Tạm biệt Yên Thuận, xã Quảng Hải, Ba Đồn, chúng tôi tiếp tục lên đường, chúng tôi hẹn với anh Lý, một Mục Vụ của Giáo Xứ Diên Trường. Ở đây, dự kiến chúng tôi sẽ cùng cha Hùng (Quản Mục Diên Trường) trao quà vào lúc 1 giờ chiều, sau đó chúng tôi đi tiếp để còn kịp trao quà nơi khác.
Những giọt nước mắt ở Diên Trường và Nan
Ðến Diên Trường, anh Lý ra đón chúng tôi ở cổng làng, lúc này nước đã rút đi, chỉ còn bùn non và rác nhưng không đáng kể vì bà con vùng lũ đã cùng nhau dọn dẹp từ lúc sáng sớm. Ở đây, chị nhà anh Lý mời chúng tôi dùng cơm trưa nhưng chúng tôi xin phép hẹn dịp khác vì còn quá nhiều việc (dự định là xong việc sẽ ra ngoài ăn cơm cho khỏi phiền gia đình vì sau lụt, ai cũng vất vả, chật vật). Ðoàn giao anh Lý 67 suất để kiểm tra, vào phong bì và chuẩn bị đi sang Diên Trường, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Ðồn. Tại Diên Trường, cha Nguyễn Văn Hùng đã đợi chúng tôi ở đó. Sau vài phút trò chuyện với nhau, cha Hùng cho bắc loa kêu gọi bà con đến nhận quà, ở đây, cha Hùng yêu cầu bà con xếp hàng theo thứ tự cao tuổi đứng trước, trẻ tuổi đứng sau.

Cũng xin nói thêm là hầu hết trong số 67 suất quà này đều là những gia đình khó khăn, neo đơn, dường như không có gì để trôi, để mất trong nước lụt, và cũng không có gì để ăn trong và sau lụt. Ðồng bào ở đây chưa có nhận quà cứu trợ gì ngoài hai thùng mì tôm của hai đoàn cứu trợ trước đó và một ít gạo, hai chai nước mắm, hai gói bánh ngọt, chấm hết! Nghe tin có suất quà 500 ngàn đồng thì bà con ở đây rất mừng. Nhưng chúng tôi không lấy làm vui bởi vì trong một số suất quà, anh Lý cho ghép hai gia đình trên mỗi suất, nghĩa là 67 suất quà này có đến tám mươi mấy gia đình nhận và có gia đình chỉ nhận 250 ngàn đồng. Chúng tôi gợi ý anh Lý và Cha Hùng nâng thêm số suất quà nhưng hai vị này nói rằng làm như vậy không hợp lý, bởi Cha Hùng và anh Lý đều mong rằng mọi người được nhận quà tương ứng với nỗi khó khăn của mình.
Ðiều làm chúng tôi xúc động là khi nhận quà từ tay Cha Hùng xong, các cụ già cứ lại đứng trước ống kính (lúc này anh Hỷ Long đang quay phim, chúng tôi sẽ cập nhật video phóng sự trên Trẻ online sớm nhất) để cám ơn đồng hương, ân nhân phương xa. Anh Hỷ Long đang quay phim phải bấm dừng để cúi đầu cám ơn đáp lễ thay cho bà con ân nhân.

Có thể nói đây là một buổi phát quà cảm động nhất từ sáng tới giờ. Chúng tôi nói là cảm động nhất vì khi chúng tôi góp ý với Cha Hùng rằng hay là để các cụ già ngồi trên ghế đá, khi nào tới phiên quà thì mang lại gởi các cụ. Cha Hùng lắc đầu: “Không đâu chị, sở dĩ Cha phải để các cụ xếp hàng là có hai lý do, thứ nhất là các cụ không thấy mình lẻ loi hoặc được biệt đãi, bị đặc biệt so với cộng đồng, giáo họ, để các cụ thấy mình vẫn tồn tại khỏe mạnh và ‘bản lĩnh’. Lý do thứ hai là khi xếp hàng, việc xếp hàng ở đây không phải là một kiểu xếp hàng của thời bao cấp, thời người ta phải tranh giành từng tem phiếu, mà xếp hàng để có sự trang nghiêm khi nhận hồng ân, có sự biết ơn, suy tư về những ân nhân, sự im lặng trong một hàng ngũ im lặng, tràn trề yêu thương và đón nhận hồng ân bao giờ cũng tốt hơn…”.
Tặng xong 67 suất quà, Cha Hùng dẫn chúng tôi sang thăm hai gia đình đặc biệt (đã nhận 1 suất quà trong số 67 suất), Cha nói: “Nhờ mấy anh chị ghi hình và viết bài về hai gia đình này, họ có hoàn cảnh quá tội nghiệp, một chị chồng chết, nuôi ba đứa con nhỏ, đứa giữa đau ốm liên miên, năm ngoái Cha đã nhờ Giáo Hội giúp cho cháu đi mổ tim, nhưng con mắt vẫn còn bị sụp, đang xin chi phí để giúp cháu tiếp tục chữa trị, và một chị nữa chồng chết, hiện đang bệnh nặng, một thân nuôi năm đứa con nhỏ. Nhờ mấy anh chị cố gắng viết về họ”.

