Menu Close

Bob Dylan & Giải Nobel văn chương 2016

How many roads must a man walk down before they call him a man?

How many seas must a white dove sail before she sleeps in the sand?

How many times must the canon balls fly before they’re forever banned?

The answer, my friend, is blowin’ in the wind

The answer is blowin’ in the wind…

 

có bao nhiêu con đường một người phải đi

trước khi bạn gọi người ấy là người

có bao nhiêu biển khơi để con bồ câu trắng vượt qua

trước khi nó nằm ngủ mơ trong cát

và có bao nhiêu đạn pháo bay ra khỏi nòng

trước khi những khẩu súng bị cấm tuyệt

câu trả lời. bạn ơi. Ðang bay trong gió

câu trả lời. gió cuốn bay đi

bob-dylan
Bob Dylan và “Blowin’ in the Wind” – nguồn Joy Roy Choudhury’s Web Log

Ðêm qua, một lần nữa mình lại mở nghe Bob Dylan hát Blowin’ in the Wind. Vẫn giọng nhừa nhựa ấy đưa ca từ bài hát lên thành một nỗi ám ảnh. Năm thập kỷ đã trôi qua và ngày 10 tháng 12 tới đây Bob sẽ được vinh danh trong lễ trao giải văn chương ở Stockholm, Thụy Ðiển. Anh chàng du ca lãng tử ấy nói rằng sẽ không có mặt, chẳng biết tới giờ cuối gã có đổi ý để tới tham dự không.

Ai cũng biết Bob Dylan là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hoá Mỹ suốt 5 thập kỷ qua và được coi là người đại diện xuất sắc nhất cho thế hệ mình. Ca khúc “Blowin’ in the wind” được giới trẻ Mỹ thời đó tôn thờ, dẫn lối cho họ trong nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam vì lời lẽ giản dị và đi vào lòng người. Ông được coi là tượng đài văn hóa thế kỷ 20 và được mệnh danh là “lãng tử du ca”. Bob Dylan vốn được vinh danh là một tượng đài âm nhạc Mỹ trong việc chắt lọc ngôn từ đưa vào ca khúc của mình.

Người viết những dòng này từng có cảm tình với Bob Dylan. Từ những ngày xa xưa rong chơi với Ðinh Cường và Trịnh Công Sơn cho tới gần đây. Thật vậy, thời còn trẻ, qua những điều Trịnh Công Sơn cho biết, Nguyễn đã đặc biệt chú ý tới hai huyền thoại âm nhạc của nước Mỹ và cả thế giới: Bob Dylan và Joan Baez. Yêu mến nhưng vẫn có chút hờn giận vì cả hai đã có cái nhìn không đúng và thiếu công bằng về cuộc chiến Việt Nam. Ngay cả Trịnh Công Sơn cũng vậy. Nay thế giới đã thay đổi, cuộc đời đã thay đổi, những ca sỹ/nhạc sỹ yêu mến của Nguyễn đã có thêm nhiều kinh nghiệm để nhìn cho rõ mặt người và hình và tướng của một thời.

bob-dylan1
Bob Dylan được đề cử trao giải Nobel Văn Chương 2016 – nguồn slate

Thời gian trôi qua. Qua chiến tranh, qua ngục tù, qua những năm đói khổ tàn khốc của Sài Gòn… Nguyễn tới được Mỹ và làm báo, viết báo. Có dịp đọc cái này cái khác. Nguyễn được biết thêm về Bob Dylan. Anh chàng và Joan Baez từng có mối tình ngắn ngủi với nhau ghi lại trong Diamonds & Rust (Kim Cương và Rỉ sét): Tội thân em quá / bóng ma của anh lại hiện về / Nhưng đó không phải là điều khác thường / Mà chỉ tại vầng trăng tròn / và tình cờ anh gọi đến…

Thế rồi ngày 10/04/2011, Bob Dylan đến Việt Nam. Trong các khán giả nôn nóng chờ đón Bob Dylan, có Ðỗ Trung Quân, nhà thơ nổi tiếng. Trả lời đài RFI, Ðỗ Trung Quân cho biết anh rất tâm đắc với bài hát Times They Are a-Changin’ (Thời đại đang thay đổi) của Bob Dylan mà tính thời sự ngày nay vẫn tồn tại. Ðã có khoảng từ 5,000 đến 6,000 khán giả đến nghe Bob Dylan hát, và đều tỏ ra rất thích thú. Ở Sài Gòn, cũng như tại Trung Quốc trước đó, Bob Dylan đã không trình diễn (hay không được trình diễn?) hai ca khúc tiêu biểu đã từng gắn liền với tên tuổi của anh. Ðó là bài Times They Are A-Changin’, và bài Blowin’ in the Wind, với nội dung phản kháng rất mạnh. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ Human Rights Watch cho rằng Bob Dylan lẽ ra phải thấy xấu hổ vì việc này.

