Đất mũi Gành Dầu vốn nằm ở hốc bà tó góc mũi biên hải đảo Phú Quốc và là điểm gần Campuchia nhất trên đảo. Ấp Gành Dầu xưa chỉ lèo tèo vài nóc nhà, và ông Năm Bé là tay kỳ cựu ở nơi này đã cho dựng một trạm xá đồng thời là nơi thờ tự nhà ái quốc Nguyễn Trung Trực.

Kỳ 5
Gành Dầu
Ðình ông Nguyễn đang xây dựng lại. Trưa Gành Dầu, tôi ngồi với một cư sĩ Tịnh Ðộ Tông quê gốc Cà Mau, ông học y học cổ truyền ở Sài Gòn, hiện trông coi đình thờ Nguyễn Trung Trực.
Vào thập niên 90, những người dân theo đạo Hòa Hảo của Ðức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ từ bên Tân Châu, An Giang đã qua đây góp công sức để xây dựng Ðình Nguyễn Trung Trực. Ðổi lại thì những người dân theo Phật giáo Hòa Hảo sẽ được vào trong rừng Phú Quốc để hái thuốc.

Sáng đấy âm u, mưa suốt từ Cửa Cạn lên đến Gành Dầu. Tư Huỳnh chở tôi men theo con đường lộ mới làm dọc theo triền tây của hòn đảo. Ðây cũng là con đường được tập đoàn Vingroup tài trợ để giao thông thuận lợi đến các resort, bệnh viện, Safari, trường học và cả casino– những dự án tương lai của tập đoàn này.
“Ngày xưa, để lên tới đất Gành Dầu rất gian khổ vì là con đường sình lầy; và chỉ nên đi vào ban ngày vì nếu đi vào ban tối thì có thể phải nghỉ lại giữa rừng nếu xe cộ gặp vấn đề gì,” Tư Huỳnh dùng một tay quấn lại cái khăn rằn quanh cổ, gã liếc cái kiếng chiếu hậu rồi an toàn phóng tiếp con dốc dài.
Tôi khoái cách kể chuyện của Huỳnh, nó giống như những thước phim cũ đứt đoạn với cả một đống nhân vật hỗn độn. Như câu chuyện gã bạn kể về cái thuở “cách đây lâu lắm rồi” của Gành Dầu, chỉ là những căn nhà cây lụp xụp của dân đi biển và những chòi tạm của cánh làm rừng. Và nhà cửa ở đây hoàn toàn không có khóa! Cái thuở mà nhân vật bà Sáu Liên, ôm đứa con gái tên Diễm bỏ nhà ông chồng bạo hành ra đây sống nghề chèo đò từ ghe lớn vào bãi. Tối đến, đám thanh niên trai tráng sau chầu nhậu sừng sừng lại rình mò xung quanh những nhà có những người đàn bà ở giá, hoặc “chun mùng” bất kể là những ả “búp” chín rạ hay con gái, đàn bà có chồng.

“Chun mùng”?! Tôi bật cười, nó cứ như một câu chuyện tiếu lâm dung tục đời thực.
Những người đi làm rừng Phú Quốc phần lớn là người nghèo, họ mang theo búa cùng lèm mà vùng khác gọi là rựa, dao quắm và rìu. Người thì đốn cây để cất nhà, người thì đốt lò để lấy than, có kẻ thì đặt bẫy để bắt thú rừng; rồi guồng được bao nhiêu đất, tự chia ranh làm rẫy.
“ À, mà đối với dân đi chặt cây thì để làm kèo cột dựng nhà thì cứ lấy chu vi phần thân cây ở vị trí cao tới ngực mà đo gọi là hoành, cứ hai gang tay thì hoành 40, ba gang tay thì hoành 60. Vậy đó thôi, chứ giờ kiếm cây to hoành 80 hay hoành 60 từ gốc lên ngọn chắc khó lắm; mà phải kêu mấy anh em người Khmer chặt bên rừng Campuchia rồi vận chuyển về được,” Huỳnh hồi tưởng về cái thời quá vãng và những chuyến đi rừng cùng những phật tử Hòa Hảo trong rừng Phú Quốc.
Dân đốt than là những người khổ cực nhất trong đám người làm rừng, họ đào những cái hố tròn âm dưới đất đường kính chừng 1m2- 2m, đốn những thân cây to xung quanh đó, bổ cho vừa lò, lấy cành nhỏ làm mồi mà đốt. Cây lựa để đốt than cũng phải là những cây ít ngậm nước. Sau khi chèn đầy lò thì đắp mái vòm cầu bằng đất sét, chừa lỗ nhỏ và dùng một cành cây để canh lửa. Nếu nhựa cây canh lửa sôi màu vàng sền sệt đặc rồi bắt đầu khô thì bịt kín toàn bộ lò đất, đốt vậy tới 4-6 ngày. Với những người đốt lò tay mơ thì dù chất bao nhiêu củi cũng thành tro, hay thu được rất ít than. Mỗi ký than ở Phú Quốc giờ được 10,000 đồng/kg, mỗi bao bố than chừng 30 kg.

