẳng hiểu sao, tôi lại thấy nhớ hình dáng một bà Mễ già cắm cúi trên quyển sách được lót cẩn thận trên một chiếc khăn sạch, để không bị dính bẩn từ mặt bàn. Tôi lại nghĩ giá Maria còn sống, có thể hãng cũng sẽ gọi bà về làm lại giống như tôi.

Diana có vẻ trầm tư hơn. Tôi thấy bà ta hình như là sợ hãi một điều gì đó. Ði làm lại vài ngày tôi mới nhận ra Diana không dám đến gần bàn làm việc cũ của Maria. Bà Mỹ đen hay soi mói người khác ấy phải chăng đang dằn vặt bởi những gì từng làm với Maria khi bà còn sống. Bà ấy có tin vào hồn ma và sự báo thù của những hồn ma hay không, tôi không biết. Nhưng có một điều tôi biết rõ là bà ta sợ.

Diana mắt lấm lét nhìn về phía chiếc bàn, thì thào kể cho tôi:

“Tao nghĩ hồn ma bà ấy vẫn quanh quẩn ở đó May ạ. Sau ngày Maria chết, có nhiều chuyện lạ lùng xảy ra lắm. Cái máy hàn bà ấy vẫn dùng tự dưng chập điện nổ. Tao thấy ớn xương sống mỗi lần đến gần chỗ ấy. Mày có tin vào ma quỷ không?”

“Có”, tôi thừa nhận. Chắc vong hồn bà ấy vẫn quay trở lại chỗ làm cũ. Bà nói thêm cho tôi biết về cái chết của Maria đi”.

“Ừ, thì thấy bảo bà ấy chết vì một cơn đau tim vào tầm trưa thứ hai. Người ta bảo có lẽ bà ấy bị sốc vì mất việc. Nếu bà ấy vẫn còn đi làm thì chắc sự việc không xảy ra như vậy. Mà giả sử bà ấy có lên cơn đau tim vào trưa thứ hai thì lúc ấy đang là giờ làm việc, mọi người sẽ gọi 911, biết đâu có thể sẽ cứu được.”. Nói rồi Diana đăm chiêu im bặt. Có thể bà ta đang cảm thấy có lỗi trong việc Maria bị lay off. Cho dù bà ta không có quyền cắt việc Maria, nhưng những lời tọc mạch đã từng nói với manager thì hẳn bà ta vẫn chưa thể quên.

Những việc lạ lùng không chỉ có vậy. Trong suốt nhiều tháng sau, tôi còn chứng kiến thêm vài việc khác nữa. Một lần đến hãng sớm, bước vào trong phòng, tôi rõ ràng thấy Maria đang ngồi ở đó, cắm cúi trên quyển sách như mọi khi. Bà ngẩng lên nhìn, tôi lại thấy đôi chân mày màu nâu nhạt tuyệt đẹp và đôi mắt màu nâu hạt dẻ nhìn tôi khẽ mỉm cười. Hình ảnh đó chỉ hiện ra trong vài giây rồi tan biến đi. Tôi sững sờ bất động như đóng băng, chân tay lạnh ngắt mà mồ hôi lại rịn ra trên trán. Chắc linh hồn Maria vẫn còn ở đó. Một lần khác, người ta sắp một nhân viên mới vào ngồi ở bàn của Maria. Tất nhiên là cô này không hề biết chuyện gì, bởi đó là ngày đầu tiên cô làm việc ở hãng. Khoảng 1 giờ sau thì cô ta tự nhiên hát tướng lên như chỗ không người rồi thỉnh thoảng ngả ra ghế cười sằng sặc. Ngày hôm sau cô gọi vào hãng báo bệnh vì bị chóng mặt và đau đầu. Lại cả chuyện những món đồ trên bàn thỉnh thoảng tự dưng rơi xuống một cách đầy vô lý không thể giải thích nổi.

Chuyện cuối cùng khiến tôi tin chắc chắn rằng linh hồn Maria vẫn quanh quẩn đâu đó trong hãng là khi manager của chúng tôi bị cho thôi việc. Bà già Mỹ trắng buồn bã bỏ đồ đạc vào một chiếc hộp giấy, ngay trong chính căn phòng bà đã sa thải Maria. Có lẽ đến lúc này bà mới hiểu cảm giác bị mất việc ra sao. Ðặc biệt là khi, bà cũng ở vào độ tuổi sắp nghỉ hưu như Maria.

MM