Menu Close

Tôi đã thấy!

 

H2

Nước, mênh mông nước, nước chảy xiết, nước cuồn cuộn, nước điên cuồng, xối xả, cuốn trôi mọi thứ, cuốn những gì người dân ky cóp cả đời mới có được, cuốn niềm tin, cuốn hy vọng và cuốn cả mạng sống, tôi đã thấy.

Tôi đã thấy.

Những mẹ già, những người chị, những em thơ mắt mở to, đói và lạnh, hoang mang và tuyệt vọng trước cơn đại hồng thủy mà mới hôm qua, khoảng sân vẫn còn là chỗ nô đùa của em bé, chỗ phơi nắm thóc, nắm đậu của các mẹ, các chị, nay đã thành biển nước cuồn cuộn, tôi đã thấy.

Bàn ghế, chén bát, giường tủ, lúa gạo, soong nồi, ấm nước, hũ đựng gạo, mọi thứ đã bị cuốn trôi sạch sành sanh, không gian trống trải và cô quạnh, quện đầy bùn non, rác rưởi, thế giới bỗng dưng trở thành hoang địa, tôi đã thấy.

Bệnh tật, thiếu nước uống, thiếu thực phẩm, thiếu lương thực, thiếu điện, thiếu dầu thắp, mọi thứ cứ như thời đồ đá vừa phục dựng… Và những phần quà cứu trợ, những tấm lòng gửi gắm, những chiếc phong bì chứa cả tình yêu thương, lòng trắc ẩn của đồng loại trao tay chưa kịp nóng thì cán bộ thôn đã ập đến tịch thu, gọi là mang về chia đều trên đầu người, bạo lực thời kinh tế tập trung bao cấp, cào bằng xã hội chủ nghĩa hiện ra rõ nét, tôi đã thấy.

Nếu như ở Ba Ðồn, Quảng Bình, những người nghèo, những gia đình neo đơn cảm thấy bị xúc phạm nặng nề bởi thái độ vô liêm sỉ của giới cán bộ địa phương khi họ thẳng tay tịch thu phong bì cứu trợ của nhân dân… Thì ngược lại, cũng là chiếc phong bì, cũng là suất quà cứu trợ, nhưng ở Hương Khê, Hà Tĩnh, người dân nghèo lại đứng về phía những cán bộ muốn tịch thu phong bì (mà thu không được) để chia đều cho dân. Vì sao?

Vì ở Ba Ðồn, Quảng Bình, quà của những gia đình nghèo, thực sự nghèo được các đoàn từ thiện đến trao tận tay và trao đúng người. Ðiều này dù muốn hay không thì cũng đụng chạm đến giới chức địa phương, bởi họ chưa bao giờ muốn bất kỳ phần quà cứu trợ nào lọt qua khỏi tấm lưới lọc chính quyền địa phương. Và khi quà đến tấm lưới lọc này, nó bị biến dạng, méo mó theo đủ kiểu.

Mẹ bị tai biến não ba năm nay, anh Hứa phải cõng mẹ lên mái nhà trong những ngày lũ lụt tại Thịnh Lạc, Gia Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Mẹ bị tai biến não ba năm nay, anh Hứa phải cõng mẹ lên mái nhà trong những ngày lũ lụt tại Thịnh Lạc, Gia Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Còn nhớ trận lụt kinh hoàng năm 2010 cũng ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, nhiều phần quà cứu trợ từ miền Nam đưa ra, trong đó có quần áo. Hầu hết là quần áo mới, quần áo lỗi mốt của các shop miền Nam gói ghém gởi ra. Thế nhưng người dân vùng lũ Ba Ðồn (cũng là Ba Ðồn!) nhận được toàn áo quần dính dầu nhớt, áo quần rách, giống như vải lau xe. Một số thiện nguyện viên miền Nam hay tin, âm thầm tìm hiểu, điều tra thì được biết toàn bộ số áo quần đó đã bị tráo đổi ở một số cửa hàng chuyên bán áo quần cũ. Và để được tráo đổi, các cửa hàng này phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để đám cán bộ địa phương mang tất cả áo quần này vào cửa hàng của họ và mang áo quần thải từ các cửa hàng này về phát cho dân vùng lũ.

