Menu Close

Tấm lòng độc giả Trẻ – kỳ 1

Những nụ cười của hạnh phúc và biết ơn
Những nụ cười của hạnh phúc và biết ơn

Nước vừa rút, chúng tôi khăn gói lên đường, anh bạn đồng nghiệp báo tin vừa nhận được số tiền 374,500,000 đồng (ba trăm bảy tư triệu năm trăm ngàn đồng tương đương 16,800 Mỹ kim) do báo Trẻ Florida và Kim Tân Entertainment phối hợp vận động, quyên góp từ độc giả Trẻ, mỗi đồng chất chứa tấm lòng của người phương xa thương về miền Trung nghèo khổ, gặp hết thiên tai lại đến nhân họa. Vấn đề chúng tôi đặt ra ở đây là làm thế nào để số tiền này đến tay bà con một cách trọn vẹn, không bị ông thôn, ông xóm hay ông xã nào đó thu chiếc phong bì lại rồi chia năm xẻ bảy theo kiểu chẻ tre thành tăm rồi cho mỗi người một mẩu tăm tượng trưng cho có mùi tre!

Chuyện “bếp núc” cứu trợ

Một vấn đề nữa mà chúng tôi cũng không ít bận tâm là làm thế nào để đủ 100% số tiền đến tay bà con vùng lũ, không bị “rơi rớt” bất kỳ đồng nào. Nói vậy không có nghĩa là chúng tôi không tin vào sự trung thực của mình mà có hai vấn đề, nếu số tiền đó trích ra để mua hàng làm quà thì cũng chẳng biết bà con cần gì, vì hiện tại, hầu hết quà cứu trợ đều là mì ăn liền, gạo, nước mắm, áo quần cũ, nước lọc. Chúng tôi quyết định tặng bằng phong bì, các Cha ở các Giáo Xứ Quảng Bình và Hà Tĩnh sẽ lên danh sách người nhận cứu trợ và những gia đình bị ngập do Cha giới thiệu sẽ nhận một suất quà 500 ngàn đồng (tương đương 22.4 Mỹ kim), những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong vùng rốn lũ sẽ nhận 3 suất thay vì một suất.

Thánh đường Yên Thuận, bà con vừa dọn bùn non, rác rến sau đợt lũ thứ hai xong vào hôm trước
Thánh đường Yên Thuận, bà con vừa dọn bùn non, rác rến sau đợt lũ thứ hai xong vào hôm trước

Và chuyện làm sao tránh tình trạng rơi rớt không riêng gì chúng tôi lo mà các Cha cũng lo, bởi tiền Việt Nam làm bằng chất liệu polymer, để bảo đảm an toàn trên đường đi, không bị phát hiện mình mang nhiều tiền, trước đó chúng tôi đã thương lượng với ngân hàng để đổi toàn bộ số tiền này bằng tiền mệnh giá 500 ngàn đồng (mà cũng dễ khi bỏ phong bì, đúng với số tiền cần trao). Trong khi đó tờ 500 ngàn lại rất mỏng. Hầu như cả ba giáo xứ Yên Thuận, Diên Trường, và Nan đều gặp trường hợp này. Nghĩa là khi chúng tôi làm việc với Cha quản xứ xong, trao số tiền tương ứng với các suất quà và nhờ Cha cho người kiểm tra, sau đó trao gói phong bì để Cha cho người bỏ tiền vào. Khi đếm tiền và phong bì thì đủ. Nhưng bỏ tiền vào xong, đếm đi đếm lại vẫn thiếu.

Cuối cùng, sau nhiều lần chúng tôi và Cha cùng đếm thì đủ. Hóa ra xảy ra hai trường hợp, hoặc là tiền quá mỏng, dính vào nhau khi cho vào phong bì, hoặc là số phong bì quá nhiều, chúng tự nuốt nhau, cái này lọt vào trong mí dán của cái kia và có giũ đi giũ lại cũng nằm cứng trong đó, chỉ có chấm tay vào nước rồi xìa từng cái mới lộ ra. Hú hồn, không thất lạc đồng nào! Phong bì nuốt nhau hay tiền dính nhau thì kệ nó, miễn sao các ông thôn, ông xã đừng dây vào, đừng nuốt của bà con là yên tâm rồi!

Hinh1

Mà để tránh tình trạng này, chúng tôi đã tốn chắc cũng chừng 100 cuộc điện thoại liên lạc trước với các Cha để lên kế hoạch, bàn thảo nhằm bảo đảm số tiền này khi phát ra, không có bất kỳ một công an thôn, trưởng thôn nào bén mảng tới thu của bà con. Vì đây là số tiền mồ hôi và nước mắt, là tấm lòng trắc ẩn của đồng hương Việt Kiều, không ai được phép đụng vào, trừ những người dân nghèo vùng lũ! Và chúng tôi thành công trong chuyện này (cách làm thì xin giữ bí mật để chúng tôi còn tiếp tục cho những trường hợp khác!).

“Xin nguyện cầu các ân nhân được mạnh khỏe…”

Hôm Thứ Sáu ngày 4 tháng 11, năm 2016, chúng tôi đến Ba Ðồn, Quảng Bình. Mặc dù Lệ Thủy cũng ngập nặng giống Ba Ðồn nhưng chúng tôi không đến đó, bởi huyện này được cứu trợ rất mạnh so với huyện Ba Ðồn nên chúng tôi chọn Ba Ðồn.

