Menu Close

Một vòng bầu cử sớm

Bên ngoài phòng đầu phiếu thành phố Garland
Bên ngoài phòng đầu phiếu thành phố Garland

Sáng Thứ Sáu ngày 4/11/2016, tức ngày cuối cùng dân Texas được đi bầu sớm (early voting), tôi trở ra phòng đầu phiếu tại thư viện Davis ở thành phố Plano một lần nữa để xem xét tình hình. Vài tuần trước, khi đợt bầu cử sớm vừa mới bắt đầu tôi đã thấy cử tri xếp hàng dài ra tới ngoài lề đường, chứng tỏ cư dân vùng này rất sốt sắng việc bầu bán. Đến hôm nay thì số người đi bầu khá thưa, có lẽ vì đa số đã bầu xong. Con số thống kê gần đây nhất cho biết đã có hơn một triệu cử tri tại Texas bỏ phiếu sớm.

Khỏi phải nói, kỳ bầu cử năm nay hết sức đặc biệt vì một trong hai đối thủ chánh là phụ nữ, chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ. Thêm vào đó, đối thủ của bà là một người không có kinh nghiệm chính trường nhưng lại được đa số đảng viên tín nhiệm và đề cử. Thành thử cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã biến thành một sự kiện hy hữu vô tiền khoáng hậu, tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà báo, chiếm thì giờ của nhiều người trong cũng như ngoài nước Mỹ, và tất nhiên được bàn cãi vô cùng sôi nổi trên các mạng truyền thông xã hội.

Một gia đình Ấn Độ đi bầu (Plano, TX)
Một gia đình Ấn Độ đi bầu (Plano, TX)
Cụ già Ấn Độ ngồi xe lăn đi bầu (Plano)
Cụ già Ấn Độ ngồi xe lăn đi bầu (Plano)

Plano là một thành phố có thể nói là tiêu biểu cho tầng lớp trung lưu của Texas nói riêng, và của nước Mỹ nói chung. Không giàu quá mà cũng không nghèo quá. Không trắng quá mà cũng không đen quá. Hệ thống giáo dục thì khá tốt, lại thêm có nhiều công ty kỹ thuật cao nên thu hút được nhiều gia đình Á Châu, nhất là Tàu và Ấn Ðộ.

Vì những lý do đó, tôi quyết định chọn phòng phiếu này để làm một cuộc khảo sát chớp nhoáng. Dĩ nhiên nó không thể nào so sánh với các cuộc thăm dò chuyên nghiệp của những cơ quan truyền thông lớn như Fox hay CNN. Nhưng đó không phải là mục đích chính. Phương pháp của tôi, tuy không khoa học cho lắm, nhưng cũng đủ để ta rút ra một vài kết luận.

Trước hết, trong số khoảng hơn 100 người đi bầu sáng hôm đó (giữa 9:00 và 10:00) thì người da trắng chiếm khoảng 75%. Người da đen khoảng 10%. Á Châu (không tính Ấn Ðộ) khoảng 6%. Ấn Ðộ khoảng 9%. Tôi không đếm được người Mễ nào, nhưng có thể vì giờ đó nhiều người đi làm, chứ chắc chắn Plano cũng có người gốc Mễ sinh sống. Và cũng rất tiếc là tôi không gặp người Việt.

Cổ động viên Nguyễn Bích Liên
Cổ động viên Nguyễn Bích Liên

Về tuổi tác thì lứa trung niên (30-55 tuổi) chiếm đa số (70%), người lớn tuổi (trên 55) khoảng 10%, và trẻ (dưới 30) khoảng 20%. Số người mang con nhỏ theo cũng khá đông. Tuy đa số là các bà mẹ, nhưng thỉnh thoảng cũng thấy vài ông bố cõng con vào phòng phiếu. Vài gia đình có ba thế hệ – ông/bà, cha/mẹ và con cái vừa tới tuổi đi bầu. Các cô cậu thanh niên thiếu nữ này trông rất hăng hái, khi ra khỏi phòng phiếu ai nấy đều hớn hở, hãnh diện dán miếng sticker “I Voted” lên áo và chụp hình selfie với cả nhà.

