Cuộc chạy đua ma-ra-tông kéo dài 18 tháng để tranh chức tổng thống vừa chấm dứt hôm Thứ Ba 8/11. Và chỉ trong ít giờ sau đó, một cuộc chạy đua mới cũng vừa bắt đầu.

Cuộc chạy đua lần này sẽ ngắn hơn nhiều – kéo dài trong 73 ngày, tính từ ngày tổng tuyển cử đến ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống, để chuyển tay việc kiểm soát toàn bộ hệ thống chính phủ liên bang từ nội các chính quyền đương nhiệm sang nội các chính quyền mới. Ðây là công việc không hề dễ dàng.
Cứ mỗi bốn hay tám năm, sau cuộc bầu cử tổng thống, nước Mỹ lại trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực trong chính phủ và mục tiêu quan trọng là làm sao cho cuộc chuyển giao đó được trơn tru êm thắm và không gây ra biến động làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia ở vào thời điểm nước Mỹ dễ bị những đối tượng thù nghịch tấn công nhất, cùng lúc là làm sao tạo tối đa cơ hội để nhà lãnh đạo mới của quốc gia vừa được dân bầu lên có thể thực hiện được những lời hứa với cử tri trong những tháng đầu quan trọng nhất của bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào.
Trong tám năm qua, một tập hợp các cựu giới chức chính phủ, các chuyên gia nghiên cứu về chính phủ, và các nhà làm luật ở quốc hội đã làm việc không ngừng để làm sao có được những cuộc chuyển quyền trong tương lai được tốt đẹp hơn. Nhóm người này đang cố gắng tạo điều kiện để vị tân tổng thống mới có thêm thời gian để ngay sau ngày bầu cử, dù là bất cứ ai thắng được chiếc ghế ở Toà Bạch Ốc, sẽ không phải bắt đầu công việc có lẽ là quan trọng nhất trên thế giới trong thế kẹt. Ðất nước và người dân Hoa Kỳ vẫn thường hãnh diện là đã giữ được truyền thống lâu bền trong những cuộc chuyển quyền đầy yên ổn từ một nội các chính phủ này qua một nội các chính phủ khác, không cần biết nội các đó thuộc đảng chính trị nào. Ðây được xem là một trong những nét đẹp nhất mà một nền dân chủ có thể mang lại.
Công việc chuyển giao quyền lực đã được viết thành luật từ năm 1963 có tên là Ðạo luật Chuyển giao chức vụ Tổng thống (Presidential Transitions Act), đòi hỏi sự hợp tác của cả hai phía: ban chuyển giao quyền (transition team) của tổng thống đương nhiệm và của tổng thống chuẩn bị lên nắm quyền.
Một trong những công việc đầu tiên của một chính phủ mới là cần phải chỉ định khoảng 4,000 chức vụ nhà nước, trong đó có khoảng 1,100 chức vụ đòi hỏi thượng viện liên bang xác nhận và biểu quyết. Trên thực tế, những chính quyền mới được bầu lên chỉ có khả năng chỉ định khoảng vài trăm chức vụ quan trọng nhất trong những tháng đầu tiên lên cầm quyền, và trung bình, trong suốt một nhiệm kỳ bốn năm của chính quyền đó cũng chỉ chỉ định được khoảng 80% các chức vụ.
Những nhân vật có nhiều triển vọng sẽ nằm trong nội các của chính quyền Donald Trump trong thời gian sắp tới
– Newt Gingrich/John Bolton – Bộ Ngoại giao
– Jeb Hensarling/Steve Mnuchin – Bộ Ngân khố
– Tướng Michael T. Flynn/Jeb Sessions – Bộ Quốc phòng
– Chris Christie/Rudolph Giuliani – Bộ Tư pháp
– Jan Brewer/Sarah Palin – Bộ Nội vụ
– David A. Clarke Jr./Michael McCaul – Bộ Nội an
– Stephen K. Bannon/Reince Priebus – Chánh văn phòng Tổng Thống
Hơn nữa, ngoài việc sắp xếp nhân sự, một công việc khác của ban chuyển giao quyền cũng rất quan trọng là hỗ trợ vị tổng thống mới trình cho quốc hội ngân sách hoạt động vào đầu Tháng 2 và chuẩn bị bài diễn văn Tình hình Liên bang (State of the Union) hoặc một bài diễn văn tương tự như thế. Với rất nhiều trọng trách phải đảm đương, một ban chuyển giao quyền không thể không được thành lập từ lâu trước ngày tổng thống tuyên thệ nhậm chức.

