Menu Close

Bánh đập nhớ mắm cá cơm

H10
Xóm bánh đập

Tuổi thơ, chân tay lấm lem, mặt mày đen nhẻm và tóc xoăn vì nắng cháy, chạy nhảy lò cò, cả một trời cao đất rộng nhỏ xíu trong cây kẹo của bà và cả một thiên đường cổ tích thần tiên thơm ngây ngấy mùi bánh tráng đập giòn giòn, bùi bùi, ngọt ngọt, mắm cá cơm hành phi dầu tỏi sả, có thêm chút tương ớt cay cay, the the, vừa ăn vừa xuýt xoa, ngon đứt ruột ngậm ngùi!

Có thể bánh đập ngày xưa không cầu kỳ không mỏng và thanh như bánh đập bây giờ nhưng chắc chắn là nó ngon hơn, ngon hơn rất nhiều so với bây giờ. Cái sự “ngon hơn rất nhiều” này không nằm ở chỗ do nguyên liệu tốt hơn hay cách làm độc đáo hơn mà nằm ở chỗ sự cảm nhận của con người lúc đó thuần khiết, tinh tế hơn, sang trọng hơn. Nói đến đây dễ bị người ta hỏi sao lúc đó đói rát cả ruột mà sang trọng hơn bây giờ?

Bánh đập chấm mắm cái
Bánh đập chấm mắm cái

Cái này có lẽ phải hỏi các bác Việt kiều gốc Quảng, các bác ấy luôn thấy bánh đập ngon, thậm chí ngon hơn cả sơn hào hải vị. Bởi trong tâm hồn của các bác, trong trí nhớ của các bác, có một hộp thư dành riêng cho thức quê, trong đó có một trang gọi là bánh đập, cái trang bánh đập này có cả âm nhạc, cả thanh âm của tiếng đập bánh lốp rốp và nó sẽ rung ngân lên, dâng lên khi có một ai đó mời một chiếc bánh đập, điều này trở thành một loại âm nhạc đóng băng mà chất liệu của nó lại là thức ăn năm cũ.

Nói ra điều này nghe có vẻ già nua quá nhưng tôi tin là có một thực tế như vậy, với tôi, tuy chưa ngoài ba mươi, vẫn còn “hâm đi hâm lại” (ở quê tôi, hăm mấy tuổi người ta hay nói đùa là hâm đi hâm lại) nhưng rõ ràng trong ký ức của tôi, chiếc bánh đập miền Trung, từ thành phố Huế cho đến bánh đập Cẩm Nam Hội An là cả một trời, một vực.

Hến trộn, một trong những món thực khách gọi lúc vào quán. Thường thì các quán ở Cẩm Nam bán luôn bốn món: Bánh đập, hến trộn, cao lầu, chè bắp
Hến trộn, một trong những món thực khách gọi lúc vào quán. Thường thì các quán ở Cẩm Nam bán luôn bốn món: Bánh đập, hến trộn, cao lầu, chè bắp

Phải chăng ông bà ngày xưa gọi thức quê này là bánh đập bởi vì trước khi ăn, nó bị đập dập để bánh tráng vỡ ra, dính với lá mì rồi người ta cầm từng miếng “vừa giòn vừa dập” chấm vào mắm nêm, măm măm khó tả. Mà có cái hay là bánh đập khi ăn rất giống kiểu ăn hàng của phụ nữ, vừa ăn vừa măm măm nhưng hầu hết các ông lại ưa măm măm bánh đập và không cảm thấy ngại, thậm chí còn thấy vui, thấy hay nữa là đằng khác!

Một trời một vực bởi bánh đập Huế là bánh đập quê nội, bánh đập Cẩm Nam là bánh đập quê ngoại. Rồi đùng một cái, đối với con của tôi, bánh đập Cẩm Nam là bánh đập quê nội, bánh đập Huế là bánh đập quê ngoại, chuyện cứ lòng vòng, như chính cuộc đời của từng chiếc bánh đập.

Mà nói về bánh đập, có ba thứ không thể thiếu, đó là bánh tráng mỏng, giòn, kẹp lá mì mỏng, mềm, có tra chút dầu phụng đã phi hành tỏi, nước chấm là mắm nêm, phải là mắm nêm cá cơm và hơn hết, thứ gia vị quan trọng nhất là lòng thơm thảo của người với người. Không có lòng thơm thảo thì chẳng thể nào có một cái bánh đập ngon.

Thú vui khi vào quán bánh đập là ngồi nhìn người ta vừa tráng mì, vừa nướng bánh tráng, mình gọi một cái bánh đập, gọi là “cho một cặp bánh đập đi chị/cô/dì…ơi!” thì người bán bánh vừa tráng mì, vừa thoăn thoắt tay lấy chiếc bánh tráng ra nướng, vừa nướng lại vừa coi lá mì trong nồi hấp đã tới độ chín chưa. Bánh tráng nướng xong thì lá mì vớt ra, trải lên chiếc bánh tráng và lấy chiếc đũa mẹ đè vào giữa làm “nhấn”, ấn xuống nghe rắc một tiếng nho nhỏ rồi ép hai mảnh bánh tráng bán nguyệt lại với nhau, xem như có một cặp bánh đập ngon!

