Menu Close

Chuyện bên lề Mùa Bầu Cử

Bất luận bạn ủng hộ cho ứng viên tổng thống nào trong mùa bầu cử 2016 này, dăm cuộc trò chuyện với con cái về việc bầu cử để giúp các em có thêm vài kiến thức, nhận thức và phát triển một thói quen quan tâm đến các vấn đề xã hội và thời cuộc, nhằm hình thành một thái độ và xu hướng công dân tích cực khi trưởng thành cũng là điều không thừa. Nhưng hơn hết, không chỉ bằng lời nói mà việc cho các em thấy rằng, chúng ta đã thực hiện quyền công dân của mình qua việc đi bỏ phiếu, sẽ là bài học đáng nhớ hơn. Khi số báo đến tay các bạn, ngày bầu cử chính thức đã gần kề. Xin cùng tham gia và bỏ lá phiếu của mình cho ứng viên xứng đáng.

chuyen-ben-le-mua-bau-cu

Sáng cuối tuần, đứa con gái đi đánh banh, chỉ có tôi cùng con trai đến phòng phiếu bầu cử sớm. Lẽ ra thì mùa  nào cả gia đình cũng đi chung, nhưng có khi cũng đành theo thời gian biểu của mỗi thành viên trong gia đình như năm nay. Cả trong và bên ngoài phòng phiếu đều đông đúc, nhộn nhịp. Cử tri đi bỏ phiếu, còn các thiện nguyện viên của các ứng viên cấp địa phương đứng phía ngoài cầm đầy các bảng cổ động xanh đỏ.  Một người nhân viên già của phòng phiếu tiến đến và bảo rằng, “Tôi rất vui vì anh dắt theo con đến phòng phiếu, trẻ nhỏ thường nhớ những điều này để khi lớn lên sẽ trở thành một công dân có trách nhiệm”. Tôi gật đầu cảm ơn và trả lời, “vâng, tôi cũng nghĩ vậy”. Tôi đứng vừa chọn các ứng viên, vừa giải thích cho con trai cách bỏ phiếu trên máy. Một phụ nữ phòng phiếu khác lại đến sau lưng, “Xin anh đừng để cho cháu bấm màn hình nhé”. Tôi nghiêng người – “Vâng, tôi biết, tôi chỉ giải thích cho cháu dăm điều mà thôi”. Bỏ phiếu xong, ngó quanh thấy cũng có nhiều cha mẹ dắt con đi bỏ phiếu chứ chẳng riêng tôi.

Trưa hôm sau, cả gia đình lại cùng đến phòng bỏ phiếu sớm lần nữa sau bữa trưa. Tất nhiên lần này để vợ tôi bỏ lá phiếu chọn lựa của mình. Tôi không nhớ chính xác những mùa bầu cử trước thì phòng phiếu có mở cửa ngày Chủ Nhật hay không, nhưng lần này vào thì đã thấy có cả đám đông xếp hàng khá dài, chẳng thua ngày bỏ phiếu chính thức. Bước ra khỏi phòng phiếu, câu chuyện lại tình cờ lặp lại y hệt ngày hôm trước. Một phụ nữ da trắng lớn tuổi và khá quý phái , tay cầm tấm bảng cổ động cho Ðảng Xanh tiến về phía chúng tôi, “Cảm ơn anh chị đã dắt các con đi bỏ phiếu hôm nay. Chúng ta phải cho các em thấy việc bầu cử là quan trọng như thế nào. Cảm ơn nhiều và chúc một ngày vui”. Thái độ thân thiện và trân trọng của bà quả là đẹp, dù bà chẳng cần biết tôi đã bỏ phiếu cho ai. Tôi cũng cảm ơn bà nhưng không nói thêm điều mình thầm nghĩ  rằng, bà đã giúp tôi dạy cho các con nhỏ thêm một bài học giá trị về ý nghĩa và mức quan trọng của việc bầu cử trong xã hội dân chủ là như thế nào.

Mỗi buối cơm tối trong gia đình, bên cạnh các câu chuyện thông thường khác, tôi cũng hay chêm vào dăm câu hỏi hay  thông tin thời sự trong mùa bầu cử. Ðể nhận thấy rằng trẻ nhỏ cũng có những nhận xét khá bất ngờ. Như có lần con gái tôi bảo rằng, con cái  Donald Trump đều lịch lãm, xinh đẹp và ăn nói lưu loát, hơn hẳn cha mình. Tôi đồng ý với cô bé và giải thích thêm rằng, họ có mẹ là những hoa hậu, người mẫu xinh đẹp, có học vấn và được huấn luyện để nắm vai trò lãnh đạo tập đoàn thương mại, nên đó cũng là điều tất nhiên.  Chỉ là những câu chuyện vô thưởng vô phạt như vậy, nhưng hơn hết, tôi không muốn các em trở thành những công dân thụ động, thờ ơ với các vấn đề xã hội hơn là ý định gì khác. Một số người cho rằng, các em chưa đủ khả năng để ý thức về sự vận hành của một xã hội và hệ thống dân chủ,  hoặc ý kiến của các em đơn thuần là sự lặp lại những điều của cha mẹ hay người khác, mà quên rằng các em có sự nối kết riêng vào các trang mạng xã hội, các hệ thống truyền thông để có những suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình. Xem các sô truyền hình hay các phóng sự, quả thật ngạc nhiên với những lời phát biểu tự tin vànhận xét khá đĩnh đạc của các học sinh bản xứ, dù mới lớp bốn, lớp năm hay tuổi teen.

