
Có thể nói trong đợt đại diện độc giả Trẻ tại Mỹ đi cứu trợ bà con vùng lũ, dường như chúng tôi học được rất nhiều điều. Trong đó, vấn đề điều tiết quà cứu trợ và điều nghiên thông tin để tránh những vùng “bội thực cứu trợ” và tránh tình trạng nơi thì thừa nơi thì thiếu.
Hương Khê, Hà Tĩnh, nơi thừa nơi thiếu
Chúng tôi đến Hương Khê, Hà Tĩnh lúc 10 giờ đêm. Lúc này các Cha ở đây cũng vừa hoàn tất buổi lễ cuối tuần. Tôi liên lạc cha Phan Ðình Trung, Ngài Quản Xứ Thịnh Lạc. Cha Trung cho chúng tôi biết là ở thôn Thịnh Lạc có 103 gia đình cả người Công giáo và người không công giáo và nơi đây là một trong các rốn lũ ở Hương Khê, Hà Tĩnh, đời sống tuy không đến nỗi quá khó khăn nhưng cũng chẳng có gì gọi là khá giả.

9 giờ sáng, chúng tôi và Cha Trung hoàn tất việc bàn giao, kiểm tra và cho vào phong bì 103 suất quà, mỗi suất 500 ngàn đồng tiền mặt. 9 giờ 15, chuông Giáo họ (gần Giáo xứ Thịnh Lạc) rung lên, các Giáo dân và bà con ‘người lương’ (cách nói của bà con Giáo dân chỉ người không theo tôn giáo) đã có mặt đầy đủ. Cha Trung yêu cầu bà con giữ yên lặng cho Cha có đôi lời:
“Thưa bà con, thưa các con, hôm nay, Cha vừa nhận được số quà là 103 suất, tương ứng với 103 gia đình trong thôn chúng ta, và mỗi suất quà là 500 ngàn đồng. Số tiền này là mồ hôi, là tấm lòng và là cả nước mắt thương xót cho hoàn cảnh thiên tai, nhân họa của chúng ta mà các ân nhân người Việt từ Mỹ Quốc đã gom góp gửi về cho chúng ta. Mong bà con dùng số tiền này cho thật ý nghĩa. Và qua đây, chúng ta hãy cùng nhau hiệp thông cầu nguyện cho các ân nhân nơi Mỹ Quốc được mạnh khỏe, bình an, luôn dồi dào hồng ân của Chúa!”.

Sau lời của Cha là một tràng vỗ tay của bà con và mọi người hoan hỉ nhận quà. Thú thực là lần nào nhìn bà con nhận quà, chúng tôi cũng cảm thấy rưng rưng khó tả. Ở nơi đây không có sự thảm khổ như những hình ảnh mà chúng tôi vẫn thấy trên báo chí, mà có một sự ấm áp, sự chuẩn bị và sự biết ơn. Sự ấm áp thể hiện qua việc bà con gom góp mỗi nhà vài trái cam thành một bao tải đầy để gởi tặng chúng tôi, rồi những gia đình chuyên đi rừng, lấy mật ong rừng lại góp nhau thành hai chai đầy tặng chúng tôi. Dù chúng tôi có từ chối cách gì thì họ cũng nhét bao tải cam vào cốp xe, nhét hai chai mật vào giỏ xách, họ nói rằng đây là tấm lòng của họ, không được từ chối.
Giữa xứ nghèo, nhận những chai mật, những trái cam còn sót lại sau lũ, chúng tôi hiểu rằng trong từng giọt mật, từng trái cam chứa nhiều thứ hơn cả lòng biết ơn hay tình giữa người và người. Tôi chỉ biết thầm tạ ơn trên đã run rủi cho chúng tôi gặp nhau trong lúc này!
Cha Trung tiếp tục đưa chúng tôi sang Trại Nại, cách Thịnh Lạc chừng 10 cây số, đi băng đường rừng. Ðường sau lũ, đất đá sụt lở khắp mọi nơi nên Cha Trung đã liên lạc với một người lái xe bán tải để chở chúng tôi cùng đi, bởi lẽ xe hơi thường không thể nào qua được. Khi chúng tôi đến nơi thì bà con trong Giáo họ Trại Nại chuẩn bị làm lễ chiều. Lúc này Cha Trung thông báo với bà con về 85 suất quà, mỗi suất 500 ngàn đồng của các ân nhân người Việt từ Mỹ Quốc gửi về tặng bà con. Ở đây chỉ có buổi nhận quà tượng trưng và ông Trưởng ban Mục vụ nhận thay cho bà con, nói lời cám ơn, bà con có mặt đông đủ 85 gia đình nhưng vì để cho kịp giờ làm lễ, buổi phát quà phải dời lại sau buổi lễ. Cha Trung nói chúng tôi thông cảm. Chúng tôi thưa với Cha là chúng tôi rất mãn nguyện vì buổi phát quà diễn ra sau buổi lễ và cám ơn tấm lòng bà con. Chúng tôi phải tiếp tục sang chỗ Cha Cương, Giáo Xứ Thổ Hoàng, xã Phương Mỹ, nơi rốn lũ nặng nhất Hương Khê.

