Tuần này, mục STKH xin tạm ngưng phần giới thiệu các món hàng nên mua làm quà tặng trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới, để trình bày một số ghi nhận về sinh hoạt mua sắm trong những ngày Black Friday và Cyber Monday vừa qua.
Thống kê ngày Black Friday và Cyber Monday 2016
Black Friday 2016 được tuyên dương là “ngày bán (được) hàng nhiều nhất”: 3 tỷ 450 triệu đô la. Kỷ lục này bị Cyber Monday phá vỡ 3 ngày sau đó: 3 tỷ 560 triệu. Tính ra Cyber Monday 2016 bán được nhiều hơn Cyber Monday 2015 đến 12%. Ðiều ngạc nhiên lớn nhất không phải là Cyber Monday 2016 bán nhiều hơn Cyber Monday 2015 mà là Black Friday 2016 bán gần bằng Cyber Monday 2016.
Các chuyên gia phân tích cho rằng thành công này đến từ việc “các công ty đẩy mạnh việc bán hàng đại hạ giá ngày càng sớm chứ không đợi đến gần Giáng Sinh, cộng thêm chiêu bài mua trên mạng, ghé tiệm nhận hàng cùng ngày”.
Mua hàng trên mạng tiện lợi cho khách hàng, có thể mua lúc nào rảnh, ít tốn thời gian hơn, lại có thể so sánh giá cả của nhiều tiệm và tận dụng các phiếu giảm giá.
Các chuyên gia phân tích tiên đoán từ đây đến Giáng Sinh, khách hàng mua sản phẩm trên mạng sẽ không dưới 1 tỷ đô la mỗi ngày.
Khách hàng dùng điện thoại thông minh, Tablet PC để mua hàng trên mạng nhiều hơn là dùng máy điện toán. Theo Trưởng Phòng Quảng Cáo Marissa Tarleton của RetailMeNot, càng gần Giáng Sinh, các món hàng như đồ chơi con nít, trò chơi điện tử, Gift Card càng có giá hạ.
Những món hàng bán chạy như tôm tươi (không phải tôm Vũng Áng) trong ngày Cyber Monday là:
Lego sets, Nerf, Shopkins, Barbie, Pie Face Showdown Game, PlayStation 4, Microsoft Xbox, Samsung 4K TVs, Apple iPhone và Amazon Fire.
Amazon cho biết Echo Dot và Pie Face Showdown Game bán chạy nhất trong các ngày Lễ Tạ Ơn, Black Friday và Cyber Monday.
Walmart cho biết Apple iPad, Samsung 55-inch Smart LED HDTV, PlayStation 4 và Barbie Dreamhouse bán chạy nhất trong các ngày Lễ Tạ Ơn, Black Friday và Cyber Monday.

Mua hàng mùa lễ, đừng tưởng… bở
Tuần Lễ Tạ Ơn, chỗ nào cũng quảng cáo “Giá rẻ nhất 2016”, “Dọn kho cuối năm, món hàng nào cũng phải bán, giá nào cũng nhận”, “Giá thấp thế này không bao giờ lặp lại”… Nhìn bảng giá, thấy hàng rẻ thật nhưng chỉ rẻ dựa theo bảng giá, nhiều nơi treo đầu heo bán thịt chó. Ví dụ như điện thoại thông minh hay máy chụp hình đời 2015 có giá niêm yết của năm 2015, giá vào năm 2016 thấp hơn nhiều.
Những điều sau đây giúp ta tránh bị hoa mắt dẫn đến mua lầm là:
– Nhìn số SKU (Stock Keeping Units) của sản phẩm, so sánh với giá bán cùng loại sản phẩm, cùng SKU tại những nơi khác. Nhiều cửa hàng như Walmart, Costco, Verizon… bán “white label – dán nhãn mình lên sản phẩm của hãng khác” (ví dụ T-Mobile bán Wireless-AC1900 Dual-Band Gigabit Router, là sản phẩm ASUS RT-AC68U) nên có số SKU khác, cần tra tìm và so sánh thêm trên mạng.
– Nhận biết giá cả thay đổi của món hàng muốn mua; đồ điện tử/điện toán năm ngoái luôn rẻ hơn hàng mới (hơn) năm nay. Xem trong quá khứ thường rẻ hơn là mấy phần trăm, từ đó suy ra giá thật sự.
– Ðừng quá tin vào lời nhận xét về một món hàng trên Instagram, eBay hay Facebook: “Nhật xét” đó có thể giả. Tra tìm và đọc nhận xét của nhiều trang nhà khác nhau.
LƯU Ý: Dùng thảo trình chận cookies (như NoScript cho Firefox hay ScriptSafe cho Chrome) trong khi mua hàng trên mạng, “chúng” nhận biết bạn đang săm soi món hàng qua cookie; khi chuyển sang trang nhà khác để tìm giá rẻ hơn “chúng” sẽ theo chân bạn qua kỹ thuật “drip marketing”, kỹ thuật “retargeting” và/hoặc gửi tới bạn những quảng cáo về một món hàng tương tự.
HV