Khoảng thập niên 90 thế kỷ 20, làng báo Việt Nam rộ lên câu chuyện “Cô bé bán khoai đậu ba trường đại học”, ca ngợi cô bé hết lời chịu thương chịu khó, sáng ra chỉ có củ khoai luộc hay chén cơm nguội lót dạ trước khi đi học. Có người đem chuyện nói với tôi, tôi nói: “Có củ khoai, chén cơm nguội, có tiền mua đến ba bộ hồ sơ nộp, có chi phí đi thi đại học đến ba trường là giàu hơn tao rồi. Thi rớt trường này còn hy vọng đậu trường khác. Tao ngày trước củ khoai, chén cơm nguội cũng không có mà ăn. Chỉ có tiền mua đúng một bộ hồ sơ nộp vô duy nhất một trường, đủ tiền chi phí đi thi có một trường, lọt trường đó là thôi luôn, không có cửa vô trường thứ hai, thứ ba”.

Quả thật, thời đó chén cơm nguội rang ăn buổi sáng vẫn là mơ ước của nhiều người dân nghèo Việt Nam thập niên 80, cái thời mà gạo mua theo tem phiếu từ cửa hàng lương thực chỉ đủ ăn một ngày hai bữa cơm là quý lắm rồi, có dư đâu đến bữa ăn sáng ngày hôm sau. Nước ròng lội xuống bãi sình mé sông bắt được vài chục con còng gió nhỏ bằng đầu ngón tay đem về lột bỏ cái mai rang với nắm muối cho đến khi nó khô rang làm thức ăn ăn cơm đã là hạnh phúc. Cảnh sát kinh tế chỉ làm mỗi cái nhiệm vụ là đi rình bắt người nào tự ý mổ heo đem bán mà không bán heo cho hợp tác xã (kêu là “heo lậu”), bắt người dân từ nông thôn chở gạo ra thành thị bán cho dân thành thị mà không bán gạo cho hợp tác xã (kêu là “gạo lậu”), bắt cả xi măng, đường mía, phân bón, thuốc tây, quần áo cũ, vải. Còn mấy người mua đi bán lại “đồ lậu” trong Nam kêu là “đi mánh”, ngoài Bắc gọi là “con phe” thì ngày nào không bị cảnh sát kinh tế rượt chạy ngời ngời ngày đó ăn cơm không ngon miệng.
Nói đến vải tôi lại nhớ chuyện chỉ có xứ “thiên đàng xã nghĩa” mới có chuyện bán vải may quần áo theo ký lô. Vải người ta đo bằng thước chớ có ai cân ký lô bao giờ. Vậy mà cuối năm, vải phân phối về theo hộ gia đình, đếm đầu người mà cân ký vải. Chẳng biết cái hợp tác xã trời ơi đó lấy vải ở đâu đem bán cho dân toàn là vải khúc chớ không nguyên cây, mà nó đủ thứ bông hoa, sọc siếc, dày mỏng tùm lum hết. Vậy là bọn họ “cân” trước cho gia đình quan chức, tha hồ lựa loại vải mỏng mà khúc dài nhưng lại nhẹ cân, tất nhiên sẽ được số thước vải nhiều hơn. Loại “phó thường dân” như nhà tôi mua sau, còn lại toàn vải dày, khúc ngắn, lại nặng cân. Hậu quả là tiêu chuẩn vải cho bảy người trong nhà chỉ đủ may được quần áo mới cho bốn đứa nhỏ nhứt. Từ tôi trở lên người bự chân dài vải không đủ chiều dài để may cái quần. Mà may áo cho người lớn thì mấy đứa nhỏ không có quần áo mới ăn Tết thì nó kêu la khóc lóc chịu sao thấu, thành ra người lớn phải chịu “lép” vậy.
Tôi nhớ cô giáo dạy trong trường tôi học lúc đó ngoài giờ lên lớp ở trường, cô còn kiêm thêm nghề “bán thuốc Tây lậu”. Có lần, cha tôi sai tôi đi mua một vỉ thuốc Anagine là loại chữa nhức đầu, cảm sốt. Sau khi đi loanh quanh từ ngõ này sang hẻm khác theo sự chỉ dẫn của cha tôi, mắt trước mắt sau như đi ăn trộm, tôi bất ngờ chạm mặt người bán thuốc Tây “lậu” là cô giáo mình. Cô đang đeo một cái túi xách bằng vải trên vai. Cô nhận ra tôi hay không tôi không biết, nhưng cả hai người cùng im lặng, dấm dúi đưa tiền, dấm dúi lấy thuốc trong túi xách ra bán thiệt nhanh rồi mạnh ai nấy “biến” ra khỏi chỗ đó cho lẹ.
