Kết quả cuộc bầu cử năm nay ắt vẫn còn nằm trong tâm trí nhiều người và chắc hắn đã và sẽ còn theo không ít người vào tận bàn tiệc lễ Tạ Ơn vừa qua hay trong mùa lễ đang tới. Dù là vô tình hay không kiềm chế được những cảm xúc, suy nghĩ của mình về câu chuyện bầu cử nói riêng hay các vấn đề chính trị nói chung, đề tài này có nguy cơ làm hỏng không khí buổi tiệc và gây nên những tranh luận có thể làm mất hòa khí giữa các thành viên trong gia đình hay bạn bè. Đối diện với vấn đề này ra sao?
Ngay trước lễ Tạ Ơn, CNN/ORC làm thăm dò và cho biết, có khoảng 53% dân Mỹ bảo rằng họ sợ phải rơi vào các cuộc trò chuyện về vấn đề chính trị trên bàn tiệc ngày lễ. Nỗi e ngại quả có thật vì có đến 43% người được thăm dò cho biết họ có nhiều bức bối để chờ dịp đào sâu vào vấn đề này, trong đó những người theo hay ủng hộ đảng Cộng Hòa mang xu hướng này cao hơn, đến 58%. Với một kết quả bầu cử đầy tranh cãi và khi hầu hết dân Mỹ (85%) nhìn nhận rằng nước Mỹ đang bị chia rẽ (cũng theo thăm dò CNN/ORC), các cuộc tranh luận, binh chống sẽ còn len lỏi vào trong nhiều gia đình, trên các bàn tiệc…, cách này hay cách khác. Mối quan hệ và hòa khí trong gia đình, bạn bè có nguy cơ bị xấu đi nếu mỗi người chỉ hành xử thiếu tự chế theo cảm tính và cảm xúc cá nhân.
Thật ra các cuộc trò chuyện về chính trị hay nhu cầu bày tỏ chính kiến là điều cần thiết trong các xã hội dân chủ và là một xu hướng công dân tích cực. Nó cho thấy người dân quan tâm đến các vấn đề thời cuộc, ý thức được sức mạnh quyền công dân của mình khi lên tiếng về các vấn đề chính sách quốc gia và điều hành chính phủ, để từ đó chính phủ có những cải đổi phù hợp với người dân hơn. Ðây là điều mà các thể chế độc tài không bao giờ mong muốn hay trên thực tế, đã đàn áp những công dân có trách nhiệm và lên tiếng về các vấn đề quốc gia. Quyền tự do ngôn luận, một quyền phổ quát và căn bản của con người trong xã hội này có khi phải trả bằng một giá rất đắt tại một xứ sở khác. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng cần ý thức rằng, quyền tự do ngôn luận này chỉ có giá trị và ý nghĩa tích cực giữa công dân với chính phủ cùng những vị dân cử, chứ không phải giữa các cá nhân hay các tổ chức dân sự với nhau. Sự “tự do” của mình không đồng nghĩa việc tấn công vào cá nhân và quyền tự do bày tỏ ý kiến của người khác. Bởi không khéo nó sẽ gây mối bất hòa giữa các cá nhân, tạo sự chia rẽ về các sự khác biệt ý kiến và chính kiến, như những tranh luận về vấn đề bầu cử nói trên.
Người ta thường bảo nhau, “đừng bàn chuyện chính trị và tôn giáo” hay câu nói mở miệng của không ít người rằng, “tôi không thích nói chuyện chính trị”, thì cũng chính họ, vô tình hay cố ý, những bàn luận và câu nói, thái độ của họ lại khơi mào cho các cuộc tranh luận chính trị. Chẳng có cách nào và cũng chẳng ai đủ thẩm quyền để kiểm soát lời nói và thái độ người khác, nó khó khăn không kém như việc tự kiềm chế mình trong các cuộc tranh luận liên quan đến chính kiến, niềm tin của chính mình. Nên dăm sự chuẩn bị và suy nghĩ khi gặp phải những điều này trên bàn tiệc ngày lễ cũng là điều cần thiết.
