Đêm 22/10/2016 Bob Dylan đã đến diễn ở rạp hát lớn của Winstar Casino tại biên giới Texas-Oklahoma, bên kia bờ sông Hồng (Red River). Đây là lần thứ ba tôi đi xem Bob Dylan, nhưng là lần đầu gặp nhiều người Việt như vậy. Có điều hầu như tuyệt đại đa số không phải tới để nghe nhạc mà là để… kéo máy và đánh bài.
Khỏi phải nói, đa số khán giả đêm đó đều ở khoảng tuổi 50-60, những người từng lớn lên trong thời chiến tranh Việt Nam. Có người kể với tôi lần trước ông ta đi xem Dylan là vào năm 1973. Tôi nghĩ thầm trong bụng, 1973 cũng là năm Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ được trao giải Nobel “Hoà-Bình” vì đã đẻ ra cái hiệp định Paris quái ác bức tử VNCH. Còn năm nay lại là năm Robert Zimmerman (tên thật của Bob Dylan) được tặng giải Nobel Văn Chương. Nhưng cho đến giờ phút này Dylan vẫn chưa hề lên tiếng trả lời Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển một tiếng nào. Thậm chí ông còn không thèm bắt điện thoại. Làm mấy vị hàn lâm nhà ta bức xúc ghê gớm, gọi Dylan nào là “bất lịch sự” và “kiêu căng”.
Dĩ nhiên khi nhắc đến Bob Dylan người ta thường nghĩ đến những ca khúc “phản chiến” vào thập niên 1960-70 như “The Times They Are A-Changing”, “Masters of War” v.v… Nhưng có lẽ quen thuộc nhất với người Việt là bài “Blowin In The Wind”. Lạ một điều, khi Bob Dylan đến diễn tại Sài Gòn vào tháng Tư năm 2011 ông đã không hát bài này, làm biết bao người thất vọng. Trong số khán giả hôm đó có chàng thi sĩ “quê hương như chùm khế ngọt”, và người đã phải thốt lên (dĩ nhiên là bằng thơ):
không Blowin in the Wind
đám trẻ mù tịt
đám già ngơ ngác
sao không Blowin in the Wind
đám trẻ hỏi
cha nội này là ai
…
ta im lặng lắng nghe
một vì sao rơi vào lon bia
“tõm!”
Ðỗ Trung Quân
Giá mà nhà thơ được xem chương trình mới nhất trong “Cuộc Lưu Diễn Bất Tận” (The Never Ending Tour) do Dylan khởi đầu từ năm 1988, thì chắc chắn nhà thơ sẽ được toại nguyện vì trong màn Encore để kết thúc chương trình Dylan đã chơi bài Blowin in the Wind. Có điều chưa chắc chàng sẽ nhận ra nó ngay vì Dylan đã thay đổi cách hát và phần lớn giai điệu của bản nhạc, nếu không nghe kỹ lời thì khó mà biết đó chính là bài Blowin in the Wind quen thuộc. Trước giờ đã có rất nhiều ca sĩ khác hát lại bản nhạc này, nổi tiếng nhất có lẽ là ban tam ca Peter, Paul and Mary và cô Joan Baez (từng là bạn gái của Dylan một thời). Ðến như người viết bài này (ianbui) cũng đã soạn lời Việt cho bản nhạc và làm một cái video clip trên Youtube với tựa đề Câu Trả Lời.
Mặc dù Bob Dylan không sở hữu một giọng ca vàng, như Tony Bennett chẳng hạn, nhưng được nghe chính tác giả hát nhạc của mình bao giờ cũng phê hơn. Dẫu rằng nhiều người nói họ không khoái chất giọng khàn đục của Dylan, hoặc phong cách biểu diễn rất ư là “buồn ngủ” của ông, nhưng thiên hạ vẫn mua vé đi xem ào ào, chứng tỏ tuy đã 75 tuổi nhưng Bob Dylan vẫn còn sức thu hút khá mạnh. Và sau khi xem ông trình diễn lần này, thành ngữ “Gừng càng già càng cay” áp dụng cho Dylan rất là đúng.