Cần nhấn mạnh, những con số tôi đưa ra đây chỉ là ước lượng vì tôi không thể hỏi tuổi hay chủng tộc của từng người, mà chỉ nhìn mặt và … đoán mò. Ðiều nổi bật nhất đối với tôi là số người Ấn Ðộ đi bầu khá đông, đông hơn dân Á Châu khác rõ rệt. Và họ hay đi chung với gia đình. Thường thì là một cặp vợ chồng. Ðôi khi có thêm ông hay bà cụ già. Một vài bà mẹ có con mới chập chững biết đi cũng dắt chúng theo.

Vài ngày trước đó, cũng tại thư viện Davis này, tôi có dịp đọc một tờ báo của cộng đồng Ấn Ðộ tại Mỹ và biết thêm rằng người Ấn rất quan tâm đến kỳ bầu cử năm nay. Thậm chí, một hội đoàn mang tên Republican Hindu Coalition (RHC – Liên Minh Ấn Ðộ Cộng Hoà) vừa tổ chức một chương trình gây quỹ rất lớn tại Hoa Thịnh Ðốn, với sự có mặt của Newt Gingrich (cựu chủ tịch Hạ Viện), Mitch McConnell (đương kim chủ tịch Thượng Viện) và một số nghị sĩ, dân biểu tên tuổi khác.

Phóng viên Trẻ selfie với Darcy Button
Phóng viên Trẻ selfie với Darcy Button
Ứng cử viên Brian Hutcheson
Ứng cử viên Brian Hutcheson

Cộng đồng Ấn (khoảng 3 triệu người) là cộng đồng di dân có mức tăng trưởng nhanh nhất tại nước Mỹ (32% trong vòng 10 năm qua), và thu nhập bình quân khá cao ($88,000) so với các cộng đồng khác, kể cả người Mỹ trắng. Vì vậy ta có thể tiên đoán rằng nếu họ biết tận dụng sức mạnh của mình thì trong tương lai không xa họ có thể tạo ảnh hưởng lên nền chính trị Hoa Kỳ như những người Mỹ gốc Do Thái đã và đang làm.

Mặc dù xưa nay đại đa số (80%) người Ấn nghiêng về đảng Dân Chủ (tương tự như người Mỹ gốc Do Thái) nhưng những đoàn thể như RHC chắc chắn sẽ làm thay đổi tỉ lệ này không ít thì nhiều. Sự hiện diện của những khuôn mặt lớn như Gingrich cho thấy đảng Cộng Hòa cũng rất muốn kiếm phiếu (và tiền) của người Mỹ gốc Ấn. Sau kỳ bầu cử năm nay bảo đảm sẽ có nhiều cuộc khảo sát chuyên sâu tìm hiểu thêm về khuynh hướng bầu cử của các cộng đồng thiểu số để giúp các chiến lược gia Mỹ chuẩn bị cho kỳ tới.

Người Ấn thì vậy, còn các sắc dân Á Châu khác thì sao? Theo một cuộc khảo sát của tổ chức National Asian American Survey (NAAS – Thống Kê Toàn Quốc về người Mỹ gốc Á) hầu hết các cộng đồng Mỹ gốc Á nghiêng theo đảng Dân-Chủ (DC) trừ cộng đồng Việt. Tuy nhiên, sự khác biệt này cũng đang thu hẹp dần, nhất là sau hai cuộc bầu cử tổng thống 2008 và 2012. Riêng tại tiểu bang California, theo NAAS thì tỉ lệ Dân-Chủ/Cộng-Hoà trong số cử tri người gốc Việt năm 2016 gần như ngang ngửa, và người trẻ chiếm đa số trong thành phần Dân-Chủ hay Ðộc-Lập (Independent).

