Menu Close

Mưa Thu tháng Mười Một

Mưa thu thầm lặng rơi giữa cuộc đời, giữa giòng người xuôi ngược trong xã hội hôm nay. Mưa dường như không phải lúc nào cũng rơi cùng một nhịp điệu, nhưng cho dẫu là mưa thu, mưa xuân, mưa phùn, hay mưa to gió lớn, những giọt mưa vẫn khiến người ta chạnh lòng nhớ về một điều gì đó đã qua đi, đang qua đi, hay vẫn còn phảng phất dư âm. Thời gian vô tình, đời sống nhiều khó khăn, thế sự sôi sục hỗn loạn, giòng sông thinh lặng trôi chảy. Ðã đành ngày mai ra sao không thể biết, nhưng rất nhiều khi ngay cả hôm nay người ta cũng chẳng hiểu sẽ như thế nào. Chỉ có hôm qua là rõ rệt. Hôm qua khổ nhiều hay khổ ít, đời vui hay đời buồn, ai cũng biết. Nhưng nếu chỉ biết hôm qua, không biết hôm nay, không biết ngày mai, phải chăng chúng ta đang đứng trước bến bờ hiu quạnh, đang bắt đầu đi vào ngõ cụt… Ðời đi vào ngõ cụt khó tìm được lối ra. Nhìn đâu cũng chỉ thấy sắc màu hư ảo. Nhìn đâu cũng chỉ thấy vòng tròn xiêu vẹo. Những ngã ba-ngã tư-ngã năm-ngã sáu-ngã bảy trên đường đời luôn khiến người ta phải bối rối, không biết nên chọn hướng nào.

Buổi sáng bóng tối cô đơn. Chiều về hừng đông tan biến. Ðêm xuống nhịp đời buồn tênh. Cuộc sống sẽ chỉ là như vậy hay sao? Tôi không tin, bởi vì đêm có thật dài ngày mai hừng đông vẫn đến. Trong hừng đông của ngày mai ấy, luôn luôn có một mặt trời dư đầy ánh sáng rực rỡ. Cho dẫu thời gian vô tình, đời sống nhiều khó khăn, thế sự sôi sục hỗn loạn, giòng sông thinh lặng chảy, thì mặt trời bảy sắc huỳnh quang đỏ-cam-vàng-lục-lam-chàm-tím vẫn luôn ảo biến. Bảy sắc huỳnh quang của mặt trời ảo biến để giúp cõi người ta nhìn thấy niềm vui trong nỗi buồn, nhìn thấy hạnh phúc trong đau khổ, nhìn thấy niềm tin ngời sáng khi tuyệt vọng gõ cửa bước vào. Và rất nhiều khi người ta phải đi vào con đường chết để tìm sự sống. Nghe có vẻ lạ lùng và rờn rợn quá phải không. Sao lại đi vào con đường chết để tìm sự sống? Có lẽ  đây là một kiểu nói thậm xưng, một lối chơi chữ cách điệu; nhưng có phải đúng là chúng ta vẫn thường nghe ai đó nói, họ phải đi vào con đường chết để tìm sự sống! Riêng tôi tự cảm nghiệm: Con đường chết tượng trưng cho cảnh ngộ cùng khốn, cho sự đau đớn, cho nỗi bi phẫn thê lương mà người ta đang nếm trải, và mỗi một người buộc phải tìm cách vượt qua.

mua-thu-thang-muoi-mot
Nguồn dantri4.vcmedia.vn

Mưa thu tháng Mười Một có nhịp điệu trầm buồn, gợi lên trong lòng tôi bản tin thời sự đầy biến động. Bắt đầu là những tin tức liên quan đến Hoa Kỳ. Chỉ còn vài ngày nữa tôi và cư dân trên đất nước này, sẽ tham dự cuộc tổng tuyển cử bầu chọn tân tổng thống, Giám Ðốc FBI James Comey đang bị chỉ trích gay gắt, sau khi ông loan báo sẽ duyệt lại cuộc điều tra về email của bà Hillary Clinton. Ðảng Dân Chủ tố cáo hành động của FBI mang động cơ chính trị. Quá nhiều nan đề khiến lá phiếu của công dân Mỹ bỗng dưng bị chao đảo. Sống trong một quốc gia được mệnh danh là đi hàng đầu trong lãnh vực thông tin truyền thông, rất nhiều khi chỉ trong tích tắc những tin tức bất thường ồ ạt xuất hiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều vấn đề trong xã hội như chính trị, tài chánh, kinh tế, nguyện vọng của dân chúng…Ðiều này không phải là dấu hiệu tốt.

