Menu Close

Về sự thất bại cuả truyền thông

4c96323c2bb909365eb01b5e4555f2eb
Nguồn: HNonline.sk

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống với chiến thắng của Donald Trump khiến nhiều người trên thế giới ngỡ ngàng và bàng hoàng. Trên báo chí bắt đầu xuất hiện những bài báo phân tích lý do tại sao ông Trump lại thắng và bà Clinton lại thua. Một số người, như giáo sư Paul Krugman, một trí thức lỗi lạc của Mỹ, tự thú là ông không thể nào hiểu được: Nước Mỹ sau cuộc bầu cử, với ông, trở thành xa lạ hẳn, tưởng như một đất nước ông chưa từng biết.
Cuộc bầu cử vừa qua để lại nhiều bài học, nhưng bài học với tôi, quan trọng nhất, là những bài học liên quan đến truyền thông.

Mấy tháng trước cuộc bầu cử, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận của các đại học cũng như các cơ quan truyền thông nổi tiếng và được xem là có uy tín nhất của Mỹ đều khẳng định dứt khoát là Hillary Clinton sẽ chiến thắng một cách vang dội. Một hai ngày trước bầu cử, các cuộc thăm dò cũng cho kết quả như vậy với hơn 90% người cho chiến thắng của Clinton là không thể đảo ngược được. Vậy mà kết quả của cuộc bầu cử lại là chiến thắng của ông Trump. Điều đó cho thấy hầu như tất cả các cuộc thăm dò dư luận (poll) được xem là đáng tin cậy nhất ở Mỹ đều sai lầm.

Sự sai lầm ấy cũng được nhìn thấy trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc ở lại hay rời khỏi Liên hiệp Âu châu ở Anh cách đây mấy tháng. Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy phe quyết định ở lại sẽ thắng. Vậy mà kết quả cuối cùng phe Brexit, tức phe đòi rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu lại chiến thắng. Như vậy, các cuộc thăm dò dư luận trước đó đều sai cả.

Một bài học khác nữa là vai trò của truyền thông trong xã hội. Từ trước đến nay, người ta thường đánh giá rất cao vai trò của truyền thông trong xã hội. Chiến tranh Việt Nam, chẳng hạn, được xem là chiến tranh trong lãnh vực truyền thông. Nhiều người nói Mỹ không thua ở chiến trường Việt Nam, Mỹ chỉ thua trên màn ảnh ti vi trong phòng khách ở Mỹ. Riêng về các cuộc bầu cử, người ta cho ai nắm được truyền thông, người đó sẽ chiến thắng. Trong quá khứ, lời khẳng định ấy được xem là đúng. Tuy nhiên trong cuộc bầu cửa Tổng thống Mỹ lần này nó lại sai. Suốt thời gian tranh cử hầu như tất cả các tờ báo lớn, có nhiều độc giả và có uy tín nhất của Mỹ đều không ngớt phê phán Donald Trump cũng như bênh vực cho Hilllary Clinton. Vậy mà cuối cùng Trump vẫn chiến thắng. Điều đó có nghĩa là báo chí không còn ảnh hưởng nhiều đến cách suy nghĩ và chọn lựa của quần chúng như trước đây.

Hai hiện tượng nêu trên (cái sai của các cuộc thăm dò dư luận và ảnh hưởng hạn chế của truyền thông) cho thấy xã hội chúng ta đang sống có nhiều thay đổi lớn khiến sinh hoạt chính trị trở thành bất khả đoán.

Phan Quỳnh Trâm