Menu Close

Thơ Phù Hư

4ffc536a312b26656758f3d6a105cdc8Chúng ta đã từng xúc động khi đọc thơ viết về cuộc chiến trên đất nước của các tác giả Tô Thùy Yên, Nguyễn Bắc Sơn, Hà Thúc Sinh, Trần Hoài Thư, Phạm Ngọc Lư, Vũ Hữu Định, Kim Tuấn… Nhưng còn một nhà thơ nữa cũng viết về chiến tranh rất đặc sắc ít được nhắc đến đó là Phù Hư.

Phù Hư tên thật Nguyễn Đắc Ngân, sinh ngày 17 tháng Chạp năm Canh Dần (24 tháng 1-1951), tại Hải Dương. Thuở nhỏ ông học và sống ở Huế; từ năm 1972 tới nay, định cư tại Saigon. Ông đã có thơ đăng các báo Khởi Hành, Văn, Thời Tập, Đứng Dậy, Mỹ Thuật Thời Nay, v.v….

Thơ Phù Hư trước hết là thơ chiến tranh. Ở đây, ta gặp những nét hung bạo khốc liệt của chiến trận giữa đá núi cây rừng suối khe tàn độc và tiếng pháo dội đêm đêm. Bên cạnh đó là những câu thơ tình đời thường, nghĩa là không có vẻ gì khinh bạc số phận rủi may vì mũi tên hòn đạn vô tình mà bỏ lại người yêu; chỉ là thơ nhắc nhở người vợ hiền hay người tình chưa cưới hãy chờ đợi, hãy lo cho con thơ, cho cha mẹ già, cho mảnh vườn hay ruộng nương lợi tức ít ỏi. Như khi yểm quân cạnh nhà một thiếu phụ có chồng cũng đi lính đã rất lâu, không biết sống chết ra sao mà bặt tin tức gửi về – người lính chắc có ý nghĩ thầm kín khi đêm khuya nghe tiếng nàng thở dài, vì chàng ngủ bên hông nhà chỉ cách ngăn bởi một vách đất. Bài thơ này nhan đề “Ngậm Thẻ Qua Sông”  với lời thơ nhiều chỗ rất hay, đã đóng góp một nét độc đáo vào thơ thời chiến ở Miền Nam.

Ngoài ra, Phù Hư còn có những bài thơ lục bát với ngôn ngữ đẹp, đầy sáng tạo, sánh ngang với những câu thơ lục bát hay đương thời. Sao Khuê

 

Lục bát của phù hư

“mây ngâm úng nước chiều trời

chuông xô tháp nhọc nặng lời chia tay

ở lâu nhà ngủ phố lầy

nhạc phao tin ngựa rong đầy phố câm

thấp hiên điện ủng tin buồn

mười năm ngựa nhược theo phường bát âm…”

                                      (Phù Hư, “Ngựa ô vong”)

 

 

“nẻo em cồn bão đêm tù

núi khi tàn xuống biển từ dâng lên

cách em đến mấy nghìn đêm

môi còn ẩn nụ hôn riêng ban đầu.”

                          (Phù Hư, “Nụ hôn đầu”).

 

 

“… nghe ngày hạ phố thốt âm

đậy chăn tôi vẫn tưởng lầm chiêm bao

đêm còn lạnh với lên cao

gió chen với nắng xôn xao cửa ngoài

xa kèn huyễn vọng bên tai

bến sâu giờ chắc phơi đầy biệt ly

hối ngày xe đuổi nhau đi

quán chôn tiếng khách bàn ghi chỗ ngồi…”

                           (Phù Hư, “Ngụy âm”)

e4f9561cb520b888ae02529fcd23d64b

Ngậm thẻ qua sông

thơm lửa hương khoai tiếng hát rừng

ven thôn vừa ghé buổi di quân

khói mẹ sau lều cơm chín tới

nước em chè lá đậm phèn sông

 

tôi đời trận mạc xa quê quán

buổi ghé nương em núp bóng nhà

em nhớ thương chồng đóng đồn ải xa

lâu tin vắng trông mòn đường xóm

 

tôi ở quá bên hông nhà gió sớm

đợi dùm em tin chinh chiến gởi về

đêm nay mưa em mất ngủ khuya

tôi lạnh gió tin địch về vẫn thức

làng em ở gió lào qua rất độc

ngày mưa mùa khuất núi mù sông

mẹ già mong một mụn cháu đầu lòng

em nhắn gởi bao lần tin vẫn biệt

rụng vườn em trăng sương ngày tháng chạp

tôi gác đêm như bóng người rình

 

tối nay đạn nổ nhẹ mạn sông

sương mỏng quá nhìn hoa ngàn con mắt

tôi giữa đêm nghe mình như thất lạc

thương xóm nhà biết nổ đạn vào đâu

 

đồng đội tôi ngủ mệt thôn sâu

ngại làm động mẹ ho vừa chợp mắt

tôi nương bóng nhà trăng che khuất

ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi

nhìn xa trăng định trốn sau đồi

sông tiếng vạc dặm buồn như tiếng cú

thức có khua mới nghe hồn bớt ngủ

mới hay trăng tháng chạp úa quanh đời

nghe em thở não mãi không thôi

em thở đó hay gió kêu mùa giá

nhà em ở miệt đông xóm hạ

bên triền sông không bến phải vắng thuyền

đầu trăng con nước rất vô duyên

lên mấp mé vườn em vai phơi áo

em rất nhỏ ngày trông vào gánh gạo

mẹ thì già vồn cải với nương rau

bước sau hiên vui mẹ dây trầu

mùa tốt lá xanh hồn tôi mới ghé

buổi mới đến cau cao vừa nhú bẹ

em thẹn thùa tôi tưởng thuở bình yên

tôi đâu hay em có nỗi hờn riêng

trông chinh chiến gọi hồn chồng theo gió

một tháng tròn ngỡ như ngày thuở nhỏ

 

em là em mẹ là mẹ xưa

tôi lêu nghêu lúc đi sớm về trưa

cơm nửa buổi giữa khuya kêu bụng đói

nhà thưa quạnh tôi gượng vui chẳng nổi

mẹ thẫn thờ em heo bóng trong sân

 

tôi trận mạc nhầu không kể đến thân

sương nhiều lắm trời không che nằm đất

em vẫn bảo tôi mái tranh không chật

tôi cười xòa xó xỉnh miết đâm quen

 

tròn tháng rồi đấy nhớ không em

hôm từ biệt quanh thôn nhà cửa khép

lúc quân đi chắc em không hề biết

đội tôi ngùi ngùi ngậm thẻ qua sông

còn tôi co ro lạnh mãi gió đông

một lần cuối nhìn nhà em đóng kín

tin chồng em chắc chưa về đến bến

như tin tôi mấy thuở gởi thăm nhà

cũng mấy năm rồi biền biệt phương xa

em còn nhớ một lần tôi ghé ở

thơm lửa hương khoai vùi bếp cũ

hồn em xa lắm cũng quanh đây

1972