Cách đây mười năm, tôi được mời dự một bữa tiệc về hưu non của một người quen sau ba mươi năm làm việc ở xứ người. Việc nghỉ hưu sớm, theo lời ông, làm việc gần bao năm ấy trời là quá đủ với một người từng làm công chức trong Bộ Cải cách điền địa và Phát triển nông ngư mục ở Sài Gòn thời trước. Riêng ông, ở nhà không buồn chán như nhiều người vẫn nghĩ. Đất vườn phía sau tương đối rộng rãi cho một vườn rau trái tự trồng và cơi nới một góc patio thành chuồng nuôi chim cút. Chim cút, ông mua ở chợ trời gia cầm ở Fort Worth đâu chừng 3, 4 đô một con, đem về nuôi, tháng sau là đẻ.

Khi tôi nghĩ đến chuyện nuôi chim cút ở Sài Gòn thuở cuối thập niên 1960, gọi điện gặp ông tìm hiểu đôi chút thì ông không còn nữa. Tiếc rằng, thời gian trước tôi không ghi chép đầy đủ những câu chuyện giật gân Sài Gòn trong phong trào nuôi chim cút nở rộ khiến nhiều người lâm vào cảnh lao đao trong đó có gia đình ông.
Nhiều người lớn tuổi chắc còn nhớ phong trào “chim cút đẻ trứng vàng” ì xèo trên các mặt báo Sài Gòn ngày trước. Ngay má tôi, một người buôn bán nhỏ, không quan tâm đến thời cuộc kinh tế, vẫn nghe lời mách nước của bạn hàng, mua mười con chim cút về nuôi lấy trứng để bán cho mối lái đến nhà thu mua từng đợt. Cút đẻ sai, má tôi gia tăng thêm mười con nữa. Ðóng chuồng lưới đàng hoàng, nếu thành công sẽ gia tăng đàn cút. Nhưng cuối cùng, mọi chuyện không như mong muốn, trứng ế bán rẻ, tính ra lỗ lã và chỗ nuôi cút trong nhà trở thành nơi kiếm mồi ngon cho lũ chuột cống.

Thuở lên mười, tôi đã nhận thức được rằng chuyện cút “đẻ ra vàng”, là cách nói ví von cho chuyện giống chim cút nhà đẻ trứng sai hơn bất kỳ loài gia cầm nào. Chim con nuôi chừng hai tháng là bắt đầu đẻ trứng, kéo dài đến 9 tháng, đều đều mỗi ngày cho một quả trứng. Sau đó năng suất trứng giảm, cút đem ra bán thịt, lại gầy đàn mới nuôi chim một tháng tuổi. Ðó là cách nghĩ của má tôi, một người luôn có đầu óc tính toán quen thuộc trong chuyện mua bán, thấy rõ hiệu quả làm ăn tuy nhỏ nhưng một vốn bốn lời. Nuôi cút không cần diện tích rộng như nuôi gà công nghiệp. Có một chuồng cút trăm con là sống khoẻ nhờ vào nguồn trứng bán chạy như tôm tươi cho các nhà hàng và lại có giá so với trứng gà trứng vịt.
Tôi là người chăm sóc đàn cút mỗi ngày, từ nước uống, cho ăn, quét dọn phân. Ban đêm thì lo đốt đèn, có khi cúp điện tôi mang cả cái đèn dầu hột vịt đựng trong cái lon sữa bò vào treo giữa chuồng cho đàn cút ăn nhiều, đẻ nhiều để sáng vui mừng nhặt được hai chục trứng cất vào cái rổ. Vài ngày sau rổ trứng vun lên. Tôi mê mẩn nâng niu từng trứng trước khi đem bán cho một tiệm chạp phô trong xóm. Ông chủ tiệm người Tàu, mỗi lần thấy tôi mang hàng tới, mặt vui tươi, cười nói trứng cút bán chạy lắm, có bao nhiêu nị mang đến đây ngộ mua hết, lại có giá cao. Má tôi nuôi cút vì muốn tăng thêm thu nhập cho gia đình, cũng như bao nhiêu người khác ở Sài Gòn hồi đó.

Nhìn thấy chuồng cút treo trên vách gọn gàng, sạch sẽ của ông về hưu nói trên, tôi lại nhớ hồi xưa má tôi cũng nuôi kiểu đó nhưng chuồng lại đặt trên nền ở góc bếp. Nuôi chuồng treo không sợ lũ chuột cắn mất chân cút như chuồng đặt trên mặt đất. Cám ăn rơi vãi, là thức ăn ngon cho lũ chuột nhắt; còn mấy ngón chân của cút thọt qua ô lưới lại làm mồi cho đám chuột lớn, chúng gặm chân kéo xuống, cắn mất bàn chân. Mỗi lần tôi thấy một con cút cú rũ, đứng lặng lẽ góc chuồng run run cái chân còn lại, là hôm đó tôi tìm lũ chuột, đặt bẫy trả thù, cố tóm một con cho lên giàn hỏa.
Trứng cút tốt cho não vì có chất lecithin và cephalin cao gấp ba lần trứng gà. Cả hai chất này cần thiết để bồi dưỡng cho những người làm công việc sử dụng trí óc. Nhiều sinh tố B2, D giúp tăng cường trí nhớ, hàm lượng cholesterol thấp và chất béo dung hòa làm giảm mỡ máu và cao huyết áp. Nhiều người ví von thịt cút là “nhân sâm động vật”. Nói chung, thịt cút trứng cút đều bổ nhưng ít người mua, ngoại trừ khi nhà có tiệc tùng lễ lạt thì mấy bà mới mua chim cút làm món rô-ti hay chiên bơ.

