Cả trà xanh lẫn trà đen đều hái từ cây camellia sinensis. Xuất xứ từ Trung Quốc, cây này lúc ban đầu, vào thời nhà Thương (1600 BC – 1046BC), được dùng làm dược liệu. Ðến đời nhà Tần (thế kỷ 3 BC), nó trở thành thức uống phổ biến, nhưng chỉ dùng lá cây chứ không pha chế với thứ khác để thành dược liệu như trước.

Khác biệt giữa hai loại trà nằm ở cách chế biến. Lá trà được hái từ cây và sấy khô ngay, dùng chảo rang lên trên bếp lửa, hoặc hấp. Nhiệt nóng đủ nên ngăn lá trà không bị oxyt-hóa và giữ được màu xanh lục. Ðó là trà xanh (green tea).

Còn lá trà dùng làm trà đen (black tea) thì được để cho lên men (hoặc oxyt-hóa) hoàn toàn. Cách thức nói chung ở đây là cuộn lại, xé nhỏ, hoặc vò lá để giúp cho tiến trình oxyt-hóa (tương tự như tại sao bên trong trái táo biến thành màu nâu khi bạn phơi nó ra không khí). Sau đó lá được làm khô, như phơi dưới nắng hoặc dùng máy sấy. Vì bị oxyt-hóa, lá trà biến dần thành màu đen.

Người Mỹ thích dùng trà đen (84%) hơn trà xanh (14%). Thú uống trà chỉ phổ biến tại Anh từ thế kỷ 18, lúc trà được đưa lậu vào nước thành một thương vụ lớn. Tuy vậy, dân Anh không uống nhiều trà bằng người Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nay mỗi đầu người tiêu thụ tới 7.682 kg một năm. Trà được đưa vào châu Âu do ưu đãi về thương mại của Bồ Ðào Nha đối với Trung quốc. Jasper de Cruz, một linh mục Dòng Tên, được cho là người đầu tiên đem trà về Bồ Ðào Nha sau chuyến viếng thăm Trung quốc năm 1590.
Một loại trà phổ biến khác là trà ô-long (oolong). Trà này chế biến giống như trà đen ở giai đoạn đầu, nhưng không để cho thời gian oxyt-hóa kéo dài. Tùy loại và tùy nhà sản xuất, thời gian oxyt-hóa được “canh” sao cho vừa đủ để cho ra thứ trà hoặc gần với trà xanh, hoặc gần với trà đen; sau đó lá trà được rang khô tương tự trà xanh để ngưng tiến trình oxyt-hóa ở giai đoạn này.

Còn một thứ trà khác là bạch trà (white tea), được làm bằng cách hái lá và chồi non vào thời điểm đầu năm khi búp còn đóng kín. Sau đó, lá và chồi được phơi khô ngoài nắng hoặc bằng các phương pháp khác để hạn chế tối đa tiến trình oxyt-hóa.

PN