
Báo chí Việt Nam đưa tin: Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Điện Lực Vĩnh Tân 1 đã xin phép nhà chức trách, đổ chất thải từ việc nạo vét luồng lạch xuống biển.
Hồ sơ xin phép cho biết: Lượng chất thải từ quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ lên đến hơn 1,5 triệu mét khối. Công ty đề nghị được đổ ra biển. Địa điểm đổ cách đất liền khoảng 3 hải lý ( gần 5,5 ki-lô-mét), khá gần Khu Bảo Tồn Biển Hòn Cau, một trong số 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam.

Hôm qua sau khi xem xét hồ sơ, Sở Tài Nguyên Và Môi Trường Tỉnh Bình Thuận nói rằng, việc đổ khối lượng lớn chất thải xuống biển “sẽ ảnh hưởng đến môi trường Khu Bảo Tồn Sinh Thái Biển Hòn Cau, cũng như hoạt động hàng hải của tuyến đườngven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận.”

Vì thế Sở Tài Nguyên Và Môi Trường Tỉnh Bình Thuận không đồng ý, đã yêu cầu Công Ty Vĩnh Tân 1 phải tìm phương cách khác.
Được biết Khu Bảo Tồn Biển Hòn Cau – có diện tích 12.500 hecta – là nơi có hệ sinh thái biển phong phú. Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 ki-lô-mét, có gần 234 loại san hô.


Trao đổi với đài VOA Tiếng Việt, ông Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ Tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam, nhận xét: “Vận chuyển than và chất thải của nhiệt điện ra, trong đó có các loại ô nhiễm là lưu huỳnh, sun-phua, chì, rồi cadmium. Nếu đổ ra biển lâu ngày sẽ ngấm xuống, sẽ tồn lưu trong bùn của các luồng lạch. Nói chung, hóa chất độc hại không được đổ ra biển.”



