
Bình sinh kiếp người, ai cũng cần một mái ấm, dưới một mái nhà và mái nhà gắn chặt trên một nền đất, nền đất gắn chặt tâm hồn và tâm hồn lại gắn chặt với xóm làng, với họ hàng, quê hương như một cái cây gắn chặt với đất để sinh trưởng, trổ hoa, tỏa hương. Mái nhà, đó là ước mơ đầu tiên và cũng là lời giã biệt cuối cùng của một kiếp người.
Sở dĩ tôi phải nói nghe đao to búa lớn như vậy bởi tôi là thằng không biết khóc và không có khái niệm rớt nước mắt. Nhưng lần này tôi phải quay đi để khỏi phải thút thít khi Cha Hùng dắt tôi đến thăm nhà chị, được chị pha một bát chè xanh mời uống và nở một nụ cười hiền chào khách, cái nụ cười hiền của một người nghèo tới mức không còn gì để nghèo nữa ấy khiến tôi thấy đau nhói.
Số phận nghiệt ngã…
Chị Trần Thị Luyên là một con chiên ngoan đạo, sống bữa cơm bữa cháo, đi làm thuê, ngày mùa thì gặt thuê (vì chị không có ruộng) và cuối tuần thì đi xem lễ ở nhà thờ Diên Trường, thuộc Giáo Xứ Diên Trường, xã Quảng Sơn thị xã Ba Ðồn tỉnh Quảng Bình. Cuộc đời cứ trôi êm êm, buồn buồn. Thế rồi chị lấy chồng, sinh đến đứa con thứ ba thì anh qua đời do bạo bệnh, để lại cho chị ba đứa con nhỏ cùng giấc mơ về một mái nhà dang dở. Cái nghèo vẫn chưa bao giờ chịu bước ra khỏi gia đình chị, nhưng anh chị vẫn sống hạnh phúc và quần quật làm kiếm tiền nuôi con, tích cóp làm nhà. Thế rồi trận đau của anh lấy đi mọi vốn liếng dành dụm, chị từng lang thang rửa chén bát thuê, lau chùi nhà, lau chùi bồn cầu, tắm lợn và ăn cơm từ thiện trên bệnh viện để nuôi anh. Nhưng anh cũng phải ra đi, bỏ chị lại và ba đứa con gái nhỏ.
Những lần bà con ở Ba Đồn biểu tình, có lẽ, ít ai để ý đến hình ảnh một người phụ nữ lặng lẽ dắt xe đạp đi gởi và hòa vào đoàn biểu tình, để rồi chiều về, lại lặng lẽ đi lấy xe đạp, quay về nhà. Có hôm người phụ nữ này đèo theo đứa con gái lớn để đi biểu tình. Đi là đi, dường như chị đi theo sự thúc giục thiêng liêng, cao cả nào đó trong tâm trí và không cần suy nghĩ gì thêm. Có lẽ, nhờ vậy mà chị vẫn tồn tại, gia đình chị vẫn sống ấm áp, mặc dù những gì che chở cho chị không ngoài ơn Chúa, ơn Cha và mấy tấm ván che nắng, che mưa, nhưng không thể che gió! |
Cái đau chồng chết chưa kịp nguôi thì tiếp đến là cái đau đứa con gái giữa bị bệnh tim, hở van tim, phải đi mổ mới cứu được. Lần này chị thật sự quỵ ngã vì không còn đồng nào, cũng không có đất để bán bởi anh chị vốn sống nhờ trong góc vườn của một người bà con. Nơi anh chị ở là một túp lều nhỏ, có một chiếc ông kiềng để bắc làm bếp, một hũ gạo và một khoảng đất vừa đủ để tối đến lại trải mấy tấm ván ra, cả nhà ngủ trên tấm ván, sáng ra dựng tấm ván lên để sinh hoạt. Cha Hùng phải kêu gọi lòng hảo tâm để xin tiền cho cháu bé đi mổ. Mổ xong, cháu thoát chết nhưng không hiểu sao con mắt trái sụp mí xuống, không tài nào mở ra được. Nhưng chị cũng không có thời gian để buồn cho chuyện này, suốt ngày cày thuê cuốc mướn để kiếm cái ăn, để mua cuốn tập cho con ăn học.
Lụt, trận lụt kinh hoàng kéo đến, mọi người ai cũng bị trôi đồ đạc, riêng gia đình chị không mất bất cứ thứ gì, khi chúng tôi hỏi “Gia đình chị có bị thiệt hại gì không?”. Chị trả lời: “Nhà em không bị thiệt hại, vì khi nước lớn, em đã mang xoong nồi và tấm ván giường ngủ đi gởi trên gác nhà hàng xóm!”. Bởi chị có thứ gì ngoài tấm ván trải làm giường ngủ và túp lều, ông kiềng bằng sắt thì không thể bị nước cuốn trôi!
Ngôi nhà Chúa ban cho.
“Lúc lụt chị ở đâu? Mấy cháu có gì để ăn không?”.
“Dạ, thú thực là nói ra thì anh kêu em ác ý chứ em lại trông có lụt. Vì chỉ có những ngày lụt, được Cha đưa sang nhà Xứ để trọ, được ăn bữa cơm của Cha ban cho, các con em mới được ăn ngon, ngủ ấm. Chứ bình thường, em đâu có dám mua thức ăn ngon, còn dành dụm tiền mà lo cho các con!”.