Bây giờ lại có tin Nobel Văn Học 2016 được trao cho Bob Dylan, người theo Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển đã tạo ra những hình thức diễn đạt thi ca mới và đã “mang lại hơi thở cho thi ca”.

Việc trao giải Nobel Văn Chương cho Bob Dylan đã gây ra nhiều tranh cãi. Có nhiều người ca tụng -trong đó có một vài tên tuổi lớn, tuy nhiên cũng có nhiều tác giả không chấp nhận. Ðồng ý Bob Dylan có một sự nghiệp văn hóa lớn. Tuy nhiên dù thành tựu của Dylan có chứa ít nhiều chất văn chương cũng không thể nào ngang bằng với thành tựu của những nhà văn khác, như Phillip Roth, Marilynn Robinson, Joyce Carol Oates, Haruki Murakami (Nhật) hay Ngugi wa Thiong’o (Kenya), vốn được dư luận xem là những người đứng trong phòng chờ giải Nobel văn chương từ lâu. Nhà văn Rabih Alameddine không tiếc lời phê phán cung cách chọn lựa của Hàn Lâm Viện; ông so sánh việc tặng giải lần này cho Dylan cũng như trước đây tặng cho Winston Churchill giải văn chương 1953 là một điều “ngu xuẩn”. Nhà văn Pháp Pierre Assouline gốc Ma Rốc thì cho rằng đó là một điều “khinh thường các nhà văn.”

Các nhà thơ nhà văn Việt Nam cũng có nhiều ý kiến. Một số tỏ ra không mấy hào hứng trong việc trao giải này. Một số khác như Lý Ðợi thì phản đối. Nhà thơ -facebooker Phan Nhiên Hạo- cũng vậy và ý kiến của anh, theo Daniel Văn, được nhiều người trong giới văn chương đồng tình: “Văn chương” mà Bob Dylan được trao giải là lời trong những ca khúc của ông. Những ca từ này, khi không đi kèm với đàn hát, chỉ là những bài thơ với ngôn từ nghèo nàn, cấu trúc đơn điệu, ý tưởng bình dân. Và dĩ nhiên chúng phải là như vậy, như tất cả lời của các bài hát phổ thông. Ca khúc không phải là nơi để thật sự làm thơ. Cố gắng đọc lời của các ca khúc như những bài thơ độc lập là việc làm vô nghĩa. Trong thời cổ đại, nhạc và thơ có thể nhập nhằng, nhưng trải qua hàng ngàn năm tiến triển, chúng đã trở thành những lãnh vực khác nhau. Không có lý do gì để đi thụt lùi. Bob Dylan là một ca nhạc sĩ tài năng, một gương mặt lớn của văn hóa đại chúng, nhưng đem ca từ của ông đặt cạnh tác phẩm của những nhà thơ thuần thành thì chúng chỉ là những tác phẩm sơ sài… Ủy ban Nobel trao giải văn chương 2016 cho Bob Dylan vì họ nghĩ làm như vậy là mở rộng biên giới của văn chương, đem văn chương đến với quần chúng. Ðối với tôi đây lại là một thỏa hiệp đáng buồn. Trong thời buổi người ta ngày càng ít đọc sách, giải thưởng càng nên được trao cho một nhà văn thuần thành nhằm vinh danh nỗ lực sáng tạo văn chương, khuyến khích người đọc tìm hiểu những tác phẩm giá trị. Trao giải văn chương cho Bob Dylan, một nhạc sĩ, một nhân vật của văn hóa phổ thông vốn dĩ đã rất nổi tiếng, Ủy ban Nobel chỉ tỏ ra là những kẻ xu thời.”

Nguyễn mặc dù có lúc yêu thích Bob Dylan nhưng cũng như một số anh em làm thơ Nguyễn tôi không được hào hứng lắm với việc trao giải Nobel Văn Chương cho Bob Dylan. Ðành rằng Bob Dylan là một tượng đài của văn hóa Mỹ và ông có nhiều ca khúc có thể coi là hay xét về mặt ca từ, như Times They Are A Changin’, Blowin’ in the Wind, Knocking on Heavan’s Door… Tuy nhiên chừng đó thôi thì chưa đủ để trao một giải văn chương tầm cỡ thế giới. Phải chăng “Giải Nobel văn chương 2016 cho thấy sự hoang mang của trí thức phương Tây trước văn hóa đại chúng, đặc biệt là sức mạnh vũ bão của mạng xã hội. Nỗi hoang mang không phải là không hèn nhát.” Cuối cùng có lẽ nên đồng ý theo nhà văn Trần Doãn Nho viết trên báo Người Việt Online, “Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển nên đổi tên giải. Chẳng hạn như giải “Nobel Văn Học Nghệ Thuật.” Tên này có nội hàm bao quát hơn đưa đến việc xét duyệt nhiều thể loại hơn. Với tên gọi này, việc trao giải Nobel cho Bob Dylan là hoàn toàn chính đáng.”

TN – Tổng hợp