Một hội nghị trung ương bao gồm các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ các tướng lãnh cho đến các nhà lãnh đạo kinh tế nhà nước và các bí thư tỉnh, vừa diễn ra bốn ngày trong tuần qua, kết thúc vào hôm Thứ Năm 27/10 tại một khách sạn ở Bắc Kinh. Ngay sau khi hội nghị kết thúc, một bản thông cáo dài được cơ quan thông tấn nhà nước phát đi cho biết Ủy ban Trung ương, đã trao thêm cho Tập danh hiệu mới là nhà “lãnh đạo hạt nhân” của đảng , để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng trong vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, .

Bản thông cáo còn nói rõ là tất cả đảng viên phải “đoàn kết chặt chẽ với đồng chí Tập Cận Bình như là ‘hạt nhân’ của trung ương đảng… và kiên quyết bảo vệ quyền lãnh đạo đảng và tập trung thống nhất.”
Theo một số nhà quan sát, sự kiện này cho thấy Tập Cận Bình vừa củng cố thêm quyền lực cá nhân đồng thời cũng cảnh báo tới những đối thủ chính trị quyền lực nhất rằng trong những ngày tới, kỷ luật sẽ còn nghiêm ngặt hơn và được áp dụng luôn đối với 25 thành viên trong Bộ Chính trị và Ban Thường vụ – là những nhà lãnh đạo cao cấp nhất trong hệ thống lãnh đạo đảng.
Một trong những vũ khí chính Tập Cận Bình sử dụng để thâu tóm quyền lực là chiến dịch chống tham nhũng, và càng ngày càng được mở rộng hơn qua những chiến dịch trừng phạt kỷ luật khác cũng như trao thêm quyền cho cơ quan kiểm tra kỷ luật của đảng để nhắm vào những giới chức nào tỏ ra có dấu hiệu chống lại quyền lãnh đạo trung ương hay tỏ ra thiếu trung thành.
Trong khi việc nhận thêm danh hiệu “lãnh đạo hạt nhân” có thể làm vững thêm vị trí lãnh đạo của Tập Cận Bình, theo một số chuyên gia nghiên cứu chính trị, quyền lực của Tập không hẳn là không còn bị thách thức và sự chống đối ngấm ngầm từ những nhân vật cao cấp nhất trong đảng vẫn không hề giảm sút.

Danh hiệu “lãnh đạo hạt nhân” trước đây được phong cho Mao Trạch Ðông đầu tiên và sau đó là Ðặng Tiểu Bình, người đã đưa ra chính sách cải tổ kinh tế và mở rộng thị trường ở Trung Quốc sau khi lên nắm quyền năm 1978. Ðặng sau đó đã phong danh hiệu này cho Giang Trạch Dân, là nhân vật được đưa lên nắm quyền lãnh đạo đảng sau vụ sử dụng quân đội để đàn áp những người biểu tình đòi hỏi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Tuy nhiên, danh hiệu này đã không được phong cho vị tiền nhiệm của Tập là Hồ Cẩm Ðào, người bị chỉ trích là trong suốt một thập niên lãnh đạo đảng đã thiếu cương quyết để cho tham nhũng tràn lan, lợi tức bất quân bình và tác hại môi sinh, mặc dù kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh nhất trong thời kỳ này.
Trong khoảng thời gian đầu năm nay, có nhiều giới chức cao cấp ở nhiều tỉnh đã bắt đầu gọi Tập bằng danh hiệu “lãnh đạo hạt nhân” mà một số phân tích gia cho đây là quả bóng thăm dò dư luận. Những tiếng nói này sau đó im bặt trong bối cảnh gặp phải sự chỉ trích từ một số nhóm đảng viên vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận vai trò ngày càng thêm uy thế của Tập và lo ngại đây là tín hiệu đưa đất nước Trung Quốc nghiêng hẳn về lối cai trị độc tài tuyệt đối thời Mao Trạch Ðông đã đưa đến vô số những hậu quả khốc liệt.
Tuy nhiên, vào đầu Tháng 10 trước khi hội nghị diễn ra, những tiếng nói ủng hộ trên lại xuất hiện trở lại. Một tờ tạp chí của đảng nói rằng Tập cần phải được phong danh hiệu “hạt nhân” của lãnh đạo đảng bởi trong tình thế hiện nay, để trở thành một cường quốc, Trung Quốc cần có một lãnh tụ đầy đủ uy thế.

