Menu Close

Phú Quốc – Ngầm hỗn mang của sóng (kỳ 4)

Tôi không hỏi Tư Huỳnh nhiều về góc tối màu của đàn ông xứ đảo. Những cánh đàn ông hoặc độc thân hay bỏ lại vợ ở  “quê nhà” để đến Phú Quốc.  Hẳn ở những nơi mà làn sóng di cư mới đều có màu phức tạp của nó.

mui-cua-doi5
Những khay lưới cá được mang đi phơi nắng

Kỳ 4
Mùi của Ðời!

Con phố Cách Mạng Tháng Tám hay khúc đường gần ngã ba số Mười đi Hàm Ninh từng chộn rộn những bầy “gà móng lem” thôn quê vội sơn đỏ mà dân đảo quen gọi là “búp” bông! Dường như mọi thứ khác trở nên không quá quan trọng ở xứ đất đảo, nơi giá trị được quy vào hiện kim nhiều hơn. Cha mẹ bài bạc, con gái lấy chồng Ðài Loan, Hàn quốc trả nợ.

Những nỗi buồn xanh tái và thực chất của cuộc đời đã trở thành những điều hiển nhiên phải thế. Như cái tên của một nhân vật là bà Ba Vân, có một người con gái tên  N., cô nàng có một cuộc sống song trùng trên Sài Gòn. Khi ba mẹ đi buôn bán mủ phế liệu ở Phú Quốc, thì Nhi cặp kè cùng lúc với hai anh Việt kiều. Nàng hotgirl giấu tiệt thân phận thật ở quê, sống một thân phận ảo với ba mẹ nuôi và tung hình lên Facebook, Zalo như một tiểu thơ Sài thành thứ thiệt.

mui-cua-doi4
Những bể mặn mùi cá

Gã Huỳnh  muốn kéo tôi đến quán càfe Tí Nị. Một không gian gỗ từ trong ra ngoài, thứ bắt đầu hiếm dần trên đất đảo khi rừng Phú Quốc giờ đã không còn nhiều gỗ “loại một”, gỗ tạp là phần nhiều. Nhà  gỗ vốn trước đây là thứ chỉ dành cho dân đảo, giờ cũng đã trở nên mắc mỏ  hơn nhà xây hay nhà khung tiền chế.

“Cứ ba bàn tụm nhóm cà phê thì hai bàn đã nói về chuyện đất cát, chạy cò,” Huỳnh tháo cái khăn rằn quấn cổ, thấm vội lớp mồ hôi rịn quanh cái cổ tay xăm hình chữ Vạn; hơi thở của gã luôn có mùi thuốc lá Hero.

mui-cua-doi3
Tác giả bên bãi đất phơi cá trích, cá cơm

Đấy là 10 năm trước, vào thời hội nhập sâu rộng của Việt Nam và trước thềm APEC 2007, Phú Quốc cũng đã từng lên một cơn sốt. Cái thời của những dự án trên giấy mà mọi người nói về siêu đô thị sông Hồng 7 tỷ USD, đường sắt cao tốc 33 tỷ USD, trường đua ngựa ở Vĩnh Phúc, tàu chở dầu lớn nhất thế giới do Vinashin sản xuất hay đường đua motor tỷ đô mà Rockingham nhắm vào Phú Quốc…


Những cơn lên đồng tập thể luôn như một dấu chấm hỏi. Những hấp lực bởi những trào lưu bề nổi dù là kinh doanh, kiến thức hay ý thức hệ. Và dù đó là phong trào niệu liệu pháp thập niên 80, bán móng trâu, nuôi đỉa, nuôi chó Nhật thập niên 90… hay hiện tại là những trào lưu học làm giàu, học kỹ năng sống, bình chọn kỳ quan. Nó thể hiện rõ như những tiếng “dzô, dzô” rền rã trên bàn nhậu và tan tầm khắp nước Việt, ngấm dần thành bản sắc. Và đã từng khiến CEO của Heneiken cũng phải giật mình khi Việt Nam thành thị trường lớn thứ hai thế giới của Heineken.