Dường như giới quan chức địa phương đã không từ bỏ bất cứ thứ gì, kể cả mồ hôi, nước mắt và mạng sống của người dân, ngay cả tấm áo, cái quần che lạnh của dân họ cũng không từ! Và cái lối làm việc mạnh ai nấy đớp ấy có đủ kiểu, đủ hình dạng, nó làm cho mọi sự lộng giả thành chân.

Sở dĩ tôi phải nói đến sự lộng giả thành chân ở đây vì tôi muốn nói đến tình trạng người dân nghèo cùng với một số quan chức địa phương ở Hương Khê muốn thu lại các phong bì quà cứu trợ ở ba xã Hương Giang, Hương Thủy và Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Vì lẽ, các suất quà này đã đến không đúng chỗ, đó là quà đã qua tấm lưới lọc chính quyền địa phương, không đi trực tiếp từ nhà hảo tâm đến người dân.

Chính vì đã qua tấm lưới lọc chính quyền nên 90 suất quà gồm mỗi suất một phong bì ba triệu đồng và các loại nhu yếu phẩm đi kèm đã không đến tay những gia đình thực sự cần nó mà nó chỉ tặng tượng trưng cho vài gia đình thuộc diện chính sách như thương binh, bà mẹ liệt sĩ (Cộng sản) và gia đình có công (với đảng Cộng sản). Số quà còn lại phân phát tùy tiện cho gia đình bà con, có dây mơ rễ má với cán bộ.

Ðương nhiên là với tình hình hiện tại, có vẻ như nguyện vọng của số đông người dân các xã đang kêu gọi trả quà tại Hương Khê chẳng có ý nghĩa gì. Nếu có chăng ý nghĩa thì có lẽ đó là sự tỉnh ngộ của nhân dân. Họ nhận ra rằng khi lụt lội, kẻ chịu thiệt thòi nhiều nhất là nhân dân, rồi khi có quà cứu trợ, kẻ chịu thiệt thòi nhất vẫn cứ là nhân dân. Nỗi đau khổ của nhân dân như một thứ phông nền để các quan lại địa phương vẽ lên đó những trò mèo của họ để kiếm ăn.

Cậu bé nhặt được chai nước trôi trong lũ và uống ngon lành.
Cậu bé nhặt được chai nước trôi trong lũ và uống ngon lành.

Và nói cho cùng, quà trao tận tay người dân đói khổ thì chính quyền đến tịch thu để chia đều, quà trao qua lưới lọc của chính quyền địa phương thì họ không chia cho dân nghèo, cho người gặp nạn mà lại chia cho những người thân của họ. Cuối cùng, người dân nghèo khổ có tính kiểu gì cũng đói khổ, bần cùng bởi đám quan lại địa phương tinh ranh và máu lạnh này.

Tại sao lại đi giật ngược những suất quà mà người đói, người nghèo đã cầm trên tay với không biết bao nhiêu vui mừng, hy vọng để rồi nói rằng sẽ chia đều, trong lúc những người dân khác trong địa phương hoàn toàn không muốn chuyện này xảy ra bởi họ biết người nhận quà đã quá nghèo khổ, nếu tặng được, họ cũng sẽ tặng thêm?!

Rõ ràng, chỉ có một câu trả lời duy nhất trong chuyện quà cứu trợ lần này ở miền Trung là một khi giới quan lại địa phương không còn nhân tính thì họ sẽ ăn không từ bất kể thứ gì. Và bằng mọi giá họ phải lấy bằng được quà cứu trợ, phải tùng xẻo bằng được. Nếu giao cho họ, họ sẽ chia chác cho người thân của họ, nếu trực tiếp giao cho người nghèo thì dù đã nuốt vào đến giữa họng, họ cũng có thể móc ngược ra lại.

Tôi đã thấy!

HL