Con trai tôi vừa được 7 tuổi. Một ngày khi chở con đi ăn kem, tôi tò mò hỏi: “Con muốn làm gì khi con trưởng thành?” Con tôi tỉnh bơ trả lời: “Con muốn làm ông bán cà rem.” Tôi sững sờ vì giống như bao gia đình Việt Nam khác, tôi luôn nghiêm khắc trong vấn đề học tập của cháu và khuyến khích con có những mơ ước, dự tính vĩ đại cho tương lai. Dĩ nhiên câu nói của con làm tôi rất thất vọng. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh hỏi tiếp: “Tại sao con lại muốn trở thành ông bán cà rem?” Với giọng điệu nghiêm nghị, thằng nhóc nói: “Vì ông bán cà rem làm mọi người vui.” Rồi có vẻ tư lự, con tiếp lời: “Nhưng nếu con không có đủ tiền để mua xe bán cà rem thì con ứng cử tổng thống!” Tôi bật cười, thở phào nhẹ nhõm và sau đó tôi cũng không nghĩ ngợi nhiều về vấn đề áp lực hướng nghiệp cho con nữa vì cháu còn quá nhỏ.
Nhưng vừa rồi một người bạn tâm sự về việc con anh bị áp lực chọn ngành y từ khi còn rất bé để rồi khi cháu vào đại học và xin vào trường y, cháu đã bị stress nặng và có vẻ mất trí vì không theo nổi chương trình học nhưng quá lo sợ làm phật lòng bố mẹ mà cháu đã tự tử. May mắn là người nhà đã phát giác kịp thời và cứu được mạng sống của cháu. Một blog rất hay mà tôi vô tình đọc về việc hướng nghiệp cho con cái giúp tôi nghiệm ra cách dạy con thích hợp, xin được chia sẻ cùng quý độc giả:
Trường hợp 1: Khi có con, tôi cố gắng làm một người mẹ tốt như những cha mẹ khác và từ bé đã khắt khe với con, cố gắng uốn nắn để con trở thành một người thành đạt trong xã hội. Từ khi cháu được 3 tuổi tôi đã lặp đi lặp lại rằng con phải tập trung học tập, đừng ham chơi như những đứa trẻ khác để sau này con là niềm tự hào của gia đình và trở thành một người thành công đóng góp cho xã hội. Khi con tôi được 35 tuổi, với mái tóc hoa râm, cặp kính cận dày cộm và vẻ mặt bơ phờ, nó đến bên mẹ thắc mắc: “Con trực ở bệnh viện cả đêm, miệt mài chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Từ bé con đã là một mọt sách. Con không biết niềm vui chơi đùa nghịch ngợm với các bạn đồng trang lứa là gì. Con không hề có một kỷ niệm nào đáng nhớ về niềm vui của tuổi thơ. Tất cả những gì con làm cho cuộc đời con đều là điều bố mẹ chỉ định, con không được đưa ra suy nghĩ hay quyết định gì cho chính mình. Con không có gia đình, cũng không một người bạn thân để chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Giờ bố mẹ lại muốn làm mai con cho một cô gái ngoan hiền, xinh đẹp nhưng con không hề có một cảm giác rung động. Mẹ đã nghĩ gì khi ép con vào nghề y mà theo mẹ có địa vị cao trong xã hội sẽ đem lại hạnh phúc cho con? Mẹ đã nghĩ gì khi bóp chết linh hồn của một đứa trẻ và cướp đi tuổi thơ của con?
Tôi đau khổ khi chứng kiến nỗi cô đơn của con mình và trả lời: “Mẹ chỉ muốn con có tất cả các cơ hội để phát triển tốt nhất trong việc học và trở thành người thành đạt trong xã hội mà không phải mặc cảm như mẹ.”
Con tôi nói: “Nếu cơ hội phát triển tốt nhất theo mẹ là biến con thành một kẻ đơn độc, mất cảm xúc và bị giam cầm trong bốn bức tường của chính công việc mình làm, trong khi con thèm được là một người công nhân bình thường, hàng tuần họp mặt bạn bè vui cười uống ly bia, ca hát karaoke nhảm nhí hay chơi tennis ở công viên với vợ con thì liệu điều mẹ làm có phải là điều tốt nhất cho cuộc đời con không?”
Trường hợp 2: Trái ngược với những cha mẹ khác, từ bé tôi không ép con làm điều gì. Tôi thương yêu chiều chuộng con hết lòng. Ngoài việc học văn hóa, chồng muốn cho con đi học nhạc, tôi hỏi con xem nó có muốn học gì không. Khi thằng bé 3 tuổi vô tư vừa ngậm kẹo chóp chép vừa nũng nịu: “Con không muốn học gì cả, con chỉ thích chơi game thôi.” Tôi ôm con vào lòng, mỉm cười dịu dàng: “Vậy thì con cứ chơi game nhé. Mẹ thương con lắm.” Khi con có bài tập làm ở nhà (homework), tôi để con tự giác làm. Tôi cãi lại chồng về vấn đề giáo dục con cái, tôi không kiểm tra bài cháu vì không đủ trình độ, tôi cũng chẳng tìm dịch vụ bên ngoài hay ở trường để họ giúp cháu làm bài tập. Tôi tự hào rằng dù vậy con tôi rất ngoan. Tôi còn bảo cháu rằng: “Con yêu, mẹ thương con vô điều kiện. Con có là bác sĩ hay là một người công nhân bình thường thì con vẫn là niềm tự hào của bố mẹ.”
