Menu Close

Đi thăm viện dưỡng lão

Lời tòa soạn: Làm từ thiện và thiện nguyện là một nét văn hóa của người Mỹ. Ở hải ngoại có nhiều nhóm âm thầm thực hiện theo khả năng và điều kiện của mình. Sau đây là một bài tường trình chuyến thăm viện dưỡng lão của 2 nhóm thiện nguyện tại Dallas, Texas trong không khí rộn ràng, sôi động của mùa lễ cuối năm, nhằm đem lại chút hơi ấm cho những tâm hồn héo hắt, cô đơn và lạnh lẽo…

Nhóm thiện nguyện
Nhóm thiện nguyện

(Dallas – TX) Gần đến ngày Lễ Tạ Ơn, chúng tôi nhận được lời mời của Võ sư Nguyễn Tiến Hoá, phối hợp giữa Nhóm Thiện Nguyện chúng tôi và các anh chị em trong võ đường Việt Võ Ðạo thăm viện dưỡng lão trên Grand Prairie vào ngày Chủ Nhật 20-11-2016 . Chúng tôi nhận lời ngay, bởi đó là việc chúng tôi thường làm, một việc làm nhiều ý nghĩa đối với những người neo đơn và những mùa Lễ thì nỗi cô đơn ở những nơi nầy còn tăng lên gấp bội. Họ là những người kém may mắn, ở bên trong một không gian không còn cơ hội được thấy những vầng mây xanh của một thời tràn đầy hy vọng, nơi đây họ dường như không được nhìn thấy những bận rộn đời thường với những dòng xe cộ trên những con đường quen thuộc, mà trước kia, chắc không lâu lắm, họ đã từng hòa nhịp với dòng chảy ấy, bây giờ chỉ còn trong những giấc mơ.

2

Ðiều  chúng tôi rất muốn là xoa dịu nỗi buồn cho các cụ, chúng tôi mong mỏi rằng sẽ lần lượt được đi vòng quanh hết các viện dưỡng lão khác khắp Texas nầy.

Gần đến 2:00 trưa mọi người đã tập trung đông đủ. Nhóm môn sinh của võ sư Nguyễn Tiến Hoá hơn 30 người, những gương mặt hớn hở vì dự phần vào việc làm từ thiện, đây cũng là bài tập cho các em mang niềm nhân ái đến với những người bất hạnh và hy vọng sau nầy các em sẽ trải trái nhân ái đi khắp mọi nơi.

Bé Angelina tặng quà cho cụ bà trong viện dưỡng lão
Bé Angelina tặng quà cho cụ bà trong viện dưỡng lão

Nhóm Thiện Nguyện chúng tôi gồm anh chị Ðỗ Khoan, anh chị Hùng Phương, chị Tuyết Mai, chị Lưu Hồng, Julie Thanh… phía Arlington có thêm anh Việt, chị Phượng, chị Phụng và Ngọc Liên, và tôi Hoàng Lan .

Ðến hội trường của viện dưỡng lão, các cụ ngồi trên xe lăn thấy chúng tôi vào các cụ tỏ vẻ ngạc nhiên. Võ sư Nguyễn Tiến Hoá mở đầu bằng những câu chào hỏi rất thân tình và cho biết lý do sự có mặt của nhóm đến thăm trong dịp Lễ, lúc đó trên môi các cụ nở nụ cười. Các em lần lượt trao tặng những món quà nhỏ đã được bỏ vào những chiếc túi đủ màu vui mắt (theo tôi được biết gồm những chiếc mền đắp trên xe lăn, những túi bánh lạt của võ đường tặng, cùng  những chai sữa Ensure từ nhóm Thiện Nguyện). Tôi và các cô, chị chia nhau sơn móng tay cho các cụ. Bà Barbara mà tôi “nhận”, tay trái không xoè ra được, bà cho biết đã mổ một lần nhưng không khỏi. Ðối với tôi, việc sơn tay cũng không có gì khó khăn lắm, ngược lại tôi còn thích, chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã sơn xong, nhưng chuyện bà tâm tình vẫn chưa dứt, vì chắc ít khi bà có dịp tâm sự cùng ai. Bà cho biết đã ở nơi đây đến ngày 21 nầy là được 4 năm. Bà hỏi tôi bao nhiêu tuổi, sao tôi giữ được mái tóc đen mướt như vậy, có gia đình chưa và tiệm nail của tôi ở đâu. Tôi bảo tôi không có tiệm nail nào cả , bà hỏi vậy sao tôi sơn tay cho bà đẹp thế , tôi bảo vì tôi bỏ cả trái tim vào trong ấy, bà cười, nụ cười có lẽ lâu lắm rồi bà đã đánh mất. Lúc đầu bà rất nghiêm, nhất là khi đưa tay cho tôi sơn bà rất rụt rè vì mặc cảm bàn tay bị dị tật, nhưng sau đó cũng chính bàn tay này đã cố gắng nắm tay tôi như nói lời cảm ơn.