Thay vì Tí Nị ồn ã,  tôi chọn cà phê quán Xin Chào. Ở đấy chỉ có thanh âm rì rầm của sóng, không tiếng ồn và mùi của những thân phận. Tôi đã thử nếm quá nhiều cảm giác cay đắng của sự phi lý.

mui-cua-doi2
“Xe thồ siêu thị” trong khu hẻm 118

o O o

Buổi sáng Phú Quốc với tiếng gà khan lệch nhịp, những cơn mưa luống cuống cuối mùa.

Một khuôn mặt không dễ chịu, hiếm nụ cười. Người đàn bà nhỏ người và khô khan như một gốc cây,  cô vợ của Christophe chủ resort, tay nách con tay đang chỉ trỏ vào cái “xe thồ siêu thị” đầy đủ từ rau xanh, thịt thà tới quà sáng như xôi, bún khô hay bánh bột lọc. Cô vợ trẻ vừa lấy xong dăm thứ đủ bữa ăn trong ngày, vừa nhìn tôi như giải thích sự “khó thể thiếu” của những chiếc xe thồ siêu thị lưu động, “Ấy mà chỉ nghỉ một ngày là cả xóm ngẩn ngơ đấy!”

Sáng sáng, những chiếc Honda thồ hàng trĩu nặng khung xe, trổ ra từ Dương Ðông và An Thới chở đi khắp ngóc ngách Phú Quốc như những mạch máu lưu thông hàng hóa. Sự phân giờ, phân tuyến của những cô, bác thồ hàng cứ tự nhiên sắp xếp đủ để 2 sọt hàng bên hông xe có thể được bán hết trong vòng từ đầu giờ sáng và trước giờ trưa.

mui-cua-doi1

Trong quy hoạch của Phú Quốc lên đặc khu vào năm 2020 thì An Thới và Dương Ðông là hai đô thị cốt lõi. Ngoài Dương Ðông là trung tâm chính thì cảng An Thới nằm phía nam đảo là cửa khẩu đường biển quốc tế duy nhất của Phú Quốc vào thời điểm hiện tại. Sự đóng quân của hải quân vùng 5 nên đô thị An Thới cũng là một đầu mối chính cung cấp hàng hóa cho những chiếc xe thồ buổi sớm này. Ngoài chợ Dương Ðông, các quầy cá luôn sẵn thùng xốp và dịch vụ đóng gói, bao bọc cẩn thận cho du khách vận chuyển đồ biển tươi đường hàng không ra Nội Bài hay Tân Sơn Nhất.

o O o

Chỉ có 574 cây số vuông, Phú Quốc đủ nhỏ để khám phá trên một chiếc xế máy tay ga, nhưng sẽ là một mê cung rộng lớn của những con đường đất lồi lõm hẻo lánh đầy bụi đỏ. Vác balô và ngủ bungalow, cách kết hợp thoải mái của động từ “du lịch bụi”; cảm nhận giản dị, chân thực và tinh tế – và đấy là cách tôi nhìn cuộc đời.

Tư Huỳnh, sau ngụm cuối của ly nâu đá cộng hưởng ổ bánh mì thịt nướng cho buổi điểm tâm, gã bạn giục giã tôi lên yên sau.

Suối Tranh trờ tới ngã ba số mười, một đằng đi Hàm Ninh và một đằng rẽ đi Nam đảo. Con đại lộ Nguyễn Văn Cừ mới làm được nới rộng rãi sẵn cả những làn xe dừng cho những tuyến xe buýt vận hành trong tương lai. Xẻ giữa dốc Suối Cao với một bên là ngôi chùa Bồ đề Hải đảo của người Khmer mà Tư Huỳnh gọi là “chùa nghèo”, bên tay trái từng đoàn xe ben chở đất đá ra vô bụi mù mịt. Mỗi xe đất hay xà bần mà ở Hà Nội hay Sài Gòn người ta phải bỏ tiền thuê dọn hay đổ trộm, thì ở đây được mua với giá thấp nhất là 700,000 đồng. Ngoài đất thì đá cũng được dùng để kè miếng đất cho đỡ sạt lở, cứ 40 cục thì tính một khối và chừng 550,000 tới 650,000 đồng một khối.