“Thường ngày Cha có giúp đỡ chị không?”.
“Dạ có, Cha cho gia đình em mỗi tháng một ít gạo và một ít tiền để mua thêm thức ăn. Nhưng Giáo Xứ Diên Trường này còn nghèo lắm, bởi Cha phải lo cho bên Giáo họ Chay bên bờ sông Nan, bên đó nghèo khổ và bị thiên tai liên miên. Cha phải vận động xin tiền mà di dời bà con tránh khỏi vùng nguy hiểm. Tượng Ðức Mẹ bên đó cũng bị lũ cuốn đến xiêu vẹo”.
“Thường ngày chị đi làm ở đâu? Chủ yếu là công việc gì?”.
“Dạ em làm đủ thứ việc hết, trước đây hay xuống Ba Ðồn rửa chén bát thuê cho các quán, cứ mỗi quán như vậy em rửa được 20 ngàn đồng (tương đương 0.8USD), một ngày rửa cũng được năm quán, sáu quán. Bây giờ người ta không thuê nữa vì có các chị giúp việc cho quán, họ rửa luôn. Giờ chủ yếu ngày mùa thì đi sạ thuê, rồi đi bóc vỏ cây bạch đàn, mỗi ngày kiếm cũng được trên một trăm ngàn đồng (tương đương 5USD – HL), có ngày trúng cũng được một trăm rưỡi đến một trăm bảy (tương đương 7 hoặc 8 USD – HL)”.

“Các cháu đi học có được miễn phí không? Và bệnh tình của cháu giữa như thế nào hả chị?”.
“Dạ, các con em đi học được miễn học phí, nhưng giờ học phụ đạo thì phải đóng tiền. Con bé giữa trước đây bị tim, mổ xong chuyển qua sụp mí mắt và hơi méo gương mặt. Em thú thực là đau, nhưng cũng không có thời gian để mà buồn cho con. Em đi làm suốt à!”.
“Có khi nào chị ước mơ mình có một ngôi nhà?”.
“Dạ em không dám mơ, nếu có mơ ước thì em mơ ước có tiền để mổ mắt cho cháu, vì đến tuổi bốn mươi lăm, bốn mươi sáu mà nghèo vẫn hoàn nghèo thì không dám mơ ước hay hy vọng gì đâu. Hồi anh ấy còn sống thì tụi em mơ ước có một ngôi nhà, cũng tích cóp từng đồng. Nhưng rồi mọi chuyện đổ vỡ, mơ ước, hy vọng cũng không còn, anh ấy ra đi. Hằng đêm em vẫn cầu nguyện và xin Chúa Nhân Từ cho anh ấy về với nước Chúa, còn bốn mẹ con em, dù sao thì Chúa cũng ban cho một mái ấm yêu thương mẹ con, sự che chở của Cha và có một chỗ để trải chiếu mà nằm ngủ. Chỉ còn biết tin rằng ngày mai mình mở mắt ra, không đến nỗi không có cái gì để ăn. Như vậy thì may mắn lắm rồi!”.

Tôi quay sang hỏi đứa con gái đầu của chị: “Có khi nào cháu mơ ước mình sẽ có một ngôi nhà không?”.
“Dạ có, cháu tin là khi lớn lên, cháu sẽ làm kiếm tiền được nhiều để xây một ngôi nhà cho mẹ và hai em ở, nhưng cháu vẫn lo!”.
“Cháu lo chuyện gì?”.
“Cháu lo là mình làm đủ tiền để xây nhà nhưng làm không đủ tiền để mua thức ăn, trời lụt, ngồi trong ngôi nhà cháu xây, mẹ và hai em lại không thích, lại thích sang nhà của Cha để trọ, để có thức ăn ngon…”.
Con bé đáo để thật, nó lại làm tôi cay mắt! Thời gian đi tặng quà cứu trợ nên không đủ dài để trò chuyện với nó thêm. Tôi lấy thêm hai suất quà, mỗi suất 500 ngàn đồng nhờ Cha Hùng trao cho chị. Nghĩa là sau buổi tặng quà này, chị nhận được một triệu rưỡi đồng (tương đương 70USD). Với chị, đây là số tiền quá lớn, tôi nhìn thấy hai bàn tay cầm phong bì hơi run của chị.
Tự dưng, tôi nhớ đến câu nói của Uyển Ca lúc mới bước chân xuống Ba Ðồn: “Việt Nam mình nơi nào càng nghèo thì càng đẹp, nó đẹp lạnh lùng và cay đắng, nó khác với xứ sở khác người ta càng giàu thì càng đẹp!”. Mà cũng đúng thật, vì Giáo Xứ Diên Trường còn nghèo khổ, còn nguyên sơ, còn nhiều nhà tranh và những túp lều nhỏ, nhìn ra ruộng đồng, đẹp! Ðẹp một cách lạnh lùng. Ðó là chưa muốn nói đến cái đẹp trong tâm hồn của con người nơi đây. Như chị chẳng hạn. Ðôi khi tôi trộm nghĩ “giá như chị đang sống ở Nam vĩ tuyến 17, có lẽ sẽ khác!”. Nhưng đời làm gì có chữ “giá như”!

HL