Nếu như không có cuộc bầu cử đầy sôi động vừa diễn ra tại Hoa Kỳ có lẽ cuộc tái chiếm Mosul được người ta chú ý tới nhiều hơn. Đây là chiến dịch quân sự quan trọng nhằm lấy lại quyền kiểm soát Mosul và khu vực miền bắc Iraq, đẩy lui quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) qua bên kia biên giới Syria, rồi từ từ siết chặt vòng vây cô lập, và cuối cùng là tiêu diệt họ.

Tháng 3 vừa qua, chính phủ Iraq tuyên bố bắt đầu cuộc hành quân để tái chiếm Mosul, tuy nhiên lúc đó quân số Iraq không đủ để mở một cuộc tấn công toàn diện tiến về thành phố này, và vào cuối Tháng 5, chính phủ Iraq đã phải đưa quân qua một chiến dịch quân sự khác để tái chiếm Fallujah, một thành phố quan trọng khác nằm dưới sự kiểm soát của ISIS và ở vị trí gần thủ đô Baghdad hơn. Các lực lượng thân chính phủ lấy lại được trung tâm thành phố Fallujah vào ngày 17 Tháng 10. Thủ tướng Haider al-Abadi tuyên bố trên Twitter, “Fallujah đã lấy lại được và Mosul là trận chiến kế tiếp.”
Thành phố Mosul nằm ở hai bên bờ con sông Tigris trong tỉnh Nineveh thuộc khu vực miền bắc Iraq. Ðây là thành phố lớn đứng hàng thứ nhì của Iraq với hơn hai triệu cư dân. Dân số của thành phố là một tập hợp bao gồm nhiều nhóm sắc tộc đa dạng: phần lớn là người gốc Ả Rập Sunni và người Kurd. Hiện nay người ta phỏng đoán còn lại khoảng một triệu cư dân vẫn còn sống trong thành phố.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) bắt đầu nổi lên tại Iraq vào Tháng 12 năm 2013 sau khi nhiều trăm chiến binh jihadist liên kết với một số cựu thành viên đảng Baath của Sadam Hussein và những nhóm dân quân Sunni tại tỉnh Anbar, tất cả đều chống lại chính phủ của Nouri al-Maliki, cựu thủ tướng gốc Shiite. Lực lượng chiến binh này nhanh chóng nắm được quyền kiểm soát những thành phố quan trọng như Fallujah, Ramadi, và một số thị trấn khác trong tỉnh Anbar vào đầu năm 2014. Trong những tháng sau đó họ cũng chiếm được một phần lãnh thổ các tỉnh Salahuddin, Kirkuk và Diyala, để lại những dấu vết khủng bố tàn bạo và rùng rợn những nơi họ đi qua. (Tội ác khét tiếng nhất là vụ tàn sát hơn một ngàn sinh viên sĩ quan không quân Iraq tại Trại Speicher, gần thành phố Tikrit, ngày 12 Tháng 6 năm 2014.)
Trong những tuần lễ trước đó, khoảng 1,500 chiến binh ISIS đã từ Syria vượt qua sa mạc và đánh bại bốn sư đoàn bộ binh của quân đội Iraq đang trấn giữ Mosul. Họ cướp bóc ngân hàng, sau đó phá nhà tù, thả hết các tù binh Sunni và giết nhiều trăm người dân Shiite, Kurd và Ki tô giáo. Ba tuần sau đó, thủ lãnh ISIS là Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện tại đại thánh đường Hồi giáo al-Nuri ở Mosul và công bố thành lập “đế chế Hồi giáo” (caliphate). Các chiến binh ISIS tuyên bố áp dụng luật Hồi giáo sharia, phá hủy các giáo đường, đền đài và lăng miếu; cắt đường dây điện thoại và internet; bắt các tín đồ Ki tô giáo phải trả lệ phí để giữ lại đạo của họ; và cấm người dân không được ra khỏi thành phố hơn ba ngày hoặc họ sẽ bị lấy mất hết tài sản.