Bên cạnh bản tin có liên quan đến cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ  là những bản tin về cố hương. Từ ngày bốn tháng tư năm hai ngàn không trăm mười sáu cho đến bây giờ, Formosa và thảm họa ô nhiễm môi trường ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, là nỗi đau kéo dài trên từng cây số tại Miền Trung, khi cá bắt đầu chết lan dần ra các vùng ven biển Quảng Bình, Quảng Trị, rồi tới Thừa Thiên-Huế. Sự thật hiển nhiên này đã đang và vẫn còn là vấn nạn, chưa được giải quyết hoàn toàn. Ðứng giữa muôn điều khốn khó, hình ảnh liêu xiêu hao gầy của người dân giáo xứ Phú Yên, Hà Tĩnh, lớn tiếng kêu than mong tìm thấy công lý, đã khiến toàn thế giới phải ngậm ngùi. Mới đây, trận hỏa hoạn vừa xảy ra tại Cầu Giấy, Hà Nội, khiến 13 người thiệt mạng, cũng là một kết cục bi thảm đáng buồn.

Chẳng hiểu sao biến động của thiên nhiên như lũ lụt, hỏa hoạn, động đất, thường báo trước những bi kịch khốn khổ của cuộc đời. Thảm họa thiên nhiên lúc hừng hực như lửa đỏ, lúc xối xả như trút nước, lúc sầm sập như thiên binh vạn mã, lúc dồn dập như tiếng gõ dai dẳng dội vào trái tim nhỏ bé đáng thương của mỗi một phận người. Trước mắt tôi hiện ra những thân người co quắp tuyệt vọng chìm trong hỏa hoạn; những khuôn mặt tái nhợt vì lạnh, chân ướt vì nước, những cái bọc nhỏ đựng vài lon gạo, khoai khô, cá khô lồng trong ngực bao giờ cũng nóng ấm; những thây người nằm bất động giữa đống gạch đổ nát hoang tàn. Những hình ảnh gợi lên từ trí tưởng xui giục lòng tôi nhớ câu hát trong ca khúc “Tiếng Sông Hương” của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương: “Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi. Khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An. Ðể lan biển khơi ơ hò ơ hò.”

Trời mưa đất chịu. Nhà nghèo ở các tỉnh Miền Trung phải chịu. Bốn bề đều bị nước vây khổn. Nước ràn rụa chảy ra từ những bức tường hoen ố, rơi long tong xuống những cái thau, cái lon hứng dột. Nhạc của mưa hay là giọt lệ từ lòng ai đang than khóc. Nhớ xưa từng ở Huế trong cơn mưa lũ, tôi nghe tiếng hai chú mèo con bị vứt bỏ bên kia bức tường; tôi thường trèo lên ghế liệng cơm qua, với hy vọng cứu sống chúng. Trời vẫn cứ gầm gừ mưa gió. Rồi tôi không còn nghe thấy tiếng mèo kêu, chỉ còn tiếng mưa tầm tã. Không nghe cả tiếng sóng, dù biển rất gần. Tiếng khóc ồ ồ của trời đã át những tiếng khóc lẻ loi của bao sinh linh nhỏ nhoi, đang ngập ngụa kêu cứu.

Tôi không tin thiên đàng hay địa ngục có mưa. Chỉ trần gian “độc quyền” lũ lụt, bởi thế nên trần gian vừa tràn đầy vẻ đẹp vừa quằn quại đau khổ. Mặc dù thật tang thương nhưng nếu không có mưa, có nghĩa là không có sự sống. Không có mưa văn chương thi ca âm nhạc sẽ  bị hạn hán vì thiếu nỗi buồn. Huy Cận từng viết “Buồn Ðêm Mưa”: “Tai nương nước giọt mái nhà. Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn.” Tôi nghe mưa rơi trên thành phố Santa Ana, nhớ “Giã Từ Vũ Khí – A Farewell To Arms” của Earnest Hemingway. Mưa rơi từ trang đầu đến trang cuối, từ buồn chán đến hoan lạc, từ gặp gỡ đến chia ly, từ sự sống đến cái chết. Mưa nói giùm, ướt từng giòng chữ.

Sau cơn mưa trời lại sáng, ngổn  ngang những cảnh đau lòng: Người chết, ruộng lúa, nhà cửa, trường học bị đổ trôi… Nhưng tôi tin con người vẫn kiên cường để sinh tồn. Như ngày xưa tôi thật tin hai chú mèo con sống sót qua trận mưa lũ kinh hoàng, dù không hề trông thấy chúng. Cũng như tôi tin rằng: Dù đứng trước rất nhiều nguồn tin, cư dân Hoa Kỳ vẫn đủ sáng suốt lựa chọn một người lãnh đạo tốt nhất cho đất nước trong lần bầu cử này.

HV – 2:30am Thứ Ba ngày 1 tháng 11 năm 2016