Con đường đá dăm ngã ba Cửa Dương Suối Cái bụi mù mịt. Trí bẻ lái chiếc Ford Everest biển 29 tránh một hòn đá to chềnh ềnh giữa đường, chửi đổng. Những lán dựng tạm mọc lên nườm nượp cạnh những xe lu, trạm trộn bê tông lưu động ngay khu ngã ba Xóm Mới này, con đường rải asphalt bong tróc đã được phủ lên những lớp đá dăm mới để chuẩn bị trải nhựa.

Kỳ 3
Lướt theo đầu sóng
Vẻ ngoại hình phốp pháp, đôi mắt ốc nhồi và đồng tử mở to màu kim tiền, đặc điểm là cái miếng ngọc bích tổ chảng hình Phật Di Lặc trên cổ gã, tôi vẫn không nghĩ Trí là một phật tử ăn chay trường.
Trí cùng bà Mai chở tôi và Tư Huỳnh từ Bãi Thơm thăm một dự án về khu nhà ven biển. Suốt buổi sáng, Trí thao thao về cái “sơ đồ quy hoạch 1:500” bản vẽ kỹ thuật mấy khu đô thị bên công ty của gã. Tư Huỳnh, tỉnh rụi không một lời khi lắng nghe cuộc trao đổi về những vụ áp phe bán liền tay giữa bà Mai và tay Trí; và Trí dù không chi một phần tiền đặt cọc nhưng vẫn hưởng lợi. Trí vốn là người Hòa Bình có cái khu resort nghỉ dưỡng nửa mùa Thập Nhị Linh Sơn. Và sau thời gian Hà Nội mở rộng, từ dân Hòa Bình hắn phất lên trở thành dân Hà Nội giàu mới vì một phần tỉnh Hòa Bình sát nhập vào Hà thành. Ngay cả khi “đăng ký” xe, Trí cũng đã đợi vài tuần sát nhập để xe của hắn mang biển số đầu 29 chứ không phải 28.

Thời kỳ Hà Nội mở rộng sát nhập một phần các tỉnh xung quanh, ví dụ biển 29, 30, 31 là biển Hà Nội, Hà Tây biển 33, Hòa Bình biển 28 là biển số ngoại tỉnh. Nhiều người không thích cái biển số ngoại tỉnh vì không thích gắn cái mác nhà quê, thứ hai là phòng ngừa các chính sách hạn chế lưu thông xe ngoại tỉnh trong nội thành có thể xảy ra bất thường. Tư Huỳnh mở cửa sổ xe, nhả khói, rồi thán thêm, “Thích gắn mác hộ khẩu thủ đô!”
Cái văn hóa đầu số xe đăng ký chẳng phải là văn hóa bên lề ở Việt Nam. Tính địa phương chủ nghĩa cao, người ta nhìn cả cái biển số xe. Tôi nhớ lần ra Ba Vì, một tay bác tài nói móc một cặp trẻ chạy xế máy đang “đánh võng” qua mặt cái ô tô của lão, “À, 36 Thanh Hóa anh hùng!”
“Nói thật với chị Hạnh, dân Phú Quốc không có làm ăn gì, chỉ có đi biển, đi rừng và giờ bán đất!” Trí luôn cho tôi cảm tưởng về cái tính “sô vanh” đậm chất Hà thành, cả cách đám bạn gã thể hiện kiểu cách về những kiểu chuyện tám bên nồi lẩu hay sàm sàm lúc cùng ở nhà hàng Sông Xanh. Và quả là gã Huỳnh không khoản đãi tôi ẩm thực du lịch Phú Quốc như những món ăn sushi, kimbap đang dần được Việt hóa. Ngồi trong xe rộn rã những âm thanh xủng xoẻng của những đất đai, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, sổ đỏ, sổ hồng, … tôi như lạc vào một ma trận về thủ tục hành chính. Nó làm tôi ngộp thở.