Quay lại cùng phòng phiếu kể trên, lại có thêm một câu chuyện tình cờ khác.  Một người phụ nữ Á Ðông khác, mang bảng cổ động cho một ứng viên Dân Chủ lại đến với gia đình chúng tôi. Có lẽ bà không biết chúng tôi vừa đến hay mới từ phòng phiếu bước ra.  Thoạt đầu tôi nghĩ bà là một người gốc Hoa hay Ðại Hàn, nhưng khi liếc vội  tờ giấy tiếng Anh bà vừa trao, hàng chữ “Ðến từ Việt Nam, một xứ cộng sản, tôi học được rằng, quả khó mà chịu được những kẻ lãnh đạo bất tài và bù nhìn…” với tựa bài viết là “Cuộc bầu cử Tổng Thống 2016 dưới mắt một người di dân Châu Á”, tôi chuyển sang tiếng Việt, “Cô là người Việt Nam hả”. Bà cũng trả lời tiếng Việt, “Vâng, tôi là người Việt”.  Tôi hơi bất ngờ. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp dăm nhân viên hay thiện nguyện viên trẻ gốc Việt đó đây, còn những thiện nguyện viên người Việt lớn tuổi thì phần lớn chỉ đi cổ động cho “gà nhà”, tức các ứng cử viên gốc Việt khác. Bà thì đang cầm bảng cổ động cho một nữ ứng cử viên thuộc Ðảng Dân Chủ ứng cử vào quốc hội tiểu bang.  Hỏi chuyện mới biết bà tên là Nguyễn Bích Liên, từng là một giáo viên trung học tại Sài Gòn, sang Mỹ trở thành một giáo viên dạy ESL tại một trường học thuộc Nha Học Chánh Dallas, nay đã về hưu.Không có nhiều thời gian, bà kể sơ lý do tại sao bà tham gia công việc thiện nguyện và cổ động cho bà Hillary Clinton cùng đảng Dân Chủ. Bà là một cựu giáo viên nên ủng hộ đảng Dân Chủ có chính sách nâng đỡ và đầu tư  nhiều về giáo dục, vốn cũng dễ hiểu. Nhưng về nhà đọc hết ba tờ giấy in cả hai mặt kể về câu chuyện riêng của bà, một người di dân đến từ một nước cộng sản, tôi hiểu thêm phần nào lý do bà trở thành một thiện nguyên viên sốt sắng như vậy. Chồng bỏ đi với người khác năm bà 32 tuổi, đến Mỹ cùng hai con nhỏ, bà làm ba công việc, bảy ngày một tuần trước khi trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh ESL của Nha Học Chánh Dallas. Hai con bà tốt nghiệp trung học, nhận tiền trợ giúp tài chánh của chính phủ (Financial Aid) để theo đuổi đại học, rồi cùng trở thành hai bác sĩ. Bà viết rằng, khi nghĩ về điều này, gia đình bà luôn biết ơn người dân và chính phủ Mỹ đã cho họ những cơ hội thực hiện những ước mơ, được hưởng nền dân chủ và nhân quyền mà chẳng nơi nào trên thế giới có thể mang tới cho gia đình bà. Nhưng dài hơn trong bài viết của mình, bà kể những lý do tại sao Trump không đủ khả năng trở thành tổng thống  so với hàng loạt phẩm cách và quá trình phục vụ đại chúng của bà Hillary, xứng đáng là một Tổng thống Hiệp Chủng Quốc. Bà cũng lưu ý thêm với cử tri rằng, hầu hết các đạo luật quan trọng nhằm nâng cao vấn đề dân sinh trong an sinh xã hội, việc làm, nhân quyền, Medicare, Medicaid hay giáo dục, trợ giúp tài chính cho sinh viên … đều do Ðảng Dân Chủ đưa ra.

Tôi không lạm bàn quan điểm riêng tư  của bà, cũng như tôn trọng xu hướng chính trị của người khác vì mỗi người có những lý do và  kinh nghiệm đời sống của mình để đi đến sự chọn lựa. Như  một anh bạn tôi bảo rằng con anh từng thụ hưởng  chương trình CHIP – y tế miễn phí cho trẻ em nên anh chọn bà Hillary, người được ghi công đã đứng sau lưng vận động cho đạo luật này ra đời, lúc bà đang là Ðệ Nhất Phu Nhân ở nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton. Dù riêng tư, nhưng họ có những lý do xác đáng trong sự chọn lựa của mình, hơn là việc một người di dân hay tị nạn lại ủng hộ chính sách kỳ thị di dân, tị nạn. Nhưng với lý do gì, tôi vẫn tâm đắc với điều bà Hillary đã nhắn gởi trong cuộc tranh luận lần thứ nhất rằng,” Cuộc bầu cử này thật sự tùy thuộc các bạn.  Nó không nhiều cho chúng tôi như chính bằng các bạn, gia đình các bạn cùng kiểu quốc gia và tương lai bạn mong muốn. Vì vậy tôi hy vọng chắc rằng, các bạn sẽ đi bỏ phiếu”. Ðúng vậy, cho dù chỉ bỏ một lá phiếu trắng vì chẳng đồng ý với ứng viên nào, lá phiếu của bạn cũng là cơ hội và trách nhiệm để nói lên tiếng nói của mình. Nhưng tôi tin bạn đã có sự chọn lựa cẩn trọng cho người ứng viên xứng đáng để lèo lái quốc gia.

ÐYT