Một cử tri tương lai trước cửa phòng phiếu ở Plano, TX
Một cử tri tương lai trước cửa phòng phiếu ở Plano, TX

Nhưng khác với cộng đồng Ấn hay Do Thái, người Việt chưa có những uỷ ban vận động chánh trị (Political Action Committee) giàu tiền của và uy tín, cho nên tuy ta cũng đông dân nhưng về mặt chính trị ở tầm mức quốc gia thì tiếng nói của chúng ta vẫn còn khá yếu. Tuy nhiên, người Mỹ cũng có câu tục ngữ “All politics is local”, nghĩa là “Chính trị nằm ở địa phương”. Ý nói dù gì đi nữa cử tri vẫn quan tâm đến những gì xảy ra ngay xung quanh mình trước, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến gia đình, nồi cơm, con cái. Về mặt đó, ta thấy trong vòng mười năm trở lại đây người Mỹ gốc Việt đã bắt đầu tham gia vào các cuộc tranh cử ở cấp bậc địa phương, nhất là tại các khu vực đông người Việt. Hy vọng trong tương lai con số này sẽ ngày càng nhiều hơn.

Thành phố Garland, nơi quy tụ nhiều người Việt nhất tại vùng Bắc Texas, cũng là một thí điểm cho cuộc khảo sát của tôi. Tôi đến phòng đầu phiếu này vào khoảng hai giờ chiều. Tại đây tôi đã có dịp nói chuyện với vài ứng cử viên có mặt ngoài phòng đầu phiếu để chào đón cử tri:

Ông Brian Hutcheson (CH) tranh cử lần đầu vào ghế Justice of the Peace địa hạt Garland; ông Darcy Button, chồng bà Angie Chen Button, State Representative district 112; ông Jack Blackshear (DC) tranh cử ghế nghị viên do bà Angie Chen đã giữ bốn nhiệm kỳ (2008-2016).

IMG_8353

Ông Darcy Button cho biết vợ ông là người phụ nữ Á Châu duy nhất trong nghị viện Texas. Ngoài ra, bà còn là thành viên của Uỷ Ban Ngân Sách (Ways and Means Committee). Nhiệm kỳ vừa rồi bà đã được bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội Ðồng Phát Triển Kinh Tế (Economic Development Council) gồm chín người mà tất cả, trừ bà, đều là đàn ông. Nói thế để hiểu bà Angie Chen phải được các đồng nghiệp nể phục và tin tưởng cỡ nào. Ông Darcy tâm sự rằng nghị viện Texas là thế giới của những người đàn ông da trắng đầy quyền lực, rất khó cho phụ nữ và dân thiểu số chen vào. Ngoài vợ ông là người gốc Ðài Loan ra, chỉ có thêm ông Hubert Võ từ Houston là người Á Châu.

Khi tôi hỏi ông Jack Blackshear tại sao ông dám ra tranh cử đối đầu với một người dày dặn kinh nghiệm như bà Angie, ông nhún vai trả lời: “Vì đó giờ bà ấy chưa có đối thủ. Ðảng bộ Dân Chủ tại địa phương đề cử tôi nên tôi ra, mặc dù tôi chỉ là một người cựu chiến binh.”

“Thế theo ông hiện nay vấn đề nào là cấp bách nhất cần được giải quyết?”

 Poster về Trump bên ngoài nhà hàng Amigo's BBQ (Austin)
Poster về Trump bên ngoài nhà hàng Amigo’s BBQ (Austin)

“Giáo dục. Trong sáu năm vừa qua ngân sách giáo dục đã bị cắt 3.5 tỉ đô la. Rất nhiều giáo viên và công chức bị mất việc. Trường lớp bị xuống cấp. Nếu thắng cử thì đó là việc đầu tiên tôi sẽ thúc đẩy để cải thiện.”

Ngoài các ứng cử viên ra tôi cũng có dịp phỏng vấn một vài cử tri để xem họ quan tâm những vấn đề nào nhất. Ða số cho rằng kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Kế đến là bảo hiểm sức khoẻ và y tế. Người thì muốn thấy chương trình Obamacare được tiếp tục hoàn thiện cho tốt hơn, kẻ thì muốn thấy nó được dẹp bỏ. Vài người nói họ ủng hộ việc cấm di dân nhập cảnh vào Hoa Kỳ, kể cả người tị nạn từ Syria. Nhưng đa số cho biết họ không màng chuyện di dân, vì chính tổ tiên họ cũng đến từ nhiều nơi khác. Có người còn nhắc, chính mẹ ông Trump cũng là người tị nạn kinh tế từ Scotland.