Bà Mai, theo lời kể của Tư Huỳnh, có thể được xem là dân “cố cựu Phú Quốc”. Là một thanh niên xung phong từ Phủ Lý, Hà Nam vào Phú Quốc hơn 20 năm trước, cắm dùi ở cái khu bãi rác Trần Hưng Ðạo chếch đối diện phòng Tài nguyên môi trường huyện. Cái thời của những người tiên phong cắm đất gồm cả người bạn khố nối TNXP khác là bà Ba Vân Hải Dương đến khu này, tranh nhau ở gần cái giếng nước ngọt gần dưới biển; thì bà Mai lại chọn cho mình mảnh đất ở ven đường để mở một quán café ở cái thời đìu hiu heo hút tiếng người. Ra Phú Quốc với một đứa con riêng, bà Mai rổ rá cạp lại với ông Chệt Xù ở Phú Quốc. Hai mảnh đời bạn thanh niên xung phong, mỗi người một ngã rẽ; bà Mai hàng ngày bận rộn với những phi vụ môi giới, đầu cơ và cò đất thì bà Ba Vân đã đầu tắt mặt tối dạt xuống dưới sâu trong bìa rừng ở Hàm Ninh cùng chồng buôn bán mủ.
Hồ tiêu có hai loại là tiêu đỏ và tiêu đen. Hồng tiêu hay là tiêu đỏ là trái tiêu chín nên dù phơi khô vẫn có sắc hồng. Tiêu đen trái tiêu xanh khi thu hoạch nên phẩm cấp thấp hơn, khi phơi khô lên cho ra màu đen, tiêu sọ là tiêu đen mà đã lột vỏ.

Cái nắng gắt gao Phú Quốc và những hàng cọc tiêu khô khốc trơ trọi. Tiếng the thé của con chim cao cát chao liệng trong cơn đói soi bóng tìm gà.
“Phú Quốc giờ không còn nhiều nước ngọt như trước nữa, chị Hạnh,” Trí cắt ngang dòng suy ngẫm khi tôi bận bịu tìm một mảng xanh bên vườn tiêu mé lộ để bấm máy.
Tiêu Phú Quốc vốn là nông sản thương phẩm có tiếng của Việt Nam, và Việt Nam xếp hàng thứ hai trong những nước xuất cảng tiêu. Nhưng hồ tiêu là giống cây nhiệt đới cần rất nhiều nước. Mỗi ngày một gốc tiêu cần khoảng từ 5 tới 7 lít nước, sẽ không là vấn đề lớn vào mùa mưa, nhưng với một vườn tiêu chừng 300 cọc tiêu thì mỗi tháng mùa khô sẽ cần tới từ 50 tới 60 khối nước.

“Ðiều này thật kinh khủng nếu nhớ lại vào đầu những thập niên 90, ở Thủ Ðức chỉ cần khoan vài mét đã có nước nhưng do không quy hoạch nay mạch nước ngầm ở Sài Gòn đã dần tiệm cận mức giới hạn cạn kiệt, cả khi khoan sâu tới hơn 100 mét cũng không có nước.” Trí sát lại gần, chỉ tôi những nhánh tiêu ủ rũ; bà Mai bỗ bã lời, đậm tính con buôn hơn, “Úi giời, bán đất hết đi chứ mần vườn tiêu chi cho cực!”
Tư Huỳnh, vẫn để mặc cho hai diễn giả là Trí và bà Mai giải thích cho tôi về hồ tiêu và sinh vật cảnh Phú Quốc như một khách hàng đầu tư địa ốc tiềm năng.
“Hết nước thì vẫn có thể học Singapore mua nước ngọt từ nước láng giềng, Phú Quốc vẫn được đặt trong tầm nhìn là Singapore mới với diện tích tương đương đó thôi!” Huỳnh nheo mắt chen trong câu chuyện đang rôm rả.
“Nếu trước đây đào một cái giếng hết chừng dăm triệu thì giờ nhiều hộ ở Phú Quốc phải tìm tới giếng khoan nhiều hơn. Mỗi cây nước khoan xuyên đá như vậy hết ít nhất cũng 35 triệu. Ðiều đó cũng chẳng bảo đảm gì là nước giếng khoan trong và sạch vì nhiều cây nước giếng khoan cũng nhiễm phèn và phải qua những bồn lọc nước bằng inox Sơn Hà mới có thể sử dụng được. Chứ mua nước ngọt cũng không rẻ gì, tới 10,000 đồng một khối nước.” Trí tiếp tục vào vai trò diễn giả về mấy giống tiêu trồng Phú Quốc, tôi gắng căng óc thu nhập dữ liệu vào bộ nhớ để gõ phím.

