Buổi trưa, tôi nói với nhóm thợ Mễ đang thay cái sàn nhà cho tôi, “Mấy anh ăn gì, tôi mua cho? Taco Bell được không?”. Anh thợ trẻ hay cười, nói tiếng Anh rất trôi chảy cảm ơn, “Khỏi, anh bạn tôi chạy đi mua đồ Việt Nam cho cả nhóm rồi”.
Cái gì? Ðồ Việt Nam? Không phải chuyện lạ nhưng hơi ngồ ngộ vì người Mễ vào tiệm Việt, đi chợ Việt hà rầm, nhưng ở đây là đang đi làm mà cũng chạy đến khu Việt Nam mua đồ ăn Việt. Chàng “amigo” kia về, đem theo hai bịch bự. Té ra đi mua… phở. Bốn tô ngon lành, tôi quên hỏi mua ở đâu hay tiệm nào. Bốn chàng dọn sau nhà đậu xe của tôi dọn ra, bóc đũa ra dáng điệu nghệ. Tôi móc tiền, “Ok, tôi nói là mua đồ ăn trưa cho các anh, tôi trả lại tiền đây”. Anh chàng đi mua có vẻ ngần ngừ, nhưng cũng cầm tiền. Vài phút sau tôi ra sau lấy đồ, lại gặp chuyện mắc cười khác. Các anh chàng vừa húp phở, vừa xem phim. Ngó vào, thấy phim… Tàu hay phim Hàn gì đó trên điện thoại. Tôi cười, “Xem phim kung-fu hả, hiểu không?”. “Có phụ đề tiếng Mễ”, một anh thợ khác trả lời.
Ha! Cái xứ Mỹ này chẳng còn xứ “đa văn hóa” nữa, mà nó trộn lẫn, hòa chung các văn hóa lại với nhau. Người sắc dân này thưởng lãm văn hóa sắc dân khác một cách thích thú. Như con cái tôi, thỉnh thoảng lại đòi vào Taco Bell ăn thức ăn Mễ vậy. Mà chẳng riêng đồ Mễ, chúng tôi ăn đồ Thái, Nhật, Tàu, Ðại Hàn cho đến Ðức, Hy Lạp, Cu Ba, Trung Ðông… Ẩm thực cũng là một phần của văn hóa, khi này hay lúc kia, gặp dịp tôi cũng dẫn các con mình vào ăn. Xem như bữa ăn bình thường và lại có dịp biết qua các sắc dân khác ăn uống ra sao. Như có lần cha con tôi vào một tiệm ăn Peru, té ra “cơm bò lúc lắc” của nó cũng na ná như kiểu mình thường ăn. Cũng hành, ngò, ớt chuông xào khô với thịt bò, nhưng có thêm khoai tây chiên và khẩu vị thì tất nhiên có chút khác biệt: Ăn với cơm trắng và uống chanh dây (passion fruit), cứ như ở một tiệm Việt Nam nào đó. Nhưng điều tôi vẫn thích hơn là, chẳng chủ tiệm nào ra vẻ ngạc nhiên khi thấy có sắc dân khác vào tiệm ăn xứ mình. Họ quen thuộc như tôi cũng cảm thấy quen thuộc với đủ sắc dân chung quanh. Chẳng có gì phân biệt. Tôi tự nhiên và dễ làm quen với bất cứ nền văn hóa hay sắc dân nào khác. Và họ cũng vậy. Ðó là điều tôi thích nhất ở nước Mỹ này. Và mỗi mùa Tạ Ơn, tôi vẫn nghĩ thầm ắt không riêng mình, mà có lẽ hầu hết những sắc dân thiểu số khác cũng phải cảm ơn đất nước nhiều cơ hội này, một xứ sở dân chủ và cho mỗi cá nhân quá nhiều quyền tự do đích thực của nó.

Nhưng mùa Tạ Ơn năm nay tâm trạng tôi dường như vẫn còn chút gì buộc mình phải suy nghĩ, kể từ sau kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm nay được công bố. Dường như có một nước Mỹ, có những người dân Mỹ khác hơn một truyền thống và tinh thần phóng khoáng lâu đời của nước Mỹ. Khi một người chưa hề phục vụ đại chúng hay quân đội, luôn có lời lẽ dung tục, một thái độ thô lỗ cùng những cổ súy cho chia rẽ, kỳ thị và hận thù như Trump trở thành người sẽ dẫn dắt nước Mỹ trong những năm tới, quả là điều đáng ngạc nhiên.
Người ta có thể không đồng ý chính sách này, đường lối kia của các ứng viên để bỏ phiếu cho người và đảng mình ủng hộ. Cử tri Dân chủ có thể không bỏ phiếu cho Thượng Nghị Sĩ John McCain khi ông đại diện Ðảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống tám năm trước, nhưng không ai có thể bảo một người đáng kính và hy sinh cho quốc gia như ông là không đủ khả năng và tư cách để làm tổng thống. Dù cử tri đảng này hay đảng kia, chắc đã không nhiều người nghi ngờ hay phản đối, biểu tình nếu như ông đắc cử. Không phải như kỳ này. Cuộc bầu cử năm nay chẳng phải là cuộc tranh cử truyền thống và thông thường như nó vốn dĩ. Nó khác xa những cuộc bầu cử trước. Lần đầu tiên, hầu như chẳng có tờ báo hay hãng truyền hình nào ủng hộ Trump. Nhiều nhân vật cốt cán Ðảng Cộng Hòa cũng giữ thái độ im lặng, nếu không lên tiếng chỉ trích Trump mạnh mẽ. Xem hình và các thước phim những em nữ sinh viên trường Yale danh giá ôm nhau khóc nức nở khi biết tin bà Hillary thất cử, lòng tôi cũng xúc động, bùi ngùi. Báo trường ở đây làm thăm dò, hơn 80% sinh viên ở đây ủng hộ Hillary và chỉ 5% ủng hộ Trump. Cũng dễ hiểu, họ ủng hộ “gà nhà” vì bà Hillary từng theo học và nằm trong ban biên tập tờ báo luật khi còn là sinh viên ở đây. Và khác hơn, họ là những người trẻ có học và chưa bị thiên kiến, họ chọn lựa người xứng đáng, đã từng dấn thân vào công việc phục vụ xã hội và đại chúng ngay từ những ngày còn rất trẻ như bà. Hầu hết họ là những cử tri lần đầu bỏ phiếu và niềm vui, sự hy vọng của họ đã bị đánh cắp. Tâm trạng họ hệt như cô em họ tôi bảo rằng, chưa cuộc bầu cử nào làm cô buồn như vậy. Và em gái tôi, một người mẹ trẻ có học vấn sau đại học vốn ít bày chính kiến nơi đại chúng, bỗng trở thành một người “vocal” bất ngờ, cất tiếng khá mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội của mình, dù tất cả đã quá trễ. Tôi biết họ có quyền bày tỏ cảm xúc cũng như thái độ ôn hòa và chính đáng đó.

