Menu Close

Vật tổ của các bộ tộc châu Phi

Người phương Tây có sở thích xăm hình trên cơ thể với mục đích nghệ thuật chứ không đơn thuần khắc trên da mặt thành sẹo mang màu sắc truyền thuyết dân tộc như một số sắc dân ở châu Phi. Tuy ngày nay, tục lệ khắc trên da mặt tại lục địa đen này không còn nữa, nhưng những người còn mang những vết sẹo xưa kia sẽ cho ta biết vì sao có tục lệ này. Nó không phải nghệ thuật, mà là mang một ý nghĩa gắn bó mật thiết với cộng đồng nơi họ đang chung sống. Tính cộng đồng ở các bộ tộc châu Phi rất rõ nét. Một cá nhân không là gì cả trong quan niệm của thuyết vật linh.

vat-to-cac-bo-toc-phi-chau7
Lễ hội dân gian của bộ tộc Bwana tưởng nhớ sinh hoạt lễ hội ngày xưa của tổ tiên- Nguồn: Burkina Faso.festival

Ý nghĩa của mỗi hình tượng sẹo khắc trên khuôn mặt của người Burkina Faso và Mali cùng nhiều bộ tộc nhỏ khác sống tại châu Phi thay đổi tùy theo vùng lãnh địa của nhóm bộ tộc. Có nhiều hình tượng được khắc trên khuôn mặt trẻ em từ khi mới lọt lòng. Những bộ tộc châu Phi quan niệm rằng, vết sẹo để lại nhằm cụ thể hoá tiếng khóc chào đời của đứa bé. Việc cắt rốn cho đứa bé mới chào đời là hành động tách nó khỏi thế giới đầu thai để đưa nó về thế giới hiện tại. Mỗi khuôn mặt người đều phải có hình tượng vật tổ của bộ tộc chứng minh sự gắn kết với cộng đồng mà tổ tiên bao đời của bộ tộc đó xây dựng nên.

vat-to-cac-bo-toc-phi-chau6

vat-to-cac-bo-toc-phi-chau5
Khuôn mặt người phụ nữ và đàn ông tộc Bwana được khắc biểu tượng linh vật chân nhện trên khuôn mặt – Nguồn: Dodhomagazine

Augustin Zida, giáo sư sử học và địa lý của người bộ tộc Bwana bước sang tuổi lục tuần kể chuyện với phóng viên National Geographic như sau. Ông là thế hệ cuối cùng được khắc trên da mặt. Trên trán ông khắc hình tượng con nhện trong hệ vật tổ của bộ tộc mình. Truyền thuyết cách đây rất lâu kể rằng, Kouaho – người đầu tiên đã tạo lập ra ngôi làng Dossi thuộc nước Burkina Faso ngày nay. Ông đi tìm miền đất mới để sống sau trận cuồng phong quét sạch toàn bộ cây cối nhà cửa trong làng nơi ông sinh ra và lớn lên. Hạn hán kéo dài, người dân trong làng không còn kế sinh nhai buộc phải lang thang đi tìm đất sống. Trong lúc Kouaho tìm cách vượt qua khỏi khu rừng thì bị một nhóm bộ tộc ăn thịt người chỉ có một mắt ngay giữa trán tấn công. Kouaho hoảng sợ, bỏ chạy thì bỗng nghe một giọng nói nhẹ nhàng từ phía sau: “Ngươi đừng hoảng sợ, ta sẽ giúp ngươi diệt trừ bọn ác quỷ đó”. Ông quay lại thấy một con nhện nói tiếng người. “Ta sẽ dùng tơ của mình vẽ lên trán ngươi một con mắt thần và ngươi sẽ được một con rắn khổng lồ bảo vệ”.

Augustin dừng lại một chút khi phóng viên của tờ National Geographic tỏ vẻ ngạc nhiên, là một giáo sư sử học sao lại tin một câu chuyện hoang đường như thế. “Hoang đường cho nên mới là truyền thuyết của vật tổ bộ tộc chúng tôi. Và chúng tôi giải mã truyền thuyết đó theo cách bộ tộc tôi tin rằng tại sao tổ tiên chúng tôi từ ngàn xưa đã khắc lên khuôn mặt mình những vết sẹo mà ngay cả những nhà nghiên cứu nhân chủng học thế giới cũng không thể giải thích được những hình tượng được cho là “thần linh” trong cuộc sống của nhiều bộ tộc khác nhau trên lục địa châu Phi huyền bí. Chẳng hạn bộ tộc Bwana quan niệm, cuộc sống bắt đầu bằng sự kết hợp của Mặt Trời và Mặt Trăng và con người là kết quả của cuộc hôn phối đó. Do vậy, đứa bé gái sơ sinh của bộ tộc Bwana xưa từng được các tộc trưởng khắc lên da mặt hình tượng Mặt Trăng và những đứa bé nam được khắc trên trán biểu tượng những tia nắng của thần Mặt Trời.

vat-to-cac-bo-toc-phi-chau4

vat-to-cac-bo-toc-phi-chau
Tuỳ theo vùng, mỗi bộ tộc ở châu Phi có dấu khắc trên khuôn mặt khác nhau – Nguồn: Corbis

Giáo sư Augustin Zida trở lại câu chuyện lúc Kouaho bị bộ tộc ăn thịt người vây hãm, ông chống chọi với năm chiến binh một mắt nhờ con mắt thần của con nhện vẽ trên trán mà thấy rõ được tất cả những âm mưu của bọn người ăn thịt. Con rắn khổng lồ trợ lực nổi lên những trận cuồng phong quật ngã những chiến binh giúp Kouaho thắng trận và tận diệt toàn bộ thổ dân ăn thịt người. Từ đó về sau, bộ tộc Bwana sống trong sự bình yên. Hình tượng vật tổ con nhện vẽ rằn ri như những dấu chân nhện còn lưu lại trên khuôn mặt nhiều người thuộc bộ tộc Bwana ở tuổi 60 ngày nay cho dù câu chuyện này xảy ra cách đây mấy trăm năm.

