Tiếp nối Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng giữ mục Sổ Tay hàng tháng trên báo Văn và trở nên nổi tiếng. Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng rất phong phú và đa dạng, đề cập tới nhiều vấn đề: ý nghĩ và cảm xúc của nhà văn trước cuộc sống, những chuyện xảy ra trong đời, bạn bè và những cuộc gặp gỡ, đời sống văn chương… Sau đây chúng tôi xin trích đăng gởi đến bạn đọc bài viết của NXH về văn học trong nước cách đây mươi năm.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Một thời văn học trong nước
Trước hết là chuyện Hoa Thủy Tiên trong bài Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên và Những Nhầm Lẫn của Nhà Văn – trên bán nguyệt san Ngày Nay, Hà Nội [các số 4, 5, 6 các ngày 15/2/2004, 1/3/2004 và 15/ 3/2004] của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bài viết thực sự đã gây một chấn động lớn trong giới văn học trong nước và tạo ra những phản ứng nhiều tầng và nhiều hướng. Ông viết: “Khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ, khí phách lớn. Ðến ngay cả những nỗi buồn cũng không phải là những nỗi buồn lớn. Thái độ hời hợt của xã hội với văn học, cách tiếp nhận của xã hội đối với các giá trị văn học cũng làm mất đi cảm hứng ở nhiều nhà văn nhiệt thành. Ðấy là chưa kể đến sự tráo trở và lạnh lùng của cơ chế thị trường vẫn chẳng nể nang gì ai cả.”
Vậy thì văn học Việt Nam hiện nay thiếu gì? Nguyễn Huy Thiệp trả lời “văn học thiếu vắng những tham vọng to lớn”…. “Văn học luôn tránh né một vấn đề nan giải khó nói nhất trong xã hội: không phải khó khăn kinh tế, không phải sex, không phải là tình cảnh chiến tranh… Nó là vấn đề nhân tính. Văn học Việt Nam gần đây mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống. Nó trở nên thực dụng, ê chề, lọc lõi, oái oăm, đôi khi đểu cáng.”

Ðể có một nhà văn có giá trị nhân đạo [có lẽ Nguyễn Huy Thiệp muốn nói nhân bản], ông viết, phải dựa vào nhiều yếu tố, không phải chỉ là nỗ lực cá nhân và tự phát, “năng khiếu” như lâu nay người ta vẫn tưởng. Ðã đến lúc phải nghĩ đến một týp nhà văn khác: lớp nhà văn trí thức của một xã hội phát triển. Họ viết văn có bài bản, có lý luận, lý lẽ chứ không mò mẫm. Trước đây, ở Việt Nam hầu như chưa có những điều kiện xã hội để xuất hiện týp nhà văn này. Theo ông, văn học giá trị bao giờ cũng đề cao nhân tính, và, một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm văn học giá trị nghĩa là nhân tính mất đi… Trách nhiệm đó không phải chỉ ở một người nào mà nó ở toàn xã hội . [bđd].
Ðánh giá nền văn học trong nước bằng cái nhìn từ trong, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Nhìn vào danh sách hơn 1,000 hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam người ta thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… “vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ, tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương, phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời, còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả.” [bđd].
Chính những dòng chữ này của Nguyễn Huy Thiệp, trong phần thứ ba của bài viết, là ngòi thuốc nổ tạo thành một chấn động liên lỉ.
Chuyện Hoa Thủy Tiên mới nở chưa kịp tàn thì nổ tiếp chuyện “Cái nước mình nó thế!” của Hoàng Ngọc Hiến – giáo sư đại học, nhà nghiên cứu phê bình văn học, tác giả của một nhận định từng làm rung động giới văn học trong nước những năm 80 khi ông đưa ra cụm từ “hiện thực phải đạo”.