Chia tay đoạn đường Suối Cái-Bãi Thơm quanh co giữa rừng nguyên sinh Phú Quốc, chiếc Ford Everest đi ngược về phía Dương Ðông. Cơn nắng chói giữa trưa mờ ảo con lộ nhựa. Trí “đề xuất” mọi người cùng ghé quán cơm chay Khánh Ly ở góc đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Ðình Chiểu.
“Axit uric trong máu cao rồi, chị Hạnh”, Trí cười, “Quán này coi vậy nhưng đồ chay cũng không kém quán cơm chay ở Trần Hưng Ðạo ngoài Hà Nội đâu chị.”
Cơm chay Khánh Ly, cái tên tưởng lãng mạn mùi cầm ca và dòng nhạc Trịnh nhưng là quán cơm chay thuần túy khá có tiếng ở Phú Quốc.
“Chủ quán thuê cái với giá rẻ chừng vài triệu một tháng của một tín đồ theo đạo Phật, nấu đồ chay ngon phục vụ cho bá tánh với giá cả cũng phải chăng. Trong khi giá cả cho thuê mặt bằng ở Phú Quốc cũng thay đổi, tiệm phở Nam Ðịnh đầu Nguyễn Trãi thuê cũng tới 20 triệu/tháng. Tiệm shisha ở đường Trần Hưng Ðạo 15 triệu/tháng, hay một kiosk nhỏ cùng đường Trần Hưng Ðạo bán đồ bơi và lưu niệm cho khách du lịch cũng có giá thuê 10 triệu/tháng.” Trí tỏ vẻ lăn lộn và tường tận nhiều ngóc ngách Phú Quốc, sau cú sốc đầu tư nhà phố Hà Nội với lãi suất chóng mặt vào những năm 2010, Tư Huỳnh thì nhận xét rằng “hắn có vẻ chậm lại”.
Cơn nóng Phú Quốc làm tôi muốn váng vất, muốn rũ tung những chồng chéo nhân vật, những hỗn độn ngôn từ. Tư Huỳnh ghé chỗ “bà ngoại” mà anh vẫn xưng con chào hỏi mỗi khi ghé qua. Mấy hũ đậu phộng rang kiểu Pháp Chouchou, đủ vị mua ở chợ đêm Dinh Cậu và chai vang Ðalat đặt sẵn lên kệ chờ bọn tôi. “Con cầm qua chỗ con gái ngoại kêu nó khui cho con”, bà ngoại, nụ cười bỏm bẻm cho vui những phần đời còn lại.
Hoàng hôn bãi Trường khu resort Arcadia. Khách Việt tránh nắng đi tắm muộn và một vài còn diện nguyên bộ tắm biển. Những cơn sóng triều đến vồn vã. Người đàn ông bị sóng tấp, bụm tay giữ cái quần cộc lãnh đen xém tụt cả chục bận.
Huỳnh tớp vài ngợm ly vang bản địa rồi trút lời, “ Bãi biển Phú Quốc này, thật cứ như cô gái trinh nguyên ngửa sóng bạc màu phân chia nhau cho người ta hãm hiếp!”
Ðmh
Facebook: https://www.facebook.com/hanhphoto