Ý nghĩa của cuộc tái chiếm Mosul
Mosul là thành trì cuối cùng của ISIS tại Iraq, và cuộc tấn công của quân đội Iraq là một thách đố nghiêm trọng nhất đối sự hình thành “đế chế Hồi giáo” (caliphate) của tổ chức khủng bố trên.
Kể từ khi thủ lãnh Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập một đế chế Hồi giáo bắt đầu từ thành phố này vào Tháng 6, 2014. Mosul đã trở thành trung tâm đối với tham vọng của ISIS để từ đó họ phát động chiến dịch diễn giải luật Hồi giáo qua những cách thức tàn bạo và dã man của họ.
Quân đội Iraq có nhiều khả năng sẽ chiến thắng ISIS trong trận chiến này, tuy nhiên điều mà nhiều người quan tâm là sau cuộc chiến: làm sao có thể lo cho đời sống khoảng 1.3 triệu người tị nạn và làm thế nào để thành lập một chính phủ trong một thành phố đã bị vùi dập bởi những tay bạo chúa thời hiện đại.
Trong hai năm kể từ khi chiếm được một phần lãnh thổ Iraq, việc chiếm giữ của Nhà nước Hồi giáo tại Iraq ngày một hao mòn dần. Các chiến binh peshmerga của người Kurd, được sự yểm trợ bởi các cuộc không tập của Hoa Kỳ, tiến chiếm khu vực tây bắc Iraq thuộc người Kurd trong Tháng 11 năm 2015, lấy lại được phần lãnh thổ bị mất vào tay nhóm khủng bố một năm trước đó, trong đó có thị trấn Sinjar trọng yếu. Tháng 8 năm 2014, các chiến binh ISIS đã tàn sát năm ngàn đàn ông và các bé trai người sắc tộc Yazidi đang sống trong khu vực và bắt đi nhiều phụ nữ và bé gái Yazidi làm nô lệ. Lực lượng an ninh Iraq chiếm lại được Tikrit vào mùa xuân 2015 – cũng với sự tiếp tay từ các cuộc không tập quy mô của Hoa Kỳ – và sau đó lấy lại được phần lớn lãnh thổ thuộc tỉnh Anbar. Nhà nước Hồi giáo để thất thủ Ramadi vào Tháng Giêng đầu năm, và quân đội Iraq chiếm lại Fallujah trong Tháng 6 sau khi bao vây ròng rã trong bốn tháng.
Nhóm dân quân gốc Shiite, được biết dưới tên Ả Rập là Al-Hashd al-Sha’abi (Lực lượng Dân quân Huy động), đã tiếp tay bảo vệ Baghdad trong cuộc tấn công đầu tiên của ISIS, chiếm được nhiều khu vực thuộc các tỉnh Salahuddin, Diyala, Anbar và Kirkuk. Cho đến Tháng 8 năm 2014, tổ chức ISIS đã chiếm giữ một phần ba diện tích Iraq và thu được một khoản lợi tức rất lớn từ các giếng dầu của quốc gia này. Kể từ đó diện tích chiếm giữ đã bị thu hẹp dần và họ chỉ còn chống cự được ở một số ít khu vực cô lập ở miền bắc Iraq và thành phố lớn duy nhất: Mosul, thủ phủ của tỉnh Nineveh với đa số là người Sunni.

Kể từ khi phát động cuộc hành quân tiến về Mosul vào ngày 17 Tháng 10, lực lượng an ninh Iraq và nhóm chiến binh người Kurd đã từ từ siết chặt vòng bây bao quanh thành phố, cắt đứt những đường tiếp vận và án ngữ con đường thiết yếu xuyên qua biên giới để tới Raqqa, thành phố trọng yếu và được xem là thủ phủ của ISIS tại Syria. Vào Tháng 7, quân đội Iraq chiếm lại được căn cứ không quân nằm trong thị trấn al-Qayyara, nằm khoảng 40 dặm về phía nam của Mosul, cho phép quân đội Iraq chuyển vận số lượng quân trang lớn cần thiết đến khu vực và làm bàn đạp cho cuộc tấn công cuối cùng.
Thủ tướng hiện nay của Iraq là Haider al-Abadi từng hứa là Mosul sẽ “hoàn toàn chiếm lại” vào cuối năm 2016. Lời hứa này có thể thực hiện được không?
Phần lớn quân trang của Iraq – chính yếu là những loại vũ khí của Hoa Kỳ và từ thời Sô Viết – hiện đang cần phải được sửa chữa và thay thế. Chiến binh ISIS đã có hai năm để chuẩn bị cho cuộc tấn công này và theo tin tình báo thì họ đã xây dựng được những tuyến phòng thủ kiên cố để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào.
Trong khi đó, ba lực lượng chính đang tiến về Mosul – quân đội Iraq, các chiến binh peshmerga của người Kurd và liên minh dân quân Shiite, một số được Iran bảo trợ – đang có những bất đồng về vai trò của họ trong việc giải phóng Mosul. Chiến binh Kurd muốn họ là lực lượng chính giải phóng Mosul, tuy nhiên, chỉ huy của Iraq chỉ muốn người Kurd dừng lại ở vành đai ngoại ô và rút lui sau khi trận chiến kết thúc. Nhóm dân quân Shiite cũng đòi phải được tham gia hành quân tiến vào Mosul và lên tiếng chống lại sự có mặt của chiến binh Kurd trong nội vi của thành phố. Mối bất đồng này cần phải được giải quyết trước khi cuộc tấn công cuối cùng được bắt đầu. Trong cuộc thăm dò ý kiến của người dân tại Mosul mới đây thì hầu hết đều chống lại sự hiện diện của cả dân quân Shiite lẫn chiến binh Kurd trong thành phố.
Một bản tin hôm Thứ Sáu 4/11 cho biết quân đội Iraq đã tiến được vào quận Al-Karama nằm ở phía đông Mosul ít ngày sau khi chọc thủng được vòng đai phòng thủ của ISIS ở vùng ngoại ô. Tuy nhiên, các giới chức quân sự nói rằng hiện có khoảng từ 3,000 đến 4,500 tay súng ISIS đang đóng chốt để quyết tử chiến và để hoàn toàn chiếm lại Mosul sẽ còn phải mất nhiều tháng nữa.
Một khi đánh bật được ISIS ra khỏi Mosul, vậy bước kế tiếp là có thể tiêu diệt được ISIS hay không? Ngay lúc này chưa ai biết được, nhưng một điều chắc chắn là khi chiếm được Mosul năm 2014, ISIS đã gây được rất nhiều thanh thế và tạo nhiều nỗi lo sợ cho toàn vùng Trung Ðông, vậy thì thanh thế đó cũng sẽ mất đi nếu họ để mất Mosul.
VH