Menu Close

Samdech Hun Sen, Cambodian Prime Minister

Capture

Nếu ai đó đã từng like trang FB “Samdech Hun Sen, Cambodian Prime Minister” của Thủ tướng Hun Sen, thì họ cũng y như tôi sẽ được FB thường xuyên thông báo cho biết hoạt động của trang ấy! Gần như hàng ngày, thậm chí mấy lần/ngày được thông báo trang ấy vừa cập nhật thông tin, hay đang trực tiếp live stream các hoạt động của ông Hun Sen, bất kể là buổi tối …

Tôi không tin rằng ông ấy trực tiếp quản lý và cập nhật thông tin cho trang. Nhưng cho dù là thuộc cấp của ông ấy quản lý, thì xem ra ông ấy đã có sự tương tác với công chúng (bao gồm dân chúng của ông ấy và thế giới bên ngoài) hơn bất kỳ quan chức lãnh đạo nào trong chính quyền VN. Nói về sự tương tác, chắc mọi người còn nhớ vào hạ tuần tháng 8/2016, trước câu nói của một Fbker người Việt cho rằng ông ấy phản bội Việt Nam, thì ông ấy đã trả lời “Việt Nam có phải cha tôi hay Quốc vương của tôi đâu ? Tôi trung thành với người dân Cambodia, với Quốc vương và với vợ yêu của tôi. Việt Nam không phải chủ của tôi”.

Tay FBker người Việt kia đã được đích thân ông thủ tướng Cambodia trả lời trên mạng xã hội! Theo đó, nghĩ xem, đã từng có người dân Việt nào được lãnh đạo của chính mình tương tác như thế chưa ?

Không người Việt nào không biết nhân vật Hun Sen đã được tạo dựng như thế nào? Từ đâu? Nhưng sau khi rời chiếc “nôi đỡ”, cộng với năm tháng được thả nổi tôi luyện trong chính trường có đối lập, nhân vật Hun Sen đã trở thành một chính khách lão luyện bật nhất tính trong phạm vi Đông Dương.

Tuy vẫn bị phe đối lập phê phán về chính trị, nhưng so với lân bang lớn như Việt Nam, thì nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa và kể cả khoa học kỹ thuật… của Cambodia đã vượt mặt và trở thành bài học cho lân bang.

Về chính trị: Năm 1991, khi chưa có chính phủ liên hiệp, thì chính quyền CS non trẻ của ông Hun Xen đã mạnh dạn ban hành luật biểu tình, thì một phần tư thế kỷ sau đó, “đàn anh” VN của họ đến nay vẫn còn loay hoay với dự án luật biểu tình. Năm 1993, Đảng của ông Hun Xen đã chấp nhận sinh hoạt chính trị đa đảng trong nước…

Về kinh tế: Tháng 11/2016, một đoàn quan chức Sóc Trăng thuộc một quốc gia đã từng tự hào là vựa lúa Đông Nam Á – VN đã phải qua đấy để học tập về chính sách sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.

Về khoa học kỹ thuật: Năm 2015, Cambodia sản xuất được ô tô chạy điện, năm 2016 họ sản xuất được ô tô chạy điện điều khiển bằng smart phone, đồng thời, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến.

Nhân đó, tôi đã từng nghĩ tại sao không học tập họ tất cả những vấn đề thuộc thượng tầng như chính trị chẳng hạn? Hay hạn hẹp hơn, truyền thông cho cá nhân bằng sự tương tác trên mạng xã hội?

Bạn có từng tưởng tượng sẽ có một trang Fanpage Nguyễn Phú Trọng tương tác với công chúng Việt để trao đổi về chính những nan đề “hot” của họ như “suy thoái”, “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa” hoặc những vấn đề công chúng quan tâm như “dân chủ”, “tham nhũng” … ? Qua đó, chắc ông Trọng sẽ biết công chúng đang suy nghĩ gì, họ muốn gì và chắc ông cũng sẽ có những quyết sách hay tuyên bố bớt “lú” đi chăng? Ảo vọng phải không?

Ngoại trừ ông tướng công an Tô Lâm có lập một trang Fanpage riêng trên mạng xã hội, thì đã có ai trong số các quan chức lãnh đạo cao cấp của chính quyền hiện nay cũng đã làm điều đó? Nếu chưa, chẳng xấu mặt khi họ nhờ ông Hun Xen chỉ dạy cách làm nhỉ, chí ít cũng vì “ơn” cũ!

Cho nên, câu chuyện ông hoàng Sihanouk đã nói: “Ở Cambodia có 100 người thì hết 99 người ngu, còn ở Việt nam 100 người thì hết 99 người khôn. Nhưng cái may mắn là ở Cambodia 1 người khôn lại lãnh đạo 99 người ngu…” dù thật hay không, thì cũng đã dựa trên một sự thật hiển nhiên.

  • Fanpage của ông Hun Xen: https://www.facebook.com/hunsencambodia/

Nguồn Facebook Manh Dang