1.
Hôm lễ Halloween rồi, trong lúc làm việc, bỗng xuất hiện một bầy “quỷ nữ”, tóc đen có, mắt xanh có; ăn mặc khác lạ, đẹp mắt nhưng chắc chắn không ra người mà giả quỷ cũng chưa phải ùa vào tía lia cái miệng: “Happy Halloween!” rồi thò tay vào giỏ, lựa đúng 3 cây kẹo đủ loại tặng cho từng người. Trời đất, thời buổi khó khăn, quỷ cũng phải chịu chung với người! Nhớ những năm trước, cũng một bầy “quỷ nữ” năm – sáu cô, hóa trang đơn giản hơn nhưng khệ nệ từng giỏ chocolate, đưa cho từng người, mặc ai lấy bao nhiêu thì lấy. Thôi thì xăng đang xuống giá, các mỏ dầu đóng cửa, hàng làm không bán được, các hãng chuyên sản xuất valve đình trệ, công nhân bị lay off tràn lan, hãng mình còn trụ được là may mắn lắm rồi, sá chi mấy cây kẹo dành cho… ma quỷ!
Nói cho vui vậy thôi chứ ai quan tâm gì đến bánh kẹo. Ngày ma quỷ thì nhân vật cần chú ý là ma quỷ. Ðằng này, người giả quỷ xinh như mộng đang ở trước mắt nên mọi người chú ý đến các “quỷ nữ” nhiều hơn là hiển nhiên. Thứ nhất, quỷ mà đẹp như mấy cô này thì có chi mà sợ; ngược lại, càng muốn gần gũi hằng ngày. Thứ hai, có người buột miệng, nhận xét: “Sao chẳng có quỷ đực mà toàn quỷ cái không vậy nè?”. Người khác cười khùng khục: “Ðàn ông bọn mình ít tội lỗi hơn nên đầu thai làm người hết cả, chỉ mấy bà ác đức quá nên phải chịu làm kiếp quỷ (?)!”. Một người khác phản bác: “Không phải đâu! Quỷ chúa đưa bầy quỷ cái ra để chiêu dụ đàn ông chứ đưa bọn quỷ đực tay cầm đinh ba, cuốc chĩa, thoáng thấy người ta đã chạy mất dép lấy đâu người thế mạng?”. Tiếng của sếp già vang lên: “Thôi mấy cha lo làm đi, cứ tán chuyện coi chừng bị đuổi, về nhà vợ chìa đơn ly dị ra, lúc đó thành quỷ sống không chừng!”.
Về, mở computer ra, thấy quê nhà năm nay cũng bày ra lễ hội Halloween. Nào ở quán cà phê, ở siêu thị… cũng giăng lưới nhện, trưng hình ma quỷ; thậm chí mua bí đỏ giá tiền triệu để “y chang xứ người” nhằm thu hút khách. Nghĩ cũng vui vui vì các ngày hội ở phương Tây đang được gia nhập vào cuộc sống quê nhà. Nhưng, Halloween cũng tương tự như ngày Rằm tháng Bảy âm lịch xứ mình cúng cô hồn. Vậy mà ngày này chẳng thấy chỗ nào bày ra vui chơi cả. Ngược lại, nhà nhà sắm lễ vật, nấu cháo lá đa, mua chuối, mận ổi, cóc, sắm sanh vàng mã,… để dâng cúng cô hồn. Có nhà đổi tiền lẻ (nhớ có đại gia chơi tiền chẵn) đem ra rải cho… “cô hồn sống” lượm nhằm tích đức sinh tài. Xem ra phong tục và phong cách sống có khác nhau nhưng người xứ mình ngày càng nghiêng về hội bớt (hay không) chú trọng phần lễ rồi! Chẳng biết nên vui hay buồn nữa?
2.