 Chuẩn bị bên trong Thánh đường
Chuẩn bị bên trong Thánh đường

9h sáng, đúng hẹn, chúng tôi có mặt ở Giáo hội Yên Thuận, xã Quảng Hải, gặp chú Luật, trưởng Ban Mục Vụ của Giáo hội Yên Thuận. Chỉ thấy mỗi mình ông đứng bên thánh đường Yên Thuận, chúng tôi hơi chột dạ vì đã sắp đến giờ trao quà mà chẳng thấy Cha Cường (Giám Xứ) đâu, cũng chẳng thấy bà con đâu. Thắc mắc thì ông Luật cười:

“Mấy anh chị cứ yên tâm, đã nói đúng giờ là đúng giờ mà, mọi thứ đã đâu vào đấy cả, phiếu phát quà đã gửi, Cha đi công việc sắp về! Giờ cứ yên tâm uống chén trà cho ấm bụng đã!”.

“Ở đây ngập sâu tới cỡ nào vậy chú?”. Tôi hỏi.

“Giáo hội Yên Thuận nằm sát sông Gianh, bị nước chảy xiết nên cuốn trôi đồ cũng khá nhiều, sâu lắm, trận đầu gần ba mét ngập, trận sau gần hai mét”.

“Chỗ mình có bao nhiêu gia đình vậy chú?”.

“Cả thôn có ba trăm sáu mươi tư gia đình (364), ai cũng bị ngập hết!”.

“Vậy chú đề xuất 84 suất có đủ không?”.

Mọi người bắt đầu đến Thánh đường sau hồi chuông
Mọi người bắt đầu đến Thánh đường sau hồi chuông

“Ðủ, vì tôi chọn danh sách những gia đình khó khăn, gặp nạn, trong cũng như ngoài đạo, chứ ai cũng nhận hết thì tiền nào mà cứu trợ cho nổi! Lũ lụt thì ai mà không gặp khó khăn, lá lành đùm lá rách thôi, nhà nào khá và trung bình thì tôi không giới thiệu”.

Ðang nói, ông Cường rút điện thoại ra xem giờ và gật đầu với tôi rồi chạy ra chỗ tháp chuông nhà thờ. Nói là tháp chuông cho sang chứ đây là một cây phượng vĩ, bên cạnh cây phượng vĩ có trồng thêm một cây trụ cement, giữa cây trụ và cây phượng có một thanh gác ngang, trên thanh gác ngang có treo một cái vỏ bom cũ dùng làm chuông giáo đường.

Sau mấy “hồi chuông” của ông Luật rung lên, bà con bắt đầu đi đến nhà thờ, Cha Cường cũng tất bật chạy về, xe máy của Cha bám đầy bùn non, đôi giày của Cha mới nhìn giống đôi ủng vì nó bám đầy bùn. Ai nhìn thấy Cha cũng vui mừng, cúi chào và người tìm nước cho Cha rửa chân, người mang nước mời Cha uống… Chúng tôi trao đổi ngắn gọn với Cha Cường và bên Hội Ðồng Mục vụ cũng vừa bỏ tiền vào phong bì xong.

 

Buổi trao quà được bắt đầu bằng lời phát biểu của Cha Cường:

“Thưa bà con, hôm nay, Cha vinh hạnh nhận sứ mệnh này, báo Trẻ Florida và Kim Tân Entertainment đã phối hợp thực hiện chương trình Thương Quá Miền Trung, chương trình đã kêu gọi những tấm lòng của bà con Việt Kiều Mỹ quyên góp, gởi quà về cho bà con vùng lũ. Riêng Giáo hội Yên Thuận, Cha đã xin của chương trình 84 suất, mỗi suất là một phong bì 500 ngàn đồng để tặng cho những gia đình gặp khó khăn sau lũ lụt. Vì chương trình còn chia sẻ nhiều nơi nên Cha không thể xin nhiều hơn, mong các con hiểu cho Cha và hoan hỉ nhận tấm lòng của bà con Việt Kiều, Cha và các con cũng đừng quên lòng biết ơn các ân nhân phương xa và đừng quên cầu nguyện các ân nhân luôn được mạnh khỏe, được nhận hồng ân của Chúa”.

Sau lời Cha Cường, cả tập thể bà con 84 gia đình khó khăn làm dấu Thánh giá và cầu nguyện sức khỏe cho các ân nhân Việt Kiều. Cha Cường đại diện cho bà con Việt Kiều để trao quà cho bà con Giáo hội Yên Thuận. Việc trao quà diễn ra trước giáo đường, nhanh, gọn. Sau đó, ông Luật tiếp tục dẫn chúng tôi đi đến ba gia đình khó khăn hơn hết, họ không phải là giáo dân nhưng được Hội đồng Mục vụ quan tâm đặc biệt vì hoàn cảnh quá khó khăn của họ, một người chồng chết trong trận lụt ngày 14 tháng 10, để lại ba con nhỏ, người vợ thì bị bệnh gai cột sống, hai người khác là đàn ông, chủ chốt gia đình nhưng bị tai biến não, nằm một chỗ. Ở đây, chúng tôi trao phần quà nhân đôi (một triệu đồng) mà vẫn thấy thiếu thiếu, khó nói. Nhưng dù sao thì đây cũng là phần quà lớn nhất mà họ nhận được kể từ khi lũ lụt hoành hành. Dù sao như vậy cũng làm chúng tôi nguôi ngoai chút đỉnh khi ra về!

Cha Cường trao quà của các ân nhân hải ngoại gửi đến bà con Yên Thuận
Cha Cường trao quà của các ân nhân hải ngoại gửi đến bà con Yên Thuận

Kỳ 2

Những giọt nước mắt ở Diên Trường và Nan