Những ngày lễ lớn trong năm như Lễ Tạ Ơn là một trong những dịp mọi người quây quần bên gia đình và bạn bè để thưởng thức những món ăn ngon. Vì vậy vệ sinh an toàn thực phẩm nên được quan tâm để chúng ta có một niềm vui thật trọn vẹn. Phóng viên Trẻ đã có dịp trò chuyện với cô Mandy Pippen đại diện cho Sở y tế môi trường thành phố Garland, Texas về vấn đề trên, nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về an toàn thực phẩm.

Phóng Viên Trẻ (PVT): Chào Mandy, cô có thể chia sẻ đôi điều về bản thân cũng như công việc của mình?
Mandy: Chào báo Trẻ và bạn đọc, tôi tên Mandy Pippen, hiện là giám sát đội khảo sát y tế môi trường, thuộc Sở y tế của thành phố Garland. Tôi làm việc ở đây được gần 13 năm. Ðội của tôi có 10 chuyên viên đảm nhiệm phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
PVT: Mùa lễ có phải là thời gian bận rộn cho công việc của cô?
Mandy: Công việc hằng ngày ở Sở y tế môi trường khá linh động và luôn thay đổi theo xu hướng sức khỏe mà cộng đồng quan tâm. Thông thường mùa hè là lúc mọi người ở ngoài trời nhiều hơn, đây cũng là giờ cao điểm cho các việc phòng chống dịch bệnh do muỗi truyền như Zika, sốt rét. Tuy nhiên chúng tôi cũng bận rộn quanh năm với những hoạt động khác như kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất thải của cơ sở xí nghiệp, giảm thiểu tiếng ồn, khí ô nhiễm, và giải quyết những khiếu nại từ người dân nếu có.

PVT: Cô có thể nói rõ hơn về công việc kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở y tế môi trường?
Mandy: Chúng tôi thường thanh tra bất ngờ những nhà hàng, tiệm ăn, siêu thị, và các cơ sở cung cấp thực phẩm trong vùng để bảo đảm luật vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm chỉnh. Ngoài ra, khi Sở y tế địa phương thông báo những ca ngộ độc thực phẩm cho chính quyền thành phố, chúng tôi sẽ điều tra và giải quyết kịp thời.
PVT: Vậy những lý do gây ngộ độc thực phẩm nào cô thường thấy?
Mandy: Việc bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ không thích hợp thường là lý do chính gây ngộ độc. Ðồ ăn khi được để trong khoảng nhiệt độ từ 410- 1350 sẽ tạo môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát sinh nhanh. Nếu để thức ăn bên ngoài khoảng hơn 4 tiếng rồi đem nấu nướng, mặc dù vi khuẩn đã chết, bạn cũng có thể bị ngộ độc do những bả độc vẫn còn tồn đọng bên trong. Một số nguyên nhân khác như việc chế biến thực phẩm không được bảo đảm hoặc rửa tay không sạch trước khi ăn cũng là cách để vi khuẩn xâm nhập vô cơ thể bạn.

PVT: Trong mùa lễ này sẽ có rất nhiều hoạt động liên quan đến việc ăn uống. Cô có những lời khuyên cho độc giả Trẻ để bảo đảm an toàn thực phẩm trong gia đình?
Mandy: Tôi hiểu thông thường khi mọi người ăn uống no sẽ không muốn dọn dẹp ngay lập tức. Tuy nhiên khi biết vi khuẩn là tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần lưu ý đến nhiệt độ trong việc bảo quản thức ăn, không nên để ở bên ngoài quá 4 tiếng. Tốt nhất nếu thức ăn không dùng tới cần được giữ lạnh ngay. Khoảng nhiệt độ lạnh dưới 410 hoặc hấp nóng trên 1350 sẽ ngăn chặn được sự phát triển của vi khuẩn. Ðồ ăn khi cất giữ trong tủ lạnh cần được sắp xếp hợp lý, tránh nhồi nhét để tạo không gian cho khí lạnh lưu thông đều trong tủ.
Trong quá trình nấu nướng, các thực phẩm sống sau khi được nấu chín cũng như những dụng cụ sử dụng trong lúc chuẩn bị cần được tách riêng. Bạn cũng cần rửa tay sạch trong lúc nấu và trước khi ăn vì tay của bạn có thể bị nhiễm khuẩn khi chạm vào cầu thang, núm cửa, sử dụng toilet, hoặc những vật dính xung quanh nhà. Và cuối cùng, bạn nên dùng nước nóng hoặc kỹ hơn một chút thuốc tẩy (bleach) để rửa sạch chén.

PVT: Vậy theo cô, có những cách nào giúp bảo quản thực phẩm được lâu?
Mandy: Mỗi loại thực phẩm sẽ có độ tươi và chế độ bảo quản khác nhau. Ðối với thịt, cá sống bạn nên để đông lạnh và sau đó rã đông khi cần dùng. Vi khuẩn sẽ xâm nhập vào thực phẩm lạnh khi để ở nhiệt độ phòng. Cách rã đông an toàn cho bạn là để xuống ngăn dưới tủ lạnh một ngày trước khi nấu hoặc để dưới nước ấm đang chảy, hay sử dụng trong lò vi sóng. Bạn nên theo những chỉ dẫn bảo quản trên bao bìa của thực phẩm đông lạnh.
Các loại rau quả cần rửa sạch trước khi dùng. Có một số loại sau khi cắt như trái dưa, cà chua, rau sống, giá cần được bảo quản lạnh để tránh nhiễm khuẩn. Cuối cùng, đối với đồ ăn thừa khi được cất giữ an toàn trong tủ lạnh có thể dùng được tối đa là 7 ngày. Tuy nhiên phẩm chất đồ ăn này có thể giảm đi trong vòng 3-4 ngày.

PVT: Có một số người cho là việc dùng dầu ăn cũ nhiều lần có thể gây bệnh. Ðiều này có đúng không?
Mandy: Tôi chưa thấy trường hợp ngộ độc thực phẩm nào liên quan đến việc dùng dầu ăn cũ, vì nhiệt độ của dầu nóng rất cao (300- 4000), vi khuẩn khó có thể sống sót được.
PVT: Quay lại việc kiểm duyệt thực phẩm đối với nhà hàng và tiệm ăn, họ cần phải làm gì để được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn?
Phần trả lời của cô Mandy sẽ được đăng trong phần 2, số báo kỳ tới.
Cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh và phiên dịch qua tiếng Việt do Hương Võ thực hiện.
(Xin đọc tiếp kỳ sau)