Chị Tuyết Mai sơn móng tay cho một cụ bà
Chị Tuyết Mai sơn móng tay cho một cụ bà

Vì còn phải cùng các chị bạn chia nhau đi vào những phòng còn lại để sơn cho các cụ khác, tôi bịn rịn chia tay với bà, tự nhủ lần sau tôi sẽ cố chọn những ngày các chị em có thể đi đông hơn để chúng tôi có thêm thời gian hàn huyên với các cụ.

Tôi vào phòng cụ bà tên Rosa, lần nầy có người chị kết nghĩa, chị Phượng cùng đi với tôi. Cụ Rosa nằm trên giường, không ngồi dậy được. Chúng tôi  đến bên cho bà biết chúng tôi là những người làm việc thiện nguyện hỏi bà có muốn sơn móng tay không? Bà gật đầu đưa bàn tay cho tôi, chị Phượng reo lên “Tay cụ đẹp quá em!” Ðúng vậy dẫu cao tuổi nhưng móng tay cụ thon dài. Tôi khen bằng tiếng Anh. Cụ cười, lúc  này tôi nhận ra da mặt cụ rất mịn, trắng hồng. Cụ hỏi tôi và chị Phượng phải hai chị em không? Chúng tôi gật đầu, cụ buồn buồn bảo người ta đã vất bọc make-up của cụ, tôi bảo cụ đẹp rồi không cần phải make-up đâu, cụ nhìn chúng tôi cười thật thân thiện, ánh mắt thật vui, rồi hỏi “Thật không?”. Chúng tôi cùng gật đầu. Sơn xong, chị Phượng vuốt tóc và ôm cụ, tôi cũng thế, cảm giác thật gần gũi như đang chăm sóc một người thân trong gia đình. Tôi và chị Phượng là người ra khỏi phòng sau cùng, mọi người đã xong, chờ chúng tôi bên ngoài, không ai có vẻ sốt ruột mà ngược lại ai cũng nở nụ cười tươi.

Anh chị Đỗ Khoan, chị Lưu Hồng, chị Ngọc Liên vừa tặng chiếc khăn choàng cho một cụ bà
Anh chị Đỗ Khoan, chị Lưu Hồng, chị Ngọc Liên vừa tặng chiếc khăn choàng cho một cụ bà

Tôi cảm ơn các bạn cùng đi hôm nay và ôm nhau từ giã.

Trời bên ngoài lành lạnh,  ánh nắng thật dịu, tôi quay lại nhìn viện dưỡng lão thêm một lần trước khi lên xe, trong lòng thấy lưu luyến và bâng khuâng khó tả.

Chiếc xe đưa chúng tôi rời xa dần, nhưng nỗi luyến lưu cứ in đậm vào lòng tôi những hình ảnh của những người bên trong căn nhà ấy…

Mai Phương (trái) và một thiện nguyện viên (ảnh dưới)
Mai Phương (trái) và một thiện nguyện viên (ảnh dưới)
Chị Ngọc Liên (phải) và "thân chủ"
Chị Ngọc Liên (phải) và “thân chủ”

6c

Út Trà Vinh