Tôi không buồn khi Trump đắc cử. Mà chỉ thất vọng. Tôi cũng chẳng mấy lo ngại khi Trump sẽ nắm quyền. Vì thể chế dân chủ đất nước này không cho phép Trump làm những điều kiểu từng hăm dọa như, “kiện những ai chỉ trích (Trump)”. Tôi không thất vọng vì những cử tri Cộng Hòa chỉ bỏ phiếu cho ứng viên Cộng Hòa – bất kể người đó ra sao, vì không biết Trump từng có thời gian dài theo đảng Dân Chủ nếu có lợi cho mình. Tôi hiểu những người tôn trọng sự sống đã bỏ phiếu cho Trump vì không xem phỏng vấn Trump từng ủng hộ việc phá thai trên truyền hình NBC và nay ủng hộ súng ống, thứ giết người. Tôi biết không ít người bỏ phiếu cho Trump vì tin theo một chiến dịch cáo buộc bà Hillary dựa từ những nguồn tin đại loại như Wikileaks và tin tặc, thay vì một chứng cứ rõ ràng. Vì không có ai đứng trên được hệ thống pháp luật nước Mỹ, nếu thật sự có tội. Tôi thông cảm những người ghét Trung Cộng và bỏ phiếu cho Trump với hy vọng Trump là một “anh hào” có thể cho Trung Cộng “biết thế nào là lễ độ” vì quên rằng, ngoài dăm tuyên bố về việc thương mại và thuế nhập cảng khó lòng làm được, Trump chưa hề tuyên bố các chính sách biển Ðông và dẹp bỏ sách lược chuyển trục Á Châu của Hoa Kỳ, là điều mà Trung Cộng mong muốn nhất. Mà tôi thấy một nước Mỹ và số đông, quá đông những người dân Mỹ đã bỏ phiếu cho Trump, nhiều và khác hơn mình thường nghĩ theo một xu hướng nguy hiểm và đáng lo ngại hơn. Thấy được một cuộc chiến chủng tộc, một sự “tái chiếm” thế thượng phong của một tinh thần thượng tôn dân tộc – vốn thường là căn nguyên của những cuộc chiến tranh về ý thức hay vũ trang. Thăm dò hậu bầu cử cho thấy đa số người Mỹ trắng đã bỏ phiếu cho Trump. Bỏ phiếu vì họ đồng ý việc cấm cửa sắc dân này, trục xuất sắc dân nọ, hạn chế quyền của sắc dân khác. Bỏ phiếu vì họ không cần đồng minh, không đếm xỉa đến các nước nhỏ cần đến sự lên tiếng của Hoa Kỳ trước những hiếp đáp của các con cá mập nước lớn. Họ bỏ phiếu vì chống lại tính liên đới và hợp tác toàn cầu, vì những hứa hẹn bảo hộ mậu dịch. Họ ủng hộ vì Trump chưa bao giờ lên tiếng về vấn đề dân chủ và nhân quyền, những thứ làm cản trở tinh thần thượng tôn chủng tộc của mình. Ðây mới là những điều nguy hiểm. Danh sách những nhân vật có thể được mời vào nội các của Trump cho đến nay hầu như chỉ là những người Mỹ trắng, rất ít nếu không nói là không có người da màu thuộc các sắc dân khác. Khái niệm đa văn hoá chưa gì xem ra có nguy cơ bị bức tử.
Mùa Tạ Ơn 1963, nước Mỹ bàng hoàng trước sự ra đi bất ngờ của Tổng Thống Kennedy. Mùa Tạ Ơn năm nay, vài chục triệu dân Mỹ ắt vẫn còn không tin vào kết quả bầu cử lần này. Tôi không thích thú gì với những cuộc biểu tình, bạo loạn đang xảy ra nhưng hiểu và thông cảm với những người cất lên tiếng nói của mình. Từ kết quả những cử tri đã bỏ phiếu cho Trump và những cử tri bất mãn hiện nay, không phải là điều nhiều hứa hẹn cho đất nước này, nhưng tôi luôn tin rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ là một quốc gia của chia rẽ và hận thù. Xin chúc bình an trong mùa Tạ Ơn này.

ÐYT