Tiếp tục vượt đoạn đường ngập gần 30 cây số, chúng tôi đến Giáo Xứ Thổ Hoàng và gặp Cha Cương. Hai bên đường, những gia đình ở đây đều chuẩn bị cho mình những chiếc phà bằng thùng phuy để có thể ứng phó lúc nước lớn. Nhưng thú thực là chúng tôi đã rất buồn bởi sau khi Cha Cương công bố suất quà trị giá 500 ngàn đồng xong, mọi người lên nhận một cách không mấy mặn mà.
Anh Hợi, người dẫn đường cho chúng tôi buồn bã nói: “Vì mấy anh chị muốn đến đây, và Cha Trung cũng muốn em đưa anh chị đến đây nên em không thể nói. Chứ ở đây, mọi suất cứu trợ đều đổ về, mỗi gia đình nhận được thấp nhất cũng 30 triệu đồng và 30 thùng mì tôm, gạo thì lên đến vài tấn. Nhưng cũng không bằng trong Lệ Thủy, có nhà nhận lên đến 70 triệu đồng và gạo thì vài tấn, mì tôm cả trăm thùng. Do vậy 500 ngàn đồng đối với họ nhỏ lắm!”. Câu nói chua chát của anh Hợi cứ như muối hột xát vào lòng chúng tôi, buổi sáng vui và ấm áp bao nhiêu thì buổi chiều lạnh lùng và hỡi ôi bấy nhiêu!
Khi xe trở lại ngã ba Hương Khê, Hà Tĩnh, chúng tôi tạm biệt anh Hợi để vào lại Quảng Bình, dự định tìm đến bản Lòm ở huyện Minh Hóa nơi đường bị tắc cả tuần nay. Trước khi chia tay, anh Hợi mong chúng tôi có thể chia sẻ với một gia đình không nằm trong rốn lũ nhưng có chồng bị ung thư, vợ bị tai biến và các con còn nhỏ, đứa đầu phải bỏ học. Anh Hỷ Long nói rằng nếu có thể, tặng luôn cho gia đình này hai suất hoặc bốn suất. Nhưng vì là trường hợp ngoài dự tính nên chúng tôi chỉ có thể tặng hai suất. Và thật ấm áp, khoảng 30 phút sau, số máy anh Hợi gọi đến, người bên kia đầu dây nói rằng: “Thưa các anh chị, gia đình em vừa nhận được 1 triệu đồng mà bà con tặng giúp qua anh Hợi, chúng em vô cùng cảm ơn ân nhân!…”.
Khi xe đi theo đường Trường Sơn được khoảng 50 km, chúng tôi quyết định quay trở ra vì số lượng các xe chở quà cứu trợ đứng chờ thông đường không ít, chúng tôi đoán là sẽ lặp lại tình trạng bội thực cứu trợ ở Thổ Hoàng.
Xuân Sơn, những nụ cười biết ơn
Chúng tôi liên lạc Cha quản xứ, Gioan Cao Ðình Hải và hẹn Cha đến Xuân Sơn. Vì xe men theo đường núi để đi, gặp không ít đoạn đất, núi lở nên phải đến gần 10 giờ tối, chúng tôi mới vượt được đoạn đường hơn 150 cây số để đến Xuân Sơn. Cha Hải vẫn chưa ăn tối, chờ chúng tôi đến cùng ăn. Bữa cơm nơi rừng rú, bà con mang đến biếu Cha nửa con chồn và một ít cá lóc vừa bẫy và bắt được. Cha cho nấu đãi chúng tôi. Bữa cơm ấm áp và vui vẻ, bù lại cho buổi chiều não nề. Kế hoạch được lên kỹ lưỡng vì đến Xuân Sơn, chúng tôi chỉ còn hơn 70 triệu đồng. Trong khi đó danh sách gia đình nghèo ở đây lên đến 239 gia đình, suất 500 ngàn đồng không thể đủ. Chúng tôi buộc lòng phải nhờ Cha Hải lọc lại danh sách thật kỹ để lên ba hạng quà.