Kể từ thập niên 1990, hai nhiệm kỳ năm năm trong vai trò lãnh đạo đảng được xem như một tiêu chuẩn đã trở thành truyền thống, và tên của người thừa kế sau đó cũng thường được xác định khi bắt đầu nhiệm kỳ hai. Việc tuyển chọn đòi hỏi phải có sự đồng thuận của những nhân vật lãnh đạo thượng tầng của đảng, và cũng là kết quả của những cuộc đấu đá ở đằng sau hậu trường. Hai chủ tịch tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã phải chấp nhận người thừa kế không do họ lựa chọn.
Ðiều này cho thấy trong nhiều tháng qua đã có những cuộc vận động và tranh chấp quyền lực bên trong nội bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình đã thắng. Tuy nhiên, sự việc trên đã phần nào củng cố về một tin đồn được rò rỉ từ bên trong cho giới truyền thông phương Tây rằng rất có thể Tập đang có những toan tính lớn hơn nhiều – đó là kéo dài vị thế nắm quyền lãnh đạo đất nước Trung Quốc quá thời hạn 10 năm, mà bước đầu tiên là hoãn lại việc chỉ định tên người thừa kế.
Mặc dù quyết định trên của Tập Cận Bình sẽ không được hé lộ cho đến cuối năm 2017, khi đại hội đảng diễn ra để chính thức tuyên bố lớp lãnh đạo mới cũng như thừa nhận quyền lãnh đạo của họ Tập trong năm năm tới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tập có thể sẽ phá bỏ tiền lệ và bắt đầu nhiệm kỳ hai nhưng vẫn không chỉ định rõ ràng nhân vật thừa kế. Tin đồn này hiện đang gây rất nhiều hoang mang trong giới quyền lực Trung Quốc rằng ai lên ai xuống trong lần thay thế lớp lãnh đạo mới vào cuối năm tới, kể cả nhiều thắc mắc về số phận của Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật số 2 trong đảng nhưng đã bị Tập Cận Bình luôn tìm cách lấn áp.
Tình thế hỗn mang về nhân vật thừa kế hiện nay cũng có thể được xem như một cuộc thử thách để một lần nữa xác định quyền lực và tham vọng của họ Tập, hiện được cho là nhân vật lãnh đạo quyền lực nhất tại Trung Quốc trong mấy thập niên qua kể từ thời Mao Trạch Ðông và Ðặng Tiểu Bình. Khi nào và cách thức chọn người thừa kế ra sao, và ai là người được chọn, sẽ hé lộ cho thấy họ Tập có thể “nắn” thêm được bao nhiêu nữa về quan niệm lãnh đạo tập thể của đảng được đặt ra kể từ khi Mao Trạch Ðông qua đời, và nhất là sau khi dẹp được nhóm tứ nhân bang do vợ của Mao là Giang Thanh cầm đầu.
Cách thức chọn người thừa kế đã được đưa vào quy chế sau khi Trung Quốc phải trải qua một thời gian dài những hỗn loạn chính trị, để bảo đảm việc chuyển giao quyền lực được êm thắm trong một quốc gia độc đảng. Bất cứ nỗ lực nào của họ Tập để làm thay đổi quy chế đó có thể tăng thêm quyền lực cho ông ta, nhưng nó cũng có thể đưa đến những bất ổn trong hệ thống phân quyền có phần nào khá tinh vi đã trải qua thử nghiệm được mấy thời lãnh đạo.

Ðể tiên đoán việc chuyển giao quyền lãnh đạo tương lai của Trung Quốc có thể được cho là quá sớm vào thời điểm này. Những cuộc thảo luận trong đảng luôn được giữ bí mật. Những quyết định quan trọng thường đến rất trễ và không bao giờ tỏ ra cấp bách. Và thế lực của họ Tập lớn mạnh cỡ nào hiện nay vẫn chưa ai rõ, làm cho việc tiên đoán trên còn khó khăn hơn nữa.
Ðại hội đảng Cộng sản Trung quốc sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian cuối năm tới, ngoài việc ủng hộ Tập Cận Bình trong vai trò lãnh đạo đảng trong năm năm sau đó, hầu như tất cả mọi việc sắp xếp nhân sự khác đều để mở ngõ, và vì vậy sẽ cho họ Tập nhiều cơ hội để đưa người thân tín vào ban lãnh đạo mới trong đảng.
Năm trong số bảy thành viên thuộc Ban Thường trực Bộ Chính trị đầy quyền lực sẽ phải rời chức vụ vì tuổi tác, nếu như quy định tuổi nghỉ hưu không chính thức hiện nay là 68 vẫn tiếp tục được duy trì. Và như vậy thì chỉ còn lại hai nhân vật là Tập Cận Bình, 63 tuổi, và Lý Khắc Cường, 61 tuổi, là được phép trở lại nắm quyền.
Theo một số chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, trì hoãn việc chọn người thừa kế sẽ cho Tập Cận Bình có thêm thời gian để quan sát những nhân vật nào được lọt vào mắt của Tập chứng tỏ được khả năng và lòng trung thành. Nhất là lòng trung thành có thể cho phép họ Tập tiếp tục vận dụng quyền hành đằng sau hậu trường sau khi nghỉ hưu, nếu như Tập Cận Bình chấp nhận rời chức vụ như một tiền lệ sau 10 năm cầm quyền.
Nhưng việc trì hoãn có thể sẽ đưa tới những va chạm quyền lực nghiêm trọng trong nhiệm kỳ năm năm tới, vì nó có thể được xem như bước đầu để họ Tập tìm cách nắm giữ thêm nhiệm kỳ thứ ba.
VH