Một số ít đặt vấn đề tôn giáo và bảo vệ hôn nhân (tức cấm hôn nhân đồng tính) lên hàng đầu. Những người này cũng chống đối việc phá thai, và không muốn thấy nhà nước giới hạn quyền sử dụng súng của người dân. Trong số những người da đen tôi hỏi chuyện, có một anh trung niên cho tôi biết đây là lần đầu tiên trong đời anh ta đi bầu. Khi được hỏi lý do, anh chỉ trả lời ngắn gọn trước khi lên xe chạy mất: “Vì lần này tôi không thể nào ngồi nhà. Thế thôi!”

Mẹ dắt con đi bầu (Plano)
Mẹ dắt con đi bầu (Plano)

Một người đàn ông Mỹ trắng trên năm mươi nói với tôi ngày xưa ông ta luôn luôn bầu cho ứng cử viên Cộng Hòa, nhưng từ khi George W Bush khởi chiến với Iraq thì ông ta bắt đầu nghiêng sang phía Dân Chủ. Dù vậy, ông ta vẫn nghiên cứu các ứng cử viên và chọn từng người một chứ không bầu theo kiểu “straight ticket” (bầu theo đảng), tức là chọn một lúc tất cả các ứng cử viên của một đảng bất kể họ là ai (trên lá phiếu ta có thể chọn cách này để đỡ tốn thì giờ). Tuy nhiên, lần này ông ta đã quyết định “bầu theo đảng”. Ông giải thích là vì ông muốn bày tỏ sự thất vọng hoàn toàn của mình đối với đảng Cộng Hòa vì họ đã đề cử một người mà theo ông không đại diện cho những giá trị tinh thần cốt lõi của đảng Cộng Hòa xưa nay.

Ðặc biệt trong số người tôi phỏng vấn có một chị người Việt, cầm một tấm bảng cổ động cho ứng cử viên Laura Irvin (DC), tranh cử chức State Representative district 102. Chị Nguyễn Bích Liên là cựu học sinh Gia Long và đại học Văn Khoa Sài Gòn. Qua Mỹ đã được hơn hai mươi năm, chị luôn luôn bầu cho đảng Dân Chủ, và dĩ nhiên không phản đối việc người tị nạn Syria nhập cư vào Mỹ mặc dù có rất nhiều người Việt chống đối chuyện này (theo thống kê của NAAS, tỉ lệ người Việt ủng hộ người di dân rất thấp so với các cộng đồng Á Châu khác).

IMG_8403

Chị bảo lần này chị bầu cho Hillary không chỉ vì bà ta là phụ nữ, mà vì bà ta có đầy đủ kinh nghiệm để cáng đáng công việc của một vị tổng thống. Là một người học và đọc nhiều về Sử, chị tỏ ra hết sức rành rẽ về tiểu sử và thành tích của hai ứng cử viên “vô tiền khoáng hậu” năm nay. Khi được hỏi nếu ông Trump thắng thì chị sẽ phản ứng ra sao, bằng một giọng chắc nịch, chị phán:

“Hillary không được phép thua!” (cười)

Khi tôi viết tới đây thì còn vài ngày nữa mới đến ngày bầu cử toàn quốc. Lúc bài báo này đến tay bạn đọc thì hy vọng mọi chuyện đã ngã ngũ. Không biết lịch sử rồi đây sẽ nói gì về cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính năm 2016, và để xem — nếu bạn có đi bầu, lá phiếu của mình đã ảnh hưởng đến cục diện thế giới ra sao.

Phóng viên Trẻ trò chuyện với một cử tri
Phóng viên Trẻ trò chuyện với một cử tri

IB