Xuân Sơn, một vùng nghèo khổ, quanh năm thiếu nước sạch, mùa nắng thì khô khốc, trơ đá sỏi, mùa mưa thì lụt ngập mái nhà, người dân quanh năm phụ thuộc vào việc bốc vác tràm với ngày công một trăm ngàn đồng, mỗi tuần đi được một, hai công. Ðối với bà con, quần áo cũ, gạo để ăn, chút tiền để mua sắm thuốc men không có gì quý bằng.
9 giờ sáng, Cha Hải có đôi lời về ý nghĩa của phần quà và thay mặt các vị ân nhân gửi đến bà con tại đây. Sau buổi phát quà, chúng tôi cùng Cha Hải đi thăm một số gia đình quá khó khăn ở đây. Buổi chiều, cha đưa chúng tôi sang Kỳ Sơn để phát tiếp phần quà còn lại bởi họ quanh năm bám rừng, và không dễ gì có thể đến được giáo xứ. Ở đây, mọi chuyện cảm động ngoài sức tưởng tượng.

Trời đổ mưa, khi mọi người tề tựu đông đủ, Cha thông báo hoãn buổi lễ qua tối vì giờ Cha xin được những phần quà cứu trợ và gửi đến bà con, anh Hỷ Long có đôi lời với bà con.
“Thưa bà con, trong chuyến đi này, chúng tôi nhận sự ủy lạo của báo Trẻ Florida và Kim Tân Entertainment mang số tiền 374 triệu 500 ngàn đồng đến với bà con vùng lũ. Chúng tôi đã đi qua nhiều nơi, rất tiếc, khi đến đây, số tiền còn quá ít, chỉ còn hơn 70 triệu, không thể chia đều suất quà 500 ngàn đồng như dự tính. Chính vì vậy chúng tôi chia làm 3 hạng quà, 20 suất 1 triệu cho gia đình đặc biệt khó khăn, 19 suất 500 ngàn đồng cho gia đình khó khăn và 200 suất 200 ngàn đồng cho các gia đình còn lại. Xin bà con hãy nhận tấm lòng này như một lời an ủi của chúng tôi…”

Bà con vỗ tay hoan hỷ, anh Hỷ Long sau đó yêu cầu tôi đưa anh 1 triệu 200 ngàn đồng còn lại. Anh nói số tiền này không nằm trong các suất quà nên anh xin phép tặng bà con theo nguyên tắc “Kính lão đắc thọ”. Anh tặng các cụ cao niên nhất trong bà con và riêng một cụ 98 tuổi, bị cụt một chân, anh tặng 200, các cụ còn lại 100. Hết số tiền, còn hai cụ ở ngay trước tiền sảnh nhưng chưa nhận được, anh Hỷ Long liền lấy thêm 200 ngàn tiền túi, tôi thì đưa anh 5 ngàn đồng cuối cùng để tặng các cụ. (Xin thưa, một cụ bà ở giáo xứ Xuân Sơn quá khó khăn mà tôi tặng thêm 300 ngàn đồng, nhưng vì cụ đã nhận được suất đặc biệt 1 triệu đồng trước đó, nên tôi đã xin lại cụ 5 ngàn đồng, nhằm tránh việc cụ nhận 1,300,000 đồng, để tránh số 13.) Như vậy mọi việc viên mãn!
Sau đó Cha Hải cho phát áo quần cũ cho bà con. Lại một cảnh xúc động nữa mà có lẽ phải mời quý ân nhân, quý độc giả chịu khó xem video phóng sự của anh Hỷ Long sẽ phát trên Trẻ trong thời gian sắp tới mới thấu được câu chuyện!
Chúng tôi, những sứ giả của Trẻ xin thành tâm gửi đến các ân nhân lời cám ơn sâu nặng và lời chúc sức khỏe! Chính lòng tốt của quý vị đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn sau chuyến đi cứu trợ, chia sẻ này!


Thư cảm ơn của các linh mục
UC