Quay lại chuyện làm cơm rang nước mắm phải có cơm nguội. Nếu cơm mới nấu phải để cho nguội đi. Thấm tay vô nước lạnh bóp cơm nguội rời ra từng hột. Lấy cái chảo lớn sâu lòng bắc lên bếp, cho lửa lớn, cho vô vài muỗng canh dầu ăn. Chờ dầu sôi lên bỏ vô chừng một củ tỏi đã lột vỏ, đập hơi dập dập. Dùng cái dá lớn đảo cho tỏi đều trong chảo, chờ tỏi hơi vàng một chút là đổ cơm vô rang cho thấm dầu ăn thiệt đều. Ðừng chờ tỏi quá vàng bốc mùi thơm mới cho cơm vô chảo, bởi lẽ khi ta rang thì tỏi sẽ tiếp tục vàng thêm, tỏi vàng mới đổ cơm vô rang tỏi sẽ bị khét, ăn không ngon nữa. Rót sẵn ra cái chén nhỏ vài muỗng nước mắm ngon. Rang cơm cho thiệt nóng đều rồi rắc chút ít bột ngọt vô cơm (ít nhiều tùy theo khẩu vị), tiếp tục đảo cơm cho thiệt đều, tới lúc thấy hột cơm se lại, hơi khô khô và ngả màu vàng vàng thì dùng cái muỗng múc nước mắm đã rót trong chén ra, vừa rưới đều vô chảo vừa đảo cho cơm thấm đều nước mắm. Chờ đến lúc cơm se khô trở lại thì đập cái trứng gà (hoặc trứng vịt) vô chảo, tiếp tục dùng cái dá đảo trộn cho trứng tan đều bám vô từng hột cơm, khô lại là được.
Nếu có lạp xưởng thì chiên lạp xưởng trước, cắt miếng mỏng chừng hai ba ly, chờ tới lúc cơm rang khô rồi cho lạp xưởng vô rang thêm một vài phút ở giai đoạn cuối cùng rồi tắt lửa, xúc cơm ra dĩa ăn nóng với dưa leo, cải xà lách, dưa cải chua hay dưa giá.
Nếu thích rang với tôm khô thì tôm khô phải ngâm nước trước cho mềm, rửa sạch, để ráo nước, cho vô chảo xào trước cho thơm xong vớt tôm khô ra để ráo dầu, cho cơm vô xào đến lúc gần xong mới đổ tôm trở vô chảo xào lại chừng một phút là tắt lửa.
Nếu có củ hành tây thì lột vỏ, rửa sạch, cắt hai đầu, xong xắt ra làm bốn theo chiều đứng, bỏ vô chảo xào luôn ăn như ăn một thứ rau, vừa ngọt vừa mát.
Thông thường, rang một chén cơm cho một muỗng cà phê nước mắm và một cái trứng, nếu ai thích ăn nhiều trứng hơn cứ đập thêm trứng vô chảo chớ không cần phải cứng nhắc theo công thức. Hoặc là thích ăn tỏi nhiều hơn cứ “chơi” hai củ tỏi một lúc cũng không sao. Có người thích nêm nhiều nước mắm cho hơi mặn, người thích hơi nhiều bột ngọt, có người không thích bột ngọt, cũng có người thích ăn nhiều trứng, không thích trứng thì cho lạp xưởng hay tôm khô vô, có người thích rang nhiều dầu, người thích ăn nhiều cơm, nói chung thích gì cứ làm nấy, không cần rập khuôn máy móc thì mới thoải mái. Món ăn ngon không cần phải là món có nhiều người khen ngon, hay là nấu bằng nguyên liệu mắc tiền, mà là nấu ra vừa miệng người ăn, ăn xong vẫn còn chép miệng thèm thuồng thì đó mới là món ăn ngon.
Có khi, tôi mua cá nục chuối hấp ở chợ đem về, trụng lại nước sôi cho sạch, để ráo nước rồi chiên lại cho thiệt giòn. Cơm rang xong cho thêm con cá này vô dĩa cơm mà ăn, không cần trứng hay lạp xưởng cũng rất ngon. Có điều không nên ăn với cá trước khi đi học, đi làm, miệng sẽ bị tanh mùi cá, mất công đi đánh răng lại lần nữa sẽ bị trễ giờ.
Thời gian tôi ở Sài Gòn, sáng nào cũng thức dậy sớm làm một chén cơm rang nước mắm ăn trước khi đi làm bằng cái bếp dầu lửa Thăng Long tám tim. Phải nói là vừa đỡ tốn tiền mua đồ ăn sáng, “an toàn vệ sinh thực phẩm”, lại ngon miệng, ăn hết chén cơm rang rồi vẫn muốn ăn thêm chén nữa. Có điều một tháng sau, thấy bị lên cân quá nên tôi không dám ăn cơm rang nữa, đành chuyển sang món khác. Bây giờ kể ra cho người nào thích cơm rang nước mắm biết mà dè chừng, không thôi lại “đổ thừa” tại tôi “xúi dại” mới bị lên cân.
TPT