Khác với hai lần trước, lần này tôi bắt gặp một Dylan năng động hơn, mạnh mẽ hơn, cũng như hoàn chỉnh hơn về cả nội dung lẫn hình thức. Về nội dung, chương trình kỳ này có thêm một số bài trong kho nhạc của Frank Sinatra, một giọng ca vàng nổi tiếng một thời. Có lẽ vì lý do đó, ban nhạc lần này có thêm một tay đàn đại vĩ cầm (doublebass) để đệm cho những bài có âm hưởng jazz. Ngoài ra còn có thêm một nhạc sĩ đa năng có thể chơi ba bốn loại nhạc cụ khác nhau – nào là keyboard, steel guitar, luôn cả đờn cò tây, tức là “fiddle”, một dạng vĩ cầm dùng trong nhạc dân ca (folk) và nhạc đồng quê (country).
Nên nhớ, Bob Dylan xuất thân là một kẻ hát rong (troubadour) chuyên hát dân ca tại các quán nhạc với độc một cây đàn thùng. Về sau chàng mới chuyển sang sử dụng guitar điện (và cũng đã bị cộng đồng dân nhạc rủa sả khá nặng). Vì vậy mà âm nhạc của Dylan cho tới ngày nay vẫn bị ảnh hưởng của dòng nhạc folk và blues rất là nhiều. Có khác chăng là ca từ của Bob Dylan trau chuốt, cao siêu và phức tạp, không mộc mạc như lời nhạc dân ca hay blues bình thường.
Cũng cần nói thêm rằng Dylan chơi piano rất khá (nhờ được học đàn dương cầm từ nhỏ) nên có nhiều bài chàng đứng đánh piano trông rất là điệu nghệ. Thỉnh thoảng chàng nổi hứng co chân vài cái như để khoe cặp jeans đen được đánh kim tuyến sặc sỡ. Ngoài những lúc đó ra, Dylan gần như không có những cử chỉ gì nhiều khi hát. Sống động lắm thì cũng chỉ là cầm nghiêng nghiêng thanh micro như bắt chước Freddie Mercury của Queen. Không thôi thì thỉnh thoảng chống một tay lên hông rồi đứng yên như khúc gỗ. Tuyệt nhiên không mở miệng nói một lời nào với khán giả, kể cả câu “Cảm ơn” đầu môi chót lưỡi cũng không. Ai chưa xem Bob Dylan bao giờ thì nghĩ đó là chuyện lạ, còn ai đã quen rồi thì đều hiểu đó là Bob Dylan chính hiệu, không thể nào khác.
Về mặt hình thức, lần này sân khấu được thiết kế vô cùng đẹp mắt. Kỹ thuật video được tận dụng một cách khéo léo để làm phông cho một sân khấu được dàn dựng rất đơn giản nhưng độc đáo. Vài chiếc cột đèn đơn sơ được xếp đặt tại những vị trí then chốt gần các nhạc sĩ. Ánh sáng biến chuyển theo dòng nhạc một cách hợp lý và vừa phải, không làm cho ta bị phân tâm. Ðặc biệt là sự vắng mặt của các màn hình lớn thường hay được đặt hai bên sân khấu để người ngồi xa có thể theo dõi. Ðiều này khiến khán giả phải chú tâm hoàn toàn vào những diễn biến trên sân khấu.
Giống như lần trước đi xem Ringo Starr cũng tại nơi đây, dàn loa của Global Event Center được điều chỉnh cực kỳ xuất sắc. Không có gì sướng bằng được nghe nhạc sống với dàn âm thanh tốt, và càng sướng hơn khi ban nhạc toàn những tay nhạc sĩ gạo cội và chơi những bản nhạc kinh điển cực kỳ hay.
Mặc dù cấu trúc nhạc của Bob Dylan không cầu kỳ vì có nguồn gốc dân nhạc, nhưng rất nhiều bản nhạc của ông đã được các nhạc sĩ khác chơi lại (cover) qua nhiều cách thể hiện khác nhau. Heavy-metal rock có Jimi Hendrix với bài “All Along The Watch Tower”, pop rock có The Byrds với “Tambourine Man”, folk rock có Joan Baez với “Times They Are A-Changing”, classic rock có Todd Rundgren với “You Go Your Way I Go Mine” v.v. Hoặc như chương trình đêm đó có bài “Make You Feel My Love”, một sáng tác của Dylan ít ai biết mà trước giờ thường chỉ nghe qua giọng hát Garth Brooks, một siêu sao của dòng nhạc Country.
