Khi còn dạy ở Lớp Nhiếp Ảnh, tôi thường hay dặn những học viên rằng một cách để nâng cấp lên đồ nghề “ngon” hơn là đi mua dụng cụ xài rồi có phẩm chất tốt. Một trong những câu hỏi thông thường nhất tôi nghe là, “Làm sao biết nếu máy ảnh xài rồi đang mua có phẩm chất tốt?” Thật ra thì câu hỏi này rất có lý, và để cùng chia sẻ với các bạn độc giả trên báo, tôi sẽ kê ra một số điểm quan trọng bạn nên để ý khi bạn đang xem xét một máy DSLR xài rồi. (Tôi sẽ nói về ống kính xài rồi trong một bài riêng biệt.)
Bụi bặm, rỉ sét, và nấm
Không gì tệ hại cho bằng gặp phải một chiếc máy ảnh quá dơ bẩn. Kiểm tra tất cả các mép nối, “bên trong” máy (nơi chứa sensor), những điểm tiếp xúc, xem có bị dính dơ hay không. Mở hộp chứa pin và kiểm soát những điểm chạm mạch điện, phải sạch và không bị rỉ sét. Có một tí bụi thì không sao, nhưng bị ăn mòn là một dấu hiệu chắc chắn cho những vấn đề sắp xảy đến.
Bạn có thể khám phá nấm mọc trong máy ảnh bằng cách chụp vài tấm hình và rọi lớn trên màn ảnh để tìm những mẫu hình giống mạng nhện. Ðây có thể là một vấn đề thê thảm, tốn tiền và khó chữa. Ngược lại, những chấm bụi thì có thể được lấy ra tương đối dễ dàng.

Số lần bấm cửa chập
Cửa chập của máy DSLR có hạn hoạt động. Trong khi nhiều máy ảnh sẽ “sống lâu” hơn con số họ dự đoán (thí dụ: giới hạn số lần bấm cửa chập cho máy Canon 7D Mark II là 200,000, trong khi cho máy 1DX là 400,000.), số đếm càng cao có nghĩa rằng cơ hội máy bị hư cũng sẽ cao hơn. Nếu máy ảnh đó có nguy cơ bị hư trong thời gian ngắn sau khi bạn mua nó. Tiền sửa (hoặc thay) cửa chập sẽ rất nhiều.
Vậy “cao” là bao nhiêu? Những máy DSLR hạng thấp nhất có đời cửa chập khoảng 50,000 lần bấm, máy hạng trung sẽ xài được cho khoảng 150,000 lần bấm, và những máy hạng “pro” nên có khả năng hơn 300,000 lần bấm.
Làm sao bạn biết đươc số đếm đó? Ðây là điểm khó khăn, vì nó không phải có sẵn trong tất cả máy ảnh. Tuy nhiên, nếu máy ảnh có báo cho biết thông tin này, nó sẽ nằm trong phần EXIF của ảnh. Chụp một tấm ảnh bằng máy đó, download ảnh đó vô computer và dùng một software đọc EXIF để tìm chữ “Image Count”, “Shutter Count”, hoặc chữ khác tương tự.

Thâm niên và hao mòn
Ðiểm này bắt đầu với sự hiểu biết chút ít về loại máy ảnh bạn đang muốn mua. Nếu nó là một đời máy cũ hơn, bạn có thể cho rằng nó đã được dùng khá nhiều. Những dấu hiệu hao mòn cũng sẽ cho bạn một vài đầu mối thấy được. Ðể ý những chỗ trầy và móp, nhãn hiệu bị mòn trên nút, và tình trạng chung.
Nếu đây là một mẫu máy mới mà đang được bán ở một giá rất thấp, bạn có thể nghi ngờ nếu nó đã bị ăn cắp. Cẩn thận khi mua máy từ những người bán tư nhân.
Bảo hiểm
“Cái gì? Ðồ xài rồi mà còn warranty?” Ðúng vậy. Nếu bạn mua một máy ảnh xài rồi từ một cá nhân mà họ cho bạn warranty, bạn nên ngờ vực. Trong gần như tất cả trường hợp, bảo hiểm của máy ảnh không thể chuyển tên chủ, cho nên bạn đừng bị lừa nếu một người bán nói, “Máy này vẫn còn warranty!” Ðối với người chủ máy đầu tiên, điều này đúng – nhưng đối với bạn thì không được vì bạn đã mua nó used!
Có hai cách để lấy bảo hiểm hợp pháp cho những máy ảnh xài rồi. Một là mua loại hàng “refurbished” từ hãng chế tạo hoặc từ tiệm bán có tên tuổi. Hai là mua từ một “authorized dealer” mà họ có cho bạn warranty riêng của họ. Tức là, nếu máy Canon của bạn bị hư, thì bạn không đem tới Canon sửa mà đem tới tiệm của họ để sửa miễn phí trong thời gian warranty đó.
Cuối cùng thì bạn nên chọn mua từ một nguồn đáng tin cậy.

AN