Năm 2012, ban chuyển giao quyền của ứng cử viên đảng cộng hoà Mitt Romney quy tụ khoảng 600 nhân viên, được chia thành những nhóm hoạch định chính sách cũng gần giống như các cơ quan chính phủ thật sự, và những nhóm này bắt đầu soạn thảo kế hoạch làm việc trong 200 ngày đầu cho một chính quyền Mitt Romney nếu như trong trường hợp ứng cử viên Romney đắc cử.
Kết quả như chúng ta đã biết, Mitt Romney thất cử, và do đó ta có thể nói công việc của 600 nhân viên này trở thành công cốc. Tuy nhiên, một ban chuyển giao quyền đối với bất cứ ứng cử viên nào, cho dù có biết thắng cử hay không, đều phải có sẵn từ trước.
Trước năm 2008, công việc chuyển giao quyền lực, ngoài một số cuộc họp kín để nghe tường trình về tình hình an ninh quốc gia, thường không được chuẩn bị kỹ và chi tiết cho đến gần ngày bầu cử. Nhưng năm đó, do tình hình an ninh của Hoa Kỳ luôn bị đặt trong tình trạng có thể bị những nhóm thù địch tấn công bất cứ lúc nào, tổng thống đương nhiệm là George W. Bush đã quyết định làm khác đi và ra lệnh cho Chánh văn phòng Joshua Bolten từ một năm trước đó phải đưa kế hoạch chuyển giao quyền lên thành một ưu tiên và bảo đảm không chỉ Toà Bạch Ốc mà toàn thể nhân viên chính phủ nhận được thông điệp này.
Mặc dù trong thời gian tranh cử, ứng cử viên Barack Obama luôn công khai và lớn tiếng đả kích George W. Bush, các giới chức cao cấp của chính phủ Bush vẫn có những cuộc họp kín với ban chuyển giao quyền của Obama để chuẩn bị cho họ lên nắm quyền nếu như họ đắc cử. Những cuộc họp này cũng thực hiện với các cố vấn của Thượng nghị sĩ John McCain, một đôi khi diễn ra ngay trong cùng một căn phòng.
Barack Obama đắc cử tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008 và cuộc chuyển giao quyền lực Bush-Obama được cho là cuộc chuyển giao quyền lực thành công nhất của Hoa Kỳ thời hiện đại. Ông Obama đã từng ca ngợi cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra hoàn toàn tốt đẹp, và mới đây nhất, trong bài diễn văn ngắn đọc trên sân cỏ Toà Bạch Ốc sau khi kết quả cuộc bầu cử đã rõ với Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã một lần nữa nhắc lại cuộc chuyển giao thành công ấy.

Tuy nhiên, trước đây cũng đã từng có những cuộc chuyển giao quyền lực khá vụng về và không có một sự hợp tác chặt chẽ từ hai phía. Như năm 1960 chẳng hạn, Tổng thống đắc cử John F. Kennedy thậm chí đã không trực tiếp gặp mặt vị tiền nhiệm của ông là Tổng thống Dwight Eisenhower cho mãi tới gần một tháng sau cuộc bầu cử.
Vào Tháng 4 vừa qua, nhân viên của các ứng cử viên Donald Trump, Ted Cruz, John Kasich, Hillary Clinton và Bernie Sanders đã được nhân viên của chính quyền đương nhiệm mời đến họp chung để thông báo bên phía chính quyền sẽ hỗ trợ để phía các ứng cử viên trên chuẩn bị thành lập ban chuyển giao quyền để nhắm tới cùng một mục tiêu chung: những việc cần làm kể từ ngày 9/11, tức một ngày sau cuộc bầu cử, và những ngày tiếp sau đó.
Và như đã nhắc đến ở phần đầu, thời gian chuyển giao quyền lực của chính phủ Hoa Kỳ được cho là khoảng thời gian nghiêm trọng nhất trong một chế độ dân chủ của đất nước này và dễ bị những thế lực thù địch lợi dụng để đánh phá nhất.
Trong khi một số giới chức liên bang có thể được giữ lại giữa hai chính quyền, thậm chí khi đảng này thay thế đảng khác, hầu hết các cơ quan của chính phủ liên bang – từ nội an đến y tế công cộng đến kinh tế – sẽ vẫn hoạt động cho dù chưa có một ban lãnh đạo thường trực được chỉ định.
Các ban chuyển giao quyền cũng được khuyến khích khai triển những kế hoạch đối phó trong những tình trạng khẩn cấp như bệnh dịch, thời tiết, khủng bố và những hiểm hoạ khác, và nên có những cuộc thao dợt trước để chuẩn bị.
Trong nhiều năm trước đây, việc chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực được xem như công việc “đo màn cửa” để bắt đầu kế hoạch hoạt động cho một tân chính quyền và chỉ được thực hiện một thời gian ngắn trước khi bầu cử kết thúc, nhưng trong mấy năm gần đây, sự chuẩn bị đó được thực hiện từ nhiều tháng trước khi những lá phiếu đầu tiên của cử tri được bỏ vào thùng phiếu, thậm chí cả trước khi ứng cử viên đó được đảng chính thức đề cử.
Với ngần ấy những công việc mà một ban chuyển giao quyền phải làm, hoạt động của ban chuyển giao quyền hẳn nhiên được xem như là một trách nhiệm đối với quyền lợi chung của người dân, thậm chí cho dù ứng cử viên đó sẽ bị thất cử và ngần ấy thành quả của công việc bị đem đổ biển.
Hôm Thứ Sáu 11/11, một trong những quyết định đầu tiên của Donald Trump trong cương vị tổng thống tương lai là chỉ định ông phó Mike Pence thay thế Thống đốc Chris Christie nắm quyền điều hành ban chuyển giao quyền. Ðây được cho là một quyết định đúng vì ông Pence từng là một dân biểu liên bang nên hiểu rất rõ những hoạt động trong chính trường tại thủ đô Washington. Một điều nữa, quyết định này của Trump cho thấy Mike Pence sẽ là nhân vật nắm nhiều thực quyền trong nội các Donald Trump trong bốn năm tới.
VH