Ðây là bài phỏng vấn do Phạm Thị Hoài và Trương Hồng Quang thực hiện trên Talawas. Một bài phỏng vấn đậm đặc sôi nổi và mở ra nhiều cánh cửa trong đời sống văn học trong nước. Nó không chỉ liên quan đến những người cầm bút [trong nước] mà còn liên quan đến cả giới chức văn hoá và chính trị. Nổ tung như tạc đạn, nếu có thể gọi như thế.
Từ Nguyễn Huy Thiệp với bước đầu đi vào thế giới văn chương – đến nhà thơ nữ Xuân Quỳnh, người phụ trách mảng văn xuôi nhà xuất bản Tác Phẩm Mới [tiền thân của Hội Nhà Văn bây giờ], và Nguyễn Duy, Thu Bồn. Rồi Nguyễn Minh Châu, Hà Minh Ðức, đến Chế Lan Viên, Tố Hữu, Lưu Quý Kỳ, Bùi Minh Quốc, Vũ Thị Thường, Nguyễn Ðình Thi, cả ông Lê Ðức Thọ và Trần Ðộ…
Phát biểu về Chế Lan Viên, ông Hiến cho rằng “Nhà thơ lớn nước mình cũng nhà quê, cũng trẻ con cả thôi, cả nước mình nó thế: Nhà quê và trẻ con.”
Hoàng Ngọc Hiến còn cho biết “Trần Ðăng Khoa [người từng nổi tiếng là nhà thơ thần đồng trước kia, đã] tìm mọi cách để hạ uy thế của Nguyễn Huy Thiệp. Ðối với Trần Ðăng Khoa thì Nguyễn Huy Thiệp là thằng cường hào địa chủ trong văn học cần lật đổ.” Theo ông, cái cách của Trần Ðăng Khoa là thế này: “Nguyễn Huy Thiệp là người sắc sảo, trí tuệ ư? Không, sắc sảo trí tuệ cái gì, chỉ có phép nói ngược thôi. Anh nói trắng thì nó nói đen, anh nói phải thì nó nói trái, Thiệp nó chỉ có thế, chứ chẳng có trí tuệ gì… Họ [Trần Ðăng Khoa và những người như ông Khoa] muốn chôn, muốn đóng ván thiên cho Thiệp.” Và ông gọi ông Khoa là nông dân và trẻ con.

Ông cũng nhắc đến tên nhà thơ Hữu Thỉnh [phe bảo thủ, chống đối Nguyễn Huy Thiệp] và Hội Nhà Văn Việt Nam – một tổ chức của Ðảng và là “một bộ máy quan liêu, lấn át tính chất nghề nghiệp”, nhưng người ta vẫn muốn vào Hội vì quyền lợi và được đi nước ngoài. Ông cũng nhắc đến Nguyễn Khoa Ðiềm, người ở trên đe dưới búa, nhắc đến dịch giả Lê Huy Bắc, nhân vật được coi là người giỏi tiếng Anh nhất trường Sư phạm, một trường đại học mẫu mực, trường điểm của nhà nước, tương lai của nền học thuật Việt Nam. Thế nhưng, ông Hoàng Ngọc Hiến cho biết bản dịch của ông Lê Huy Bắc, “một đoạn mười dòng của ông ấy đã có bốn cái contresens, tức dịch ngược hẳn ý của người ta.” Ông cũng nhắc đến Ðặng Việt Bích, con trai ông Trường Chinh, muốn làm Viện trưởng trường Ðại học Văn Hoá -Nghệ Thuật, nhưng không được vì “quá lười đọc sách, ngu dốt, ích kỷ, nhếch nhác.”
Một câu nói đáng ghi nhận của ông Hoàng Ngọc Hiến: “Theo tôi, dùng tiếng Việt chính xác mới là yêu tiếng Việt, mà cái yếu nhất trong văn học Việt Nam từ 1945 đến nay là không chính xác về từ ngữ. Toàn dùng những từ chung chung, từ khuôn sáo, không chọn được từ chính xác…”
NXH – Tháng 3. 2005