Khi chúng tôi sang thăm gia đình chị Trần Thị Luyên và chị Ðoàn Thị Thái, thú thực là chúng tôi chẳng biết nói gì ngoài việc trong đoàn có người chảy nước mắt. Nhà chị Luyên là một túp lều, ngoài cái bếp, mấy cái nồi, chỗ để gạo và một chỗ đất vừa đủ để lót ván cho ba mẹ con ngủ mỗi đêm, thì chẳng còn gì! Ðến nhà chị Thái thì khổ sở cũng chẳng kém, nhà cửa tuềnh toàng, gió lộng tứ bề, không có ai ở nhà vì chị vừa đi nhận quà xong là lo đạp xe đến một gia đình khá giả dưới thị xã Ba Ðồn để rửa chén, quét nhà thuê. Ở cả hai gia đình này, chúng tôi đều tặng thêm mỗi chị hai suất quà nữa, tức mỗi chị nhận ba suất. Kỳ thực lúc này đây, chúng tôi chỉ biết cầu mong Chúa ban ơn lành giúp các chị vượt qua khó khăn bởi những món quà của chúng tôi, dù có cố gắng cũng không đủ vào đâu!
Bên bờ sông Nan, đúng là… Nan!
Theo chân Cha Hùng, chúng tôi đi đến Chay, cách Diên Trường chừng 15 cây số đường rừng. Chay nằm chơi vơi bên bờ sông Nan, vắt mình trên sườn núi. Cái thế dựa lưng vào núi, quay mặt ra sông nghe ra chẳng đắc địa gì ở thời thủy điện hoành hành. Ở đây có 152 gia đình, và không có gia đình nào là không nghèo, công việc của bà con Chay chủ yếu là đi bóc vỏ cây thuê (khi người ta chặt cây tràm để xay làm bột giấy, những lao động thuê sẽ bóc keo ngay tại rừng, sau khi hạ và vác băng rừng mang xuống đường để chất lên xe), đây cũng là vùng chịu cả ba loại thủy tai, đó là lũ quét, lũ ống và lụt. Lũ quét thường xuống từ các con suối ven rừng, nước mang theo đất đá quét đi mọi thứ; lũ ống là một trận xả đập bất ngờ nào đó khiến cho sông dâng nước cuồn cuộn trong vòng từ một đến hai giờ, cuốn qua xóm làng, chẳng chừa thứ gì.

Trong hai trận ngập lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh trong ngày 14, 15, 16 tháng 10 và ngày 1, 2, 3 tháng 11 vừa qua, Chay đụng cả ba loại thủy tai, lũ ống trên núi trút xuống khiến đất đá sụt lở, lấp kín một số đoạn đường; lũ quét từ lòng sông kéo lên cuốn trôi đồ đạc; và sau đó ngập lụt liên tiếp ba ngày, tiếp chưa đầy tuần sau lại y cảnh trước. Ðời sống tan tác, chẳng còn gì.
Chúng tôi đến Chay lúc 2 giờ chiều, trên đường đi, Cha Hùng đã thông báo cho bà con giáo dân đến nhận quà cứu trợ của đồng hương phương xa. Sau một đoạn đường dài toàn núi lở, đất lở, hai bên đường là những mái nhà lúp xúp, tạm bợ, chúng tôi đến Chay. Bà con ở đây đón mừng chúng tôi như đón mừng người thân từ phương xa mới về, sự ấm áp lan tỏa trong từng ánh nhìn vừa gần gũi, thân thiện, và không hề có một gợn sóng nào làm cho sự trong trẻo này giảm đi. Có lẽ vì vậy nên lúc đói quá, được mọi người pha cho mấy gói mì tôm, chúng tôi ăn ngon lành!
Cha Hùng và chúng tôi nhờ 9 người trong Giáo Họ Chay nhận số tiền 151 suất, mỗi suất 500 ngàn đồng và kiểm tra tiền thật kỹ, sau đó cho vào phong bì và Cha Hùng có đôi lời thay cho các ân nhân, đồng hương nơi Mỹ Quốc. Cha Hùng lại cho mọi người xếp hàng, hai hàng dài 151 người đại diện cho 151 gia đình im lặng nghe Cha nói: “Thưa bà con, hôm nay, các anh chị đây thay mặt cho báo Trẻ Florida, Kim Tân Entertainment và bà con người Việt bên Mỹ Quốc, mang đến đây cho chúng ta những món quà rất lớn, mỗi gia đình nhận một phong bì 500 ngàn đồng có kèm lời cầu nguyện bình an cho bà con của các ân nhân! Vậy xin bà con dùng số tiền này thật có ý nghĩa để không phụ lòng các ân nhân…”.
Cha Hùng nói dài hơn những gì chúng tôi ghi âm và chép lại trên đây, có người khóc thút thít vì cảm động. Buổi phát quà diễn ra trong im lặng, hân hoan và ấm áp. Có những lời cám ơn qua ống kính của anh Hỷ Long của các mẹ, các chị khiến tôi cứ thấy rưng rưng, khó tả.
Cũng xin nói thêm, Nan là ngôi làng mà Cha Hùng đã trăn trở suốt nhiều năm nay, tìm cách dời cả làng đến nơi an toàn vì con sông Nan đang xói lở vào sát làng, đang ăn dần vào vách núi. Kế hoạch dời Giáo dân của Cha Hùng vẫn cứ dang dở, chưa đâu vào đâu. Chúng tôi sẽ đề cập đến điều này trong một bài viết khác. Còn bây giờ, chúng tôi phải tạm biệt Ba Ðồn, Quảng Bình, tiếp tục lên đường đi đến rốn lũ, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Kỳ cuối: Cứu trợ, câu chuyện đầy trắc ẩn