Những vấn đề luôn thích hợp trong các cuộc trò chuyện vẫn luôn là âm nhạc, điện ảnh, thể thao, lễ hội hay các trao đổi về con cái, hoạt động gia đình… Những vấn đề nhạy cảm hơn như chính trị, tôn giáo, giới tính nếu không khéo kiểm soát, dẫn dắt và tự chủ sẽ dễ tạo tranh cãi, chia rẽ. Chúng ta phải ý thức và hiểu được những người đối diện là ai, tính cách ra sao, lẫn các diễn tiến có thể xảy ra trước khi tham gia vào các cuộc trò chuyện như vậy. Có khi bạn cố tình né tránh việc khơi mào hay tham gia những cuộc tranh luận như vậy, nhưng bất thần một người nào đó bỗng khơi mào bằng một câu nói hay tấn công chính trị một chiều, quá khích, bạn phải xử trí làm sao? Các nhà tâm lý cho rằng bạn không có bổn phận phải đáp trả hay bị lôi kéo vào những lời lẽ như vậy hay không cần phải nêu ra những điều mình suy nghĩ. Ðừng “mắc mồi” và đáp trả lại điều có thể dẫn đến sự bùng phát các phản ứng khó lường. Nếu bạn là người trung dung và không tham gia cuộc tranh luận, bạn cũng có thể không cần là chủ nhà để lèo lái câu chuyện về hướng an toàn hay giúp “hạ hỏa” giữa hai bên. Tuy nhiên không phải lúc nào những người dự phần cũng có thể làm được điều này và nếu không tránh được sự tranh luận, thì bạn cũng nên tỏ ra là một người biết cách hành xử. Một thái độ trầm tĩnh cho đến việc kiểm soát âm giọng của mình có thể giữ cho cuộc tranh luận không tăng nhiệt. Sự tấn công cá nhân sang đến lời lẽ xúc phạm có thể dẫn đến sự bất hòa khó hàn gắn.

Nếu bạn là bên “phe thắng cuộc”, hãy bày tỏ sự thông hiểu với những cử tri đang thất vọng, giận dữ với kết quả và “nhường” cho họ quyền bày tỏ cảm xúc của mình. Nếu bạn tiếp tục tranh luận, khăng khăng với luận điểm của mình hay cắt lời và chỉ trích người đối diện bằng một thái độ hả hê của bên chiến thắng, đó là bạn đang “châm dầu vào lửa”. Hãy học hỏi tinh thần thượng võ trong thể thao: kẻ thắng nên an ủi, thông cảm bên thua. Nếu bạn là người bên thua cuộc, hãy chấp nhận luật chơi rằng, “trận đấu” đã xong, mọi chuyện đã kết thúc. Ðiều này không có nghĩa là bạn không có quyền bày tỏ cảm xúc của mình. Nhưng hãy chọn một môi trường “an toàn” hơn bằng cách chia sẻ với những người cùng tâm trạng, cùng chính kiến. Cũng đừng sử dụng facebook và các trang mạng xã hội, nơi lẫn lộn các ý kiến và hành xử đầy cảm tính khác, có thể kéo bạn vào những cuộc tranh luận và thất vọng khác. Nói cách khác, là bên thắng hay thua, bằng thái độ tôn trọng và thông hiểu cảm xúc người đối diện là điều cần thiết. Ðó là thái độ chín chắn của một người trưởng thành đúng nghĩa và người chung quanh nhìn vào, biết được bạn là ai, và như thế nào.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, các nhà xã hội học và các thăm dò cho thấy cuộc bầu cử năm nay đã gây ra những ảnh hưởng và tác động xấu trong các mối quan hệ gia đình và bạn bè, đồng nghiệp khi có những khác biệt trong sự chống đối hay ủng hộ các ứng viên tổng thống. Cha mẹ theo Cộng Hòa giận dữ con cái ủng hộ Dân Chủ hay ngược lại. Vợ chồng bất hòa vì chồng thích Trump trong khi vợ cổ vũ cho Hillary. Bạn bè, anh em “unfriend” trên facebook, không nhìn nhau vì các bất đồng chính kiến. Hãy tôn trọng sự khác biệt và nhớ rằng, những tình cảm gia đình và bạn bè luôn đứng trên các vấn đề thời cuộc nhất thời.
ÐYT