Trên bằng lái xe còn một dấu hiệu đặc biệt khác: hình trái tim màu đỏ. Đây là dấu hiệu cho biết người lái xe có ghi tên hiến tặng một phần cơ thể để ghép vào cơ thể người khác. Mỗi năm, có hàng ngàn người được cứu sống nhờ việc quyên tặng.
Hỏi: Có phải là người ta có thể hiến tặng cơ thể trong trường hợp bị chết vì tai nạn?
Ðáp: Ðúng vậy. Khi nộp đơn thi bằng lái, có câu hỏi là (người thi lấy bằng) có đồng ý hiến tặng cơ quan trong cơ thể không. Nếu đồng ý thì đánh dấu vào ô trống phía trước câu hỏi. Ngoài ra, người thi cũng sẽ nhận được một tài liệu nhỏ cung cấp thông tin về chương trình hiến tặng.
Hỏi: Như vậy làm sao biết là tôi đồng ý hiến tặng?
Ðáp: Trên bằng lái của người hiến tặng sẽ được in một dấu hiệu hình trái tim, hoặc hình tròn có màu hồng hoặc màu đỏ trên bằng lái cùng với chữ “donor”. Có tiểu bang dán một sticker hình trái tim lên bằng lái hoặc cấp một thẻ riêng.
Hỏi: Lúc thi bằng lái tôi không đồng ý hiến tặng cơ thể, nay có thể đổi không?
Ðáp: Ðược. Việc hiến tặng có thể được thực hiện riêng bằng cách vào website của chương trình hiến tặng mà bất cứ tiểu bang nào cũng có. Ở California có tổ chức “Donate Life California Organ”, ở Texas có “DonateliveTexas.org”…Hoặc có thể ghi danh trực tiếp ở website của cơ quan cấp bằng lái xe (Department of Motor Vehicles) hay đến thẳng văn phòng cấp bằng lái xe.
Hỏi: Tôi ghi tên hiến tặng, vậy khi chết vì tai nạn xe, người ta lấy hết cơ thể tôi?
Ðáp: Thông thường người ta hiến tặng những cơ quan có thể ghép để cứu mạng người khác như tim, gan, tụy tạng (pancreas), thận, phổi, ruột non (small bowel) và các mô (tissue) như mắt, giác mạc (cornea), van tim (heart valves), xương, da…
Hỏi: Tôi có ghi tên hiến tặng cơ thể khi bị chết vì tai nạn, nhưng khi tôi chết, gia đình có thể ngăn chặn việc lấy đi nội tạng của cơ thể tôi không?
Ðáp: Nếu người chết có ghi tên hiến tặng thì gia đình không có quyền ngăn chặn vì đó là quyết định đã được thiết lập. Nếu người chết không mang theo thẻ, hoặc không ghi danh hiến tặng thì thân nhân có quyền quyết định tặng.
Hỏi: Tôi ghi tên hiến tặng có nghĩa là bất cứ trường hợp nào sau khi tôi chết thì cơ thể cũng bị lấy đi?
Ðáp: Việc lấy các bộ phận cơ thể được hiến tặng chỉ được tiến hành khi các điều kiện y khoa được đáp ứng. Thông thường, người chết trong bệnh viện và có hệ thống máy móc trợ giúp (life support) là tốt nhất để giải phẫu lấy cơ quan và bảo quản trước khi khẩn cấp chuyển đi. Nếu người chết mới ở nước ngoài về, hoặc người chết đang sử dụng thuốc như trụ sinh chẳng hạn, thì việc hiến tặng bị hủy bỏ. Nếu một người bị chấn thương và chết ở ngoài bệnh viện, các cơ quan nội tạng không thể được sử dụng để ghép cho người khác, nhưng vẫn có thể hiến tặng giác mạc, van tim, da và xương.
Hỏi: Vậy tôi có nên ghi danh hiến tặng không?
Ðáp: Vấn đề này là vấn đề cá nhân, tùy theo cách nhìn của mỗi người.
Hỏi: Có nhiều người ghi danh không?
Ðáp: Theo thống kê từ “organdonor.org”, toàn quốc có 130 triệu người trên 18 tuổi ghi danh hiến tặng tính tới ngày 1/9/2016. Tiểu bang Texas có khoảng 8 triệu người ghi danh tính tới năm 2016. Hiện nay có 119,000 người đang trên danh sách chờ để được ghép nội tạng. Mỗi một người hiến tặng có thể cứu giúp được 8 người.