Menu Close

Lên Hỏa tinh

Ngay trong những tháng của nhiệm kỳ cuối của mình, Tổng Thống Obama khẳng định chính phủ sẽ mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp đưa con người lên Hỏa tinh trước năm 2030. Mục tiêu đưa người lên hành tinh Đỏ từ mấy thập kỷ qua là chương trình nghiên cứu của nhiều cơ quan không gian thế giới, trong đó NASA đóng một vai trò quan trọng cho những dự án khảo sát bằng kính viễn vọng, phi thuyền không người lái, huấn luyện và thử nghiệm thiết kế “ngôi nhà” cho phi hành gia có thể trú ngụ trên hành tinh Đỏ.

len-hoa-tinh5
Ảnh mô phỏng các ngôi nhà tương lai trên Hỏa tinh – Nguồn: NASA

Hỏa tinh rất xa trái đất chúng ta nhưng đó không phải là chuyện xa vời cho con người đặt chân lên Hỏa tinh trong một tương lai sắp tới. Ðã có những cơ quan không gian châu Âu tuyển mộ người lên sao Hỏa. Nhưng chừng nào? Ðó là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Hành tinh Ðỏ cách chúng ta tới 400 triệu km, trong khi phi thuyền hiện nay bay nhanh nhất cũng chỉ ở mức 32,000km/giờ. Phải mất 550 ngày mới tiếp cận được quỹ đạo sao Hỏa. Chắc chắn phi hành gia sẽ không chịu được cuộc sống dài ngày trong phi thuyền cho dù thức ăn, nước uống được cung cấp đầy đủ.

len-hoa-tinh4
Mô phỏng các chuyến bay đầu tiên đáp xuống Hỏa tinh – Nguồn: NASA

Thực tế, chu kỳ quay quanh quỹ đạo Mặt trời của Hỏa tinh và Trái đất có những thời điểm gần nhau. Trong vòng sáu chục năm qua, hai hành tinh gần nhau đến vài lần. Cụ thể vào tháng 8/2003 Trái đất và Hỏa tinh cách nhau hơn 55 triệu km và gần đây hồi tháng 5/2016 cách nhau hơn 73 triệu km. Từ  Trái đất con người có thể nhìn thấy Hỏa tinh vào lúc sáng sớm mà không cần dùng kính thiên văn. Các nhà khoa học vũ trụ còn xác định vào năm 2018, Hỏa tinh và Trái đất lại có dịp “gần nhau” lần nữa. Trong thời điểm hai hành tinh gần nhau và tốc độ phi thuyền được cải tiến nhanh hơn thì có thể rút thời gian bay đến Hỏa tinh xuống ngắn hơn so với dự kiến thám hiểm Hỏa tinh phải mất 3 năm. Một thời gian ngắn hơn cho chuyến du hành sẽ không ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ của phi hành đoàn bay lên Hỏa tinh trong tương lai.

Nhiều thập niên qua, các nhà vật lý nghiên cứu phi thuyền của NASA đã đưa ra nhiều thí nghiệm dựa trên kỹ thuật công nghệ cao được dùng trong hỏa tiễn VASIMR  là sử dụng điện năng chuyển hoá nhiên liệu thành khí Plasma. Sau đó chính khí Plasma sẽ làm nhiên liệu đẩy phi thuyền đi. Hỏa tiễn này có thể giúp cho phi thuyền lao nhanh với vận tốc 55km/giây. Ðiều này có nghĩa là thời gian cho phi thuyền đưa con người lên Hỏa tinh giảm đi rất nhiều, rút xuống còn 39 ngày. Bước thử nghiệm đầu tiên từ năm 1996 là phi thuyền không người lái Pathfinder đáp xuống hành tinh Ðỏ thu thập mọi dữ liệu để xác lập căn cứ cho chuyến bay mang theo người cho những lần sau. Lần sau, là khi nào, vẫn còn là điều chưa biết. Mặc dù hiện nay, nhiều cơ quan du lịch Hỏa tinh đang ráo riết tuyển phi hành gia có đủ điều kiện. NASA cũng đang huấn luyện một số phi hành gia tại một căn cứ thí nghiệm ở vùng sa mạc đồi trọc Hankesville tiểu bang Utah.

