Menu Close

“Nghĩa tử là nghĩa tận?”

Ông Kim Thánh Thán, một nhà phê bình Trung Hoa, thuộc thế kỷ XVII, thuộc phái ấn tượng có đưa ra 33 lúc sung sướng nhất cho đời ông, những phút tinh thần liên hệ với cảm quan, gọi là 33 điều “cũng chẳng khoái ư?”

Ðiều sung sướng thứ 11 là: “Sáng sớm mới thức dậy, nghe như có tiếng gia nhân than thở rằng: có người nào mới chết ban đêm. Tôi liền lên tiếng hỏi ai chết, thì chính là một kẻ giảo quyệt, mưu mô nhất trong thành. Cũng chẳng khoái ư?”

Người đời sau có người phê bình ông không có lòng nhân ái, vì theo đạo lý truyền thống đông phương, quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, vì chết là dứt nợ trần gian, đối với người đã chết thì mọi điều xấu xa, oán giận, thù ghét đều nên bỏ qua, dù đó là kẻ thù của mình.

Một vụ án mạng xảy ra ngay tại trụ sở Ủy ban Nhân dân Yên Bái, mà người chết là ba cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản, Phạm Duy Cường, bí thư tỉnh ủy, Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân, và Ðỗ Cường Minh (bị gán là thủ phạm.) Khi nghe tin ba đảng viên này chết, dư luận trong nước, một phần hồ nghi cho đây là một vụ thanh toán, tranh ăn ở trong một cơ quan đầu nậu của tỉnh, và hầu như công luận về phía  dân chúng, đều mang tâm trạng hả hê.

Trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook dày đặc các lời bình luận về sự kiện này, đa số là… hả hê. Quan sát trong thời gian này, thấy có nhiều người tán dương hành động của nghi can Ðỗ Cường Minh, thậm chí gọi ông ấy là anh hùng (đoạt huy chương vàng bắn súng!)

Nhiều ý kiến về phía cầm quyền trách nhân dân vì sao bày tỏ “niềm vui hể hả”, đã từ lâu rồi dưới sự cầm quyền của đảng, có lẽ họ làm ngơ như không biết, từ lâu dân đã khổ vì đảng, vì đảng hà hiếp, tham ô, làm hại dân khiến người dân chán ngán, khinh ghét

Báo đảng đã lên lớp dạy đời, cho rằng “những kẻ vô lương đã đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án”, hay “Ðùa cợt, rồi hả hê với nỗi đau của sự mất mát cũng đồng nghĩa với cổ vũ cho hành vi tội ác man rợ. Và những kẻ này, ở một mức độ nào đó, cũng có phần man rợ như tên sát nhân máu lạnh”.

Nói ra thì dễ, nhưng sau vụ 9/11 xảy ra tại New York làm cho 2,996 người thiệt mạng, cũng không thiếu người Cộng Sản Việt Nam “căm thù Mỹ” cười cợt, hả hê!

Dư luận cho rằng người dân phải chịu quá nhiều áp bức, đè nén, bất công, đau khổ vì chính quyền gây ra, khi mà chính quyền coi dân như kẻ thù, thì khi chúng chết, có ai bỏ ra một giọt nước mắt để thương tiếc.

Trên các trang mạng xã hội đã nhiều người bình luận những câu nặng nề:

– “Loại người này chết càng nhiều càng đỡ khổ cho dân thôi!”

– “Tụi CS không thể sửa chữa mà phải tiêu diệt! Tụi CS chỉ còn cách mang ra bắn bỏ hết!”

– “Tại sao hung thủ không chờ khi đang họp để làm cho cả bọn luôn?”

“Quan tham chết là phải chả ai thương tiếc, đáng đời. Chỉ tiếc còn quá nhiều tư bản đỏ vẫn còn hãm hại dân VN, tập đoàn CSVN manh tâm đẩy nước VN vào hiểm họa Trung cộng.”

Trương Minh Tam, một tù nhân lương tâm đã cho những tên cán bộ cao cấp CS này là những “tội đồ:” “Không có lương tri nào đòi hỏi mỗi chúng ta phải đau khổ, thương xót khi đứng trước cái chết của những kẻ tội đồ cả. Nhỏ nước mắt trước cái chết của quỷ dữ là nước mắt của những kẻ không có não!”.

Một vụ chết chóc của nhiều cán bộ nhà nước nữa là vụ cháy quán karaoke số 68, Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), cũng làm cho công luận… hả hê! Trong vụ này có 13 người thiệt mạng, trong số này đã có 12 người là cán bộ cấp phó phòng trở lên, sinh sau năm 1980, đó gọi là “cán bộ quy hoạch khung”, nghĩa là họ toàn con ông cháu cha, đảng viên Cộng Sản. Và một điều đáng nói là họ đi hát karaoke trong giờ hành chánh!

Ai chết cũng đáng buồn nhưng vì sao hiện nay, nếu công an, cán bộ… mà bị tai nạn chết thì rất ít thấy ai tiếc thương, thậm chí có biểu hiện ngược lại?

Ðây là một câu hỏi được đặt ra bởi quần chúng:

“Giữa những dòng thông tin xót xa mất mát, giữa những bài báo đặt vấn đề về sự an toàn cháy nổ ở những cơ sở kinh doanh này, thì nổi lên một trào lưu chỉ trích cay nghiệt đối với các nạn nhân. Có người chỉ trích họ có lối sống hưởng thụ không lành mạnh, có người thậm chí hả hê trước tai họa, cho rằng đó là cái giá của những cán bộ thích tiệc tùng.”

Mặt khác, vụ cháy này nhiều người cho là có sự sắp xếp gì đó để giết nhau vì tranh giành nhau chức vụ, nó cũng giống như vụ xảy ra ở Yên Bái. Vì sao đi hát trong quán karaoke lại không có tiếp viên nữ phục vụ, một điều không bao giờ xảy ra, lúc chết chỉ có ròng cán bộ với nhau. Có lẽ đã có một cuộc tập họp, rồi cán bộ bị chốt cửa và bị thiêu chết! Trong các chế độ Cộng Sản, việc thanh trừng, giết người là chuyện vẫn xảy ra, nhưng khó lòng bị đưa ra ánh sáng. Ðó là luật im lặng (Omerta) của Mafia, nói ra là chết!

Về sự ra đời và sự chết, Thánh Mahatma Gandhi của Ấn Ðộ đã viết:

“When you were born, you were crying

And everyone around you smiling.

 Live your life so that when you die,

You are the one who is smiling

And everyone around you is crying.”

Huy Phương tạm dịch

Khi ta ra đời, mới cất tiếng khóc,

Chung quanh ta, ai cũng nở nụ cười

Sống làm sao, để đến khi nằm xuống

Ta mỉm cười, mà ai cũng lệ rơi!

Nhưng này, cả tập đoàn đảng Cộng Sản Việt Nam, các anh sống làm sao, ăn ở làm sao, mà khi chết không thể có được một nụ cười mãn nguyện, mà cả bàn dân thiên hạ, không ai nhỏ cho một giọt nước mắt, mà trái lại còn cười cợt hả hê!  

Nguồn tuoitre.vn
Nguồn tuoitre.vn

HP