Qua lễ hội Halloween cũng là lúc mùa thu nhuộm vàng lá xanh, trút đến chiếc lá cuối cùng để bày ra những cành “xương xẩu”, chờ những cơn gió rét tới để bàn giao vũ trụ. Con người khi không trở nên co ro hẳn đi, cuộc sống dường như chậm lại. Có thể đó là cảm giác của một vài người trong khoảnh khắc nào đó nhưng quả thật, nhìn những chiếc lá vàng bay theo gió trong những chiều tan sở, tự nhiên bước chân vốn vội vã của tôi bỗng rụt rè, e dè như sợ chạm phải một nỗi đau của ai vừa đánh rơi bên đường. Mà, không chừng đó lại là nỗi đau tôi đã gieo từ mùa xuân nào xa xưa để mỗi lần gió heo may thổi về, nó lại đâm chồi, mọc ra những gai nhọn chực chờ nhói tim tôi? Cuộc sống vốn vô tư lự và thản nhiên. Trong khi con người cứ cố tình tạo ra những phức tạp và hầu như không ai có ý định đơn giản nó. Chính điều đó đã tạo ra những bi kịch, những bế tắc, những số phận không đáng có. Tôi hiểu nhưng lại không vượt qua được. Tôi dọn lòng bác ái, dọn lòng ung dung; dọn lòng thanh thản nhưng cứ mỗi khi mùa thu sắp sửa rời bỏ thế gian thì mọi thứ lại rối tung cả lên…
Một cô gái quen biết từ thuở… mười ba, hôm nay lại ao ước “được sống chậm trở lại”, sau mấy mươi năm lăn lộn với cuộc đời. Bây giờ đã có tất cả những gì mong muốn từ thời tuổi trẻ, có khi còn nhiều hơn ước muốn ngày xưa, bỗng nhiên “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (TCS) thấy hối tiếc rồi sinh bệnh tật. Ôi chiếc áo trắng đơn sơ ngày xưa làm sao mặc vừa hôm nay? Ðôi mắt nhìn đời bằng màu nghi kỵ làm sao có thể long lanh như ngày nào ngắm hoa hồng trong vườn nhà ai? Ðôi chân đã quen ngồi sao có thể nhảy chân sáo giữa thảm cỏ xanh?
Trong đời người, ai không phải đôi ba lần hối tiếc? Hối tiếc để mà tiếc nuối chứ chẳng thể nào khác được. Thánh nhân cũng vậy, nói chi đến người trần! Cho dù có cơ hội “làm lại” cũng chỉ là sự an ủi, vỗ về. Có lẽ, cách duy nhất là buông bỏ. Cái gì đã qua thì hãy như nước chảy chân cầu. “Sóng sau xô sóng trước” tiền nhân đã dạy, cứ vậy mà bước đi, vui vẻ đón nhận, vui vẻ chờ đợi và vui vẻ, vui vẻ…
Thế nhưng, tôi là một con người bình thường!
3.
Những ngày cuối tuần luôn có những thú vị. Vào bếp làm một món ăn nào đó. Lấy xe chạy loanh quanh, đến những nơi không định trước. Nằm nướng trên giường nghe gió lướt thướt ngoài kia,… Nhưng thú vị nhất là đến quán cà phê quen thuộc, ngồi nhìn ra khoảng không gian rộng mở khi nắng vàng trải đều trên những vòm lá, khi xám xịt như có ai phủ lên bầu trời một màu khói nhớ nhung, xa vời. Cà phê Mỹ thì chán ngắt, đã không có phin lại thêm cái ly giấy trần trụi chẳng một chút nên thơ nào như cà phê, như chỗ ngồi ở quê nhà. Nhưng, tôi nghiện cái không khí tĩnh lặng, nghiện những khúc giao hưởng không lời của quán. Nó cho tôi cảm giác bình yên, chậm rải của bước đi thời gian. Ðặc biệt, những buổi sáng ở đây, như đóng chặt cửa tương lai mà mở ra những khung trời rêu cũ của quá khứ. Bước qua hai lần cửa, đến chỗ ngồi quen thuộc, nhiều lúc, tôi lại mong chẳng có ai quen biết ngồi cùng vì chỉ đôi ba phút sau, hình ảnh của ngày tháng xa xưa lại chầm chậm trở về, hiện lên và trôi êm đềm trong tâm hồn, trong trí nhớ. Nhớ nhất là thời tuổi nhỏ với mái nhà tranh của ba mẹ và ngôi trường Vân Côi xinh xắn tràn đầy tiếng cười. Rồi miên man nhớ đến ngọn đồi xanh xanh, thơ mộng của tuổi mới lớn; nhớ đến dòng sông ngày ngày đi về; nhớ đến một dáng ai đó loáng thoáng ngoài hành lang lớp học…
Nỗi nhớ thì im lặng. Nhưng hồn người lại xao động. Tôi sợ “bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” (Xuân Diệu) nên thường cố nén, dằn cảm xúc xuống thật sâu theo nhịp thở chậm để cuốn phim quá khứ tiếp tục quay vòng trong lúc âm thanh đã được khóa chặt. Tôi trải qua những giờ khắc êm đềm ấy và luôn sợ hãi một ngày nào đó, tôi trở nên nghèo nàn khi khối kim cương, ngọc ngà của những ngày đã qua bỗng nhiên không trở về nữa. Canh cánh bên mình nỗi lo ấy và tôi mang nỗi lo này, khi rời ghế ngồi, vượt qua hai lần cửa để trở về với cuộc sống ngoài kia.
Mùa thu đã khuất dần sau đám bụi mờ. Những đóa hồng nở muộn tươi tắn trong sân vẫn cứ tỏa hương. Tôi vẫn phân vân, không biết nên giữ khung rêu mùa cũ hay rửa sạch nó đi? Cuộc sống vẫn tươi trẻ, với tất cả những ai, tôi nghĩ thế.
LVB – OKC