Bây giờ, chúng ta quay sang bộ tộc Mossi. Một số người Mossi khắc sẹo trên cơ thể để làm đẹp không xem đó là vật tổ biểu tượng tính cộng đồng bộ lạc. Vậy vật tổ của người Mossi là gì? Chú ngựa Ouedraogo được vẽ trên quốc huy của nước Cộng hòa Burkina Faso.

vat-to-cac-bo-toc-phi-chau3
Lễ hội của người Mossi – Nguồn: Morris.festival

Chuyện bắt nguồn từ truyền thuyết xa xưa do anh Bayide Nakanabo cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Burkina Faso kể về huyền thoại ra đời bộ tộc Mossi của anh. “Hồi xưa, công chúa Yennenga ham thích cưỡi ngựa tham gia đội chiến binh của cha mình là vua Na Nédéga. Một lần, cưỡi ngựa ngang qua khu rừng, công chúa bị lạc và phải lánh tạm vào lán trại của một chàng trai săn bắt voi rừng tên là Rialé. Chàng trai có sức mạnh vô song. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với chàng trai dũng mãnh khiến công chúa đem lòng yêu thương. Mối quan hệ này đã cho ra đời một bé trai tên là Naba Ouedraogo (Ouedraogo tiếng Mossi là con ngựa). Về sau, khi cha mẹ qua đời, Naba Ouedraogo được xem như tổ tiên chung của bộ tộc Mossi. Ouedraogo có hai người con: một tên là Naba Rawa cai trị vùng Yatenga, người thứ hai tên là Naba Zoungrana lập ra xứ Oubritenga. Hai vương quốc Yatenga và Oubritenga trải rộng khắp vùng Tây Phi cho đến tận cuối thế kỷ 19. Hai vương quốc trên sau này thống nhất lại thành nước Burkina Faso và hình tượng chú ngựa Ouedraogo ngoài là biểu tượng quốc huy, nó còn là vật tổ thờ cúng của bộ tộc Mossi.

Còn Fabrice Legendart, cái tên gợi nên nhiều truyền thuyết về nguồn gốc khi anh sinh ra và lớn lên tại đất nước Guyana thuộc địa của Pháp ngày xưa. Tuy nhiên, anh vẫn luôn nhớ về nguồn gốc châu Phi của mình từ thế hệ cha anh, một người Sudan thuộc bộ tộc Nuba và mẹ anh người Madagascar. Dù sống ở một đất nước xa xôi thuộc Nam Mỹ nhưng trên cơ thể anh lại là một hình ảnh mang dấu tích cha ông ở tận châu Phi bằng những hình xăm nổi như những vết sẹo trên ngực. Anh kể ở đây, một cộng đồng thiểu số người bộ tộc Nuba vẫn nhớ đến tổ tiên của mình, chúng tôi sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền xăm không nhỏ để mong tìm về nguồn gốc châu Phi của mình.

vat-to-cac-bo-toc-phi-chau2
Con ngựa là biểu tượng vật tổ của tộc Mossi và cũng là biểu tượng quốc huy của nước Burkina Faso – Nguồn: Wiki

“Tôi khắc sẹo trên da bằng một ý thức thôi thúc mạnh mẽ, thể hiện tình yêu mến quê cha đất tổ ngay trên chính da thịt của tôi. Ðó là giá trị văn hoá của bộ tộc người Nuba chúng tôi khiến tôi luôn muốn gắn kết mối liên hệ giữa tôi và tổ tiên ngày xưa. Những hình ảnh khắc xăm trên cơ thể mình thể hiện những biến cố quan trọng trong cuộc đời tôi, khi qua khỏi những cơn bệnh nặng, những tai ương từ đâu đến. Ðó cũng là cách biểu hiện tối đa tính cách châu Phi và tôi sẽ sống mãi với những biểu tượng này. Ðối với tôi hình ảnh khắc xăm có ý nghĩa như một linh vật mà tôi tôn thờ đem lại sự may mắn, bình yên trong cuộc sống và nhớ về nguồn cội”.

Tại châu Phi, một cá nhân riêng biệt không có ý nghĩa gì cả mà phải gắn bó mật thiết với cộng đồng nơi mình chung sống. Người châu Phi ý thức rằng việc khắc xăm lên cơ thể mình như cha ông từng làm vì sợ người khác xem rằng mình là một cá thể biệt lập trong bộ tộc. Trong vài tộc nhóm, cá nhân là biểu tượng cho một thực thể bị một sinh vật huyền bí nào đó giết hại, sau đó được đầu thai (sinh ra) và phải mang trên khuôn mặt hay thân thể mình những dấu vết còn lại của con vật đó. Nó trở thành dấu ấn và thành linh vật như một loại giấy thông hành để cá nhân đó chính thức được gia nhập cộng đồng. Ðối với người dân tộc khác thì họ xem đấy là những ký hiệu khó hiểu, lạc hậu của những bộ tộc sơ khai chưa tiếp cận văn minh. Nhưng với các nhà nhân chủng thì đó là những biểu tượng về các huyền thoại, truyền thuyết của cội nguồn dân tộc.

vat-to-cac-bo-toc-phi-chau1
Người bộ tộc Nuba, Sudan xăm mình thập niên 1970 – Ảnh: Leni Reifenstahl

NL – Theo National Geographic