Nếu hỏi vì sao nhạc Bob Dylan có ảnh hưởng lớn rộng như vậy, câu trả lời có lẽ nằm trong cách ông soạn ca từ. Bản thân Dylan cũng từng tuyên bố: “Tôi xem mình là một gã thi sĩ. Tôi sống như một nhà thơ, và sẽ chết như một nhà thơ.”
Có thể nói đối với Dylan ca khúc chỉ là phương tiện để diễn đạt thơ. Thậm chí nhiều khi chàng dùng cả các giai điệu dân ca cổ xưa và đặt lời mới cho chúng. Như bài nhạc “phản chiến” nổi tiếng “Masters of War” đã được Dylan mượn từ một bài dân ca Ăng Lê thế kỷ 16 để chuyển tải những câu ca cực kỳ hiện đại như:
Come you masters of war
You that build all the guns
You that build the death planes
You that build all the bombs
You that hide behind walls
You that hide behind desks
I just want you to know
I can see through your masks
Tạm dịch:
Chúa tể của chiến tranh
Mày đúc súng giết người
Mày làm bom làm đạn
Mày chế tạo máy bay
Mày núp sau bàn giấy
Mày núp sau bức tường
Mặt nạ mày mỏng lắm
Tao nhìn thấu hết trơn...
Bản thân Bob Dylan cũng rất thích hát nhạc của người khác. Trong đêm hôm đó ngoài hai bài của Frank Sinatra (“I Could Have Told You” và “All Or Nothing At All”) chương trình còn được kết thúc bằng một bài của Cy Coleman mang tựa “Why Try To Change Me Now?” (Sao Bắt Tôi Phải Thay Ðổi). Ý chừng Dylan muốn nhắc nhở mọi người rằng đừng mơ đến chuyện ông ta thay đổi. Xưa nay Bob Dylan nổi tiếng là một con người bí ẩn và khó hiểu, và việc ông ta không buồn trả lời điện thoại của Hàn Lâm Viện Thuỵ Ðiển là chứng cứ mới nhất. Và như để mọi người thêm thắc mắc, Dylan mở màn với bài “Things Have Changed” (Mọi Chuyện Ðã Khác Rồi), thật đúng với phong cách bí hiểm của ông xưa nay.

Giữa hai bản nhạc về sự thay đổi này, Dylan đã chọn lựa một số bài tiêu biểu trong sự nghiệp đồ sộ của mình từ những thập niên 1960-70 (“Don’t Think Twice, It’s Allright”, “Highway 61 Revisited”, “Tangled Up In Blue”) cho đến những bài được sáng tác trong thế kỷ 21 (“Soon After Midnight”, “Pay In Blood”…) Tất cả đều được thể hiện một cách xuất sắc bởi ban nhạc nhà nghề của Bob Dylan. Ðã lỗ nhĩ nhất là những bài nhạc blues được chơi theo điệu rock thật điêu luyện như “Lonesome Day Blues”, tuy âm thanh to nhưng không xé tai, và tay đàn lead guitar chơi rất ngọt. Có điều lời nhạc có nhiều chỗ không thích hợp cho trẻ em, cho nên chương trình này chỉ dành cho người lớn (R-16).
Nói gì thì nói, phải công nhận Bob Dylan xứng đáng được gọi là một nghệ sĩ nghiêm túc, một ca sĩ đúng nghĩa, một nhạc sĩ tầm cỡ, và một thi sĩ thượng thặng. Ðể xem rồi đây Dylan có chịu nhận giải Nobel Văn Chương hay không. Dù gì chăng nữa, ta có thể tin chắc rằng ngày nào sức khoẻ còn cho phép Bob Dylan sẽ còn chơi nhạc, và “Cuộc Lưu Diễn Bất Tận” sẽ tiếp tục cho đến ngày được “gió cuốn đi”.
IB