Lúc sinh tiền, ông cụ luôn hối tiếc sao đã học về ngành nông nghiệp mà lại mê muội chạy theo những chuyện người ta xúi “ăn cứt gà”. 5,000 đồng một cặp cút giống thời năm 1970, bằng gần 20 đô la bây giờ, tôi mua chẳng nói. Ðằng này giữa năm đó cút giống tăng lên 10 ngàn, rồi 15 ngàn đồng một cặp, gặp đà cút đẻ ngon lành bán trứng thu được tiền đầu tư ban đầu, tôi mua thêm 200 cặp nữa. Sau vài tháng nuôi, trứng cút, cút thịt rớt giá, mấy triệu đồng đầu tư chuồng trại, mua trữ cám ăn, mấy trăm cặp cút giống lần lượt ra đi khi giá cút giống tụt xuống ngàn đồng một con. Trứng ứ hàng, bán như cho không. Tiếc đứt ruột! Cũng tại lúc đó mấy người bạn của tôi một hai năm trước đó nuôi cút mà lên hương đổi đời. Báo chí Sài Gòn đưa tin giá cút gia tăng mỗi ngày chóng mặt, thị trường thu mua thịt và trứng cung cấp không đủ cho nhà hàng khắp các tỉnh thành miền Nam. Thấy ham, ban đầu kiếm được chút ít, nhưng cuối cùng tan thành mấy khói.
Trong hồi ký của ông Dương Văn Ba cựu Dân biểu VNCH năm 1967-1971 có viết về mánh báo chí lăng xê các mưu đồ mua bán, lũng đoạn thị trường: “Quý vị độc giả có tuổi có thể nhớ lại chiến dịch nuôi chim cút khoảng năm 1965-1966. Một cặp chim cút mua từ Hồng Kông mang về phải trên một ngàn đô la. Gian thương Hồng Kông và Chợ Lớn đã hợp tác nhau mướn báo chí lăng xê chim cút biết đẻ ra trứng vàng làm cả Sài Gòn và một số tỉnh lớn ở miền Nam như Cần Thơ, Biên Hoà, Mỹ Tho ùn ùn đổ tiền ra đi mua chim cút về nuôi.

Chim cút ăn vào cường dương, hồi sinh, sung mãn. Trứng cút ăn nhiều trị được bịnh hen suyễn, dị ứng kinh niên. Báo chí thời đó, nhứt là báo Trắng Ðen, đã đi tiên phong và đưa phong trào nuôi chim cút lên ào ạt. Sau khi đã hốt được hàng chục triệu đô la của dân có máu buôn chợ đen, dân đầu cơ Sài Gòn, Chợ Lớn, đám đại xì thẩu Hồng Kông bắt đầu cho quả bóng chim cút xẹp xuống thật nhanh. Chỉ trong vài tuần lễ không còn ai mua chim cút với giá cao nữa. Biết bao gia đình đã điêu đứng vì cao trào chim cút. Lúc đó mới vỡ lẽ ra: có một bọn gian thương quốc tế mua chuộc báo chí để thổi phong trào lên mà hốt đô la. Chính quyền cũ không màng đến các suy sụp, do đầu cơ trong tình hình kinh tế, nên không hề truy tìm nguyên nhân và thủ phạm”.
Phải đến mấy năm sau, báo chí mới phanh phui vụ lừa gạt trắng trợn phong trào nuôi chim cút bắt đầu từ một chiêu làm náo loạn thị trường của tay xì thẩu người Hoa tên là Lý Long Thân. Ngay cả người Hoa sống trong Chợ Lớn cũng khồng hề biết đến cái tên ông “vua không ngai” làm chủ 11 ngành sản xuất dịch vụ và 23 hãng xưởng lớn, trong đó có hãng dệt Vinatexco, Vimytes, hãng nhuộm Vinatefinco, hãng cán sắt Vicasa, dầu ăn Nakyco, hãng bánh ngọt Lubico, cũng như mấy cái ngân hàng, khách sạn, hãng tàu vận tải đường biển. Báo chí Sài Gòn chỉ bật mí một ít tư liệu về ông vua không ngai đình đám trong số tư bản người Hoa là chồng của cô em gái nuôi của bà Mai Anh – phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ðằng sau mối quan hệ chính trị kinh tế này là điều nhiều người Sài Gòn không bao giờ biết được. Ngay cả hình ảnh của Lý Long Thân không bao giờ xuất hiện trên mặt báo, chỉ những người làm ăn lớn hay chính quyền mới biết được mặt thật của ông vua không ngai.
Chiến tích “sốt chim cút” là một trong những mánh khoé làm ăn của Lý Long Thân, cũng như nhiều vụ xôn xao ở Sài Gòn khác như vụ tàu giấy Viễn Ðông buộc phải bán lại cho công ty Ðại Nam của Lý Long Thân với giá giảm phân nửa vì tin vịt giấy in báo, giấy tập học trò đang hạ giá. Nhưng dù sao, mọi người Hoa làm ăn lớn đều công nhận xì thẩu Lý Long Thân là bậc thầy trong những cú áp phe. Một tháng trước khi Sài Gòn sụp đổ, Lý Long Thân bay sang Hồng Kông, an nhàn sinh sống tại hòn đảo này và từ đây không còn ai biết tin tức gì về ông vua không ngai làm điêu đứng dân Sài Gòn một thời với cơn sốt “chim cút đẻ ra vàng”.
TN