Chạy xe số xuyên rừng, bắt trăn, săn chim Cao cát, làm tiều phu đốn củi…lậu. Tư Huỳnh không mang cái tâm lý cầu may, nên sau nhiều lần bị bù mắt đốt đỏ tay chân; bò cạp chích sưng buốt tấy đỏ; thịt da hơn vài lần bị phỏng từ cây vàng nghệ. Gã đã thề bỏ rừng!
Mũi Biên Hải Gành Dầu, phóng mắt ra xa chỉ thấy 2 hòn đảo nhỏ ngoài khơi là hòn Thầy Bói và hòn Bần, còn dải đất liền và các hòn đảo lớn bên tay phải là cương thổ của xứ Chùa Tháp. Ngoài khơi là các ghe tàu Việt và Khmer đi lại tấp nập. Huỳnh chỉ tôi cách phân biệt, “Ghe của người Việt mình thì được sơn màu xanh dương, còn ghe của người Khmer thì được sơn màu xanh lam. Tới đất mũi này, sẽ không hiếm khi gặp cánh đi biển người Khmer tắp vô đây nghỉ ngơi, neo đậu.”
Ðảo Phú Quốc, còn có tên gọi trong tiếng Khmer là Koh Tral, nhưng dù có tên gọi như vậy trong quan niệm cổ xưa về quản trị của các vương triều thì đường biên giới, cương vực lãnh thổ không được minh bạch như quan niệm hiện đại về nhà nước quốc gia. Người Khmer hiếm khi định cư đông đảo ngoài khơi trên đảo hay các cù lao giữa biển Hồ Tonle Sap như người Việt, nên người Pháp đã đặt hòn đảo Phú Quốc – Koh Tral vào phần ranh giới quản trị của đất Nam Kỳ – Cochin China. Ðảo Phú Quốc có lẽ vẫn còn là vết thương đang liền da đối với những người Khmer ái quốc cực đoan, nên “ghe màu lam” của người Khmer vẫn còn được tự do qua lại cập bến ở mũi Gành Dầu, nhưng “ghe xanh dương” của người Việt thì thật khó sang bên lãnh hải Campuchia nếu không mua giấy phép.

Ðối với Phú Quốc thì thời tiết hai mùa khô và mùa mưa có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân trong vùng. Mùa khô thì sóng đánh mặt Ðông của đảo, nên rác biển ngoài khơi tắp vào bãi và do sóng lớn nên các ghe tàu nhỏ của những dân chài cũng né nếu không có cảng tránh trú. Mùa mưa thì sóng đánh mặt Tây của đảo nên những bè cá bớp, bè ngọc trai và những trại nuôi ốc hương cũng di dời sang phía bờ Ðông nơi sóng lặng. Mũi Gành Dầu do nằm ở vị trí ngay địa đầu của đảo nên có thể thấy mùa khô thì tàu cá cập bãi Gành Dầu, nhưng tới mùa mưa thì ghe tàu cũng dời tới Mũi Dương gần đó. Cái chợ Gành Dầu trải dài giữa hai điểm Gành Dầu và Mũi Dương là vậy.
Cơn giông chợt rớt giữa đàng, cũng là dịp để tôi và gã bạn Tư Huỳnh tấp vào một trường tiểu học “ghép lớp” tại điểm Gành Dầu. Giữa những dãy bàn gỗ cũ kỹ, tường vữa tróc lở, giữa những quá khứ và ưu tư; tôi chợt nghĩ đến cái mỹ từ “Ðảo Ngọc”- nơi vẫn được nói về sự phồn vinh. Và tôi vẫn thấy có những cha mẹ không biết chữ, và trẻ em tuổi còn rất nhỏ nghỉ học để mưu sinh.
“Học để thực hiện ước mơ” – cái khẩu hiệu của riêng Sở Giáo dục Ðào tạo Kiên Giang. Tôi tự hỏi, ước mơ được tới đâu ở cái đất Phú Quốc này, một chốn mà không thể tìm thấy một hiệu sách, ngoài hai tiệm “văn phòng phẩm Bà Tuyết” và Văn Minh ở con phố Nguyễn Trung Trực chỉ có sách giáo khoa phổ thông?

Huỳnh kể, có hai vợ chồng đều không biết chữ. Ðứa út mới bập bẹ, tối ngày đã biết cảm thán cả cái từ chửi tục “ÐM”. Ðàn bà xứ này thì suốt ngày luyện phim bộ truyền hình kênh Vĩnh Long “Cô dâu 8 tuổi” gần 900 tập, và những cuộc thi hát bolero à ơi bình dân. Dân Phú Quốc bán đất xong cũng cờ bạc và đổ tiền vào tư lợi vật chất; không tri thức, phẩm hạnh thì chẳng thể có mục đích sống cao.
“Nó giống như gia đình ông Hào, có hàng trăm mét mặt tiền, giờ bán hết còn cái nền nhà nhưng cũng chỉ biết nhậu.” Huỳnh giữ khuôn mặt nghiêm trọng, gã có thói quen rít thuốc từng hơi dài. Ðốm lửa đầu thuốc rực sáng mỗi lần gã hít khói vào.
Trên Gành Dầu, giờ tấp nập những nhà trọ cho những công nhân, thợ thuyền làm mướn cho công trình của Vinpearl, và cả những khu tái định cư. Viễn cảnh của Phú Quốc? Chẳng bao lâu nữa, khi những cư dân giàu mới đổ vào khu đô thị hào nhoáng của Vinpearl, Gành Dầu sẽ là hình mẫu tiêu biểu về một xã hội “phân cực” ở Việt Nam: một bên là cờ bạc đói nghèo, một bên là điểm nghỉ dưỡng của giới giàu mới.
Tư Huỳnh chậm rãi rút ra một điếu Hero, háy mắt hóm hỉnh, “À, mà chị Hạnh nè. Ở Gành Dầu còn có dân cắp vặt, trộm gà ôm vào bụng đi tỉnh queo đó nhá!”
Ðmh