len-hoa-tinh3
Pathfinder đáp xuống Hỏa tinh năm 1997 thu thập dữ liệu đất đá và khí quyển – Nguồn: Mars Direct

NASA đã tuyển chọn 900 phi hành gia từ khắp nơi trên thế giới đưa về vùng Mars Desert của tiểu bang Utah, nơi có thời tiết khắc nghiệt, gần như không có người sống, không có mưa trong năm, cây cối không thể sống trong môi trường như thế. Ðất đá nơi đây có nhiều đặc điểm giống các loại đất đá trên sao Hỏa. Nói chung một môi trường thiếu không khí mà lại có nhiều khí dioxycarbon  hơn nên con người phải dùng đến dưỡng khí. Sau đợt thử nghiệm ban đầu, số phi hành lần lượt rơi rụng vì không thể chịu được cuộc sống căng thẳng, thiếu thốn mọi thứ từ thực phẩm đến nước uống phải tự làm ra trong các modul nhỏ bé được thiết lập như ngôi nhà của phi hành gia trên Hỏa tinh trong tương lai. Một phần năm số người còn lại chia thành những đội, mỗi ngày thực hành rèn luyện theo những chương trình khắt khe từ thu thập đất đá, phân tích, trồng rau xanh, xử lý nước uống.


Tổng Thống Barack Obama đưa lại chương trình đề ra từ sáu năm trước là gửi người lên Hỏa Tinh vào khoảng năm 2030.

Trong nhiều năm qua, Tổng Thống Barack Obama từng nhiều lần nói, Mỹ phải đưa người lên định cư ở Hỏa Tinh.

Theo NPR, trong một bài diễn văn hồi năm 2010: “Vào giữa thập niên 2030, tôi tin rằng chúng ta có thể gửi người bay vòng quanh quỹ đạo Hỏa Tinh rồi an toàn trở về Trái Ðất. Và một cuộc đổ bộ lên Hỏa Tinh sẽ thực hiện sau đó. Tôi mong được chứng kiến chuyện ấy.”

Ðến năm 2012 ông Obama lại nói, xe tự hành Curiosity gây cảm hứng nơi trẻ em, khiến chúng nói với “cha mẹ chúng rằng chúng muốn góp phần vào sứ mệnh Hỏa Tinh, kể cả là người đầu tiên đặt chân lên đó.”

Và trong bài diễn văn liên bang năm 2015, ông kêu gọi Hoa Kỳ đẩy mạnh việc tiến vào Thái Dương Hệ “không chỉ thăm viếng mà ở luôn trên đó.”

Năm nay Ông lặp lại: “Ðể lên Hỏa Tinh cần phải có sự cộng tác liên tục giữa chính quyền với tư nhân, và chúng đang trong tiến trình ấy. Trong vòng hai năm nữa, các công ty tư nhân sẽ lần đầu tiên đưa phi hành gia lên Trạm Không Gian Quốc Tế.”


Ðể có được chương trình huấn luyện phi hành gia Hỏa tinh như hiện nay, người ta phải mất hơn năm mươi năm kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước các nhà khoa học không gian bắt đầu nói đến cụm từ ngữ “Thám hiểm sao Hỏa”. Chính phủ thời điểm đó không quan tâm đến việc chinh phục hành tinh Ðỏ, cho đến thời kỳ Tổng thống George H. Bush vào năm 1989 đưa ra sáng kiến thám hiểm không gian với sự hứa hẹn đưa con người lên Hỏa tinh dựa trên dự án của khoa học gia vũ trụ Wernher von Braun. Sang đến thời Bill Clinton, lại không nói đến những dự án các nhà khoa học ấp ủ dành cho con người trên hành tinh Ðỏ mà chỉ phát triển các dự án thăm dò bằng người máy. Phi thuyền Pathfinder và xe tự hành Sojourner thực hiện những chuyến đi tiên phong lên Hỏa tinh thu thập đất đá và phân tích khí quyển. Những gì PathfinderSojourner đã làm được là thu thập các dữ liệu và giải quyết được hai vấn đề quan trọng nhất cho việc đưa con người sống dài ngày trên hành tinh từng được biết đến là không có sự sống nhưng có nhiều điểm tương đồng với Trái đất.

len-hoa-tinh2
Ảnh mô phỏng các khu vườn rau và nghiên cứu địa chất trên Hỏa tinh – Nguồn: Mars Direct

Một là ảnh hưởng bức xạ và tình trạng vi trọng lượng ảnh hưởng ra sao đối với sinh mệnh và sức khoẻ của phi hành gia trên sao Hỏa? Việc ảnh hưởng này không giết chết các phi hành gia nhưng chắc chắn nó sẽ làm giảm thiểu các hoạt động của con người trên Hỏa tinh.