Những quán bánh đập Cẩm Nam Hội An đều nằm ven sông, chủ quán cũng hay treo mấy chậu bông cho thêm phần thi vị. Ăn thức quà quê với cảnh vật thế này chắc tức cảnh làm thơ...
Những quán bánh đập Cẩm Nam Hội An đều nằm ven sông, chủ quán cũng hay treo mấy chậu bông cho thêm phần thi vị. Ăn thức quà quê với cảnh vật thế này chắc tức cảnh làm thơ…

Một cặp bánh đập thường được mang kèm một chén mắm nêm có tra một chút hành phi, sả phi và dầu phụng đã khử thơm, chắc chắn là chỉ có một đến hai cặp trong dĩa bánh. Bởi số lượng này giúp người ăn có thể thoải mái nhâm nhi, không sợ bánh nguội đi và xàu, mềm ra, thiếu độ giòn cũng như thiếu mùi thơm nóng hổi. Cái hay của bánh đập nằm ở chỗ nó phải nóng, giòn, thơm cộng với mắm nêm cá cơm, một chút tương ớt thì mới cảm nhận được hồn cốt của nó.

H5

Mà ngay cả cánh phụ nữ cũng vậy, mặc dù biết bánh đập ăn theo kiểu măm măm ăn hàng, hợp với tác phong phụ nữ hơn nhưng lại cảm thấy rất gần gũi, thân thiết khi xuất hiện hình ảnh một ông bảnh bao ngồi măm măm bánh đập. Cái gạch nối giữa cao sang với hèn kém, mày râu với phụ nữ chân yếu tay mềm, lịch lãm với bình dân, quý tộc với nhà nghèo bằng chiếc bánh đập có vẻ như là cái gạch nối cực bền và cực sắc sảo. Vào quán bánh đập ngồi, gọi bánh là ăn chứ cũng chẳng phải phân vân vì mình mặc áo dỏm, áo rách mà ngồi quán có nhiều người đi xe hơi, xịt nước hoa thơm phức. Bởi dám chắc là mùi nước hoa lúc này không hấp dẫn bằng mùi mắm nêm quyện với hành sả phi dầu phụng!

Quán bánh đập đông khách nhất Cẩm Nam
Quán bánh đập đông khách nhất Cẩm Nam
Bánh đập Có Ngay
Bánh đập Có Ngay

Và bánh đập cũng có cái hay, cũng có cái gì đó rất “ma túy” của nó, bởi mỗi khi ăn, người ta thường nhớ về một lần ăn bánh đập nào đó với ai đó trong một ngày nào đó ở một địa điểm nào đó với một bà chủ quán nào đó trong lúc đất nước xài đồng tiền có in hình ông nào đó và ăn bánh đập trong một tâm trạng nào đó… Cái nào đó hiển hiện, quyện với mùi mắm nêm làm khơi gợi một cái nào đó đến bất tận đất trời và có một đất trời nào đó đang nằm gói mình trong dĩa bánh đập. Hình như là vậy!

Cái “nào đó” của tôi, có lẽ là khi ăn bánh đập tân hình thức, bánh đập hậu hiện đại vừa ăn vừa nghe nhạc Trịnh hoặc vừa chấm mắm nêm vừa thưởng thức ca khúc của Bob Dylan hoặc vừa ăn bánh đập vừa nghe Kitaro, vừa ăn bánh đập vừa nghe “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”, thậm chí vừa ăn bánh đập vừa nghe tiếng lốc cốc gõ mõ “mẹ ngồi nguyện cầu hàng bao đêm. Lời kinh vọng ra thật êm đềm…”, mà cũng có thể vừa ăn bánh đập vừa nghe đâu đó chuông chùa xa vắng, thấy mình chay tịnh lạ lùng mặc dù mùi mắm nêm cá cơm đang phủ đầy không gian thiền… bánh đập!

Thực sự, vì có một cái “nào đó” luôn hiển hiện trong bánh đập nên bánh đập Ðà Nẵng, bánh đập Cẩm Nam, bánh đập Duy Xuyên vẫn muôn đời bén duyên mắm cái. Lần này, phải nói đúng chữ mắm cái chứ không thèm dùng chữ mắm nêm nữa. Bởi bánh đập Quảng Nam, miền Trung thì phải là chấm mắm cái!

– Cho con hai dĩa bánh đập, mắm cay cay nha cô!

– Ừ có liền con, bánh đập…

Ngồi ăn bên ni, ngó bên kia sông. Một cụ già gieo bắp bên bãi bồi Cẩm Nam
Ngồi ăn bên ni, ngó bên kia sông. Một cụ già gieo bắp bên bãi bồi Cẩm Nam

H12

UC