mui-cua-doi
Những chị em vẫn rôm rả ngồi bệt vá lưới trên boong tàu của nhà thùng Khải Hoàn

“Cứ với tốc độ xây dựng thế này thì chả mấy chốc Phú Quốc không còn là hòn đảo của 99 ngọn núi nữa rồi!” Giọng gã Huỳnh như muốn át tiếng gió vèo vèo trên xa lộ.  Huỳnh lái lần theo con đường cũ tới ngã tư quốc tế thời chiến mà giờ chỉ còn lại vài nóc tạp hóa. Những chuyến xe ben vẫn lầm lũi xúc sâu vào chân ngọn núi Ra đa phía bắc bãi đất đỏ.

Trái ngược với những khung cảnh bãi cát trắng của du lịch. Một dọc bãi đất đỏ phủ ngập những khay lưới chứa cá cơm và cá trích. Mùi tanh của cá, tiếng la gọi ồn ào trong khu trại tôn, khói nghi ngút quyện mùi mồ hôi của những công nhân đang chụm lại bên những pallet đầy cá để  rửa rồi bỏ vào những hầm nước sôi để trụng chín sơ cho sủi hết bọt.

Những nếp gấp của sự khốn khó, trong khóe mắt, già có, trẻ có và cả những trẻ vị thành niên. Những cái dáng dấp thấp người, bờ vai như bè ra vì khiêng vác nặng. Ngoài bãi, những cái bóng công nhân đen nhẻm in trên mặt cát.

Tư Huỳnh chỉ tôi chiếc ghe cào hoạt động gần bờ. Nhiều ngư dân Phú Quốc đã bỏ biển lên bờ, nhiều ngư dân than khổ vì trước cào trong vòng 1-2 hải lý là có cá nhưng sự tham lam tận diệt đã làm nên nỗi khổ của chính họ. Mặt trước trại tôn vài chiếc xe tải vẫn đang chờ sẵn thu mua chuyển sang Trung Quốc.

Hình ảnh vẫn còn tinh tươm trong tôi, những chị em vẫn rôm rả ngồi bệt vá lưới trên boong tàu của nhà thùng Khải Hoàn. Cánh đàn ông đi biển đang ngủ vùi giấc trưa trên tàu.

Nguyên liệu cho các nhà thùng (sản xuất nước mắm) ngày càng khó khăn hơn. Nguyên liệu từ Campuchia thì cánh thương lái Trung Quốc thâu tóm và một phần với chính nguyên liệu trong nội địa Việt Nam, do sự ô nhiễm thực phẩm bẩn bên Tàu đại lục, bất cứ loại thực phẩm gì của nước ngoài cũng được coi là sạch và phẩm lượng hơn. Tư Huỳnh trầm ngâm, hơi gay gắt khi nói về vấn nạn “Tại sao người Việt lại tự hạ thấp nước mắm truyền thống của người Việt”.  Gã hỏi và gã tự trả lời,  “Ðiều đó cũng rõ như thị trường cá basa xuất khẩu trên thế giới. Tiếc, là gần như Việt Nam một mình một sân chơi cung cấp ngon lành mà lại vẫn có thể hạ giá tới mức kéo nhau cùng chết. Thế mới đau!”

Ánh mắt của cô bé bán bánh cam tên Thy  khựng lại như một thước phim cuối ngày. Em mới lớp hai đã bỏ học theo cha mẹ từ Ðồng Tháp và bán bánh cam dạo. Làn da rám nắng, giọng rụt rè, đôi vai đã dần so và ánh mắt lấm lét nét nhìn trộm.

Có điều gì nghèn nghẹn. Những mảng đời trầm luân trôi đi ngay trước mắt tôi…

Ðmh

 – https://www.facebook.com/hanhphoto