Hai là môi trường khắc nghiệt không có oxy có ngăn cản con người sống trên đó trong một thời gian dài hay không? Câu trả lời là không với điều kiện con người thiết lập các “căn cứ” được trang bị đầy đủ các thiết bị để tự cung cấp dưỡng khí và thực phẩm cho mình.

Vấn đề còn lại là… tiền. Bao nhiêu tỉ đô la để tiến hành thực hiện dự án Mars Direct một cách hoàn hảo? 450 tỉ đô la là chi phí cho chuyến bay và sự xây dựng những ngôi nhà dành cho cuộc sống của phi hành gia để có thể kéo dài nhiều ngày thậm chí nhiều năm trên hành tinh Ðỏ. Con số này nhiều gấp 19 lần cho cuộc chinh phục không gian lên Mặt Trăng của phi thuyền Apollo kéo dài từ năm 1966 đến 1972.

len-hoa-tinh1
Trung tâm huấn luyện các phi hành gia Hỏa tinh ở Mars Desert tiểu bang Utah – Nguồn: Mars Desert

Dự án Mars Direct được tiến sĩ Robert Zubrin cựu kỹ sư hàng không của hãng Lockheed Martin lập ra từ năm 1992. Nhưng với số tiền đầu tư quá lớn, dự án táo bạo này cần phải điều chỉnh sao cho mức đầu tư chi phí xuống thấp nhất có thể mà vẫn đưa con người thám hiểm Hỏa tinh trong một tương lai gần. NASA đã chấp thuận ý tưởng của Zubrin là sử dụng chính các tài nguyên tại chỗ của Hỏa tinh để có sự sống cho các nhà thám hiểm từ một tháng đến 500 ngày. Tổng chi phí đầu tư dự án Mars Direct giảm xuống chỉ còn 50 tỉ đô la, chia làm nhiều giai đoạn.

Theo dự án, một modul chứa khí hydro được phi thuyền đưa lên Hỏa tinh trước. Hydro sẽ kết hợp với khí carbon có rất nhiều trong khí quyển của hành tinh Ðỏ tạo thành khí methan là nhiên liệu cần thiết cho các phi thuyền khác đem vật tư lên Hỏa tinh nạp nhiên liệu bay trở về Trái Ðất. Sau khi có được kho nhiên liệu, các chuyến bay tiếp theo sẽ mang con người lên Hỏa tinh dựng các ngôi nhà kín. Loại nhà đặc biệt chốt kín trong 60 ngày để tạo hơi nước và được chôn xuống đất một phần. Ngôi nhà cấu tạo bằng gạch chế tạo bằng nguyên liệu đất đá lấy trên bề mặt sao Hỏa. Nước và oxy sẽ được tách ra để sử dụng tại chỗ. Cứ thế mỗi chuyến bay lên lần lượt xây dựng những ngôi nhà tạo thành một nơi trú ngụ cho các chuyên gia cư trú lâu dài. Các ngôi nhà sẽ được liên kết bằng các túi khí tạo thành nhà lồng nghiên cứu trắc địa và trồng rau tạo thực phẩm.

Ngày xưa, những nhà tiên phong tìm đến miền Tây Hoa Kỳ đã viết lên dòng chữ “Oregon or Bust” (Oregon hay là chết) trên những chiếc xe thồ ngựa kéo. Thì ngày nay, tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA, các nhà nghiên cứu đưa ra khẩu hiệu “Mars or Bust”, nói lên sự quyết tâm và tin tưởng rằng, một ngày không xa, con người sẽ lên Hỏa tinh không phải là chuyện xa vời.

len-hoa-tinh
Các phi hành gia thực tập xe tự hành mô phỏng trên Hỏa tinh ở Trung tâm huấn luyện Mars Desert – Nguồn: Mars Desert

NL – Theo Mars Direct & Mars Desert Center