Khi con tôi được 35 tuổi, có 4 đứa con. Nó lấy vợ khi còn rất trẻ vì cô gái lỡ dính bầu. Cả hai vợ chồng chẳng có dịp tốt nghiệp đại học. Con tôi phải bôn ba kiếm tiền nuôi vợ con khi nó vẫn chưa thật sự trưởng thành. Vợ nó phải ở nhà chăm sóc con cái, và với kiến thức giới hạn, vợ nó cũng chẳng khuyến khích và rèn luyện con cái trong vấn đề học hành. Con tôi đến bên mẹ với những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt, bàn tay lem luốc đen ngòm từ dầu máy xe mà con sửa. Nó hỏi: “Mẹ, con là một người thợ máy sửa xe, quanh năm con lam lũ chui dưới gầm xe trong giá buốt của mùa đông, hay trong cái nóng cháy của mùa hè. Con về tới nhà thì trời đã tối mịt, nhà cửa bừa bộn, con cái phá phách. Cuối tuần con đi chơi với bạn bè thì bà vợ xồ xề càu nhàu nói cả tuần con đã không có mặt ở nhà, rồi weekend cũng biến mất tiêu. Cuộc sống gia đình chán ngán, công việc thì không có cơ hội tiến thân. Mẹ nghĩ gì khi mẹ quá dễ dãi với con khi con còn bé, chưa tự biết suy nghĩ hay quyết định cho tương lai mình mà mẹ không hề hướng nghiệp cho con để con có một tương lai tốt hơn? Mẹ có biết là mẹ đã hủy hoại cả cuộc đời con không?”
Nước mắt tôi lăn dài khi con quay lưng, cái áo người thợ máy của con bạc phếch, lấm lem dầu máy.
Trường hợp 3: Từ bé tôi chăm sóc con chu đáo, nhưng mỗi khi việc gì liên quan đến học hành của con thì tôi không dính vào và giao trọn trách nhiệm đó cho chồng. Mỗi khi con hỏi ý kiến của tôi thì tôi nói nó nên hỏi ý kiến của bố nó.
Vào ngày sinh nhật 35 tuổi, con tôi u sầu chia sẻ: “Cả đời con cố gắng một cách vô vọng để trở thành niềm tự hào của mẹ nhưng đáng buồn thay tất cả những thành tựu của con hầu như mẹ không quan tâm gì lắm. Mẹ nói mẹ thương con nhưng chưa bao giờ con thấy mẹ thực sự biểu lộ cảm xúc của mình hay ý kiến của mình về việc học hành, sự nghiệp của con. Mẹ có biết là ngày White Coat Ceremony khi con được nhận vào trường dược sau bao nhiêu khổ sở xin nộp đơn vào các trường khác nhau là ngày đáng lẽ mẹ nên có mặt ở trường học với con, nhưng mẹ đã chọn công việc của mẹ vì bà chủ tiệm tóc đi vắng và mẹ phải đi mở cửa tiệm cho bả. Không lẽ mẹ không thể đóng cửa tiệm một ngày vì con? Không lẽ việc làm hài lòng người khác quan trọng hơn việc học hay tương lai của con?
Tôi trả lời rằng: “Con yêu, mẹ luôn tự hào về con và bất cứ việc gì con làm. Mẹ phải đi làm kiếm tiền phụ bố nuôi các con. Vả lại bố con là người theo dõi và đôn đốc việc học hành của các con từ bé. Bố là người có trình độ hơn mẹ để hướng dẫn và định hướng cho tương lai của con.”
Với ánh mắt thất vọng, con tôi tiếp tục trách: “Bố đã hoàn thành vai trò của mình, nhưng con vẫn luôn khắc khoải chờ đợi ý kiến của mẹ. Con luôn mong chỉ một lần trong đời mẹ đưa ra một ý kiến gì đó về việc học hành của con. Nhưng sự im lặng, và thiếu lập trường của mẹ đã hủy hoại cuộc sống và tương lai của con. Con vẫn đi học đi làm theo ý của bố, nhưng con không bao giờ đủ tự tin đưa ra ý kiến của mình. Sự thụ động trong cuộc sống và công việc khiến người chung quanh coi thường con. Họ cho con là đứa bất tài, bảo sao làm vậy, thiếu tinh thần lãnh đạo. Nên dù đã làm cần cù cho công ty trong suốt 10 năm qua, chưa bao giờ cấp trên cân nhắc con cho chức vụ mới, hay trọng trách mới. Ngay cả lương bổng con không bao giờ dám đòi hỏi hay đưa ra ý kiến, đề nghị gì. Cuộc đời con bị hủy hoại vì cái bóng thụ động, không ý kiến của mẹ quá lớn.”
Ðọc xong blog chia sẻ trên mạng về 3 cách giáo dục con khác nhau, tôi băn khoăn tự hỏi thế nào là cách dạy con hoàn hảo. Ngay khi chúng ta cố gắng hoàn tất tốt nhất vai trò làm cha, làm mẹ thì có những việc chúng ta sẽ hối hận, và sẽ có những việc con cái chúng ta trách móc chúng ta. Việc dạy con không phải là một công thức khoa học chính xác. Thay vì bằng mọi cách áp lực con hay gồng mình làm tròn trách nhiệm làm cha, làm mẹ thì hãy yêu thương con và làm những điều mình cảm thấy đúng với chính trái tim của mình. Không ai có quyền phán xét ai và cũng đừng so sánh con chúng ta với con của người khác. Có lẽ chúng ta không nhất thiết phải là một người cha/mẹ hoàn hảo mà nên cố gắng làm một người cha/mẹ tốt mà thôi.
AT